– Thưa Cha, con thật đắc tội vì đã không yêu thương anh chị em của con. Xin Chúa Kitô thương xót…
Ngày thứ hai, chúng ta cùng nhìn lại mối tương quan của chúng ta với anh chị em trong gia đình của chúng ta.
Cuộc sống con người là một cuộc hành trình đi tìm tình yêu và hạnh phúc. Chính mối tương quan hiệp thông giữa người với người và ngày càng khao khát yêu và được yêu bởi chỉ có tình yêu mới làm cho con người tìm về bản ngã của chính mình và ngày càng sống gần gũi với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình hơn. Nhưng đâu là hạnh phúc mà con người tìm kiếm? Làm thế nào để có thể có hạnh phúc? Làm thế nào để ta được yêu? Làm thế nào để ta sống tình yêu với tha nhân như Thiên Chúa mời gọi: Yêu như chính Thầy yêu anh em.
Trong cuộc sống, đôì khi vì những bất đồng, cãi cọ, tranh chấp và những hành vi thái quá khiến các thành viên trong gia đình tìm mọi cách để tránh dành thời gian cho nhau. Một số người thậm chí còn muốn cắt đứt luôn mối tương quan xã hội giữa họ và người thân. Vào thời điểm không ngừng bị tấn công từ các thế lực bên ngoài như hiện nay, thì điều quan trọng mà bất cứ gia đình nào cũng cần phải quan tâm đó là những xung đột nội bộ đang diễn ra, để có thể cùng nhau đứng vững, như là một gia đình.
Lời nhận xét thú thật hay “Tất cả các gia đình hạnh phúc đều giống nhau; mỗi gia đình bất hạnh đều bất hạnh theo cách riêng của họ”. Tôi tin rằng có thể có nhiều cách giải thích và bào chữa khác nhau về lý do cho sự bất hòa cũng như bất hạnh trong gia đình.
Thật ra, sự bất hòa có thể phát sinh từ bất kỳ nguyên nhân nào. Sống chung với nhau, hầu hết chúng ta đều biết đến những “nút nóng” riêng của từng người trong gia đình mình. Nói cách khác, đôi khi thật dễ dàng để khiến ai đó “nổi giận”, mặc dù người chạm vào nút nóng đó chỉ đơn thuần là để cho vui, nhưng người bị “nhấn nút” có thể không thấy sự hài hước, mà thay vào đó, là thấy bị tổn thương.
Đôi khi một thành viên trong gia đình có quan điểm mạnh mẽ về các chủ đề chính trị, văn hóa, hoặc tôn giáo trái ngược với quan điểm của các thành viên khác. Và sau đó, sự khác biệt này dẫn đến tình trạng giống như “dầu pha với nước” khiến cho sự khó chịu, khắc khẩu trở thành triệu chứng gây nên sự xa cách giữa các thành viên trong gia đình.
Ngoài ra, theo dòng thời gian, một số sự cạnh tranh, ghen tị nào đó giữa các anh chị em cũng có thể phát triển hơn lên. Điều này cũng không có gì lạ, bởi vì sự ganh tị giữa anh em ruột thịt đã tồn tại từ thời Cain và Abel.
Khi nhìn vào những tính cách khác biệt, những tính xấu, những điều khó chịu nơi các thành viên trong gia đình mình, chúng ta rất dễ quên rằng tất cả mọi người đều được dựng nên theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Không những thế, chúng ta cũng quên là Thiên Chúa yêu thương người khác vô bờ bến và vô điều kiện, bất chấp những gì tốt đẹp chúng ta không thấy nơi họ. Đồng thời, nhiều khi chúng ta không biết là có thể họ đang trải qua điều gì vào thời điểm khiến họ hành động như vậy, kể cả việc bản thân họ đang bị tổn thương vì lời nói hoặc hành vi của chính chúng ta.
Là con người, ai trong chúng ta cũng có những giới hạn nhất định, nên chúng ta không nhìn như Thiên Chúa nhìn, không thấy như Thiên Chúa thấy ngay cả khi chúng ta cố gắng để nhìn thấy điều tốt, điều chân thật, và điều đẹp đẽ nơi người khác. Thậm chí, dù có tháo bỏ những lăng kính méo mó của mình, thì chúng ta vẫn không thể nhìn thấy bức tranh bao quát hơn như Thiên Chúa thấy.
