Thứ Bảy Tuần XIII Thường Niên
THÁNH TÔ-MA TÔNG ĐỒ, lễ kính
Ep 2,19-22; Ga 20,24-29.
ĐỪNG CỨNG LÒNG NHƯNG HÃY TIN
“Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người,
nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh
và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”
Thánh Tôma, tông đồ, một người trong nhóm 12, đã được Chúa Giêsu tuyển chọn, đã đi theo Chúa, đã được Chúa hun đúc, huấn luyện. Tôma cũng là người bị liệt vào hạng cứng tin, nhưng thực tế ra sao ? Tôma có tin vào Chúa hay cũng chỉ lơ mơ, lờ mờ theo Chúa, rồi bỏ Chúa ?
Thánh Tôma, còn gọi là Đyđimô nghĩa là sinh đôi, người quê tại xứ Galilêa, là một trong số mười hai môn đệ của Chúa Giêsu. Các Tin mừng nhất lãm và đặc biệt Tin Mừng của thánh Gioan đã thuật lại việc Chúa Giêsu chọn Tôma. Các Tin Mừng đều cho ta thấy Tôma là người nhiệt thành, hy sinh, tận tụy và xả kỷ. Thánh Gioan thuật lại rằng một lần khi nghe tin Ladarô chết đã bốn ngày, Chúa Giêsu muốn về Giuđêa để hồi sinh Ladarô, nhưng ở đó các người Do Thái đang tìm cách giết Chúa Giêsu:” Thưa Thầy, mới đây người Do Thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy còn đến đó sao ?”( Ga 11, 8 ). Chúa nói với các môn đệ:” Nào chúng ta cùng trở lại miền Giuđê”( Ga 11, 7 ). Mình thánh Tôma đã mạnh dạn, can đảm nói với các tông đồ :” Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy”( Ga 11, 16 ).
Trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu, Tôma cũng như các môn đệ khác đều sợ sệt, nhát đảm và trốn tránh vì sợ khó khăn, sợ chết. Khi Chúa Giêsu sống lại, Tôma vì là người thực tế đã muốn thấy Chúa cách nhãn tiền Ông đã nói với các tông đồ bạn một cách rất chân thành và thực tế:” Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”( Ga 20, 25 ).
Đức tin của Tôma phải được kiểm chứng rõ ràng, Ông rất thực tế và đây là bài học cho muôn thế hệ. Đứng trước sự thực hiển nhiên của biến cố sống lại chỉ sau tám ngày sau lần thứ nhất Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ, Tôma đã bị Chúa Giêsu phục sinh khuất phục hoàn toàn, Ngài chỉ biết thốt lên với tất cả con tim:”Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”( Ga 20, 28 ).
Chúa Giêsu đã nói với các một đệ khi Người còn sống với các ông:” Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình đi vác thập giá hằng ngày mà theo Ta”( Lc 9, 23). Chúa cũng đã cảnh cáo là các môn đệ sẽ bị thế gian thù ghét:” Hãy coi chừng người đời, họ sẽ nộp các ngươi cho công nghị và họ đánh đòn các ngươi trong các hội đường của họ. Vì Ta, các ngươi sẽ bị điệu đến trước quan quyền và vua Chúa để làm chứng trước mặt họ và các dân ngoại. Các ngươi sẽ bị mọi người ghét vì danh Ta, nhưng ai bền vững đến cùng, người ấy sẽ được rỗi”( Mt 10, 17-22 ). Sau khi Chúa phục sinh về trời và sau khi các tông đồ lãnh nhận Chúa Thánh Thần, theo lệnh truyền của Chúa sống lại:” Anh em hãy đi khắp mọi nơi…”( Mt 28,19 ) Thánh Tôma, tông đồ đã đi rao giảng ở Patia, Ba Tư. Thánh nhân cũng tới loan báo Tin Mừng tại Ấn Độ và được phúc tử đạo tại đó. Thánh nhân là một người thu thuế nhưng khi đã có Chúa Thánh Thần và khi đã được đổi mới, Ngài đã hăng say rao giảng Tin Mừng và sẵn sàng theo bước chân của Thầy chết vì yêu.
