Thứ Tư trong tuần thứ XXXIII – TN : HÃY SINH LỢI NHỮNG NÉN BẠC CHÚA TRAO

Chia Sẻ Lời Chúa Hằng Ngày - Nov 19/11/2024

Thứ Tư trong tuần thứ Ba Mươi-Ba Mùa Quanh Năm

Kh 4:1-11; Tv 150:1-2,3-4,5-6; Lc 19:11-28

HÃY SINH LỢI NHỮNG NÉN BẠC CHÚA TRAO

 

Cuộc sống của con người luôn phải đối diện với thực trạng: cơm, áo, gạo, tiền… Đây là những thứ cần thiết căn bản trong đời. Muốn có cuộc sống ổn định, người ta thường phải kiếm kế để sinh nhai. Có những người không có tiền thì đi làm công, người có tiền thì đầu tư cách này hay cách khác để kiếm lời…

Vào thời Đức Giêsu, người ta cũng xử dụng đồng tiền để sinh lời, nhằm đáp ứng nhu cầu căn bản trong đời sống thường nhật.

Vì thế, Đức Giêsu đã mượn hành động này để nói đến một cuộc đầu tư khác, đó là cuộc đầu tư đức tin, đầu tư vì Nước Trời…

Câu chuyện được khởi đi từ việc một người quí tộc nọ trẩy đi phương xa để lãnh nhận vương quyền. Thế nên, ông đã gọi các đầy tớ trung tín lại và trao cho họ một số vốn để đầu tư. Khi trao như thế, ông chủ rất tin tưởng đầy tớ của mình, và lẽ tất nhiên, người đầy tớ không được nhận rồi sau đó đem cất giấu…

Hình ảnh này gợi lại cho chúng ta nhớ đến món quà cao quý và vô giá mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Đây là gia tài hay còn gọi là vốn liếng thiêng liêng trong đời sống đức tin của chúng ta. Hồng ân đó, Thiên Chúa hẳn không hề muốn chúng ta giữ lấy cho riêng mình, nhưng được lan tỏa cho mọi người qua hình ảnh trao ngọn nến cháy sáng và mời gọi phải chiếu tỏa cho anh chị em chung quanh.

Như vậy, lãnh nhận ơn Chúa là hồng ân, nhưng hồng ân luôn gắn liền với trách nhiệm. Nói cách khác, “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Vì thế, Lời Chúa hôn nay mời gọi chúng ta hãy cố gắng sống tốt, đầu tư tích lũy những nghĩa cử yêu thương, tấm lòng bao dung, nhân từ, đại lượng…, có thế, ánh sáng ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội mới được chiếu tỏa, nếu không, chẳng khác gì đèn sáng nhưng lại đặt dưới gầm giường hay trong thùng.

Trước khi long trọng vào thành Giêrusalem, Đức Giêsu lưu ý các môn đệ về thời kỳ đăng quang cuối cùng. Tiếp đến thời kỳ Giáo hội được trao phó cho các ông để chịu thử thách.

Một lần nữa, Đức Giêsu kể một sự kiện nổi tiếng được mọi người đã biết, nó xảy ra hai năm sau ngày Người sinh ra: Đó là hành trình của quận vương A-kê-lau tới thăm Rô-ma để được chuẩn y thăng chức làm vua xứ Giu-đa. Một phái đoàn năm mươi người Do thái phản đối sự phong vương này. Và khi A-kê-lau trở về đã trả thù những người Do thái chống đối. Lần này, chính Đức Giêsu đến đương đầu với sự chống đối của người Do thái, họ không muốn nhận vương quyền của Người.

Trong khi vắng mặt, Đức Giêsu đã trao sự nghiệp của Người cho các đầy tớ, cho Giáo hội của Người. Sản nghiệp Người trao cho các ông, chỉ là một vật rất nhỏ. Các ông phải làm cho sinh lời. Các đầy tớ của Đức Giêsu đều phải được thử thách như thế để chứng tỏ lòng trung thành và sự kiên trì trong suốt thời gian bấp bênh. Các ông có là những quản lý trung tín và khôn ngoan rao giảng Lời Thiên Chúa không?

