VĂN LÀ NGƯỜI – PHẪN NỘ CÓ NHÂN VĂN

VĂN LÀ NGƯỜI – PHẪN NỘ CÓ NHÂN VĂN

Chuyện Đó Đây - Jan 06/01/2024

Có một thầy giáo có nghề tay trái là thợ mộc, thi thoảng vào Nhà Thờ chơi. Có lẽ do bệnh nghề nghiệp nên Thầy hay nói : “Văn là người mà Cha”

Con người, thật sự cũng không khó để đánh giá về tư cách, nhân cách của họ qua lời ăn tiếng nói của người đó. Chính vì thế người ta mới nói văn là người.

Trong cuộc sống, chả phải cứ học cao học rộng là ăn nói dễ nghe. Có khi nói dễ nghe dễ hút đó nhưng toàn là sáo ngữ cũng như là kỹ xảo để thu hút người nghe nhưng những lời đó thật sự vô nghĩa hay rỗng tuếch. Và ngược lại, có những người ít học một chút nhưng cách nói của họ đi vào lòng người.

Lời văn, lời ăn tiếng nói nơi ai đó diễn tả cái “nhân văn” trong tâm hồn của người đó. Dĩ nhiên ai ai cũng muốn nghe những lời dễ nghe, bình dị và chân thành chứ chả ai thích nghe những lời hoa mỹ hay người ta thường gọi là ba hoa chích chòe nơi ai đó. Chả ai khù khờ đến độ không nhận định được lời của người đối diện với mình đang nói. Có điều họ không muốn nói ra đó thôi.

Và như vậy, trong cuộc sống, ta nên sống chân thành và dùng với nhau những lời giản dị mà thật. Như người ta vẫn thường hay ví : Người miền Nam có sao nói dzậy. Mà thật ! Tôi đã từng tiếp xúc với người gốc Nam rặc ! Họ có sao nói vậy chứ không hề thêm bớt. Tôi lại thích những người như thế và rồi đời sống của họ cũng diễn tả qua những lời thật của họ.

Trong xã hội và cả Giáo Hội, có những điều làm người ta không hài lòng hay gọi là trái khuấy. Đứng trước những điều trái khuấy ấy, có người bàng quan, có người bất đồng nhưng im lặng và có những người không chịu nổi những trái khuấy ấy và lên tiếng.

Ngày mỗi ngày, trên các nền tảng mạng xã hội, ta thấy đủ điều đủ kiểu thượng vàng hạ cám những lời lẽ bất bình về điều này điều kia trong cuộc sống. Có những trang, có những tác giả viết cũng như bày tỏ sự bất bình trước những điều trái khuấy đọc thấy rất hay. Nhẹ nhàng mà sâu sắc cũng như châm biếm cuộc đời này rất dễ thương. Đọc và khoái cũng như cứ tủm tỉm cười về cuộc đời.

Ngược lại, có những người tỏ ra bức xúc điều này điều kia nhưng cách của họ khác. Họ dùng những lời lẽ xem chừng ra khó nói lắm. Giả như người ta bất bình một vị giám mục hay một đức cha nào đó thì chuyện quan trọng nhất vẫn là chuyện giữ thái độ là một người có học hay một Kitô hữu chân chính chứ không thể nào dùng những từ trống trống. Ít ra cũng dùng tự “Cụ” xem chừng ra nó có văn hóa hơn khi nói về ai đó có chức có quyền.

Kèm theo cách dùng những ngôn từ bất kính là những từ ngữ xem chừng ra khó nghe và khó đọc.

Sáng nay, một vài dòng phản kháng về chuyện Đức Giáo Hoàng cho phép chuyện chúc lành. Ôi thôi, cũng cái trang của cá nhân đó thì đủ những lời lẽ mà tôi không tiện nhắc lại. Có những người họ cảm thấy bất bình và họ nói rằng đừng viết những lời lẽ như thế nữa.

Tiếc thay là trong cơn say mà ! Có ai kiểm soát được mình đâu. Càng say thì càng nói càng và càng làm càng vì khi đó ảo tưởng sức mạnh của mình.

Ngôn từ hay lời nói rất quan trọng trong cuộc sống : “Ai cầm giữ miệng mình là khôn ngoan” (Cn 10, 19b). Người nào kiềm chế miệng lưỡi của mình, thường kiểm tra chính mình, ngăn chặn những điều mình đã suy nghĩ, và giữ lại những gì không nên nói ra, thì người đó là một người khôn ngoan và tránh được sự vấp phạm của lời nói!
Chúng ta tự do, chúng ta có quyền bất bình nhưng dù bất bình đi chăng nữa cũng nên nhớ là bình tĩnh vì những lời lẽ mà mình thốt ra rồi thì không thể nào lấy lại được.

Người khôn ngoan là người biết cầm giữ lời nói, luôn cẩn thận trong lời ăn tiếng nói của mình. Cụm từ “cầm giữ miệng mình” chỉ về người biết dè giữ lời nói, mau nghe, chậm nói, trước khi nói luôn suy nghĩ kỹ lưỡng. Lời nói của người khôn ngoan là lời có giá trị, quý giá như bạc ròng hảo hạng. Những lời nói ấy không những đem lại ích lợi cho người nói, nhưng cũng là những bài học quý giá “nuôi dạy nhiều người”, không có nghĩa là lời nói dạy đời, nhưng là lời nói “nuôi sống nhiều người”. Những lời nói như vậy bày tỏ những điều tốt đẹp và sự công chính của Chúa giúp nuôi dưỡng tâm linh cho người nghe.

Ngược lại, lời nói của người ngu dại, gian tà là những lời nói bừa bãi, thiếu suy nghĩ, nói nhiều lời nhưng những lời ấy chẳng có giá trị, không ích lợi gì cho người nghe. Họ càng nói nhiều, càng làm cho người nghe thấy sự ngu dốt, thiếu hiểu biết của họ. Người khôn ngoan biết được người hung ác qua lời nói gian tà của họ; nhưng người ngu dại thì lại bị kẻ gian tà khuyến dụ vào đường tội ác. Hậu quả lưỡi của kẻ gian tà “sẽ bị truất”, có nghĩa là “sẽ bị cắt mất” như Lời Chúa đã dạy trong Thánh Vịnh 12, 3 rằng: “Thiên Chúa sẽ diệt hết thảy các môi dua nịnh, Và lưỡi hay nói cách kiêu ngạo.”
Là con của Chúa, xin Chúa cho lời nói của chúng ta luôn bày tỏ sự công chính và sự sống của Chúa, giúp cho người nghe nhận biết con đường đến sự công chính và sự sống đời đời. Đồng thời phải tránh xa những người nói lời gian tà, vì lời nói của kẻ dại chỉ phá đổ và khiến tấm lòng người nghe trống rỗng, nản lòng. Thánh Phaolô dạy: “Đừng để ai lấy những lời rỗng tuếch lừa dối anh em; chính vì những điều này mà cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời đổ xuống dòng dõi không vâng phục” (Ep 5,6). Thánh Giacôbê dạy: “Ai không vấp phạm trong lời nói, đó là người trọn vẹn, có thể kiềm chế được cả thân thể mình” (Gc 3, 2). Kitô hữu cần nhận biết bản thân yếu đuối, dễ vấp phạm trong lời nói để cầu xin Chúa kiểm soát lời nói của mình mỗi ngày, biết cẩn thận khi nói và cũng biết suy xét khi nghe.

Bạn đã cầm giữ được lời nói của mình chưa? Những lời nói của bạn có hướng dẫn, có đưa người nghe tìm được sự công chính, sự sống của Chúa không?

Lm. Anmai, CSsR