Thứ Năm trong tuần thứ Hai Mùa Vọng

Chia Sẻ Lời Chúa Hằng Ngày - Dec 11/12/2024

Thứ Năm trong tuần thứ Hai Mùa Vọng

Is 41:13-20; Tv 145:1,9,10-11,12-13; Mt 11:11-15

ĐỨC MẸ GUADALUPE

Đức Mẹ Guadalupe (Tiếng Tây Ban Nha: Nuestra Señora de Guadalupe) còn được biết với tên gọi Đức Trinh Nữ Guadalupe (Tiếng Tây Ban Nha: Virgen de Guadalupe) là một tước hiệu mà Giáo hội Công giáo Rôma dành cho Đức Trinh Nữ Maria.

Hai tài liệu, được xuất bản trong thập niên 1640, một bằng tiếng Tây Ban Nha, một bằng tiếng Nahuatl (ngôn ngữ của người dân Aztec), cùng thuật lại một câu chuyện xảy ra trong khi đi bộ từ ngôi làng của mình đến thành phố Mexico vào sáng sớm ngày 9 tháng 12 năm 1531 (Ngày hôm sau là Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội trong Đế quốc Tây Ban Nha), nông dân Juan Diego thấy trên sườn đồi Tepeyac một cô gái chừng mười lăm mười sáu tuổi, được bao quanh bởi hào quang ánh sáng. Nói chuyện với anh ta bằng ngôn ngữ địa phương Nahuatl, Bà đã yêu cầu Juan Diego đi nói với Giám mục xây dựng một nhà thờ ngay tại nơi đó. Từ những lời nói của bà, Juan Diego nhận ra đó chính là Maria. Diego đã kể lại câu chuyện của mình với Tổng Giám mục người Tây Ban Nha, Fray Juan de Zumárraga, người đã yêu cầu ông quay trở lại đồi Tepeyac để nói với người phụ nữ lạ là hãy cho một dấu hiệu để chứng minh.

Dấu hiệu đầu tiên mà bà tỏ ra là việc chữa lành bệnh tật cho người chú của Juan. Đức Trinh Nữ nói với Juan Diego hãy leo lên đồi Tepeyac và hái những bông hồng. Mặc dù lúc đó đang là tháng 12 đã rất muộn so với mùa hoa nở nhưng Juan Diego đã tìm thấy những bông hoa hồng Castilian trên đỉnh đồi cằn cỗi, không có nguồn gốc từ Mexico. Đức Trinh Nữ yêu cầu ông sắp xếp những bông hồng vào trong chiếc áo choàng tilma dệt bằng sợi xương rồng của mình. Điều kỳ lạ xảy ra khi Juan Diego mở áo choàng trước khi sự chứng kiến của Giám mục Zumárraga vào ngày 12 tháng 12, những bông hoa rơi xuống sàn nhà nhưng ở vị trí đó lại xuất hiện hình ảnh của Đức Trinh Nữ Guadalupe một cách kỳ diệu được in trên vải.

Tấm hình này hiện nay vẫn còn được trưng bày tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Guadalupe, một trong những điểm hành hương thu hút nhiều người nhất trong thế giới công giáo. Hình ảnh này cũng phổ biến trong văn hóa Mêxicô với tên gọi: Nữ Vương Mexico. Năm 1910, Giáo hoàng Piô XI công bố Ðức Mẹ Guadalupe là Quan Thầy của châu Mỹ Latinh và sau đó của Philippin vào năm 1935. Năm 1999, Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên bố Maria là Bổn mạng của toàn châu Mỹ, Nữ vương châu Mỹ La Tinh, và người bảo vệ cho những trẻ em không được sinh ra.

Khi Đức Mẹ hiện ra với ông Juan Diego, ngoài việc cho ông thấy những dấu lạ và bày tỏ ước muốn xây một nhà nguyện ngay trên đồi Tepeyac, cùng lúc, Đức Mẹ còn mặc khải sứ điệp cho ông, để qua ông, được lan truyền cho toàn thể nhân loại.

Nội dung sứ điệp đó là: Đức Mẹ mặc khải về Mẹ là Đức Nữ Trinh Maria Rất Thánh và Hoàn Hảo, là Mẹ của Thiên Chúa thật, là Đức Bà Guadalupe… Tiếp đó, Mẹ muốn xây dựng một ngôi nhà nguyện dành cho Mẹ tại đồi Tepeyac. Từ nơi đây, Mẹ sẽ trình bày về Thiên Chúa cho mọi người, để mọi người được biết và tôn thờ cũng như tán dương Thiên Chúa.

Cũng tại nơi đây, Mẹ sẽ dâng tất cả mọi người với những nỗi lòng của họ lên Thiên Chúa… đồng thời, Mẹ cũng hứa sẽ ban ơn cho những ai đau khổ đến cầu khẩn Mẹ tại nơi này.

