Thứ Hai trong tuần thứ Nhất Mùa Vọng : KHIÊM TỐN

Chia Sẻ Lời Chúa Hằng Ngày - Dec 01/12/2024

Thứ Hai trong tuần thứ Nhất Mùa Vọng

Is 2:1-5; Is 4:2-6; Tv 122:1-2,3-4,4-5,6-7,8-9; Mt 8:5-11

KHIÊM TỐN

 

So với những người Do thái, viên đại đội trưởng trong Tin mừng hôm nay là một người ngoại quốc, có chức quyền, địa vị trong xã hội. Ông là một người tốt, yêu thương, quan tâm đến mọi người, kể cả những người đầy tớ. Vì thế ông đến xin Chúa Giê-su chữa bệnh cho một người đầy tớ của mình.

Chúa Giê-su đã ca ngợi ông ta có một lòng tin mà chưa có người Do thái nào có. Bởi vì ông đã thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh” (c.8). Bởi đâu ông ấy có niềm tin như thế, không biết ai đã kể cho ông về Đức Giê-su, nhưng những gì họ nói chứng tỏ thế giá của Ngài ảnh hưởng rất lớn.

Trong khi nhiều người nghi ngờ Đức Giê-su thì viên đại đội trưởng dân ngoại này lại có được xác quyết đức tin mạnh mẽ như thế, bởi chính ông chứng nghiệm điều ông ngang qua thân thế của ông. Ông có uy quyền trong lời nói, có thể sai bảo gia nhân, thuộc hạ, nhưng ông bất lực trước sự dữ, đau khổ, bệnh tật. Ông tìm đến Đức Giê-su. Ông đến với Đức Giê-su vì ông tin nơi chính bản thân Đức Giê-su, Ngài là Đấng có quyền trên đau khổ, bệnh tật, sự dữ, ma quỷ. Thứ uy quyền mà ông không thể có. Như thế, ông đã nhìn Đức Giê-su hoàn toàn khác biệt, vượt xa hẳn con người bình thường, ông đã nhìn Đức Giê-su chính là Đức Chúa.

Nhà dân ngoại là chốn ô uế, người Do thái không bước vào đó. Nhưng với Chúa Giê-su thì khác, Ngài nói “chính tôi sẽ đến chữa nó”. Ngài vẫn tiếp xúc, gặp gỡ, ăn uống đi lại với những người, những nơi chỗ như vậy. Ngài đến để cứu chữa và giải thoát, sự hiện diện của Ngài với người ta công bố rằng nơi đó không có hoặc không còn xấu xa tội lỗi nữa. Cho nên nói rằng “Tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi”  là một cảm thức tôn giáo chứ không đơn giản là thái độ khiêm tốn xã giao. Đó là cảm thức của người phàm, thuộc cõi trần về Đấng uy quyền, về cõi thần thiêng. Vì thế, trong cảm thức này, Đức Giê-su được xem hơn là một người Do thái bình thường, Ngài chiếm một vị thế siêu việt trong tâm thức của người tiếp xúc với Ngài. Ngài có thể chữa bệnh cho người đầy tớ với một lời phán bảo thôi, không cần đích thân Ngài đến. Phán một một lời liền có vạn sự, đó chỉ là lời của Đấng Toàn năng.

Trong bài giảng dạy hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra sự đối lập trong đức tin của viên đại đội trưởng và sự thiếu đức tin của dân Ít-ra-en. Có thể nói, việc viên đại đội trưởng tin tưởng rằng Chúa Giêsu có thể chữa lành cho người đầy tớ cũng không hẳn là một điều gì rất xuất sắc hay phi thường. Bởi lẽ đã có rất nhiều người đến xin Chúa Giêsu chữa lành các tật bệnh của mình, và rõ ràng là họ tin Chúa Giêsu có thể chữa họ khỏi bệnh. Vậy điều gì khiến đức tin của viên đại đội trưởng đặc biệt đến độ Chúa Giêsu phải thốt lên: “Tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế”?

Thông thường, các trường hợp cần chữa lành đều là cha mẹ mang con cái hoặc bạn bè mang bạn đến để Chúa Giêsu chữa lành. Ấy vậy mà lần này, viên đại đội trưởng, một nhà cầm quyền lại xin Chúa Giêsu chữa lành cho một người đầy tớ, người mà được xem là thấp kém nhất trong xã hội thời bấy giờ. Hơn thế nữa, ông còn chẳng e ngại sự thù ghét giữa người Do Thái và người Rôma mà can đảm, khiêm nhường đến tìm Chúa Giêsu, lại còn chỉ vì một người đầy tớ đau ốm!

Đức tin này nhìn nhận Đức Giê-su là Thiên Chúa. Đồng thời đem người ta đến đón nhận ơn cứu độ của Ngài, cho dù người tuyên xưng đức tin ấy là người dân ngoại. “Tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi” vì tôi biết Ngài là ai và tôi thế nào. Nhưng tôi “xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh” bởi vì tôi tin Ngài làm được, còn tôi thì bất lực. Ngài và tôi khác nhau hoàn toàn.

Đức Giê-su đã chữa khỏi cho người đầy tớ của viên đại đội trưởng bằng chính đức tin và lòng thương xót của ông. “Ông cứ về đi! Ông tin thế nào thì được như vậy!” Và ngay giờ đó, người đầy tớ được khỏi bệnh” (c.13). Câu này vừa xác nhận đức tin chân thật của viên đại đội trưởng, vừa công bố sự thật về chân tướng của Chúa Giê-su. Ngang qua việc chữa bệnh bình thường, Thiên Chúa đích thân đến với con người, và đồng thời con người gặp được Thiên Chúa.

Đức tin chân thật của viên đại đội trưởng được đặt vào chính con người Chúa Giê-su đến mức “xin Ngài chỉ nói một lời”, đồng thời đức tin chân thật ấy sẽ làm phát sinh hoa quả ơn cứu độ cho mọi người tuyên xưng “ông tin thế nào thì được như vậy”, đã giúp cho người đầy tớ được chữa khỏi, nhưng quan trọng hơn, chính viên đại đội trưởng được dự tiệc Nước Trời. “Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời” (c.11). Qua đây, Tin mừng cho thấy rõ ơn cứu độ được ban tặng cho tất cả mọi người có đức tin, một khi họ tuyên xưng như viên đại đội trưởng trong Tin mừng này.

Đức tin mà Chúa Giêsu tìm kiếm trong dân Ít-ra-en là một đức tin vô điều kiện. Qua Chúa Giêsu, chúng ta thấy rằng Thiên Chúa quan tâm chăm sóc và hằng thương xót mỗi người chúng ta một cách vô điều kiện. Ngài chữa lành chúng ta bằng sự đụng chạm, lời nói, chạnh lòng thương và chung chia những khổ đau của phận người.

Qua Chúa Giêsu, chúng ta cũng thấy được quyền năng của Thiên Chúa, nơi đời sống của viên đại đội trưởng, của mẹ vợ thánh Phêrô, của những người bị quỷ ám và cả những người chứng kiến các phép lạ này.

 

Lm Anton Tuệ Mẫn CSsR

21:31 01/11/2024
22:03 31/10/2024