Thứ Sáu trong tuần thứ Hai Mươi-Hai Mùa Quanh Năm
1 Cr 4:1-5; Tv 37:3-4,5-6,27-28,39-40; Lc 5:33-39
CHÀNG RỂ BỊ ĐEM ĐI
Ăn chay là một thực hành bề ngoài nên người ta có thể nhận xét, thậm chí tranh luận. Có lần Chúa Giêsu đã khiển trách kiểu ăn chay nhằm phô trương đạo đức.
Một trong những hiệu quả khiến người ta thực hành ăn chay là rèn luyện khả năng làm chủ của ý chí, vì vậy không chỉ có đạo sư mà triết gia cũng ăn chay.
Ngày nay việc ăn chay hoặc ăn kiêng trở nên phổ biến nhằm tập luyện cho cơ thể khỏe, đẹp; có khi do nghề nghiệp bắt buộc; cũng có khi vì bệnh tật phải hạn chế. Tất cả những trường hợp này đều đòi hỏi khổ luyện và kiên trì mới có hiệu quả. Nếu đem việc ăn chay một vài ngày của nhà đạo chúng ta so sánh thì chẳng khó nhọc gì. Điều khác biệt chắc chắn không phải ở hình thức mà ở mục đích.
Các môn đệ Gioan ăn chay để chờ đón Đấng Messia, và như vậy thì các môn đệ Chúa Giêsu không có lý do ăn chay khi Chúa Giêsu chính là Đấng Messia đang ở với họ.
Thế nhưng, ngay lúc này đây, Chúa Giêsu báo trước về cái chết của Ngài, thế thì việc ăn chay sẽ không bị hủy bỏ. Thật vậy, Chúa Giêsu đã đến trong trần gian, nhưng theo một kế hoạch vô cùng nhiệm mầu Ngài sẽ bị đem đi, lúc đó chúng ta sẽ thiếu vắng sự hiện diện của Ngài.
Sự thiếu vắng đó rất buồn bởi lẽ chúng ta đã hưởng nếm sự khác biệt của một cuộc sống có Chúa Giêsu, một cuộc sống hân hoan như tiệc cưới vì có chàng rể, có gặp gỡ, có tình yêu, có hạnh phúc hứa hẹn ngày mai tươi sáng.
Nỗi buồn vắng Chúa Giêsu không phải là một nỗi buồn mơ hồ mộng ước, nhưng là nỗi buồn của một niềm hạnh phúc đã từng nếm trải, bổng dưng tuột khỏi tầm tay, luyến tiếc nhớ thương vô cùng.
Kỷ luật hay cách sống của Chúa Giêsu đề ra cho các môn đệ Ngài khiến nhiều người khó chịu. Ngài và các môn đệ sống theo một lề lối hoàn toàn khác với những tuân giữ của những người Biệt phái và ngay cả với Gioan Tẩy giả: trong khi Gioan Tẩy giả và các người Biệt phái tuân giữ một số ngày chay tịnh trong tuần, thì các môn đệ Chúa Giêsu xem chừng không biết thế nào là chay tịnh.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hai dụ ngôn để biện minh cho thái độ ấy. Trước hết, Ngài nói đến sự hiện diện của Tân Lang: bao lâu Tân Lang còn đó, thì việc chay tịnh được miễn chuẩn. Trong Cựu Ước, việc giữ chay gắn liền với việc mong đợi Ðấng Cứu Thế. Chay tịnh là thể hiện của lòng mong đợi. Gioan Tẩy giả đã lấy chay tịnh làm qui luật cơ bản cho cuộc sống của ông và của các môn đệ. Như vậy khi miễn chước cho các môn đệ của Ngài khỏi chay tịnh, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng Cứu Thế, họ không còn phải mong đợi gì nữa; thời cứu thế đã đến, con người không còn phải chay tịnh, trái lại, họ phải vui mừng hoan hỉ.
Dụ ngôn thứ hai Chúa Giêsu đưa ra để giải thích tại sao các môn đệ Ngài không phải giữ chay, đó là hình ảnh chiếc áo mới và rượu mới: Không nên lấy áo cũ mà vá vào áo mới, không nên đổ rượu mới vào bầu da cũ. Dĩ nhiên, ở đây Chúa Giêsu không có ý bảo rằng cái mới thì đương nhiên tốt hơn cái cũ; Ngài không có ý so sánh cho bằng đưa ra một sự bất tương hợp. Bài học thật rõ ràng: không nên có thái độ nước đôi hoặc thỏa hiệp, mà phải dứt khoát tận căn. Bài học này được Chúa Giêsu lặp lại nhiều lần khi nêu ra những điều kiện để vào Nước Trời: “Hãy bán tất cả, bố thí cho người nghèo, rồi đến theo Ta”, “Ai cầm cày mà còn ngó lại sau, thì không xứng với Nước Thiên Chúa”, “Ai yêu cha mẹ hơn Ta thì không xứng đáng làm môn đệ Ta”. Tựu trung, vì Ngài, con người phải chấp nhận hy sinh tất cả, ngay cả mạng sống mình.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại niềm tin cơ bản trong cuộc sống hàng ngày. Thỏa hiệp vốn là cơn cám dỗ triền miên trong cuộc sống đạo của chúng ta: Muốn làm môn đệ Chúa Kitô, nhưng lại đeo đuổi những gì nghịch với Tin Mừng; đi theo Chúa Kitô, nhưng lại không muốn sống theo giáo huấn của Ngài; muốn là thành phần của Giáo Hội, nhưng lại chống báng Giáo Hội. Thỏa hiệp để được cả đạo lẫn đời như thế cũng chỉ là đánh mất bản thân mà thôi. Lời sách Khải huyền đáng được chúng ta suy nghĩ: Thà ngươi nguội lạnh hay nóng hẳn đi; nhưng vì ngươi hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta mửa ngươi ra khỏi miệng.
Lm Anton Tuệ Mẫn CSsR