29.06 THÁNH PHÊRÔ TÔNG ĐỒ
Phêrô là tên mà Chúa đặt cho Simon, có nghĩa là "Đá" Simon và Anrê em ông là những dân chài chất phác ở biển Galilea. Anrê theo làm môn đệ của thánh Gioan tẩy giả. Lần kia, khi Chúa Giêsu đi qua, thánh Gioan đã giới thiệu với hai môn đệ của mình là Anrê và Gioan: "Đây là Con Thiên Chúa".
Anrê và Gioan liền theo Chúa Giêsu. Về nhà, Anrê nói lại với Phêrô rằng: mình đã gặp Đấng thiên sai. Hai anh em dẫn nhau đến gặp Chúa Giêsu. Nhìn họ với cặp mắt thần linh, Chúa Giêsu bảo: – Anh là Simon, nhưng từ nay tên là Phêrô (Ga 1,35-42)
Simon Phêrô gắn bó với Chúa Giêsu mặc dầu vẫn tiếp tục nghề chài lưới. Ông đến được tiệc cưới tại Cana và được chứng kiến phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu cho thấy thiên tính của Người.
Vài tháng sau, Phêrô và Anrê giặt lưới bên bờ hồ, Chúa Giêsu lên một chiếc thuyền để giảng dạy dân chúng. Sau đó Người nói với Phêrô: – Ra khơi mà thả lưới đánh cá.
Sau một đêm làm việc mà không bắt được gì. Nhưng bây giờ Phêrô vẫn mau mắn vâng lời. Kết quả thật lạ lùng, mẻ cá nhiều quá đến như muốn làm rách lưới. Bối rối trước sự lạ và cảm thấy mình bất xứng không đáng ở gần Chúa Giêsu, Phêrô quỳ sụp dưới chân Người mà nói: – "Xin hãy xa tôi vì tôi là kẻ tội lỗi".
Chúa Giêsu trả lời: – "Đừng sợ, từ nay anh sẽ là kẻ chài lưới bắt người" .
Rồi đây ông sẽ lôi kéo nhiều tâm hồn về với Chúa như số cá nhiều vô kể ông đã lưới được. Ông đã từ bỏ tất cả : gia đình, thuyền lưới mà theo Chúa Giêsu. Khi chọn 12 tông đồ, Chúa Giêsu đặt ông đứng đầu cả nhóm, vào đầu tháng 4, sau khi hoá bánh ra nhiều, Chúa Giêsu truyền cho các tông đồ qua bên kia bờ hồ. Gió nổi lên dữ dội : Chúa Giêsu đến với các ông. Mệt nhọc chèo chống ngược gió trong đêm tối, các ông tưởng là bóng ma và lên tiếng kêu la. Chúa Giêsu trấn an: – "Hãy vững lòng, chính là Ta, đừng sợ".
Phêrô liền kêu ngay : – "Lạy Thày, xin truyền cho tôi được đi trên mặt nước mà đến với thày".
Người bảo : – "Hãy đến đây".
Và Phêrô gieo mình đến với Chúa Giêsu. Nhưng sau phút giây tin tưởng ban đầu, thấy gió thổi mạnh, ông sợ và bắt đầu chìm xuống hốt hoảng ông kêu cứu : – "Lạy Chúa xin cứu tôi". Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông và trách ông đã yếu tin (Mt 6,22-33)
Hôm sau, Chúa Giêsu đề cập đến mầu nhiệm Thánh Thể lần đầu tiên. Một số môn đệ bỏ đi, lúc đó Người quay lại hỏi các tông đồ xem có muốn bỏ đi không ? Phêrô trung tín đáp lời: – "Lạy Ngài, chúng tôi sẽ bỏ đi theo ai, Ngài có những lời mang đến sự sống đời đời" (Ga 6,67-68)
Một năm sau Chúa Giêsu đặt vấn đề với các tông đồ: – "Còn các anh, các anh nói tôi là ai ?"
Mau mắn, Phêrô đã chứng tỏ đức tin của mình : – "Ngài là đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống".
