Thứ Bảy trong tuần thứ XXXI – TN : TA HÃY TRỞ NÊN ĐỀN THỜ THIÊN CHÚA

Chia Sẻ Lời Chúa Hằng Ngày - Nov 08/11/2024

Thứ Bảy trong tuần thứ Ba Mươi-Nhất Mùa Quanh Năm

Lễ cung hiền đền thờ Thánh Gioan Latêranô

Pl 4:10-19; Tv 112:1-2,5-6,8,9; Lc 16:9-15

TA HÃY TRỞ NÊN ĐỀN THỜ THIÊN CHÚA

 

          Ta được thánh thiện hơn nên trở thành vật thánh và đền thánh. Chúng ta phải bảo toàn đền thờ của Thiên Chúa… và đồng thời phải nhớ “thành xây trên núi không thể khuất được” thì đền thờ của Chúa là thân mình chúng ta cũng phải có những hành động tốt chiếu sáng ra chung quanh cho mọi người biết có sự hiện diện của Thiên Chúa.

Mừng lễ Cung hiến Ðền thờ, ta phải nghĩ về đền thờ thiêng liêng; nhưng cũng phải quí đền thờ hữu hình của giáo xứ chúng ta và quyết tâm làm cho đền thờ này cũng đẹp đẽ sốt sắng như đền thờ trong tâm hồn.

Qua một số tài liệu, chúng ta biết được rằng: Đây là thánh đường đầu tiên được xây dựng sau gần 300 năm Giáo hội bị bách hại; được cung hiến ngày 9 tháng 01 năm 324 do Đức Giáo Hoàng Sylvester; mang tước hiệu là Vương Cung Thánh đường Chúa Cứu Thế vì được dâng kính cho Chúa Cứu Thế; sau này, vào thế kỷ thứ XII, vương cung thánh đường này được dâng kính thánh Gioan Baotixita và thánh Gioan Tông đồ; là nhà thờ chính tòa của Giáo Phận Rôma có ngai tòa Đức Giáo Hoàng, có giếng rửa tội lâu đời nhất của Rôma; là nhà thờ Mẹ và là Đầu của mọi nhà thờ trên thế giới. Qua dòng lịch sử, thánh đường Latêranô được tái thiết nhiều lần. Sau thời gian tái thiết lớn, Ngày 28 tháng 04 năm 1726, Thánh Đường Latêranô được Đức Thánh Cha Benêđitô XIII thánh hiến lại và đặt ngày 9 tháng 11 hằng năm là ngày lễ kỷ niệm cung hiến như hiện nay.

Qua biến cố cung hiến đền thờ Laterano nhắc chúng ta nhớ đến ơn của Bí Tích rửa tội là tẩy rửa chúng ta khỏi sự nô lệ, ràng buộc của tội lỗi, được sống sự tự do của con cái Thiên Chúa. Bí tích rửa tội cho chúng ta được trở nên con Thiên Chúa, trở nên con của Giáo Hội, và trở nên anh chị em với nhau. Với ý nghĩa như thế, chúng ta được mời gọi cùng nhau xum họp trong nhà Chúa, cùng chung lời tạ ơn Thiên Chúa và làm nên một dân tộc thánh thiện, một dân mới của Chúa. Vì thế, chúng ta phải ra sức sống cho xứng đáng với ơn này.

Trang Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu nói với những người Do Thái rằng: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi. Nội trong ba ngày, Ta sẽ xây dựng lại”(Ga 2,19). Người Do thái không hiểu ý Đức Giêsu, họ nghĩ rằng Ngài nói tới đền thờ vật chất, nhưng “Đền Thờ Chúa Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người” (Ga 2,31). Đúng như lời Ngài tiên báo: sau ba năm cuộc đời công khai, Ngài đã bị bắt, bị giết chết trên thập giá và ngày thứ ba Ngài đã sống lại.

Từ đó, trong các nhà thờ của Giáo hội Công Giáo được xây dựng thường có: bàn thờ là nơi dâng lễ hằng ngày, vì “thánh lễ là Hy tế Chúa Giêsu nhờ tay Linh mục hợp cùng toàn thể dân Chúa mà dâng mình cho Đức Chúa Cha như xưa chính Người đã dâng mình trên thánh giá”; nhà tạm là nơi đặt để Mình Thánh Chúa; một số nhà thờ còn có nơi đặt Lời Chúa. Như vậy, mọi đền thờ chúng ta xây dựng đều để tôn thờ Thiên Chúa. Vì vậy, nếu nhà thờ bị tục hóa, tức là sử dụng vào các mục đích khác thì không còn là nhà thờ nữa. Chính vì thế, khi thấy những người Do thái buôn bán, đổi chác trong đền thờ, Đức Giêsu đã đánh đuổi họ ra khỏi đó và tuyên bố rằng: “Đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”(Ga 2,16).

