Địa chỉ: xã Hương Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre (cách chợ Sơn Đốc 2 km). Đức cha Phêrô Ngô Đình Thục thành lập năm 1951 để kính nhớ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. La Mã là tên Đức Cha Phêrô Ngô đình Thục đặt cho một Họ Đạo mới được thành lập năm 1949, trước kia gọi là Bầu Dơi, thuộc làng Hiệp Hưng, tỉnh Bến Tre, miền Tây Nam Việt Nam. Bầu Dơi là một cánh đồng u minh đầy sông rạch, quanh năm ngập lụt, chỉ lưa thưa mấy xóm nhà lá nông phu nghèo nàn.
Vì chiến cuộc, nên bổn đạo Sơn Đốc kéo xuống Bầu Dơi lánh nạn. Một đêm trời tối, ông Biện Nguyễn văn Hạt lẻn về Nhà thờ Sơn Đốc đem bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp lồng kiếng về gửi tại nhà người con là anh Nguyễn văn Thành.
Ngày 2 tháng 2 năm 1950, quân đội Pháp bố ráp vùng Bầu Dơi, nhà anh Nguyễn văn Thành bị phá và bức ảnh Đức Mẹ bị mất.
Ba tháng sau, ngày 5 tháng 5 năm 1950, một bà lão theo đạo Cao Đài tên là Võ thị Liềng đi xúc cá tình cờ gặp được bức ảnh dưới một con rạch. Bức ảnh còn đủ kiếng, nhưng đã phai hết mầu, không còn hình dáng gì hết, chỉ toàn mầu bùn lầy lấm lem. Bà lão tri hô nên và nhiều người xúm lại. Họ biết đó là bức ảnh gởi nhà anh Thành. Anh Thành nhận bức ảnh đem về, nhưng vì lem luốc nên dùng để che sương nắng nơi vách nhà thủng rách. Ông Biện Hạt thấy vậy, sợ bất kính nên đem bức ảnh về nhà mình đặt trên tủ bàn thờ dưới tượng Thánh Tâm.
Lễ Đức Mẹ Mân côi, ngày 7 tháng 10 năm 1950, Bầu Dơi lại một lần nữa chìm trong khói lửa, dân làng chạy trốn hết. Nhà ông biện Hạt cũng bị bắn phá tan nát, nhưng ông và người con út tên Trọng, mười bốn tuổi, không kịp chạy nên đành nằm núp dưới vách lá sau tủ thờ. Hai cha con kêu cầu Đức Mẹ luôn miệng. Sau cơn bố ráp, ông Hạt và con trai chạy ra thấy cột kèo xiêu đổ, nhà bị đạn xuyên tứ phía, duy có bàn thờ là không sao. Hai cha con thoát chết đến trước bàn thờ cám ơn Đức Mẹ. Ôi lạ quá! Bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở dưới bùn hơn ba tháng đã phai nhạt hết, nay phút chốc lộ hình ra tốt đẹp và xinh tươi lạ lùng, ngoại trừ hai mũ triều thiên thì đến ngày 15 tháng 8 năm 1951 lễ Đức Mẹ Mông Triệu mới lộ rõ. Dân làng tuôn đến xem sự lạ đều sửng sốt.
Các giáo hữu bàn tán rất sôi nổi về bức ảnh lạ. Nhiều người đem lòng tin. Cha Luca Sách, cha sở Họ Cái bông dè dặt rước bức ảnh về nhà thờ họ Cái Bông. Đến ngày 20 tháng 6 năm 1951, sau khi đã trang hoàng lại nhà Thờ, bổn đạo rước Đức Mẹ về lại La Mã cách trọng thể, có cả tín đồ các giáo phái khác cùng tham dự.
Tiếng lành đồn xa, giáo hữu các nơi đua nhau đến kính viếng Đức Mẹ. Nhiều ơn lạ đã được thông ban. Một ngôi Thánh Đường khang trang mọc lên giữa vùng đồng chua nước mặn. Một bầu không khí đạo hạnh bao phủ khắp miền, minh chứng hùng hồn cho sự hiện diện đầy tình Mẫu tử yêu thương của Đức Mẹ.
Trong ba ngày khánh hạ (ngày 11, 12, 13 tháng 1 năm 1957), năm vị Giám mục, hằng trăm linh mục và tu sĩ, hàng vạn giáo hữu và rất nhiều người vị vọng đã đến chầu Đức Mẹ. Người hành hương ra về, lòng tràn ngập niềm tin tưởng vô biên vào lòng từ ái vô cùng của Đức Mẹ. Nhiều đồng bào bên lương cũng được Đức Mẹ bang trợ các ơn lành hồn xác, vì thế đã có nhiều người xin tòng giáo. Họ đạo La Mã trước đây chỉ vỏn vẹn có năm mươi nhân danh mà nay đã tăng lên hơn năm trăm. Mẹ thật là Nữ Vương Việt Nam. (Trích từ mục : Đức Mẹ La Mã , trang 299-301, trong “Từ Điển Đức Mẹ” )
Chương trình tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp La Mã Năm 2009
Giờ Lễ
* Ngày Chúa nhật & Lễ Trọng:
10g00 Đọc kinh & Thánh Lễ
* Thứ Bảy Đầu tháng & ngày 13:
10g00 Làm việc Kính ĐM HCG & Thánh Lễ
* Đặc biệt Ngày truyền thống 5-5 kỷ niệm ngày tìm lại được ảnh Đức Mẹ thất lạc:
8g00 Chương trình Diễn Nguyện & Hành hương Kính Đức Mẹ HCG LaMã.
10g15 Thánh Lễ Đồng Tế trọng thể (có Đức Giám mục và quý cha trong và ngoài Giáo phận)
* Lễ Đức Mẹ Hằng cứu giúp 27 tháng 6:
Bổn mạng Nhà thờ La Mã:
8g00 Chương trình Hành hương Kính Đức Mẹ HCG.
10g15 Thánh Lễ Đồng Tế mừng Bổn mạng.
Theo nguồn: Giaophanvinhlong.net