Phụng Vụ Thánh Thể liên kết với Phụng vụ Lời Chúa để làm nên một cử hành phụng tự duy nhất. Phụng vụ Thánh Thể bắt đầu từ việc chuẩn bị lễ vật đến hết lời nguyện hiệp lễ
IV. PHỤNG VỤ THÁNH THỂ
Phụng Vụ Thánh Thể liên kết với Phụng vụ Lời Chúa để làm nên một cử hành phụng tự duy nhất. Phụng vụ Thánh Thể bắt đầu từ việc chuẩn bị lễ vật đến hết lời nguyện hiệp lễ, và có ba phần rõ rệt :
1) Chuẩn bị lễ vật .
– Xin lễ kèm theo bổng lễ :
Truyền thống của Hội Thánh tiên khởi là Dân Chúa đem đến của lễ vừa để cử hành Thánh Thể, vừa để trợ giúp Hội Thánh, đặc biệt là những người nghèo. Dần dà ý tưởng dâng lễ vật trong thánh lễ an táng đã dẫn đến việc xin lễ cầu nguyện theo ý chỉ rõ rệt và có kèm theo bổng lễ. Hội Thánh đã nhìn nhận tập tục xin lễ như để góp phần vào sinh hoạt của Hội Thánh và trợ giúp linh mục :
"Theo tập tục đã được Hội Thánh công nhận, một tư tế cử hành hay đồng tế Thánh Lễ được phép nhận bổng lễ để áp dụng theo một ý chỉ rõ rệt" (GL 945/1).
"Khi dâng bổng lễ để Thánh Lễ được áp dụng theo ý chỉ của mình, các tín hữu đóng góp vào thiện ích của Hội Thánh : bằng việc dâng cúng ấy, họ góp phần nâng đỡ các thừa tác viên và các hoạt động của Hội Thánh" (GL 946).
Ngày nay Hội Thánh khuyên nên dâng lễ vật vào các ngày Chúa Nhật, lễ trọng và các dịp đặc biệt; và dù các ngày thường không có việc dâng lễ vật thì ý nghĩa và hiệu lực của nó vẫn có như xưa.
– Sửa soạn bàn thờ và nhận lễ vật :
Theo như Quy chế tổng quát của Sách Lễ Rôma năm 2000 số 73 nói việc đầu tiên là sửa soạn bàn thờ, cũng gọi là bàn tiệc của Chúa, trung tâm của mọi cử hành Thánh Thể. Việc sửa soạn bàn thờ gồm có trải khăn thánh, khăn lau chén, Sách Lễ và chén lễ. Kế đến, chủ tế hay phó tế xuống nhận lễ vật do giáo dân mang lên là bánh và rượu để đưa lên bàn thờ, còn những phẩm vật khác không trực tiếp dùng vào việc cử hành Thánh Thể, như hoa đèn, hoa quả, tiền bạc… phải để ở một nơi nào xứng hợp ngoài bàn thờ. Vì thế người ta thường chưng hoa nến ở những kệ giá riêng biệt khỏi bàn thờ.
Thực ra, điều quan trọng trong việc dâng lễ vật là phải có bánh rượu và nước thì mới có cử hành thánh lễ, nên phải được ưu tiên hơn mọi thứ khác; và ý nghĩa của nó là để nói lên lòng tri ân Thiên Chúa về muôn ân huệ đã nhận lãnh, vừa muốn góp phần vào của lễ sẽ được biến đổi thành Mình Máu Chúa, vừa để trợ cấp cho các sinh hoạt của Hội Thánh.
Ca tiến lễ được hát ngay khi bắt đầu nhận của lễ hay chuẩn bị bàn thờ , chứ không phải đợi chủ tế đọc lời chúc tụng trên của lễ rồi mới hát (QCTQ 74). Sau khi nhận lễ vật xong, vẫn có thể tiếp tục hát, hoặc đọc đối đáp với điều kiện bài hát này mang ý nghĩa tiến dâng hoặc chúc tụng.