Khi Đức Giêsu trở về, Người kêu tính sổ, những đầy tớ không nói tới việc họ đã làm, nhưng nói về sản nghiệp được trao cho họ làm sinh lời, vì lời Người đã được rao giảng và vẫn sống động. Lời Người đã sinh hoa kết quả tùy theo sự cảm nhận và khôn khéo của các đầy tớ. Lòng trung tín trong các việc nhỏ được ghi công và được lãnh phần Nước Trời.

Ông chủ trong dụ ngôn này là Chúa Giê-su, những đầy tớ là chúng ta và những nén bạc là tài sản mà Thiên Chúa đã giao phó cho chúng ta. Khi thông ban cho chúng ta sự sống, Thiên Chúa cũng phú ban cho chúng ta những nén bạc, có thể là khả năng nhiều hay ít. Các nén bạc tượng trưng cho những ơn ban của Chúa để phát triển cá nhân, đạo đức và tôn giáo. Các nén bạc ấy, Chúa đã ủy thác để chúng ta làm cho chúng sinh lời. Cái hố được đào dưới đất bởi người “đầy tớ xấu xa và biếng nhác” (Mt 25, 26) diễn tả nỗi sợ sự rủi ro là thứ đã bóp nghẹt sự sáng tạo và sự phong nhiêu của tình yêu. Chúa không yêu cầu chúng ta phải bảo quản ân ban của Chúa trong két sắt! Nhưng muốn chúng ta sử dụng nó để sinh lời. 

Những nén bạc không đồng đều, kẻ nhiều người ít. Nhiều hay ít, số lượng không quan trọng. Quan trọng là cách mỗi người xử dụng những nén bạc đó để sinh lời. Việc sinh lời không hệ tại số lượng nén bạc được gia tăng, mà hệ tại tấm lòng của người tôi tớ, người ấy biết chủ tín nhiệm mình nên để đáp lại anh cũng hết lòng với chủ.

Câu Chúa Giê-su nói: “Người có sẽ cho thêm và sẽ được dư dật, còn kẻ chẳng có, thì vật gì coi như của nó, cũng lấy đi” (Mt 25,29), rõ ràng không phải là một câu châm ngôn về tiêu dùng. Nó chỉ có thể được hiểu ở mức độ của tình yêu và lòng quảng đại. Chúa là Đấng ban phát nhiều hơn điều chúng ta ao ước cầu xin.

Dụ ngôn nén bạc mời gọi mỗi người chúng ta ý thức trách nhiệm với tư cách là người có niềm tin. Ðức tin không là nén bạc để được cất giữ, nhưng phải được đầu tư để phát triển, sinh lợi. “Một đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Nếu chúng ta chỉ đóng khung cuộc sống đạo trong bốn bức tường nhà thờ, nếu chúng ta chỉ giản lược đức tin vào những biểu dương bên ngoài, nếu đức tin chỉ là một mớ những giáo điều phải tin, những điều răn phải giữ, thì quả thực chúng ta đang chôn chặt đức tin như gia nhân đã chôn nén bạc mà chủ đã trao: chúng ta có giữ đạo, nhưng chưa thực sự sống đạo.

Cuộc đầu tư nào cũng bao hàm những bất tất, rủi ro; một đức tin sống động cũng hàm chứa nhiều hy sinh, mất mát. Nhưng chúng ta tin rằng chính lúc chúng ta mất mát là lúc chúng ta được lợi lộc, chính lúc chúng ta quên mình là lúc gặp lại bản thân, chính lúc chết đi là khi được vui sống. Ðó phải là bài trường ca trong cuộc sống của chúng ta.

Chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Chúa vì hồng ân đức tin chúng ta đã lãnh nhận. Xin Chúa ban thêm can đảm, để đức tin của chúng ta thực sự được đầu tư trong từng giây phút của cuộc sống, để đáng được phần thưởng Chúa ban trong ngày Ngài trở lại vinh quang.

 

Lm Anton Tuệ Mẫn CSsR