Hơn nữa, cũng không phải lúc nào chúng ta cũng nhìn nhận bản thân – hành vi và động cơ của chính mình – một cách rõ ràng và không thành kiến. Trên thực tế, đã bao nhiêu lần chúng ta nghĩ rằng không phải mình mà là người khác cần thay đổi như thế nào? Thật dễ dàng để chúng ta chỉ ra những sai phạm của người khác, nhưng lại thường mù quáng trước lỗi lầm của chính mình.
Một số người có thể nói: “Tôi muốn hoặc thực sự cần phải tránh những người gây phiền hà và khiến tôi căng thẳng”. Liệu đây có phải là điều Chúa Giêsu đã làm khi Người thi hành sứ vụ công khai chăng? Các sách Phúc Âm cho thấy Chúa Giêsu đã luôn ở giữa đám đông, ngay cả với những người có hành vi sai trái, thậm chí cố ý đối xử tệ với Người.
Chúng ta thường chọn cách đơn giản nhất đó là né tránh những người thân trong gia đình mà chúng ta không ưa hoặc vì họ đã nói hoặc làm điều gì đó mà chúng ta coi là xúc phạm đến mình. Tuy nhiên, chúng ta không thể làm điều này mãi mãi, vì đó chỉ là một cơ chế đối phó ngắn hạn. Xét cho cùng, cách chúng ta phản ứng với một người nào đó nói lên nhiều điều về chính chúng ta hơn là về họ.
Qua gương của Chúa Giêsu, bằng cách tương tác với những người ấy, rất có thể Người muốn chúng ta trở thành chứng tá về thế nào là tình yêu đích thực của Kitô hữu. Với ơn thánh, Chúa Giêsu muốn chúng ta thấy mình có thể thay đổi động cơ bằng cách thay đổi hành vi của chính mình ra sao. Từ đó, chúng ta có thể lớn lên trong nhân đức, và điều này chắc chắn cũng giúp ích cho các thành viên trong gia đình chúng ta.
Một tác giả đã viết “tôi chỉ thực sự là người nếu tôi sống với anh em tôi”. Mối tương quan hiệp thông với tha nhân làm cho con người ngày một nên hoàn hảo, ngày một trưởng thành trong tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Nhưng để sống tốt trong các mối tương quan, mỗi chúng ta phải luôn nỗ lực và hy sinh. Sự hy sinh nào cũng làm ta thấy đau đớn và nhức nhối, vì nó phải bỏ đi chính những sở thích, những ước muốn, những ý riêng của mình, phải coi trọng chị em hơn chính bản thân mình, dám chấp nhận mất mát, thiệt thòi hơn về phần mình.
Để tạo nên các mối tương quan tốt đó, chúng ta cần phải có một khoảng thời gian nhất định thực hiện. Vì tự bản tính mỗi người đều thích tự do, thích làm theo ý muốn của mình hơn là của tha nhân. Tuy nhiên, với tình yêu Thiên Chúa, ta có thể chiến thắng và làm được mọi sự vượt quá sức tự nhiên, và theo Thánh Phaolô: “Tôi có thể làm được mọi sự trong Chúa là Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Pl 4,13). Tình yêu Thiên Chúa ban như là chất xúc tác giúp ta dễ dàng đón nhận nhau với tất cả con người của chính mình.
Bởi ta không chỉ phải sống, phải đương đầu một mình, nhưng là với ơn Chúa, với sức mạnh của Chúa. Ước gì mỗi chúng ta đều cảm nhận được sự hiện diện đầy yêu thương và quan phòng của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta. Nhờ đó, ta có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi tha nhân và làm cho mối tương quan của ta với tha nhân ngày một thêm triển nở và tươi đẹp trong tình yêu của Thiên Chúa.
Nhìn vào thế giới ngày nay người ta không khỏi bàng hoàng trước những tội ác đang diễn ra liên tục với cấp độ ngày một gia tăng. Trước thực trạng hiện nay, tôi tự hỏi: Phải chăng con người ngày nay đang dần đánh mất đi nhân tính của chính mình? Phải chăng tình yêu không còn hiện hữu mà thay vào đó là những đau khổ của chiến tranh, bạo lực, khủng bố, thiên tai, bệnh tật… và phải chăng con người ngày càng dửng dưng và trở nên vô cảm trước những tội ác cũng như trước những đau khổ của người khác?