– Việc xông hương của lễ và bàn thờ :
Bánh lễ theo truyền thống ban đầu của Hội Thánh trong nhiều thế kỷ là sử dụng bánh có men hoặc không men. Truyền thống Tây Phương thường dùng bánh không men theo gương Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly. Hình dạng của bánh lễ tròn mỏng có in hình Chúa Giêsu như hiện nay có từ thế kỷ XII. Bánh được nướng khô để dễ bảo quản, và có thể bẻ ra nhiều phần cho một ít giáo dân cùng rước lễ là tốt nhất.
Sau lời chúc tụng trên bánh, phó tế hay linh mục pha nước vào rượu. Theo tập quán Rôma ngày xưa, khi uống các loại rượu nặng, người ta pha thêm nước để giảm nồng độ, và thường làm trước mặt thực khách.Hội Thánh đã đón nhận cách thực hành này và dần dần người ta thêm vào đó những ý nghĩa mới là dấu chỉ nhân loại được thông phần vào bản tính của Thiên Chúa :
"Nhờ dấu chỉ nước hòa rượu này, xin cho chúng con được tham dự vào thần tính của Đấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con" (NTTL).
– Sau phần chúc tụng trên bánh và rượu, chủ tế có thể xông hương lễ vật, bàn thờ, thánh giá rồi Phó tế hoặc giúp lễ xông hương cho chủ tế, vì thừa tác vụ thánh, và cộng đoàn, vì phẩm giá phép Rửa. Nếu dùng lư hương thì lúc này chủ tế tiến ra bỏ hương hay vái nhang theo tập tục địa phương, chứ không phải là nhận lễ vật rồi vái nhang luôn cho tiện.
Có hai ý nghĩa trong việc xông hương: lời cầu nguyện và sự kính trọng. Việc xông hương là hình ảnh của lời cầu nguyện và lễ vật của dân Chúa như hương trầm toả bay dâng lên trước tôn nhan Thiên Chúa.
– Việc rửa tay :
Việc rửa tay có ngay từ lúc ban đầu vì lễ vật ngày xưa là những hoa màu ruộng đất và cả những vật dụng của đời sống để trợ giúp người nghèo và các sinh hoạt của Hội Thánh,nên chủ tế cần rửa tay trước khi dâng lễ. Ngày nay nghi thức rửa tay vẫn được duy trì nhưng mang ý nghĩa thanh tẩy: "biểu lộ lòng ao ước được thanh tẩy trong tâm hồn" (QCTQ 76).
– Lời mời gọi :
"Anh chị em hãy cầu nguyện để hy lễ của tôi cũng là của anh chị em được Thiên Chúa là Cha toàn năng chấp nhận", thoạt đầu là lời của chủ tế nói với những người dâng lễ vật ngay khi họ dâng lễ vật, bây giờ được đổi ra sau như muốn nói với toàn thể cộng đoàn phụng vụ, rằng lễ vật của chủ tế dâng cũng là của toàn thể Dân Chúa.
– Lời nguyện tiến lễ :
Lời nguyện nhập lễ kết thúc phần mở đầu thánh lễ để dẫn vào Phụng vụ Lời Chúa, thì lời nguyện tiến lễ kết thúc phần chuẩn bị lễ vật để dẫn vào cử hành Thánh Thể, và lời nguyện hiệp lễ kết thúc Phụng vụ Thánh Thể để chuyển sang phần kết lễ.
Lời nguyện trên lễ vật diễn tả tâm tình tạ ơn và xin Chúa thương nhận của lễ được Hội Thánh dâng tiến để trở thành Mình và Máu Chúa Kitô.
2) Kinh Nguyện Thánh Thể .