Đáp lại, Chúa Giêsu đã khen thưởng Phêrô và hứa hẹn : – "Và Ta, Ta bảo ngươi. Ngươi là đá và trên đá này. Ta sẽ xây Hội Thánh của ta, và quyền môn Âm phủ sẽ không thắng nổi. Ta sẽ trao cho ngươi chìa khoá nước trời, và điều gì dưới đất ngươi cầm buộc, thì cũng sẽ bị cầm buộc trên Trời, và điều gì dưới đất ngươi tháo cởi thì cũng sẽ được tháo cởi trên trời" (Mt 16,13-19)
Phêrô đã nhận được lời khen thưởng và lời hứa hẹn rất cao trọng. Nhưng khi nghe Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn sắp tới, ông đã vội vàng can ngăn, khiến Chúa Giêsu phải quở trách ông. Đức tin của ông chưa thực sự kiên vững như đá. Phải còn qua nhiều thăng trầm nữa, Phêrô mới thực sự trở thành mẫu người thủ lãnh của Giáo hội.
Nhằm đào tạo ông, Chúa Giêsu đã cho ông trực tiếp tham gia vào cuộc phục sinh cho con gái ông Giairô (Mc 5,37). Bấy giờ, Người dẫn các ông lên núi để cho chứng kiến cuộc biến hình đầy uy nghi sáng láng như mặt trời, áo Người với Môsê và Elia ; đã nghe tiếng nói từ trời cao nhắn nhủ: – "Ngài là con chí ái của ta, kẻ Ta đã sủng mộ, các ngươi hãy nghe lời Người" (Mt 17,1-8).
Những săn sóc đặc biệt kia phải gây ảnh hưởng mạnh nơi tâm hồn Phêrô. Một lần kia khi có người thanh niên giàu có đến gặp Chúa Giêsu mà không theo Chúa được chỉ vì của cải. Phêrô đã mạnh dạn thưa: – "Này chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thày" (Mt 19,27)
Đối với ông chỉ có điều này là quan trọng. Còn nhiều điều ông chưa hiểu được, chẳng hạn như việc Thày khiêm tốn quỳ xuống rửa chân cho các tông đồ ngày thứ năm tuần thánh (Ga 13,7)
Tuy nhiên Phêrô vẫn xác tín vào điều kiện cấp thiết phải trung kiên theo Chúa. Ông đã thưa với Chúa trọn cả tâm tình quả cảm của mình : – "Tôi sẽ thí mạng sống tôi vì thày".
Dĩ nhiện nhiệt tình còn phải được chứng nghiệm bởi việc làm. Phêrô chưa biết, chưa lượng định nổi khả năng của mình. Đầy cảm thông Chúa Giêsu báo trước cho ông biết rằng: – "Quả thật, ta bảo ngươi : gà sẽ không gáy cho tới lúc ngươi sẽ chối Ta ba lần" (Ga 13,36-38)
Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu bắt đầu, Phêrô rút gươm chém đứt tai một binh lính để mong bảo vệ Thày. Sau hành vi bộc phát ấy, Phêrô như nhụt hết nhuệ khí cùng với lưỡi gươm, ông trút trở lại bao theo lời thày, đúng như lời tiên tri báo trước, ba ần ông đã chối thày. Gà lên tiếng gáy, Chúa Giêsu nhìn lại và Phêrô bừng tỉnh và hối hận nước mắt chảy dài (Ga 18,1-27)
Sau cuộc khổ nạn và tử nạn, Chúa Giêsu sống lại, hiện ra nhiều lần. Tại bờ hồ Tibêria, Người đã hiện ra với Phêrô và các bạn khi họ đang thả lưới đánh cá. Gioan nhận ra Người và nhắn nhủ cho Phêrô biết : – "Chúa đó".
Với một nhiệt tình xưa, Phêrô vội cuốn áo gieo mình xuống biển đến gặp thầy. Ba lần Chúa Giêsu đã hỏi ông: – Con có mến Thày không ?