Có lẽ cũng vì thế mà con người ngày nay sẵn sàng chém giết lẫn nhau chỉ vì một ánh mắt thiếu thiện cảm, hay chỉ vì một câu nói bâng quơ mà ta tự nhận vào cho chính mình để rồi từ đó ta dễ dàng gây mối thù với tha nhân. Sự thù hằn đã ăn sâu vào trong trái tim của con người, khiến họ không còn nhìn tha nhân như là những quà tặng của Thiên Chúa nữa. Sự xa cách Thiên Chúa khiến con người ngày càng xa cách và sống đối nghịch với nhau. Hậu quả là con người sống trong sự ích kỷ của thù hận, làm cho cuộc sống của chính mình thiếu vắng tình yêu, thiếu vắng sự bao dung và tha thứ cho chính mình và cho tha nhân. Sự bành trướng của lối sống hưởng thụ, của chủ nghĩa cá nhân đã và đang dần làm cho con người ngày càng rơi vào hố sâu của sự ngăn cách, của sự tuyệt vọng và chết chóc.
Đứng trước một thế giới đầy sự đổ vỡ bởi thiếu vắng tình yêu và lòng thương xót, con người không ngừng được mời gọi hãy khám phá lại chính mình, khám phá lại tình yêu vô bờ mà Thiên Chúa dành cho mỗi người và cho toàn thể thế giới thụ tạo mà Ngài đã dựng nên.
Đó cũng chính lời nhắn nhủ đầy thiết tha và chân thành mà vị Cha chung nhắn gửi cho mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn dòng tu, cho Giáo Hội và cho toàn thể thế giới hôm nay: Hãy có lòng thương xót như Chúa Cha (Ga 20, 21-23). Chỉ khi nào ta nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa, cảm nghiệm được tình yêu và sự hiện diện của Ngài trong cuộc đời của ta thì ta mới có thể hàn gắn lại những sự đổ vỡ trong tương quan với tha nhân và với chính bản thân mình. Để từ đó ta không nhìn tha nhân với ánh mắt của sự nghi kỵ, lên án, nhưng với ánh mắt nhân từ của Thiên Chúa tình yêu.
Cuộc sống con người được xây dựng trên nền tảng các mối tương quan, gặp gỡ. Bởi vì sống ở trên đời “không ai là một hòn đảo” cho nên, con người chỉ có thể hoàn thiện chính mình khi sống mối tương quan đích thực với Thiên Chúa và tha nhân, đó cũng chính là quan niệm: “Mọi đời sống đích thực là sự gặp gỡ”. Sự gặp gỡ tha nhân đã qui tụ ta đến trong đời sống cộng đoàn. Đó cũng chính là đặc tính của nếp sống tu trì dành cho những người sống đời thánh hiến. Tuy nhiên, để sống tốt mối tương quan liên vị với từng thành viên trong cộng đoàn là cả một hành trình đầy khó khăn và thách đố mà mỗi thành viên phải không ngừng nỗ lực và cộng tác với nhau. Mỗi người phải biết luôn hy sinh và nhường nhịn nhau vì “bá nhân bá tánh” nên những xích mích, va chạm trong cộng đoàn là điều không tránh khỏi.
Tuy nhiên, sự khác biệt này sẽ được lấp đầy bằng tình yêu và sự bao dung của lòng thương xót.
Đó chính là đỉnh cao của đời sống cộng đoàn, một cộng đoàn được xây dựng bằng niềm vui và tình yêu huynh đệ. Đó là khi ta dám sống hòa nhập với mọi thành viên trong cộng đoàn, dám hiện diện hết tình và dấn thân vô điều kiện, dám ra khỏi chính mình, biết quên đi những nhu cầu cá nhân và các dự phóng của riêng mình để đến với tha nhân một cách vô điều kiện, dám chấp nhận sự thua thiệt về chính mình vì nhiệt tâm phục vụ theo gương Chúa Giêsu, Đấng đã đến để phục vụ chứ không phải để được người ta phục vụ (Mc 10,45). Người đã tự hủy mình ra không vì yêu thương con người, để cảm thông với sự yếu hèn của con người (Pl 2,6-7).
Đứng trước tội lỗi, đau khổ của con người, Người không lên án, nhưng luôn tỏ lòng thương xót, xoa dịu và chữa lành. Chính sự tương quan trong yêu thương và cảm thông đã hoán cải và chữa lành những tâm hồn sống trong tội lỗi như Maria Madalena, Mattheu, Giakeu… Người là mẫu gương sống động khi thể hiện dung mạo đầy từ bi thương xót của Chúa Cha.