"Bây giờ bắt đầu điểm trung tâm và cao nhất của toàn bộ việc cử hành, nghĩa là chính kinh nguyện Thánh Thể, gồm việc tạ ơn và thánh hoá. Vị tư tế mời gọi giáo dân hướng tâm hồn lên để cầu nguyện và tạ ơn Chúa; đồng thời liên kết họ với mình trong lời cầu nguyện, để nhân danh tất cả cộng đoàn dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha, qua Đức Giêsu Kitô trong Chúa Thánh Thần. Ý nghĩa của lời cầu nguyện này là toàn thể cộng đoàn tín hữu kết hiệp với Đức Kitô mà tuyên xưng những kỳ công của Thiên Chúa và hiến dâng hy lễ" (QCTQ 78).
Kinh nguyện Thánh Thể bắt đầu từ kinh tiền tụng đến hết vinh tụng ca. Trước Công đồng Vaticanô II, Hội Thánh Rôma chỉ có một Kinh nguyện Thánh Thể duy nhất (Kinh nguyện Thánh Thể I) với nhiều lời tiền tụng thay đổi. Trước Vatican II, thánh lễ bằng tiếng La Tinh nên cộng đoàn tham dự bằng cách đọc lời dẫn giải, lần hạt, … Quy chế sách lễ Rôma hiện nay nhấn mạnh :
"Những phần dành cho vị chủ tọa, thì buộc chủ tế phải đọc rõ ràng, lớn tiếng và buộc mọi người phải chăm chú lắng nghe. Vì thế, khi chủ tế đọc các phần đó, không ai được đọc hay hát kinh nào khác, cũng không được đánh đàn hay chơi nhạc cụ nào khác" (QCTQ 32).
– Kinh tiền tụng :
Sau phần đối đáp giữa chủ tế và cộng đoàn để hiệp nhất với lời tạ ơn của Chúa Kitô, lời tiền tụng có ba phần rõ rệt: lời tạ ơn Thiên Chúa qua Đức Kitô, lý do tạ ơn dựa vào mầu nhiệm mừng kính, và lời kết dẫn vào lời tung hô của cộng đoàn. Phụng vụ có 4 kinh nguyện Thánh Thể nhưng có hơn 80 lời tiền tụng khác nhau dành cho các thánh lễ. Ngoài ra còn có 9 Kinh nguyện Thánh Thể khác dành cho các lễ sám hối, tùy nhu cầu và lễ trẻ em.
– Kinh Thánh Thánh Thánh :
Lời tung hô Thánh, Thánh, Thánh là lời kinh kết hiệp lời tung hô của các thiên thần với lời ca vang của dân Do Thái đón Chúa vào thành, để chúc tụng Thiên Chúa và tung hô Đức Kitô :
"Thánh ! Thánh ! Chí thánh !
Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh !
Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa !" (Is 6,3).
"Hoan hô Con Vua Đavít !
Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa !
Hoan hô trên các tầng trời" (Mt 21,9).
– Kinh khẩn cầu Chúa Thánh Thần :
Trong cử hành Thánh Thể, lời khẩn cầu Thánh Thần thánh hóa lễ vật có một vai trò quan trọng đặc biệt, vì chỉ có Chúa Thánh Thần tác động thì linh mục đọc lời Truyền Phép mới biến đổi bánh và rượu thành Thánh Thể. Không có Chúa Thánh Thần thì việc cử hành Thánh Thể không thể hiện tại hóa công trình cứu độ của Đức Kitô. Lời Truyền Phép là lời của Đức Giêsu, nhưng lời này chỉ sinh hiệu quả nhờ Thánh Thần. Ba Kinh Nguyện Thánh Thể mới được thêm vào sau Công đồng Vatican II đã lưu ý tới vai trò của Chúa Thánh Thần trong hy tế Thánh Thể. Mỗi kinh đều có hai lời khẩn cầu Chúa Thánh Thần ở trước và sau lời Truyền Phép để nài xin Thiên Chúa thánh hóa và biến đổi bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Kitô, và sau truyền Phép là xin cho mọi người khi thông phần Mình Máu Chúa trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô. Các lời khẩn xin Thánh Thần trước khi Truyền Phép đều được linh mục vừa đọc vừa đặt tay trên lễ vật, một cử chỉ cổ truyền để ban ơn Chúa Thánh Thần.