Ngày xưa cũng như hôm nay, đền thờ hay nhà thờ luôn gắn liền với người kitô hữu. Bởi vì: Thứ nhất, những biến cố quan trọng trong cuộc đời người kitô hữu thường diễn ra tại nhà thờ. Khi mới sinh ra, chúng ta được cha mẹ bồng đến nhà thờ để lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Khi đến tuổi khôn, chúng ta được lãnh nhận các Bí tích: Giải tội, Mình Thánh Chúa, Bí tích Thêm Sức cũng tại nhà thờ. Dù lấy vợ lấy chồng hay đi tu thì việc cử hành Bí tích Hôn phối, Bí tích Truyền chức hay khấn dòng cũng thường diễn ra tại nhà thờ. Thứ hai, nhà thờ là nhà của Chúa, là nơi Chúa Giêsu Thánh Thể ngày đêm ngự nơi nhà tạm. Vì vậy, nhà thờ là nơi người kitô hữu được gặp gỡ Chúa thường xuyên qua thánh lễ, chầu Thánh thể và cầu nguyện chung sáng tối với cộng đoàn và cầu nguyện riêng, nhất là khi cảm thấy mệt mỏi cần được Chúa bổ sức, như lời Chúa mời gọi: “Hỡi những ai gồng gánh nặng nề, hãy đến đây ta sẽ vỗ về ủi an” (Mt 11,28).

Chính vì vậy, hầu hết người kitô hữu rất yêu mến nhà thờ: Không tiếc dâng cúng công của để xây dựng hay sửa chữa nhà thờ; khi cần thiết họ quyết tâm bảo vệ và gìn giữ nhà thờ bằng mọi giá; có thái độ trang nghiêm khi tới nhà thờ …

Đền thờ vật chất có vai trò rất quan trọng đối với người kitô hữu. Thế nhưng, có một đền thờ khác quan trọng hơn, đó chính là tâm hồn mỗi người chúng ta. Bởi vì, chính tâm hồn mỗi người chúng ta cũng là đền thờ của Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã nói rằng: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1Cr 3, 16). Vì vậy, chúng ta phải tôn trọng thân xác chúng ta, xây dựng tâm hồn chúng ta xứng đáng bằng cách: xa tránh tội lỗi nhất là tội trọng; nếu lỡ may sa ngã phạm tội hãy cố gắng ăn năn thống hối và kịp thời lãnh nhận bí tích Giao hòa; ngoài ra, hãy làm nhiều việc lành phúc đức để trang hoàng đền thờ tâm hồn sạch đẹp.

Mừng lễ Cung hiến đền thờ, chúng ta không mừng ngôi đền thờ bằng gỗ, đá, nhưng chúng ta mừng vì đền thờ chính là nơi Thiên Chúa chọn để ở giữa dân Người, là nơi được dành riêng cho Thiên Chúa và từ nơi này, ân sủng của Thiên Chúa được trao ban cho con cái loài người. Tiên tri Ezekiel trong một thị kiến, ông đã được bước vào đền thờ của Thiên Chúa, một ngôi đền nguy nga, lộng lẫy và ông đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra và nước ấy chảy đến những ai thì tất cả đều được cứu rỗi, được tràn đầy sức sống. Dòng nước ân sủng ấy như dòng sông đem phù sa bồi đắp và làm cho mọi loài, mọi vật được tốt tươi và sinh nhiều hoa trái : trái dùng làm lương thực và lá dùng làm thuốc. Thị kiến này cho thấy ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ chảy ngang qua đền thờ của Ngài để tưới giội cho tâm hồn tất cả các tín hữu, làm cho cuộc sống các tín hữu được phì nhiêu, phong phú, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi vật, mọi loài.

Trong ngày lãnh Bí tích rửa tội, đền thờ là tâm hồn và thân xác chúng ta đã được cung hiến cho Thiên Chúa, tức là dành riêng làm nơi Chúa cư ngụ. Thánh Phaolô đã nhắc điều đó : Anh em không biết rằng anh em là đền Thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần của Thiên Chúa ngự trong anh em sao ? Vì thế, mỗi người cần trả lại sự thánh thiêng, trong sạch cho tâm hồn bằng việc loại bỏ những gian tham, dâm ô ; lật đổ khỏi mình những nếp sống cũ là thói hư tật xấu, là lười biếng và thay vào đó là sự nhiệt thành và lòng tôn kính dành cho Thiên Chúa ngự trong đền thờ tâm hồn. Hãy làm cho đền thờ tâm hồn nên trong sạch nhờ năng thanh tẩy bởi Bí tích giải tội và trang hoàng tâm hồn bằng các nhân đức cùng những việc lành, việc bác ái hy sinh.

Gia đình là đền thánh của Thiên Chúa, là hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi, là nơi Chúa chọn để Ngài thực hiện quyền năng trao ban sự sống. Vì thế, các bậc cha mẹ hãy thanh tẩy, làm mới lại gia đình của mình. Hãy làm cho gia đình luôn vang lời ngợi khen cảm tạ Thiên Chúa thay vì những lời càm ràm chửi bới. Hãy làm cho gia đình thực sự trở nên thánh thiêng bất khả xâm phạm. Mỗi thành viên cần phải liên tục vun đắp và trang hoàng cho gia đình mình xứng đáng là đền thánh của Thiên Chúa. Đừng bao giờ đem vào gia đình những lối sống ô uế, những gian tham lừa lọc và cũng đừng bao giờ biến gia đình thanh nơi buôn bán, lọc lừa, gian dối nhau.

 

Lm Anton Tuệ Mẫn CSsR

 

21:31 01/11/2024
22:03 31/10/2024