Ngày hôm nay chúng con hoan hỷ, mừng lễ thánh Tôma tông đồ. Xin nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp mà củng cố lòng tin của chúng con, để chúng con được sống muôn đời, khi cùng với thánh nhân tuyên xưng Đức Kitô là Chúa (Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Tôma, tông đồ).
Biến cố tử nạn của Chúa Giêsu đã làm tâm trạng các môn đệ thêm trĩu nặng, mất phương hướng, bao hy vọng tiêu tan chỉ còn lại nổi sầu đau ảm đạm, cộng thêm sự sợ hãi vì bắt bớ của những người Do Thái. Các môn đệ lần lượt rời Giê-ru-sa-lem, trong đó có cả Tô-ma, thành viên của nhóm tông đồ. Do vậy, khi Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với các môn đệ, hiện ra với nhóm tông đồ, Tô-ma không có mặt. Ông đang buồn rầu, bi quan, chán nản đến độ không muốn gặp các thân hữu, ông đóng cửa ở nhà một mình. Ông luôn ôm ấp sự bất mãn, thất vọng, buồn phiền… Thế là Tô-ma hụt mất cơ hội diện kiến Đấng Phục sinh.
Thế nhưng, khi gặp lại các thân hữu họ kể cho ông nghe “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” thì ông lại không tin. Bởi lẽ, ông là một người sống rất thực tiễn, luôn đòi hỏi sự minh xác bằng lý trí, sự kiểm chứng bằng giác quan. Ông muốn được tự mình kiểm chứng, thấy tận mắt, sờ tận tay: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” và đó là điều kiện ông cần để tin. Bởi trong suy nghĩ của ông, nếu Thầy đã Phục sinh chắc hẳn vẫn còn mang những vết thương nơi thân xác.
Một điều thật lạ là Đấng phục sinh ấy lại chiều theo ý của ông, bởi Ngài biết đầu óc ông thực tiễn và bằng tình yêu Ngài không muốn mất ông (x.Ga 17,12). Khi hiện ra lần nữa (tám ngày sau), sau lời chúc bình an, Chúa Giêsu đã gọi chính tên ông và nói: “Tô-ma hãy đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Rõ ràng, Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra lần này như thể cho chỉ một mình ông, và mời ông làm những điều mà ông đã đòi hỏi.
Chúng ta không rõ Tô-ma có dám làm những điều ông muốn xác minh hay không, nhưng chắc một điều là chính thái độ bao dùng và yêu thương của Thầy dành cho ông đã chinh phục tâm hồn ông. Cả con người ông thổn thức, run rẩy, xúc động và môi ông mấp máy rồi bật lên “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”, một lời tuyên xưng đức tin cao độ nhất, chân xác nhất và sống động nhất của Tin mừng. Lời tuyên xưng này vượt quá những gì giác quan ông có thể cảm nhận, nó là tất cả những gì bản thể người của ông muốn nói. Ông không gọi là thầy, nhưng tuyên xưng là Chúa, điều mà trước đó không chưa hề nghĩ đến khi rong ruỗi theo Chúa Giêsu.
Chính lời xác quyết đó của Tô-ma, là cơ hội cho đức tin của mỗi chúng ta, những người tin vào Chúa mà không được minh xác đức tin của mình bằng giác quan. “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” Quả vậy, con người ngày nay chịu nhiều ảnh hưởng của khoa học thực nghiệm, luôn đòi hỏi tính minh xác qua giác quan, một nghĩa nào đó chúng ta là những Tô-ma thứ thiệt. Xin cám ơn sự cứng lòng của thánh Tô-ma, cám ơn lời chứng của ngài. Chính sự cứng cỏi của ngài làm chúng ta mềm mại hơn để tin, vì chúng ta biết chắc rằng chuyện Chúa phục sinh không phải do một ảo giác tập thể.
“Phúc cho ai không thấy mà tin” còn là một đặc ân cho mỗi ki-tô hữu, vì mỗi chúng ta được thừa hưởng một mối phúc mà thánh Tô-ma không có được. Đó là mối phúc của người tin, không phải nhờ thấy tận mắt, mà nhờ nghe lời chứng của các môn đệ (x.Ga 17, 20), trong đó có cả Tô-ma.
Bài: Tuệ Mẫn & Video: TGPSaigon.net