– Phần tường thuật việc thiết lập Thánh Thể :
Khi tường thuật lại việc Chúa Kitô thiết lập Thánh Thể, Hội Thánh muốn minh chứng đức tin của mình vào sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô và chính Chúa cử hành qua thừa tác vụ của Hội Thánh. Các lời Truyền Phép trong sách Tân Ước tuy có khác nhau, song vì lý do mục vụ, Hội Thánh chỉ duy trì một công thức giống nhau cho các Kinh Nguyện Thánh Thể.
"Trong phần tường thuật việc lập Bí tích Thánh Thể, nhờ hiệu lực của lời và cử chỉ Đức Kitô, cũng như quyền năng của Thánh Thần, bánh rượu trở thành Mình và Máu Đức Kitô, lễ vật chính Người đã dâng trên thập giá" (GLHTCG 1353).
– Kinh tưởng niệm :
Hội Thánh tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn, phục sinh và cuộc quang lâm vinh hiển của Đức Giêsu như một lời khẳng định đức tin vào mầu nhiệm Vượt qua là trung tâm của mọi cử hành thánh lễ. Trong thánh lễ, chúng ta không tưởng niệm người vắng mặt, nhưng tưởng nhớ Đấng Hằng Sống, và tưởng nhớ mãi cho đến ngày Quang Lâm, như câu tung hô sau Truyền Phép.
"Khi cử hành bí tích Thánh Thể, Hội Thánh tưởng nhớ cuộc Vượt qua của Đức Kitô; lúc đó, cuộc Vượt qua này trở nên hiện diện giữa cộng đoàn, vì lễ tế của Đức Kitô trên thập giá chỉ dâng một lần là đủ và luôn luôn sống động để đem lại ơn cứu độ" (GLHTCG 1364).
Thánh Thể là một mầu nhiệm đức tin vào cuộc Vượt qua của Chúa Kitô, và diễn tả niềm hy vọng cánh chung của con người được trở nên giống Chúa Kitô khi Ngài lại đến trong vinh quang.
– Lời nguyện dâng tiến :
Đây là lời dâng lên Chúa Cha để xin Người ban Thánh Thần thánh hóa Hội Thánh trở nên Thân Thể sống động của Chúa Kitô. Nhớ đến Chúa Giêsu, chúng ta phải làm việc mà Chúa đã làm khi xưa trong bàn tiệc ly và vẫn tiếp tục làm trong Hội Thánh khi chúng ta cử hành Thánh Thể. Đó là mỗi Kitô hữu hãy hiến dâng thân mình làm lễ vật hy sinh như Chúa đã làm. Chúng ta là thân thể huyền nhiệm của Chúa thì hãy để cho Chúa dâng hiến Thân Mình Ngài lên Chúa Cha làm lễ vật tạ tội cho nhân loại được ơn giao hòa. Mỗi khi tham dự thánh lễ là mỗi lần chúng ta cùng với Chúa Giêsu dâng lễ, và lễ vật cũng chính là thân mình của chúng ta, vì hết thảy chúng ta thuộc về Nhiệm Thể của Ngài.Chúa Giêsu không thể tự hiến trọn vẹn nếu như vẫn còn một chi thể của Ngài chưa cùng Ngài hiến tế (x. QCTQ 78 f ).
Khi Hội Thánh cử hành Thánh Thể thì không còn là Chúa Giêsu năm xưa nữa, mà là Chúa Giêsu Phục sinh, Đấng đã chết rồi đã sống lại và hiện đang sống đến muôn thuở muôn đời. Có thể nói có hai Thân Mình của Chúa Giêsu trên bàn thờ : Thân Mình thật của Ngài là thân xác ‘được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria’ và đã Phục sinh; và Thân Thể huyền nhiệm của Ngài là Hội Thánh cũng hiện diện một cách mầu nhiệm trên bàn thờ. Vì thế khi nói: "Này là Mình Ta",thì trong cái Ta của Chúa có cái tôi nhỏ bé của các Kitô hữu; và thánh Phaolô gọi là "Chúa Kitô toàn thể", khi ngài viết: "Tôi làm trọn những gì còn thiếu sót trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô nơi thân xác tôi" (Col 1,24).
