Thứ Sáu tuần 2 MV
Thánh Lucia, Đttđ. Lễ nhớ
Is 48:17-19; Mt 11:16-19
XÉT MÌNH
“Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa”. (Mt 11, 17)
A Thánh nữ Lucia thuộc dòng họ quí tộc ở Syracusa, đã hứa hôn, nhưng Lucia tỏ lộ ước muốn hiến mình hoàn toàn cho Thiên Chúa và khát khao dành phần thừa kế di sản của mình để phân phát cho người nghèo. Nhưng người theo đuổi Lucia thấy ngài bán nữ trang và ruộng đất rồi phát cho người khổ cực, liền nổi giận và tố cáo với Paschse là người cầm quyền ở Syracusa.
Cho dù bị cầm tù, nhưng ngài mạnh mẽ khẳng định đức tin của mình trước quan quyền: “Ông muốn làm đẹp lòng họ, còn tôi, tôi chỉ có một ước vọng là làm đẹp lòng Chúa Kitô thôi. Những người thiêu huỷ thân xác là những người bỏ niềm vui mau qua để đổi lấy những niềm vui đời đời.” Sức mạnh và lòng can đảm ấy của thánh nữ Lucia được kín múc từ chính Suối nguồn là Thiên Chúa.
Cuộc sống của Thánh nữ Lucia tưởng sẽ êm đềm trôi, ai dè khi vừa tới tuổi trưởng thành thì một sự việc đã xảy ra ngoài ý muốn của cô. Mẹ của cô, một người gốc Hy Lạp tên là Eutychia đã ép buộc cô phải lập gia đình với một chàng thanh niên giàu có của một gia đình quen biết theo tập tục thời bây giờ, bất chấp sự thoả thuận của đôi nam nữ này.
Rất may một biến cố bất ngờ xảy ra trong gia đình giúp Lucia "thoát nạn". Bà mẹ của cô bị một cơn bệnh "thập tử nhất sinh" nhưng cuối cùng bà đã qua khỏi. Lucia cho rằng bà được khỏi là do phép lạ của Chúa, do việc cầu nguyện của cô. Chính sự việc này đã khiến bà đổi ý không còn bắt Lucia phải kết hôn nữa. Từ đó Lucia thêm phần tin tưởng vào Chúa. Cô bán tất cả phần gia tài mình có rồi phân phát cho kẻ nghèo khó.
Sự việc tưởng như thế là xong nhưng có dè đâu chàng thanh niên bị từ chối kết hôn vẫn còn say mê Lucia. Vì bị từ chối kết hôn, anh ta cảm thấy cay cú nên đã tố cáo Lucia với Hoàng đế Roma là Ðiôclêtianô lúc đó. Ông vua này vốn là một người không có cảm tình gì với người Kitô hữu. Ngược lại còn căm ghét những người có đạo một cách điên cuồng. Lucia bị bắt và bị giam cầm chỉ vì cô là người có đạo và hiện đang theo đạo.
Lính tráng đã giải cô đến trước mặt vị quan Paschase. Paschase đã dụ dỗ cô dâng hương tế thần nhưng cô không đồng ý, sau đó ông này âm mưu muốn hủy hoại đời trinh tiết của Lucia bằng cách để cho số thanh niên đâm đãng làm nhục cô cho đến chết. Nhưng tình thương của Chúa thật nhiệm màu. Chúa đã làm phép lạ gìn giữ Lucia làm cho thân xác Lucia hoá ra nặng như đá nên không kẻ nào có thế làm hại được nàng.
Theo lời kể của Sigebert (1030-1112) một tu sĩ ở Genbloux trong sách "Sermo de Sancta Lucia" thì thi hài của Lucia được an táng tại Sicilia hơn 400 năm, cho đến khi Quận công Spoleto chiếm được đảo và cho di chuyển Thánh tích về Corfinium ở Ý. Năm 972, Thánh tích lại được dời chuyển một lần nữa bởi hoàng đế Otho I về nhà thờ Thánh Vincent tại Metz. Một cánh tay của Thánh nữ được cắt ra cho tu viện Luitburg thuộc giáo phận Spires. Một phần Thánh tích của Thánh nữ Lucia được tìm thấy tại Constantinopolis năm 1204 và chuyển về tu viện Thánh Geremia. Thánh tích được an vị tại đây hơn 777 năm.
Sau đó ngày 07 tháng 11 năm 1981, hai tên trộm người Sicilia đập vỡ hòm kiếng lấy hài cốt của Thánh nữ đem đi chỉ còn chừa lại xương sọ và mặt nạ. Thánh tích lại được trả về một tháng sau đó theo lời khẩn khoản yêu cầu của giáo quyền của đảo Sicilia.
Khi phác họa lại hình ảnh thánh nữ Lucia, người ta vẽ ngài đang bưng chiếc đĩa để cặp mắt của ngài hay cầm cặp mắt ngài trong các ngón tay. Tên Lucia bắt nguồn từ tiếng la tinh lux, có nghĩa là ánh sáng. Quả thật, cuộc đời của thánh nữ tựa như ánh sáng dẫn đường chúng ta đến với Thiên Chúa, Đấng là Mặt Trời Công Chính, là cội nguồn ánh sáng.
Trở về với trang Tin Mừng hôm nay, vào thời Chúa Giêsu, những luật sĩ và biệt phái thuộc tầng lớp lãnh đạo, tự hào mình là những người am hiểu Kinh Thánh và là con cháu đích thực của tổ phụ Apraham. Vì thế, họ đóng lòng mình lại trước những lời giáo huấn của Gioan Tẩy giả cũng như của Chúa Giêsu: Gioan Tẩy giả tới rao giảng, kêu gọi sám hối bằng lối sống chay tịnh thì họ cho là “ông bị quỷ ám” (Mt 11, 18). Chúa Giêsu đến rao giảng và quan tâm tới người nghèo khổ, tội lỗi thì họ lại kết luận Ngài là “tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Mt 11,19). Do đó Chúa Giêsu đã mạnh mẽ nhận xét họ là những người cứng lòng tin.
Quả thế, nhiều khi trong cuộc sống, ta vẫn tự hào và cho mình là người hiểu biết hơn người khác, để rồi tự cho mình quyền lên án anh em. Đôi khi ta tự cho mình là người đạo đức hơn người khác, vì ta thường xuyên đi nhà thờ, đi lễ. Có những lúc ta có cảm giác mình là người tử tế, vì ta được học nhiều, được sinh ra trong một gia đình có truyền thống đạo đức. Với Chúa thì khác, những điều đó tuy cần thiết nhưng chưa đủ để chứng minh một đức tin trưởng thành. Người có đức tin trưởng thành phải là người biết hành động theo lẽ khôn ngoan của Thiên Chúa, là người khiêm nhường nhận ra và thi hành thánh ý Thiên Chúa qua từng biến cố của cuộc sống.
Câu chuyện Tin Mừng mời gọi ta xét mình. Phải chăng thái độ của những luật sĩ biệt phái xưa cũng là thái độ của chính ta?
Là người môn đệ của Chúa Giêsu, ta được mời gọi trở nên muối ướp mặn cho đời và ánh sáng cho trần gian. Với thánh nữ Lucia, suốt cuộc đời ngài đã sống triệt để lời mời gọi của Tin Mừng. Thậm chí, ngài sẵn sàng chịu tử đạo để minh chứng cho đức tin. Chính nhờ cuộc tử nạn của Thánh nữ Lucia đã nuôi dưỡng sâu xa lòng đạo đức của các Kitô hữu qua nhiều thế kỷ.
Bài: Tuệ Mẫn & Video: TGPSaigon.net