Ý NGHĨA CỦA CHAY TỊNH

Ý NGHĨA CỦA CHAY TỊNH

Mùa Chay - Mar 08/03/2019

Thứ Sáu Mùa Chay

Is 58, 1-9a; Mt 9, 14-15

Ý NGHĨA CỦA CHAY TỊNH

          Ta và mọi người trong Giáo Hội Công Giáo bước vào Mùa Chay Thánh. Giáo Hội mời gọi tất cả chúng ta ăn chay. Nhưng việc ăn chay như thế nào mới có ý nghĩa ?

          Với trang Tin Mừng hôm nay, các môn đệ của Gioan hỏi Chúa Giêsu : “Tại sao chúng tôi và những người biệt phái thì giữ chay, còn môn đệ của Ngài lại không?” Chúa Giêsu trả lời họ rằng : “Làm sao các khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ? Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay”.

          Chúa Giêsu chẳng bao giờ coi thường việc ăn chay. Ngài đã ăn chay bốn mươi ngày trước khi bắt đầu sứ vụ (Mt 4, 2). Hội thánh tiên khởi cũng gắn liền cầu nguyện với ăn chay (Cv 13, 2-3) Thánh Phaolô vẫn ăn chay, dù vất vả với tông vụ (2 Cr 6,5; 11, 27). Để rước lễ, chúng ta phải kiêng ăn uống khoảng một giờ. Ngày thứ sáu vẫn là ngày kiêng thịt theo luật chung của Hội thánh. Ước gì việc ăn chay làm ta gặp Chúa, gặp anh em và gặp lại chính mình.

          Qua câu trả lời của Chúa Giêsu, chúng ta nhận rằng : Ngài muốn mở ra một cách thức mới về việc ăn chay. Các môn đệ sẽ không phải ăn chay khi họ đang ở bên Chúa. Họ chỉ ăn chay khi Ngài ra đi chịu khổ nạn và chịu chết. Việc chay tịnh khi đó mới thực có ý nghĩa, để chờ đón Ngài, để được gặp lại Ngài.

          Mùa Chay Thánh kéo dài 40 ngày sẽ có ý nghĩa với chúng ta, nếu chúng ta thực hiện điều Thiên Chúa muốn.

          Việc ăn chay là một cách thức có tác động mạnh đối với thế giới xung quanh của chúng ta. Thiên Chúa đã gợi ý cho chúng ta cả một danh sách những điều mong ước của Ngài về việc ăn chay của chúng ta : “chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục” (x. Is 58,7).

Chay tịnh để kìm hãm một nhu cầu mạnh mẽ nhất trong con người, đó là ăn uống để sinh tồn, nhờ đó có thể tiến mạnh hơn trên con đường tu thân tích đức;

          Ăn chay để kinh nghiệm được sự đói khát, nhờ đó có thể cảm thông và chia sẻ với những anh em túng thiếu, nghèo khổ đang cần đến sự trợ giúp của mình;

          Ăn uống kham khổ để tiết kiệm được một số tiền hầu đóng góp vào các chương trình bác ái, từ thiện.

          Ăn chay để tìm được ý nghĩa đích thực của cuộc sống con người không chỉ lo làm lụng để cung phụng cho thân xác và đời sống vật chất, nhưng còn cố gắng hướng lên những mục đích tối thượng thiêng liêng.

          Với tất cả những điều đó, ta thấy ý nghĩa của việc ăn chay có những yếu tố rất tích cực, đáng suy nghĩ và thực hành. Nhưng còn một ý nghĩ khác rất quan trọng, đó là ăn chay để tập trung tư tưởng, nhờ đó khám phá hình ảnh nòng cốt của mình và của tha nhân: đó là hình ảnh Thiên Chúa ẩn nơi mỗi người.

