Thứ Hai trong tuần thứ XXVI – TN : KHIÊM TỐN PHỤC VỤ

Chia Sẻ Lời Chúa Hằng Ngày - Sep 29/09/2024

Thứ Hai trong tuần thứ Hai Mươi-Sáu Mùa Quanh Năm

Thánh Giêrômiô, Lmts

G 1:6-22; Tv 17:1,2-3,6-7; Lc 9:46-50

KHIÊM TỐN PHỤC VỤ

 

Hầu hết các thánh được nhớ đến là vì một vài nhân đức trổi vượt hay sự sùng kính đặc biệt của các đấng, nhưng Thánh Giêrôme được nhớ đến là vì tính nóng nẩy! Thật sự người rất nóng tính và có tài viết cay độc. Tình yêu của người dành cho Thiên Chúa và Ðức Kitô Giêsu thật mãnh liệt, nên bất cứ ai dạy bảo điều gì sai trái người đều coi là kẻ thù của Thiên Chúa và chân lý, và Thánh Giêrôme theo đuổi người ấy đến cùng với lối viết táo bạo và đôi khi châm biếm.

Trên tất cả người là một học giả Kinh Thánh, dịch bộ Cựu Ước từ tiếng Hy Lạp sang tiếng La Tinh. Người cũng viết những bài chú giải là nguồn cảm hứng về kinh thánh cho chúng ta ngày nay. Người là một sinh viên nhiều tham vọng, một học giả thông suốt, một văn sĩ phi thường và là cố vấn cho các tu sĩ, giám mục và giáo hoàng. Thánh Augustine nói về người, “Ðiều mà Thánh Giêrôme không biết, thì thần chết cũng không biết.”

Thánh Giêrôme đặc biệt nổi tiếng trong việc chuyển dịch Kinh Thánh mà cuốn người dịch được gọi là Vulgate. Ðó không phải là bộ Kinh Thánh tuyệt hảo nhưng Giáo Hội công nhận đó là một kho tàng. Như các học giả ngày nay nhận xét, “Không ai trước thời Thánh Giêrôme hay cùng thời với người và rất ít hậu sinh sau đó hàng thế kỷ cũng không đủ khả năng để thực hiện công trình đó.” Công Ðồng Triđentinô đã tu sửa bản Vulgate và công bố đó là văn bản chính thức được dùng trong Giáo Hội.

Ðể thực hiện công trình đó, Thánh Giêrôme đã phải chuẩn bị rất kỹ. Người là bậc thầy về tiếng La Tinh, Hy Lạp, Hebrew và Canđê. Học vấn của người bắt đầu từ nơi sinh trưởng, ở Stridon thuộc Dalmatia (Nam Tư cũ). Sau giai đoạn giáo dục sơ khởi, người đến Rôma, là trung tâm học thuật thời ấy, và đến Trier, nước Ðức, là nơi quy tụ các học giả. Mỗi nơi người sống một vài năm, để theo học với những bậc thầy tài giỏi.

Sau phần chuẩn bị kiến thức người tung hoành ở Palestine cốt để ghi nhận những nơi đã in dấu Ðức Kitô với lòng sùng kính dạt dào. Người cũng là một nhà thần bí, đã sống trong sa mạc Chalcis 5 năm để hy sinh cầu nguyện, hãm mình và nghiên cứu. Sau cùng người dừng chân ở Bêlem, là nơi người sống trong một cái hang mà người tin rằng Ðức Kitô đã sinh hạ ở đấy. Vào ngày 30 tháng Chín năm 420 Thánh Giêrôme từ trần ở Bêlem. Thi hài của người hiện được chôn cất trong Ðền Ðức Bà Cả ở Rôma.

Thánh Giêrôme là một người thẳng tính, cương quyết. Người có nhân đức cũng như các tính xấu của một người ưa chỉ trích tất cả những vấn đề luân lý thường tình của con người. Như có người nhận xét, thánh nhân là người không chấp nhận thái độ lưng chừng trong phẩm hạnh cũng như trong việc chống đối sự xấu xa. Người mau nóng, nhưng cũng mau hối hận, và rất nghiêm khắc với những khuyết điểm của chính mình. Người ta kể, khi nhìn thấy bức tranh vẽ Thánh Giêrôme đang cầm hòn đá đánh vào ngực, một giáo hoàng nói, “người cầm hòn đá đó là phải, vì nếu không, Giáo Hội không bao giờ tuyên thánh cho người” 

