Tin mừng: (Mt 18, 1-5)
1 Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời? “
2 Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông 3 và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. 4 “Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.
5 “Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
Trên đường đi theo Đức Giê-su, đến một lúc nào đó, các môn đệ tranh cãi với nhau xem ai là người lớn nhất. Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều thuật lại cuộc tranh luận này và đặt ngay sau khi Đức Giê-su loan báo lần thứ hai cuộc Thương Khó mà Ngài sẽ trải qua. Thánh Luca nói rằng đây là vấn đề các môn đệ « trăn trở ở trong lòng » (x. Lc 9, 47), và vì thế, ngay sau Bữa Tiệc Ly, họ lại tiếp tục tranh luận vấn đề ai là người lớn nhất trong nhóm (x. Lc 22, 24). Thánh sử Mát-thêu, đẩy vấn đề đi xa hơn : họ đến hỏi trực tiếp Đức Giê-su để biết ai là người lớn nhất trong Nước Trời !
Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?”
Lược qua một chút bối cảnh và cách ba Tin Mừng Nhất Lãm tường thuật, như thế là quá đủ để chúng ta nhận ra rằng đây là một « căn bệnh » nghiêm trọng của các môn đệ thời Đức Giê-su. Bệnh nghiêm trọng, vì đó là một thứ bệnh ung thư gây mất hiệp nhất, vì sẽ phải tranh cãi với nhau, ganh tị nhau, loại trừ nhau (x. Mt 20, 17-28); ngoài ra, đó không chỉ là một căn bệnh nghiêm trọng, nhưng còn là căn bệnh “mãn tính” và lây lan, có mặt ở mọi nơi và mọi thời.
Thật vậy, con người luôn muốn hơn và muốn đứng đầu trong mọi lãnh vực, thậm chí trong các nhân đức, trong đó có nhân đức khiêm nhường! Vì người ta cũng phân chia nhân đức khiêm nhường ra thành bậc! Con người khổ sở vì sự thua thiệt trong thân phận và trong ganh đua; tự xếp loại mình và xếp loại nhau; từ đó không chấp mình không chấp nhận nhau trong trong thâm tâm. Rộng hơn nữa, đó còn là cách sống, cách làm việc và cách tổ chức của con người ngoài đời cũng như trong đạo: thi đua, thi tuyển, phân cấp, xếp bậc, xếp loại…. Kết quả là “những người bé nhỏ” theo nghĩa rộng và ở nhiều bình diện khác nhau, vốn chiếm đa số, bị khinh chê, thậm chí bị loại trừ, hay ít nhất tạo ra nơi họ mặc cảm thua kém rất tai hại và chết chóc.
Cách Đức Giê-su chữa căn bệnh này, và cách các Tin Mừng kể lại càng làm cho chúng ta nhận ra rằng đây là một thứ bệnh khó chữa. Ba Tin Mừng Nhất Lãm không hoàn toàn đồng nhất với nhau khi kể lại cách Đức Giê-su giải quyết ; nhưng cả ba đều có ít nhất ba điểm chung :
Loài người ham muốn vị trí “lớn nhất”, Đức Giê-su lại đẩy về một cực khác, là “nhỏ nhất”:
“Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”.
(c. 3)
Bản dịch Bible de Jérusalem dịch là “thay đổi” (change), thay vì “trở lại” trong bản dịch CGKPV. Nhưng phải làm thế nào để trở nên như « trẻ nhỏ » ? Chúng ta không thể lùi thời gian lại được ; vì thế, ai muốn quay trở lại với thời ấu nhi để có được sự ngây thơ trong trắng trẻ bình diện luân lý, thì đó là « ngây thơ cụ ». Trở nên như “trẻ nhỏ” là một ơn gọi, luôn ở phía trước.
Phúc thay những người hiền lành,
Vì họ sẽ có được Đất Hứa làm gia nghiệp.
(Mt 5, 4)
Ngang qua việc chuyên cần đọc và cầu nguyện với các Tin Mừng, Thánh Tê-rê-xa đã khám phá con đường “con đường thơ ấu thiêng liêng” của Đức Giê-su và đã sống đến cùng theo cách của mình, theo ơn gọi của mình và theo những ơn huệ cùng với thử thách của mình. Chúng ta được mời gọi chiêm ngắm hình ảnh tuyệt đẹp này : Đức Giê-su ôm em bé:
Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.”
(Mc 9, 36-37)
Và Người sẽ thực sự trở nên em bé đối với Cha và loài người trên Thập Giá. Thánh nữ Tê-rê-xa cũng đã sống như thế đó, trong tình yêu con thảo với Cha, trên Thập Giá bệnh tật của đời mình.
Như thế, Đức Giê-su chữa lành chúng ta không chỉ bằng lời, nhưng còn bằng cái chết của Ngài trên Thập Giá. Thật vậy, nơi Thập Giá, Ngài sống như một em bé: yếu đuối, bất lực và tự đặt mình vào vị trí tận cùng của bậc thang xã hội: tử tội và chết treo trên Thập Giá! Bởi vì, trẻ em và những người bé nhỏ, giới hạn yếu đuối là “nơi” bày tỏ tốt nhất sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa (x. Tv 8)
Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ
cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù,
khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan.
(Tv 8, 3)
Và Giáo Hội đã nhận ra “sức mạnh và sự khôn ngoan” của Thiên Chúa nơi “con đường thơ ấu thiêng liêng”, khi tôn phong thánh nữ Tê-rê-xa là Thầy Dạy của Giáo Hội, nghĩa là Tiến Sĩ Hội Thánh.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Theo: Dongten.net