Phêrô trả lời : – Lạy Chúa, Chúa thông biết mọi sự, Chúa biết tôi yêu mến Chúa
Ba lần xác quyết tình yêu xóa bỏ ba lần chối Chúa. Lúc ấy Chúa Giêsu trao phó sứ mệnh cho ông : – "Hãy chăn dắt đoàn chiên Ta".
Và Người thêm : – "Khi ngươi còn trẻ, ngươi tự thắt lưng mình và đi đâu tuỳ ý, nhưng khi đã về già, ngươi sẽ giang tay ra và người khác sẽ thắt lưng cho và lôi đi nơi ngươi không muốn" (Ga 21,15-18)
Từ đây Phêrô lãnh nhiệm vụ điều khiển cộng đoàn. Ngài đã đề nghị chọn một tông đồ thế chân cho Giuda. Ngày lễ Hiện xuống, Ngài là tông đồ đầu tiên công khai rao giảng Tin Mừng, Chúa Kitô phục sinh 3000 người trở lại sau bài giảng ấy. Thật là một mẻ lưới lạ lùng.
Tại cửa đền thờ, Phêrô thấy một người què từ lúc mới sinh, Ngài nói với hắn : – "Vàng bạc tôi không có, song có gì tôi cho anh : nhân danh đức Giêsu Kitô người Nazareth, anh hãy bước đi.
Người què liền khỏi bệnh và nhảy lên vì vui sướng. Sau phép lạ này, thánh Phêrô giảng lần thứ hai cho dân. Lần này số người trở lại lên tới 5000 người. Thành công lớn lao này một cho các đầu mục trong dân bực tức. Họ cấm các tông đồ không được rao giảng về Chúa Kitô nữa. Nhưng đầy can đảm thánh Phêrô trả lời : – Vâng lời các ông hơn là vâng lời Thiên Chúa có phải lẽ không ?
Các tín hữu quây quần bên các thánh tông đồ, họ mang của cải đặt dưới chân các Ngài để mưu ích chung cho mọi người. Annaya và Saphira tiếc của còn muốn nên danh giá. Vợ chồng hắn nói dối là đã dâng hết, khiến lần lượt họ ngã chết ngay dưới chân Phêrô (Cv 5,1-11). Các phép lạ Ngài thực hiện ngày càng nhiều: tại Lyda, Ênêa liệt giường được lành mạnh, tại Giophê, chị Tabihta đã chết hai ngày được sống lại. Bóng của Ngài cũng chữa lành các bệnh nhân.
Thánh Phêrô rảo khắp xứ Giudea rao giảng nước Chúa. Ngài bị Hêrôđê ra lệnh tống giam, nhưng đã được cứu thoát cách lạ lùng. Ngài chủ tọa công đồng Gierusalem, quyết định rằng: các lương dân gia nhập Kitô giáo không phải giữ luật cắt bì.
Thánh Phêrô còn đi rao giảng bên ngoài đất Palestina, Ngài tới Antiôkia, xây dựng Giáo hội tại đây. Sau đó Ngài đi Rôma và biến nơi này thành trung tâm của Kitô giáo. Thời Nêrô cầm quyền, Giáo hội bắt đầu bị bách hại. Thánh Phêrô bị tù và được giải cứu bởi các lính gác trở lại đạo. Ngài trốn đi khỏi thành.
Nhưng vừa tới cửa, Ngài gặp thấy Chúa Giêsu vác thập giá tiến vào, thánh tông đồ hỏi Chúa : – Thày đi đâu dây ?
– Ta vào Roma để chịu đóng đinh một lần nưã.
Thánh tông đồ đã hiểu, Ngài trở vào thành để lãnh nhận án đóng đinh thập giá. Theo chứng của Origênê, thánh Phêrô đã xin được đóng đinh lộn đầu xuống đất vì thấy mình không đáng được chết cùng một cách như Thày.
+ Mộ Ngài được tìm thấy tại chính đền thờ thánh Phêrô ở Rôma ngày nay.
Tác giả Hạnh Tích Các Thánh