Trong suốt hành trình rao giảng Tin mừng của Chúa Giêsu, thánh Luca ghi lại 3 lần Chúa Giêsu tuyên báo cuộc khổ nạn và phục sinh của Người (x.Lc 9, 22; 9, 44-45; 18, 31-34). Trong cả 3 lần, các môn đệ đều không hiểu nên có những tính tóan vụ lợi khiến Chúa Giêsu rất buồn lòng. Nhân dịp này Chúa Giêsu đã dành cho họ 3 bài học đích đáng với những đòi hỏi gắt gao dành cho những người muốn trở nên  môn đệ của Người (x.Lc 23-26; 46-48 tt). Đoạn Tin mừng hôm nay là bài học thứ hai, Chúa Giêsu dạy các môn đệ vai trò của người lãnh đạo: Khiêm nhường và Phục vụ. Điều này chắc hẳn đi ngược lại với suy nghĩ của con người cũng là suy nghĩ của của các môn đệ lúc bấy giờ.

Trong hòan cảnh xã hội hôm nay, những ai muốn trở nên môn đệ chân chính của Chúa Giêsu phải đọc và gẫm suy bài học này.

“Ai đón tiếp em nhỏ này vì danh Thầy là đón tiếp chính Thầy. Và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”(Lc 9, 48).

Chúa Giêsu đồng hóa mình với kẻ thấp bé nhất trong xã hội là để dạy chúng ta bài học phó thác. Phó thác để chứng tỏ mình được Thiên Chúa yêu thương, phó thác để nhận ra những gì mình có hôm nay là do lòng nhân hậu của Cha chứ không do sức riêng của mình. Phó thác để sẵn sàng đón nhận người khác và để cho người khác tiếp nhận mình. Phó thác là để cho tâm hồn hoàn toàn trống rỗng hầu xứng đáng được Thiên Chúa đến và ở lại. Đây là bước khởi đầu, là tiền đề cho việc đối thoại với con người thời đại, mở đường cho Tin mừng đi vào lòng thế giới. Người môn đệ chân chính phải là người loan báo Tin mừng hữu hiệu. Tinh thần phục vụ mà Chúa Giêsu nhắc đến không đi ra ngoài mục đích đem ơn cứu rỗi cho người mọi người.

Một điểm khác khá quan trọng và phổ biến trong đời sống người Kitô hữu hiện nay mà thánh Luca đã nhắc đến trong 2 câu cuối cùng. Đây là tiêu chuẩn đánh giá mức độ khiêm nhường chúng ta có được khi thi hành sứ mạng rao giảng Lời Chúa cho mọi người. Khi ông Gioan cho Chúa Giêsu biết các môn đệ đã ngăn cản một người lấy danh Chúa Giêsu mà trừ quỉ, ông ta lại không phải là người thuộc nhóm môn đệ. Chúa Giêsu bảo rằng: “Đừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Lc 9, 50). 

Trong giáo xứ, trong cộng đoàn chúng ta đang sống, dường như tính cạnh tranh đang là vấn đề nổi cộm gây ra biết bao tai hại cho Giáo Hội. Chúng ta đang làm việc cho Chúa nhưng lại thích được người khác tôn vinh. Vì thích được nổi nang nên không chấp nhận người khác vượt trội hơn mình. Thế là xung đột xảy ra, chia rẽ ngày càng sâu sắc và Giáo Hội không còn là Giáo Hội của mọi người.

Trong quan niệm của con người, người lớn là người có nhiều tuổi, có chức quyền lớn hơn, có nhiều địa vị hơn….và với quan niệm đó người lớn được nhiều đặc quyền, đặc lợi đi kèm theo, được phục vụ, được ăn trên ngồi trốc, được người ta nể trọng. Vì thế ai cũng muốn mình làm lớn, các môn đệ của Chúa Giêsu ngày xưa cũng vậy, thích được làm lớn, thích được người ta phục vụ.

Còn Chúa Giêsu, Người sửa đổi quan niệm làm lớn là phải phục vụ phải trở nên nhỏ bé trước anh em mà Chúa Giêsu đưa hình ảnh phục vụ em nhỏ để cho các môn đệ thấy được rằng phục vụ em nhỏ thì không có gì được đáp lợi, vì thế phải là phục vụ vô điều kiện.

Như vậy, làm lớn trước mặt Thiên Chúa không phải là làm cho mình lớn mà là để tình yêu của Thiên Chúa lớn hết sức có thể trong con người chúng ta bằng cách học nơi Thầy Chí Thánh Giêsu mà phục vụ hết cả sức mình.

 

Lm Anton Tuệ Mẫn CSsR

19:01 06/10/2024