Vì lẽ đó, cũng có thể nói có hai hiến vật trên bàn thờ : một hiến vật là bánh và rượu sẽ trở nên Mình và Máu Chúa, và một hiến vật khác là chính người tín hữu sẽ trở thành Nhiệm Thể Chúa Kitô. Trong Kinh Nguyện Thánh Thể II, III và IV có hai lời khẩn cầu Chúa Thánh Thần : một lời khẩn cầu cho bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa, và một lời lời khẩn cầu sau Truyền Phép xin cho tất cả chúng ta "trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô", "một của lễ muôn đời dâng tiến Chúa".
– Kinh chuyển cầu :
Mỗi khi dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, phụng vụ thường xen vào các lời chuyển cầu cho Hội Thánh toàn cầu, cho Đức Giáo Hoàng và Đức Giám Mục giáo phận, cho sự hiệp nhất của Hội Thánh, cho những người đã qua đời, và cho những người đang tham dự cử hành Thánh Thể.
Kinh chuyển cầu này nói lên mầu nhiệm Hội Thánh thông công.
– Vinh tụng ca :
Vinh tụng ca là lời tung hô Ba Ngôi kết thúc Kinh Nguyện Thánh Thể như là cùng đích của cử hành phụng vụ. Lời tôn vinh quy chiếu về Chúa Cha nhờ Chúa Kitô (cùng với Người và trong Người), và trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần. Dù rằng cả Ba Ngôi đều nhận một quyền năng và vinh dự như nhau, song lời tôn vinh của con người chỉ có giá trị khi được liên kết với Chúa Kitô và qua sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần.
V. NGHI THỨC HIỆP LỄ
Nghi thức hiệp lễ bắt đầu từ kinh Lạy Cha đến hết lời nguyện hiệp lễ.
1) Kinh Lạy Cha .
Kinh Lạy Cha là kinh của các con cùng một Cha trên trời nài xin bánh sự sống, và cũng là kinh của các anh chị em biết tha thứ cho nhau khi uống "Máu đổ ra để tha tội" của Chúa. Sau Vinh tụng ca, chủ tế đọc lời mời cầu nguyện rồi hết mọi tín hữu cùng đọc kinh Lạy Cha với ngài. Hội Thánh không ngăn cản cử chỉ dang tay của giáo dân cùng với linh mục đọc kinh Lạy Cha, song để cho Hội Đồng Giám Mục các nước quy định để có sự thống nhất trong một Giáo Hội địa phương.
2) Nghi thức chúc bình an.
Cử chỉ trao ban bình an nguyên thủy đi trước phần dâng tiến lễ như một dấu chỉ hòa giải và tha thứ trước khi dâng lễ (Mt 5,23). Sau này trước khi lên rước lễ, người ta cũng trao ban bình an cho nhau vì tất cả cùng ăn một bánh và uống chung một chén. Chúc bình an là cử chỉ hòa giải đã nhắc tới trong kinh Lạy Cha bây giờ được thể hiện trước khi san sẻ cùng một tấm bánh. Mỗi người làm hòa với những người chung quanh để cho thấy mình muốn sống bình an với hết mọi người.
Quy định cách thức trao ban bình an thuộc thẩm quyền của Hội Đồng Giám Mục để thích nghi với hoàn cảnh và văn hóa mỗi địa phương. HĐGM Việt Nam quy định giáo dân chúc bình an thì hai bên quay vào nhau, tay để trước ngực, cúi đầu chào nhau, còn đối với linh mục đồng tế thì nói thêm câu: "Bình an của Chúa ở cùng cha".
3) Nghi thức bẻ bánh.
Đây chính là việc bẻ Bánh ra làm nhiều phần để chia cho nhau và muốn nói rằng chúng ta tuy nhiều nhưng chỉ chia sẻ một bánh sự sống là Đức Kitô, cũng như chúng ta tuy nhiều nhưng phải hiệp nhất nên một thân thể là Đức Kitô.
