YÊU VÀ GIỮ LỜI

YÊU VÀ GIỮ LỜI

SUY NIỆM - May 14/05/2017

Thứ Hai tuần V PS

Ga 14, 21-26

Thánh sử Gioan thường được biết đến với danh hiệu là người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến. Ngài hiểu và trình bày rất rõ về tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại, cũng như những đòi hỏi tình yêu nhân loại dành cho Thiên Chúa. Theo thánh Gioan tình yêu là khởi nguyên của mọi sự, tình yêu là sợi dây thắt chặt mối tương quan giữa Thiên Chúa với loài người, loài người với Thiên Chúa, và loài người với nhau. Tình yêu là điểm trọng yếu, là khởi đầu, là trung gian, và cùng đích của cuộc hành trình tiến về với Chúa và hướng đến anh chị em

Trang Tin Mừng hôm nay nằm trong mạch văn ở phần của Tin Mừng Gioan,  một phần chính yếu với tựa đề : Giờ của Đức Giêsu – Lễ Vượt Qua của Chiên Thiên Chúa. Phần này, tác giả mô tả và thể hiện lại những lời nói, hành vi mang đậm tính “ từ biệt” của Chúa Giêsu, khi Ngài thấy “ Giờ của Ngài” đã đến.

Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta rằng, vâng giữ lời Thiên Chúa là bằng chứng chắc chắn để biểu lộ tình yêu của chúng ta dành cho Ngài. Chúa Giêsu đã nói : “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy”. Suốt cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu, Ngài đã minh chứng tình yêu của Ngài dành cho Chúa Cha, Ngài đã “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập giá”. 

Câu trả lời “xin vâng” mau lẹ của Mẹ Maria với sứ thần Thiên Chúa : “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền”, cũng là một minh chứng hùng hồn về tình yêu của Mẹ Maria dành cho Thiên Chúa. Chúa Giêsu và Mẹ Maria không chỉ xin vâng bằng lời nói xuông, nhưng xin vâng bằng trọn cả đời sống. Các Ngài quả là mẫu gương cho mỗi Kitô hữu chúng ta về tình yêu được minh chứng bằng sự vâng lời.

Mở đầu câu 21 , Chúa Giêsu nói : “ Ai có các điều răn của Thầy và tuân giữ, người ấy là kẻ yêu mến Thầy”. Ở đây, chúng ta chú ý đến 2 động từ “ có” và “giữ”. Người yêu luôn có, luôn chiếm làm sở hữu những gì có nơi người mà họ hằng yêu mến. Họ thích những gì người kia thích ; họ tập ăn, tập nói, tập đi đứng… như người họ yêu vậy. Họ muốn nên giống y như người họ yêu ; họ muốn nên một với nhau, khi yêu ai, chúng ta thường nhớ và luôn làm theo những lời người ấy căn dặn. Đó là mực thứơc để đo tình yêu.

Khi chúng ta yêu Chúa Giêsu là chúng ta yêu mến cả Chúa Cha nữa. Vì : Chúa  Cha và Chúa Giêsu là một ; vì Chúa Giêsu ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Chúa Giêsu, vì lời của Chúa Giêsu chính là lời của Chúa Cha. Đây là một tình yêu trong tương quan liên hoàn : Tình yêu trao ban, Tình yêu truyền từ người này sang người kia và nó càng thêm dồi dào, phong phú. Và vì thế, “ Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ mình ra cho người ấy”. Khi yêu nhau, ở trong nhau, thì  cả hai  sẽ biết rõ nhau hơn và càng yêu mến nhau hơn. “ Tỏ mình ra” có nghĩa là “ biết nhau”, “ biết” tường tận những gì người yêu mong ước đến nỗi họ cùng nhau chia sẻ vui buồn, sướng khổ. Âu sầu của người này là nỗi buồn  của người kia. Niềm vui của người kia là hạnh phúc của người này.

Khi Chúa Giêsu nói những lời ấy xong, không biết ông Giuđa có hiểu ý Chúa không, nhưng ông đã hỏi “ Sao Chúa tỏ mình ra cho chúng con mà không tỏ mình ra cho thế gian ?” ( c.22 ). Nghe câu hỏi như có phần nào trách móc hay thiên vị một số người, nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu nghe vang lên trong một nỗi buồn man mác, khi Ngài muốn giải thích lý do “ tại sao thế?” của ông Giuđa. Ngài khẳng định : “ Ai yêu mến Thầy, sẽ tuân giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến ở lại nơi người ấy” ( c.23). Ở câu 23 này, Chúa Giêsu xác quyết lại những gì Ngài đã nói ở câu 21, nhưng thay vì nói “ tỏ mình”, Ngài dùng từ “ ở lại” nhằm giải thích cho Giuđa hiểu rõ ý Ngài hơn.  “Ở lại” cũng chính là “ nên một”. Nói đến đây, chúng ta nhớ lại sự “ ở lại” của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể.

Qua việc Rước Lễ, Ngài muốn Nên Một với chúng ta, muốn lưu lại trong tâm hồn, trong cuộc đời chúng ta từng ngày, từng giờ, muốn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường ta đi trong cuộc sống. Hơn nữa, Chúa Giêsu lại tái khẳng định bằng một mệnh đề phủ định “ Ai không yêu mến Thầy, thì không tuân giữ lời Thầy” Ngài nói rõ Tình yêu của chúng ta đối với  Ngài là việc vâng nghe lời Ngài. Vì “ lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy” ( c.24).

Ở đây, Chúa Giêsu tỏ lộ ý muốn của Chúa Cha và Chúa Giêsu là con người đến thi hành ý Chúa Cha mà thôi. Vì “ Chúa chẳng thích tế phẩm hay lễ vật… con liền thưa.  “ Này con xin đến”. Trong sách chép về con : con thích làm theo thánh ý và ấp ủ luật Chúa trong lòng…”

(Tv 40,7-9).

Trong 2 câu cuối bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nhắc nhớ cho các môn đệ rằng : Điều vâng giữ Lời Chúa, Ngài đã nói khi Ngài ở với các ông và bây giờ Ngài về cùng Cha, thì Đấng Bảo Trợ là Ngôi Ba Thiên Chúa, được Chúa Cha sai đến để dạy các ông và nhắc lại những điều Chúa đã dạy ( x.c.25-26). Nghĩa là Chúa Thánh Thần sẽ dạy các môn đệ tất cả những gì các môn đệ phải biết mà Chúa Giêsu chưa nói. Chúa Thánh Thần cũng sẽ giúp các ông hiểu ý nghĩa của lời rao giảng và các dấu lạ của Đức Giêsu mà trước đây các ông chưa hiểu được.

Hiệu qủa của tình yêu, hiệu quả của sự vâng lời sẽ làm thắt chặt tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa : “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. Khi sống trong tình yêu, khi tuân giữ lệnh truyền của Chúa, chính lúc ấy tình yêu của Thiên Chúa sẽ phủ lấp tâm hồn chúng ta. Chúng ta sẽ sống vì Chúa, sống cho Chúa và thuộc trọn vẹn về Ngài. Chúng ta sẽ đủ sức tô điểm vũ trụ này tràn lấp tình yêu và ân sủng Chúa.

Ước gì mỗi chúng ta cũng đi vào trong tương quan mật thiết với Chúa, bằng cách chăm chú nghe Lời Chúa và thực hành điều Chúa truyền dạy. Ước gì khi chúng ta thực thi điều Chúa truyền dạy, chúng ta gắn bó với Chúa hơn và liên kết với anh chị em đồng loại cách thân ái hơn.

Tuệ Mẫn