Mỗi lần Mùa Chay đến, trong các thư mục vụ, giáo quyền tại Phi Luật Tân lại phải lưu ý và năn nỉ anh chị em giáo dân tránh những biểu hiện của lòng đạo đức bình dân thái quá.
Trong các ngày thứ Sáu trong suốt Mùa Chay, từng đoàn người rủ nhau đánh tội công khai trên đường phố. Các hối nhân trùm đầu mình bằng bao bố chỉ khoét hai lỗ nhỏ để thấy đường đi, rồi dùng roi tre đánh túi bụi vào chính mình để đánh tội và thể hiện tâm tình sám hối. Việc trùm đầu bằng bao bố là để tránh bị cho rằng họ phô trương lòng đạo đức của mình. Các roi tre được chẻ ra ở đầu roi và có khi còn được buộc thêm những mảnh thiếc từ những lon coca cola. Nhiều người tự đánh mình đến độ máu me ra lênh láng. Có người phải vào nhà thương.
Tuy nhiên, hình thức kinh hoàng nhất khiến hàng giáo phẩm Phi Luật Tân lo lắng là việc đóng đinh vào thập giá. Đóng đinh thật sự vào tay, chứ không phải là đóng kịch, và treo trên thập giá trong nhiều giờ.
Việc đóng đinh vào thập giá xảy ra ở hầu hết các giáo phận nhưng tình hình là nghiêm trọng nhất tại tổng giáo phận Cebu. Từ sau trận bão Hải Yến tàn phá nặng nề Cebu, giết chết 6340 người vào đầu tháng 11 năm 2013, phong trào đóng đinh vào thánh giá tại đây xem ra còn rầm rộ hơn trước nữa.
Tổng giáo phận Cebu
Tổng giáo phận Cebu rộng 5,088 cây số vuông. Trong tổng số 4,609,600 dân, người Công Giáo chiếm 4,079,700 người, tức là 85% dân số. Đây không chỉ là giáo phận lớn nhất Phi Luật Tân mà còn là giáo phận lớn nhất Á Châu với 169 giáo xứ, 356 linh mục triều, 282 linh mục dòng, 1080 sư huynh và 1,245 nữ tu.
Tổng giáo phận Cebu còn có một nét đặc biệt không nơi nào có. Thật vậy, trong toàn bộ thế giới Công Giáo, ngày thứ Tư Lễ Tro và ngày thứ Sáu Tuần Thánh là ngày ăn chay và kiêng thịt. Nhưng tại đảo Bantayan trong tổng giáo phận Cebu, các tín hữu Công Giáo được miễn không phải kiêng thịt trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh. Đúng là một chuyện lạ bốn phương.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Cư dân trên đảo Bantayan sống chủ yếu bằng nghề đánh cá. Đất đai chủ yếu là đất cát không trồng trọt được. Trong Tuần Thánh, người Phi gọi là “Semana Santa”, đặc biệt Ngày thứ Sáu Tuần Thánh, họ giữ một truyền thống không ra khơi đánh cá. Cho nên, nếu kiêng thịt thì họ rất là khó khăn. Theo thỉnh cầu của các nhà truyền giáo Tây Ban Nha, vào năm 1840, Đức Thánh Cha Grêgôriô thứ 16 ra sắc chỉ ân chuẩn cho họ không phải kiêng thịt ngày thứ Sáu Tuần Thánh. Sắc chỉ này mang lại nhiều thuận lợi cho việc truyền giáo. Vì thế, cho đến nay, ân chuẩn này vẫn còn tác dụng vì không có vị Giáo Hoàng nào thu hồi lại.
Đóng đinh vào thập giá tại Cebu
Trong thư Mục Vụ Mùa Chay năm nay, cũng như mọi năm trước đây, Đức Tổng Giám Mục Jose Serofia Palma của tổng giáo phận Cebu đã năn nỉ anh chị em tín hữu hãy suy nghĩ lại về những hình thức thể hiện lòng đạo đức bình dân thái quá trong Mùa Chay, đặc biệt là trong Tuần Thánh.
Trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, từ mờ sớm đã có hàng đoàn người đi trên các con đường làng để đánh tội, liên tục cho đến tối.
Sau đó, hàng trăm người, có cả những phụ nữ, nhờ những người khác đóng đinh họ vào thập giá. Một số người ăn mặc như quân lính Rôma lấy dây thừng cột tay hay thậm chí đóng đinh những người khác vào thập giá và dựng lên trong nhiều giờ dưới trời nắng gắt. Việc đóng đinh diễn ra đúng theo nghĩa đen của từ này. Tay họ bị đóng những mũi đinh lớn và nhọn vào thập giá cách thực sự. Cho đến nay, chưa thấy có báo cáo tử vong nào nhưng đa số phải vào nhà thương vì mất nhiều máu.
Phong trào đóng đinh vào thập giá tại Phi Luật Tân đã bắt đầu từ năm 1946 và mặc dù giáo quyền lên tiếng nhiều lần, những lời khuyên bảo xem ra không có mấy tác dụng. Con số người chịu đóng đinh mỗi năm có xu hướng tăng lên.
Chính quyền không bao giờ ngăn cản. Trái lại, họ còn xúi thêm. Đúng thế, năm 2011, chính quyền thành phố Cebu phát hành khoảng 10,000 tờ quảng cáo miêu tả thành phố là một trung tâm “du lịch tôn giáo” với đầy những hình ảnh về các cuộc đóng đinh.
Nhiều nhân vật chịu đóng đinh được ghi vào Guiness
Nhiều người tham gia vào phong trào đóng đinh vào thập giá tại Cebu nổi tiếng đến mức tên tuổi của họ được ghi vào Guiness thế giới.
Ông Ruben Enaje, 54 tuổi, được xem là người nổi tiếng nhất. Tính cho đến hết Mùa Chay năm 2016, ông đã chịu đóng đinh vào thánh giá 28 lần. Năm 1986, ông Ruben Enaje té từ lầu 3 xuống, nhưng không chết. Sau lần thoát chết đó, ông quyết chí năm nào cũng chịu đóng đinh vào thập gía.
Nhân vật nổi tiếng thứ hai là ông Alex Laranang, 60 tuổi đã chịu đóng đinh vào thánh giá suốt từ Mùa Chay năm Thánh 2000 cho đến nay.
Về phía phụ nữ có thể kể đến bà Percy Valencia, năm nay 42 tuổi cũng đã từng chịu đóng đinh vào thánh giá nhiều lần.
Phản ứng của tổng giáo phận Cebu trong năm nay
Trong thư mục vụ Mùa Chay năm nay Đức Tổng Giám Mục Jose Serofia Palma một mặt khuyên anh chị em giáo dân, một mặt ngài khích lệ các linh mục tổ chức các hoạt động trong suốt ngày thứ Sáu Tuần Thánh để lôi cuốn anh chị em giáo dân vào các sinh hoạt có tính chất truyền thống hơn như đi đàng thánh giá, xưng tội và hành hương.
Các địa điểm hành hương sẽ bao gồm Tiểu Vương Cung Thánh Đường Chúa Hài Đồng Giêsu. Đây chính là nơi Kitô Giáo được truyền vào Phi Luật Tân. Thật vậy, nhà thám hiểm Magellan đã dựng cây thánh giá đầu tiên trên đảo quốc này vào ngày 16 tháng Ba năm 1521.
Bên cạnh đó còn có khu vườn Banawa nơi có 14 chặng đàng thánh giá đặt trên một diện tích 12 hécta với những tượng to như người thật.
Tại nhà thờ Đức Mẹ Guadalupe, một nhóm kịch được thành lập từ thế kỷ thứ 17 sẽ diễn lại cuộc thương khó tổng cộng 3 lần trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh.
Với những hoạt động phong phú này, cộng thêm các sáng kiến của các linh mục địa phương, Đức Cha Jose Serofia Palma bày tỏ chút hy vọng cho một nan đề kéo dài suốt nhiều năm qua.
Theo: Vietcatholic.org