Thứ Hai trong tuần thứ Ba Mùa Vọng
Ds 24:2-7,15-17; Tv 25:4-5,6-7,8-9; Mt 21:23-27
Phép Rửa của Gioan bởi đâu mà có
Trong bài Tin Mừng, một cách nào đó câu trả lời của các thượng tế và kỳ lão đặt ra cũng mang hình thức tìm kiếm sự thật. Tuy nhiên, mục đích của họ lại khác hẳn, họ muốn bắt bẻ Chúa Giêsu, muốn tìm cớ hại Ngài. Tuy thế, Chúa Giêsu vẫn khoan dung trước thái độ cố chấp của họ. Ngài đặt ra cho họ một câu hỏi của Ngài không phải là một sự bắt bẻ hoặc gài bẫy họ để họ có dịp trở lại nhưng Ngài muốn đặt họ trước một sự thật, đó là Gioan Tẩy Giả kẻ dọn đường Chúa đến với phép rửa thống hối.
Hôm nay, Đức Giêsu bị rơi vào tình cảnh thứ ba khi các Kỳ mục và Thượng tế hỏi Ngài: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?”. Đức Giêsu biết rõ sự thâm độc của họ, vì nếu Ngài nhận rằng quyền năng của Ngài do được ủy nhiệm, thì hẳn Ngài là một kẻ ly giáo và chính quyền sẽ lên tiếng vì họ sẽ gán Ngài vào cái tội gọi là phủ nhận quyền của những nhà lãnh đạo! Còn nếu Đức Giêsu nói rõ rằng: quyền đó là do Thiên Chúa trao cho Ngài, và Ngài có quyền năng như Thiên Chúa, thì Ngài sẽ rơi vào tội lộng ngôn, phạm thượng!
Khi lường trước được những hệ lụy như vậy, và “giờ” của Ngài chưa đến, nên Đức Giêsu đã hỏi ngược lại họ: “Vậy, phép rửa của ông Gioan do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?”. Nếu cái bẫy mà họ đưa ra cho Đức Giêsu để dồn Ngài vào chân tường, thì giờ đây, họ lại thay thế chỗ của Đức Giêsu khi bị Ngài hỏi ngược lại! Tuy nhiên, mục đích của Đức Giêsu thì khác họ, Ngài không muốn đẩy họ vào đường cùng, nhưng mục đích của Ngài là muốn cho họ nhận ra vai trò của Đấng Cứu Thế và giá trị đích thực của cuộc đời, hầu sám hối để được ơn tha tội.
Tuy nhiên, vẫn lòng chai dạ đá, với những mánh khóe bẩn thỉu, họ đã trả lời cách vu vơ: “Chúng tôi không biết”. Nhưng khi trả lời như thế, họ đã lãnh nhận hậu quả nặng nề, vì: họ thuộc về thành phần lãnh đạo tinh thần, nên sự xuất hiện của Gioan, họ phải biết rằng ông là ai? Đằng này không biết, chứng tỏ họ vô trách nhiệm và hèn nhát vì không dám chân nhận sự thật.
Những căng thẳng giữa Đức Giêsu và các thủ lãnh tư tế đã xảy ra. Họ khiển trách Người về những công việc Người làm mà không có quyền của ai ban cho.
Để giảng dạy trong đền thờ, phải là hàng thầy cả hay kỳ lão, phải học hành nghiên cứu và đậu bằng cấp tốt nghiệp sau thời kỳ đã được thử nghiệm. Thế mà Đức Giêsu không học trường lớn nào. Người không có bằng tốt nghiệp sư phạm hay tiến sĩ gì. Trước mặt các thầy thượng phẩm, Người không có khả năng giảng dạy trong nơi thánh. Họ kết án Người vô tài bất lực.
Họ hỏi Người: “Ông lấy quyền nào mà làm điều đó, và ai đã cho ông quyền này?”. Nói cách khác: bằng cấp ông đâu? Ủy nhiệm thư cho ông đâu? Đức Giêsu từ chối trả lời họ. Người hỏi lại họ. Câu hỏi làm họ bối rối.
Giả như Đức Giêsu cư xử cách khác, như Người nói cho họ biết Người là Con Thiên Chúa và lấy quyền Chúa Cha mà giảng dạy, thì họ có tin Người không? Chắc là không. Người xét thấy không thuận tiện để mặc khải lúc này. Vì, đối với Người, không phải có những ủy nhiệm thư hay quyền thế làm cho việc rao giảng chân lý được thích hợp thuận lợi, mà chính điều chân thật làm sáng tỏ sự thật, còn kẻ nói thì ít quan trọng.
Thiên Chúa không nhất thiết cần đến những kẻ học rộng, biết nhiều mới nói được cho chúng ta. Ngài tự nói với chúng ta qua những kẻ tin Ngài. Lời của một em bé, một cụ già, một bà mẹ có thể có giá trị quan trọng hơn lời của linh mục hay giáo sư đại học.
Quay ngược thời gian trở về với Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu cũng muốn khơi dậy nơi họ khởi động niềm tin vào Ngài, vì Gioan Tẩy Giả một vị tiên tri lớn của người Do Thái, cuộc đời và lời giảng của ông không một điểm nào đáng trách, bao người đã đến nghe ông giảng và họ lãnh nhận phép rửa thống hối. Thế mà chính bản thân ông, Gioan Tẩy Giả chỉ coi mình là tiếng kêu trong sa mạc, dọn đường cho một Ðấng đến sau ông. Trước Ðấng ấy, ông không đáng cởi dây giầy cho Ngài.
Lời của Gioan Tẩy Giả không phải là một câu nói hàm ý tâng bốc nhưng là một chứng từ cho sự thật. Về sau Chúa Giêsu đã nói rõ: “Trong những con cái do người nữ sinh ra không một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả, nhưng kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn lớn hơn ông”.
Tìm về Gioan Tẩy Giả và phép rửa của ông, các trưởng tế và các kỳ lão cũng được gọi để chấp nhận sự thật, thế mà họ vẫn cố chấp và ác ý. Sự cố chấp và ác ý đã khiến họ không thể trở thành môn đệ của Ngài, không được dạy bảo về Ngài.
Balaam là một người ngoại giáo nhưng ông đã thành thật, đã khuất phục trước Quyền Năng của Thiên Chúa, nên ông đã được Thiên Chúa dùng. Còn thượng tế và kỳ lão tuy thuộc dòng dõi được chọn nhưng vì cứng lòng cố chấp mà đã bị loại ra ngoài.
Trong thế giới hôm nay Thiên Chúa cũng vẫn đang đối thoại, đang mời gọi con người tìm về sự thật. Lời Ngài đã được nói qua Ðức Kitô một lần thay cho tất cả, mỗi biến cố chỉ là một nhắc nhở tìm về Lời và đối chiếu với Lời. Thái độ đứng trước Người, Lời đã khiến cho con người được thưởng hay là bị luận phạt.
Lm Anton Tuệ Mẫn CSsR