Khi các phi hành gia nhận Mình Thánh Chúa trong vũ trụ

Khi các phi hành gia nhận Mình Thánh Chúa trong vũ trụ

Khoa Học- Kỹ Thuật - Mar 03/03/2017

Tàu con thoi Endeavour khởi hành từ bệ phóng Launch Pad 39A tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida vào năm 2009. (Nguồn: NASA / Jeffrey Marino)

“Thưở ban đầu Đức Chúa đã dựng nên trời và đất.”

Thái Hà (03.03.2016) – 55 năm trước – vào ngày 20 tháng Hai 1962 – NASA đã thực hiện một trong những chuyến bay quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Vào ngày đó, phi hành gia John Glenn trở thành người Mỹ đầu tiên bay vòng quanh quỹ đạo trái đất trong chương trình “Friendship 7”. Mục tiêu của NASA là đưa một người đàn ông vào quỹ đạo trái đất, quan sát phản ứng của anh ta, và đưa anh trở về trái đất một cách an toàn.

Nhiệm vụ thành công. John Glenn đã bay vòng quanh trái đất ba lần, đạt tới tốc độ hơn 17.000 dặm mỗi giờ. Sau 4 giờ 56 phút, nhiệm vụ kết thúc thành công với màn hạ cánh xuống Đại Tây Dương, 800 dặm về phía đông nam của Bermuda. John Glenn đã được lưu danh như một anh hùng dân tộc và là một biểu tượng cho tham vọng của nước Mỹ.

32 năm sau đó, vào tháng Tư năm 1994, có thêm một sự kiện “đặc biệt” khác xảy ra ngoài không gian vũ trụ, khi một bộ ba các phi hành gia Công giáo lần đầu tiên được nhận Mình Thánh Chúa trên tàu con thoi Endeavour. Phi hành gia NASA, tiến sĩ Thomas D. Jones, người đã bay trên 4 con tàu con thoi, được nhận huân chương phục vụ đặc biệt của NASA và nhiều giải thưởng khác.

Ông kể lại câu chuyện cảm động của mình trong cuốn sách Sky Walking: An Astronaut’s Memoir:

Tôi cảm ơn Chúa mỗi đêm trước khi đi ngủ, vì những lần được nhìn ngắm sự huy hoàng của trái đất [từ không gian] và vì sự thành công trong sứ mệnh của chúng tôi cho đến nay. Tôi cầu xin cho phi hành đoàn được tiếp tục an toàn, và cuối cùng được đoàn tụ vui vẻ với gia đình. Tôi ý thức được món quà đặc biệt khi mỗi ngày được ở ngoài không gian, nhận thức được đặc quyền độc nhất được ban cho tôi. Và tôi nhớ đến lời của linh mục Tom Bevan trên bãi biển ở Florida. Khi Chúa Nhật lại tới, hai tuần sau Lễ Phục Sinh, thật thích hợp khi nói lên lời cảm tạ và suy nghĩ của chúng tôi về những gì chúng tôi đã thấy. Sid [Gutierrez], Kevin [Chilton], và tôi – tất cả đều là người Công giáo – tụ tập trên sàn đáp vào một đêm nọ trên không gian để lãnh nhận Thánh Thể.

Kevin, trong vai trò là thừa tác viên Thánh Thể, đã mang Thánh Thể theo mình. Các bánh thánh được bảo vệ trong một hộp đựng bánh đơn giản màu vàng. Cả ba chúng tôi cảm ơn Chúa vì được nhìn ngắm vũ trụ của Ngài, có những người bạn đồng hành tốt, và cho những thành công mà phi hành đoàn đã đạt được cho đến nay. Sau đó, Kevin chia sẻ tấm bánh, là Mình Máu Chúa Kitô, với Sid và tôi, và chúng tôi lơ lửng trên sàn đáp, lặng lẽ suy ngẫm về thời khắc bình an và hiệp thông đích thực với Chúa Kitô.

Khi chúng tôi đang lặng lẽ suy gẫm trong buồng lái tối, thì một luồng sáng trắng bất ngờ chói lòa trong không gian và chiếu vào cabin. Ánh sáng rạng rỡ và tinh khiết của mặt trời mọc ấy, đã tràn vào thông qua cửa sổ buồng lái của tàu con thoi Endeavour, và bao lấy chúng tôi trong sự ấm áp. Đây còn gì khác hơn ngoài là một dấu chỉ? – Một sự khẳng định nhẹ nhàng của Chúa rằng, chúng tôi đang được kết hiệp với Ngài. Trôi nhẹ trong không khí song song với mặt sàn, tôi tách mình ra khỏi nhóm bạn phi hành đoàn, tôi bối rối trước bình minh tuyệt diêu ấy.

Qua làn nước mắt, tôi nhìn qua cánh cửa sổ trên đầu mà bên dưới là Thái Bình Dương, bề mặt của bức tranh bình minh được phủ đầy bằng một màu xanh tráng lệ và vô hạn.

“Nhìn kìa,” tôi kêu lên gần như vô thức các bạn mình. Từ dưới mặt nước biển sinh động bên dưới, chúng tôi nhìn đắm đuối dải màu xanh chưa từng thấy ở bất kỳ bảng pha màu của nghệ sĩ nhân loại nào. Sau một lúc, Kevin nói một câu đơn giản: “Tom à, đó là màu xanh áo choàng của Đức Trinh Nữ Maria đó.”

Anh ấy nói đúng. Anh ấy đã tìm được cách diễn tả hoàn hảo những gì chúng tôi được thấy phía ngoài cửa sổ kia.

Nguyễn Đức