Trên đây chính là nội dung sứ điệp bằng lời nói mà Mẹ Maria ban tặng cho nhân loại qua ông Juan Diego.

Ngoài sứ điệp bằng lời, Đức Mẹ còn mặc khải tình thương của Thiên Chúa cách đặc biệt khi hình dạng của Mẹ lúc hiện ra là một phụ nữ đang mang thai.

Hình ảnh này công bố một sứ điệp của Tin Mừng, đó là ”Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Ngài chính là Emmanuel, để qua đó, chúng ta biết đón nhận Ngài với cả tấm lòng yêu mến thì sẽ được hưởng hạnh phúc trọn vẹn trong tình yêu của Thiên Chúa.

Như vậy, qua sứ điệp bằng lời nói và hình ảnh, Đức Mẹ cho chúng ta thấy: Thiên Chúa và Mẹ Maria luôn yêu thương hết mọi người, không phân biệt màu da, sắc tộc hay truyền thống, văn hóa… các Ngài yêu thương và ôm ấp mọi dân tộc, mọi hạng người vào trong trái tim của mình. Thiên Chúa và Mẹ Maria luôn đứng về phía người nghèo, thấp cổ bé miệng để bảo vệ và nâng đỡ họ. Không những thế, chính Chúa và Mẹ cũng đã tự đồng hóa mình với người nghèo, đau khổ, để đem lại cho họ niềm hy vọng.

Chính vì sứ điệp này được lan tỏa cách rộng rãi, nên nơi dân làng này đã được bình an và mọi người biết thương yêu nhau. Họ tin vào Chúa và Mẹ. Họ xin được trở thành Kitô hữu qua Bí tích Rửa Tội để phụng thờ Thiên Chúa và tôn vinh Đức Maria. Điều mà trước đó đối với họ là không thể xảy ra…!

Mừng lễ ”Đức Bà Guadalupe” hôm nay, Giáo Hội mời gọi con cái mình hãy khám phá ra sứ điệp lời nói và hình ảnh của Đức Mẹ, để qua đó, biết áp dụng vào trong đời sống hằng ngày của chúng ta.

Nếu việc Đức Trinh Nữ Maria hiện ra với ông Juan Diego qua diện mạo là một thiếu nữ thổ dân đang mang thai, để mặc khải cho ông và bộ tộc cũng như đất nước ông hiểu rằng: Mẹ yêu thương hết mọi người và thai nhi trong bụng Mẹ chính là Đức Giêsu, Đấng là Emmanuel, đã đến để ở cùng và sống với nhân loại, nhằm cứu chuộc hết mọi người.

Mặt khác, Mẹ cũng muốn mặc khải cho mọi người hiểu rằng: cuộc đời của Mẹ luôn luôn có Chúa, và Chúa luôn luôn kết hiệp mật thiết với Mẹ để yêu thương nhân loại.

Hôm nay, Mẹ cũng dạy cho chúng ta biết rằng: dù chúng ta có là ai, dẫu là một người nghèo hèn, dốt nát và tội lỗi, hay là một người chân lấm tay bùn, hoặc là một người bị loại ra bên lề xã hội, bị mọi người coi dẻ và khinh khi, thì trước mặt Mẹ, chúng ta vẫn là một con người được Mẹ thương yêu và sẵn sàng nâng đỡ mọi nơi. Đồng thời, Mẹ luôn mời gọi chúng ta hãy tin tưởng vào Đức Giêsu, vì chỉ có Ngài mới cứu chuộc được nhân loại mà thôi. Hãy sống tinh thần nghèo khó, hiền lành, cùng nhau xây dựng một xã hội công bằng, văn minh và tình thương. Cụ thể, đó là đứng về phía người nghèo, người vô gia cư, người bị đàn áp, bắt bớ, bóc lột… người bị loại ra bên lề xã hội… người ốm đau, bệnh tật… để bảo vệ và đỡ nâng họ, nhằm giúp họ có một cuộc sống tốt hơn và chứa chan tình huynh đệ, ngõ hầu qua đó, họ nhận ra Thiên Chúa là tình yêu và tin thờ Ngài.

Tiếp theo, sứ điệp tín lý mà Mẹ Maria còn muốn nhắm tới nữa, đó là: qua Mẹ để chúng ta đến với Chúa. Nhờ Mẹ để lời cầu nguyện của chúng ta xứng đáng được Chúa nhận lời.

Tránh tình trạng chỉ chạy đến cầu khẩn với Mẹ mà quên bổn phận và cốt lõi của chúng ta là phải tôn thờ Thiên Chúa. Điều đẹp lòng Chúa và Mẹ nhất, đó là chúng ta hãy cùng Mẹ, với Mẹ và trong Mẹ, hướng sự tôn thờ, tin tưởng và phó thác nơi Thiên Chúa.

 

Lm Anton Tuệ Mẫn CSsR