Đang lúc bẻ Bánh thì cộng đòan đọc hay hát kinh Chiên Thiên Chúa, và có thể lập đi lập lại nhiều lần cho đến khi chủ tế phân phát cho các đồng tế xong.
4) Rước Lễ.
Rước lễ nhằm mục đích kết hiệp với Chúa Giêsu để chính Người trở thành của ăn thức uống thiêng liêng cho chúng ta cho đến khi được kết hiệp vĩnh viễn ở trên trời. Tiếp rước và hiệp thông với Chúa Kitô là nhìn nhận "Người là Con Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian". Rước Mình và Máu Chúa Giêsu là một việc làm hết sức quan trọng của đức tin.
"Thánh Lễ vừa là tưởng niệm hy tế để lưu truyền muôn đời hy tế thập giá, vừa là bàn tiệc thánh để thông hiệp Mình và Máu Chúa; hai ý nghĩa này đi đôi với nhau và không thể tách rời. Những cử hành hy tế Thánh Thể hướng đến việc các tín hữu kết hợp với Chúa Kitô nhờ rước lễ. Rước lễ là đón nhận chính Chúa Kitô, Đấng đã tự hiến vì chúng ta" (GLHTCG 1382)
– "Amen" là lời tuyên xưng đức tin: "Con tin thật đây là Mình Máu Chúa, con thờ lạy và cung kính muốn được rước Chúa vào lòng". Đây không phải là một gợi ý nên thưa hay không thưa ‘Amen’, nhưng là yếu tố cần thiết để biểu lộ đức tin khi rước Chúa. Khi cho rước lễ, thánh Augustinô nói với mỗi tín hữu: "Đây là Mình Thánh Chúa Kitô. Con hãy trở nên như Đấng con đang tiếp rước !" Ngày nay được rút gọn lại: "Mình Thánh Chúa Kitô", chúng ta thưa "Amen" với đức tin và sự dấn thân đặc biệt.
– Có hai cách thức rước lễ : rước lễ trên lưỡi và rước lễ trên tay, song người tín hữu không được từng người tiến đến bình đựng Mình Thánh tự cầm và đưa vào miệng, mà chỉ cầm và đưa vào miệng sau khi đã nhận từ thừa tác viên trao cho. Luật phụng vụ cũng buộc tín hữu phải rước Mình Thánh Chúa ngay, không được mang về chỗ hay về nhà, dù là để thờ lạy hay chiêm ngắm.
Đang khi vị tư tế Rước Lễ thì hát ca hiệp lễ (không hát thì đọc) biểu lộ niềm vui, đồng tâm hiệp nhất của cộng đòan. Ca hiệp lễ có thể được thay thế bằng một bài hát thích hợp đã được chuẩn nhận. Sau Rước Lễ sẽ im lặng để cám ơn Chúa, hoặc hát một bài ca tạ ơn (không được hát những bài về Đức Mẹ, các thánh … trong lúc này).
– Sự hiện diện thực sự (theo bản thể) của Chúa Giêsu trong hình bánh và rượu không tồn tại lâu trong người rước lễ, vì khi hình bánh và rượu tiêu tan đi thì sự hiện diện bí tích này không còn nữa. Sau một khoảnh khắc rất ngắn, khi hình bánh và rượu đã tiêu tan, chỉ còn lại sự hiện diện tâm linh của Chúa Giêsu nơi người chịu lễ.
5) Lời nguyện hiệp lễ .
Lời nguyện cuối cùng của thánh lễ này là tạ ơn vì hồng ân Rước Lễ và xin cho mầu nhiệm đã cử hành sinh hiệu quả trong mọi sinh hoạt thường ngày.