Theo gương Người, tôi cũng được mời gọi họa lại hình ảnh của Người trong cuộc sống của tôi bằng một đời sống sẻ chia và yêu thương như chính Thầy (Ga 13,34), bằng sự nhẫn nại và quảng đại. Biết đón nhận tha nhân như một nhân vị tuyệt hảo và độc nhất vô nhị mà Thiên Chúa đã ban cho tôi trong cuộc sống này. Vì họ chính là anh chị em tôi, là người nhà của tôi, là những người cùng đồng hành với tôi và cùng tôi tiến bước trên con đường về nhà Cha. Để làm được điều đó, tôi phải luôn xóa mình đi và sống hết mình, hết tình với cộng đoàn.
Như vậy, tha nhân được phải được tôn trọng như một ấn phẩm và được trân trọng như chủ thể duy nhất, và khi đó, ta mới nhìn nhận sự tự do cá nhân và khả năng của tha nhân, đồng thời chiến thắng cái rập khuân, thao tác và kiểm soát tha nhân cùng một lối ứng xử thiếu nhân bản với người anh chị em đang sống cận kề với ta.
Ước gì trong mùa Chay Thánh này, mỗi chúng ta luôn cảm nghiệm được tình yêu và lòng xót thương mà Thiên Chúa đã dành cho mình, để từ đó ta cũng biết sống và thể hiện lòng thương xót đó đến với mỗi người mà chúng ta gặp gỡ và đến với toàn thể thế giới thụ tạo mà Thiên Chúa đã dựng nên. Đặc biệt là biết thể hiện lòng thương xót đó trong chính cộng đoàn và môi trường ta đang sống.
Chính sự cảm thông, yêu thương, sẻ chia làm cho tương quan của ta với tha nhân ngày một thêm bền chặt, làm thăng tiến và triển nở cuộc sống của bản thân và của anh chị em mình. Để từ đó khuôn mặt của Thiên Chúa ngày càng được thể hiện rõ nét trong cuộc sống, giúp mọi người có thể nhận biết sự hiện diện của một Thiên Chúa tình yêu ngay trong thế giới mà tưởng chừng như con người đã và đang dần đánh mất Thiên Chúa.
Loại trừ chứ không phải là tiêu diệt, hay báo oán trả thù. Kẻ có tội, nếu chẳng nghe anh em, cũng chẳng nghe lời của cộng đoàn mà sửa lỗi, trái lại cứ ngoan cố tiếp tục đi trên con đường tội lỗi đó thì sẽ bị loại ra khỏi cộng đoàn. Như vậy, chúng ta biết rằng, khi chúng ta quan tâm giúp đỡ một ai đó khi họ phạm tội thì chúng ta đang giúp đỡ và xây dựng một Giáo hội, xây dựng tình người, tình liên đới với nhau để cho con người trong Giáo hội xích lại gần nhau hơn vì Giáo hội là thân mình của Chúa Giêsu, và vì “Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét…và để cho con người được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất” (Ep 2,14-16).
Đó chính là tinh thần trách nhiệm xây dựng tình liên đới với nhau. Như thế, chúng ta đã chu toàn trách nhiệm của mình trong thân phận làm người như lời thánh Phaolô nói: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13,8), vì khi chúng ta đã làm được như vậy là chúng ta đã chu toàn lề luật của Chúa, đó chính là mến Chúa và yêu người, và yêu người chính là giúp họ đến với Chúa và Người sẽ ban ơn cho họ.
Thiên Chúa muốn giúp chúng ta yêu thương những người thân trong gia đình mình, nhưng đôi khi chúng ta, vì nhiều lý do, cảm thấy điều này là bất khả thi. Chúng ta cần ơn Chúa. Với sự luyện tập và trợ lực của ân sủng, chúng ta có thể học biết làm thế nào để không vấp ngã trước những lời nói, hành vi không thích hợp của người khác bằng cách thay đổi suy nghĩ và hành vi của chính mình.
Chúng ta cũng cần cầu xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta lớn lên, không chỉ về sức mạnh mà còn về sự khôn ngoan và lòng bác ái. Ơn khôn ngoan để giúp chúng ta nhìn, hiểu, và đón nhận những thành viên khó ưa trong gia đình với sự kiên định, kiên trì, và kiên nhẫn. Lòng bác ái để giúp chúng ta lớn lên khi học cách tương tác với người khác, cả trong và ngoài gia đình, bằng tình yêu như Chúa yêu.
“Đối với Thiên Chúa, không gì là không thể làm được” (Lc 1, 37). Liệu cách cư xử của chúng ta đối với những người trong gia đình có cho thấy chân lý này chăng? Liệu gia đình của chúng ta sẽ cho thấy chân lý này được thể hiện nơi chúng ta như thế nào?
Lm Anton Tuệ Mẫn