           Trước sự chất vấn của các môn đệ Gioan, Chúa Giêsu mở ra một cái nhìn mới về việc ăn chay: Ngài đặt việc ăn chay trong mối tương quan với sự hiện diện của Ngài. Ngày nào “chàng rể” Giêsu đang ở giữa tiệc cưới, đồng hành với các môn đệ là bạn hữu chàng rể, thì họ sống trong niềm vui, không thể ăn chay được. Chỉ khi chàng rể bị đem đi, nghĩa là trong cuộc Khổ Nạïn, họ mới ăn chay trong sự thiếu vắng, khắc khoải và mong ước được gặp lại Thầy mình.

          Hẳn ta còn nhớ về khuôn mặt của Gioan. Gioan sống khổ hạnh nơi hoang địa, ông lôi kéo người ta đến với ông. Ông dọa tội nhân về cơn thịnh nộ mà Thiên Chúa sắp giáng xuống. Còn Đức Giêsu thì đến với những kẻ tội lỗi, bị xã hội loại trừ, ăn uống vui vẻ với họ vì Nước Trời đã đến rồi (Mt 11, 18-19).

          Sau khi Gioan đã bị tống ngục (4, 12) các môn đệ của ông vẫn tiếp tục hoạt động (11, 2-6). Chắc họ khó chịu khi thấy các môn đệ của Thầy Giêsu không ăn chay, không có vẻ khắc khổ, nhiệm nhặt như họ hay như người Pharisêu , nên họ hỏi thẳng Thầy về chuyện này (c. 14). Thầy Giêsu trả lời họ bằng một câu hỏi khác (c.15): “Khách dự tiệc cưới có thể than khóc khi chàng rể còn ở với họ sao?” Dĩ nhiên là không rồi!Câu nói của Thầy Giêsu cho thấy bầu khí Thầy-trò trong nhóm là bầu khí vui tươi ấm áp, bầu khí của một tiệc cưới. Thầy là chàng rể, còn trò là khách dự tiệc. Thời gian Thầy ở với các môn đệ là thời gian hạnh phúc cho họ.
          Và trở về lại với Cựu Ước, ta bắt gặp hình ảnh chàng rể để chỉ Thiên Chúa (Is 62, 4-5), Đấng kết duyên cầm sắt với dân Ítraen (Hs 2, 21-22). Còn ở đây Đức Kitô kín đáo nhận mình là chàng rể. Chàng rể là nhân vật chủ yếu của tiệc cưới. Tiệc cưới ấy chính là Nước Trời được Ngài khai mở (Mt 22, 1-14; 25, 1-13).

          “Nhưng sẽ đến ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ…” (c.15). Đây không phải là một lời tiên báo rõ ràng về cuộc khổ nạn,nhưng là một ám chỉ đến cái chết bất ngờ sắp xảy ra. Chàng rể Giêsu chẳng ở luôn với các môn đệ (Mt 26, 11). Có ngày họ sẽ không còn thấy Thầy nữa, “bấy giờ họ mới ăn chay.” Ăn chay đối với Kitô hữu là thái độ chuẩn bị ngày Thầy trở lại. Ăn chay làm ta nhẹ nhàng để chờ ngày gặp Chúa diện đối diện.

          Để khiêm nhường van xin Thiên Chúa dung thứ tội lỗi chúng ta, đó là chúng ta hãy biết mở lòng ra để cho Ngài chữa lành chúng ta. Đó cũng là việc chúng ta mở đôi mắt ra xung quanh để nhìn những người đang bị tổn thương và túng thiếu cần được giúp đỡ.

          Như Thánh nữ Têrêsa Avila đã nói, chúng ta là những bàn tay và đôi chân của Thiên Chúa. Chúng ta dường như suy nghĩ điều Thiên Chúa yêu cầu ở trên là hết sức khó. Tuy nhiên, những yêu cầu của Thiên Chúa luôn đơn giản để chúng ta đến gần Ngài hơn với lòng khiêm nhường, lòng sám hối ăn năn.

          Và rồi ta hãy cùng nhau nguyện xin Chúa cho mọi tín hữu hiểu được sự cần thiết của việc ăn chay và ăn chay đúng cách để việc ăn chay giúp các tín hữu lớn lên trong đời sống thiêng liêng.

Tuệ Mẫn