VI. NGHI THỨC KẾT LỄ
Linh mục chủ sự khai mạc thánh lễ thì cũng kết thúc thánh lễ và nài xin phúc lành của Thiên Chúa xuống trên cộng đoàn. Có hai hình thức ban phép lành cuối lễ, đơn giản hoặc trọng thể. Thánh lễ chấm dứt nhưng cuộc đời Kitô hữu là một thánh lễ nối dài để họ làm chứng và dân thân phục vụ. Thánh lễ phải khởi sự trong chính đời sống vì đời sống người tín hữu cũng là một phần chất liệu của thánh lễ.
Vì thế, thánh lễ phải dẫn tới đời sống như nguồn mạch thánh hóa đời sống. Người Kitô hữu không có hai cuộc đời song song và biệt lập : một bên là đời tôn giáo cô đọng trong thánh lễ, một bên là đời trần tục bao trùm hết mọi họat động. Phải đem thánh lễ vào đời sống, và đem đời sống vào thánh lễ.
VII. MỤC VỤ GIÁO LÝ
Giúp các em ý thức và siêng năng Rước Lễ.
Xưng Tội & Rước Lễ lần đầu là một khao khát của trẻ em mới lớn, song việc này dần dần sẽ phai nhạt, không thường xuyên tham dự thánh lễ và ngại ngùng Rước Lễ. Bổn phận cha mẹ và cộng đoàn giáo xứ là phải đặc biệt chuẩn bị cho con em rước lễ với đức tin và lòng mến. Sửa soạn cho các em rước lễ lần đầu thôi chưa đủ, còn phải liên tục dạy dỗ các em về việc rước lễ, không những bằng lời nói mà còn bằng chính gương sáng của mình. Phải làm sao để các em thấy được tầm quan trọng của việc rước lễ và yêu mến Thánh Thể một cách thường xuyên và xứng đáng.
Chúng ta sẽ thiếu tư cách và bất xứng, nếu rước Thánh Thể một cách lạnh nhạt hoặc đang có tội trọng mà chưa làm hòa với Chúa qua Bí tích Giải Tội.
Thánh Thể là bí tích tăng trưởng và là bí tích của đời sống thường ngày. Tuổi đời có thể cao, cuộc đời có thể đã về chiều, nhưng về phương diện tâm linh, người tín hữu luôn ở trong trạng thái thơ ấu và cần phải lớn lên mỗi ngày. Các bí tích khác thường chỉ chịu ít lần, song Thánh Thể là bí tích có thể và nên chịu mỗi ngày, giống như cơm bữa đời thường. Rước Lễ không phải là phần thưởng dành cho người lành thánh, hoặc chỉ trong dịp đại lễ, nhưng là một nhu cầu để biến đổi đời sống. Cuộc biến đổi này cần phải thực hiện mỗi ngày, từng bước, và chỉ thành tựu trong Thánh Thần là ân sủng của Chúa Kitô.
Thánh lễ Tạ Ơn được hiến dâng cho mọi người nhưng chỉ sinh hoa kết quả nơi những ai liên kết với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô với lòng tin, cậy, mến ; và thánh lễ có ích lợi cho chúng ta nhiều hay ít tùy theo chất lượng lòng đạo đức của mỗi người.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa Giêsu, một ngày mới đang mở ra trước mắt con. Mỗi ngày đều là một bất ngờ. Con không rõ những gì sẽ xảy đến cho con, nhưng con biết chắc mình được sống trong vòng tay yêu thương của Chúa, nên con thấy vui tươi bình an.
Mỗi ngày đều là quà tặng của Chúa. Cả niềm vui lẫn nỗi buồn, cả thành công và thất bại, tất cả đều là quà tặng của Tình Yêu, tất cả đều đưa con đến gần Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, con muốn giang tay chào đón ngày mới. Con muốn tận dụng từng phút giây trong ngày để tôn vinh Chúa, để phục vụ tha nhân và phát triển con người mình.
Ước gì con luôn sống dưới ánh mắt Chúa, và để Chúa làm chủ mọi tư tưởng, lời nói và việc làm của con. Và ước gì, khi đêm về, con có thể tự hào mình đã biến hôm nay thành quà tặng để dâng lại cho Chúa. Amen. (Abba 43)