đọc phần ”bình luận” chỉ bằng hai chữ ”Hết hồn!”, tôi không khỏi bật cười, nhưng cũng ”đau lòng” cho NỖI BUỒN TIẾNG VIỆT ”như thế”
Nhận được ''điện thư'' (của Cựu Học Sinh hai Trường Providence-Jeanne d'Arc Huế) có tấm biển ghi: ''CHÁO SƯỜN NGƯỜI LỚN, CHÁO THỊT XAY EM BÉ'', đọc phần ''bình luận'' chỉ bằng hai chữ ''Hết hồn!'', tôi không khỏi bật cười, nhưng cũng ''đau lòng'' cho NỖI BUỒN TIẾNG VIỆT ''như thế''…
Sau đó, có anh bạn đề nghị phê phán ''văn phong'' (như đã nêu) khiến một số người ngoại quốc hiểu lầm rằng Việt-Nam-ta-hôm-nay ăn cả XƯƠNG, THỊT NGƯỜI vì Bà Con mình từng nói, viết: TRỒNG NGƯỜI!!! Mà ''trồng trọt'' là cũng để ''dùng'' hay để ĂN!'' Cho nên, tôi xin mạo muội nêu vài ý kiến như sau:
1- Trước đây, Viện Đại Học Công Giáo ở Đà Lạt có Giảng Đường mang quý danh ''Thụ Nhân'' là lấy ý của Quản Trọng như sau: ''Thập niên chi kế mạc nhược THỤ mộc. Bách niên chi kế mạc nhược THỤ nhân.''
Câu đầu có nghĩa: ''Cái kế mười năm, không gì bằng trồng cây.'' Nhưng câu thứ hai có nghĩa ''bóng'' là: ''Cái kế trăm năm, không gì bằng ĐÀO TẠO người (tài đức).'', chứ không nên diễn giải ''nó'' theo nghĩa ''đen'' là TRỒNG NGƯỜI!
Chữ ''thụ nhân'' là cách phất âm của người Việt từ chữ Nho ''樹人'', mà ''thụ'' (thọ) là ''trao cho, DẠY HỌC'' khi chữ ấy đứng trước chữ NHÂN; Nhưng, khi được dùng với chữ MỘC, ''thụ'' có nghĩa là TRỒNG, GẦY DỰNG NÊN.
2- Ở Tây Âu, chẳng hạn: Người Anh, Pháp, Đức dùng động từ ''cultivate; cultiver; kultivieren'' với cả nghĩa ĐEN và nghĩa BÓNG như đã trình bày. Ngữ căn (radical) của từ ấy là do chữ Latinh: CULTUM là phân từ (participle) của động từ COLERE (COLO, IS, COLUI, CULTUM, COLERE) có rất nhiều nghĩa TÙY từng nội dung, chẳng hạn: agrum colere (canh tác thửa ruộng: cultiver un champs); deos colere (tôn kính các vị thần: honorer les dieux); aliquem colere (đào tạo người nào đó: cultiver, former quelqu'un)…
Chữ CULTUM (*) biến âm sang từ Pháp là CULTE, chẳng hạn: le culte de Dieu (việc tôn thờ Thiên Chúa); le culte des ancêtres (đạo ''thờ, tôn kính'' Tổ Tiên); la liberté du culte (tự do tín ngưỡng)…
Gặp nhiều người Pháp, tôi vẫn khen thế này: ''Người Pháp được GIÁO DỤC rất tốt!'' (Les Français sont bien cultivés!), chứ KHÔNG có ý rằng ''họ'' được TRỒNG rất tốt! Ngoài nghĩa ''việc trồng trọt'', chữ CULTURE còn có Ý như Emile Henriot phát biểu: ''VĂN HÓA là điều còn lại trong con người khi họ quên tất cả.'' (La CULTURE c'est ce qui demeure dans un homme lorsqu'il a tout oublié.) Nhưng cũng có người nói như sau: ''… khi họ MẤT tất cả.'' (quand on a tout perdu.)
3- Lời kết
Hôm qua, ông ''nọ'' khoe với tôi: ''Con và cháu mình rất giỏi tiếng Việt dù chúng nó sinh tại Đức. Được con gái út phê phán, vợ chồng mình không thể cãi lại. Chẳng hạn: Nó nói: Mẹ câm MỒM đi! Con không phải là người Việt, nhưng rành tiếng ấy hơn mẹ!''
Tôi trả lời: ''Mong anh đừng giận. Anh nên nói ngọt với cháu thế này: Con gái cưng ơi, lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Vì thế, con đừng lỡ lời, lỡ MIỆNG như vậy! Mẹ ơi, con mang quốc tịch Đức, thích ăn PHỞ, BÚN BÒ… vì con vẫn là người Việt một trăm phần trăm. Con thấy mẹ nói như vậy là tội nghiệp cho con gái của mẹ.''
Ông ấy bảo: ''Anh Phước là người LỖI THỜI! Ở Đức, chúng nó xử sự như người Đức!'' Tôi bèn cười và nói: ''Tục ngữ Đức dạy: Con người là thước do mọi sự. Der Mensch ist das Maß aller Dinge. Man is the measure of all things, Anh ơi!''
Ông ấy cười trừ: ''Tôi khổ anh quá, anh Phước ạ!''
Tôi KHỔ GIÙM ông ta thì CÓ.
Học giả nọ có ''Ba Pháp, Mẹ Việt'' khẳng định thế này: ''Văn phong và ngữ âm Việt hay NHẤT thế giới!'' Tôi đồng ý.
Ở Đức, có ''Sở Trật Tự'' (Ordnungsamt) cử nhân viên đi kiểm tra ngày đêm vệ sinh và nền nếp trong thành phố, kể cả các bảng hiệu ở trong và ngoài nhà hàng, khách sạn…
Ước gì Nhà Nước Việt Nam cũng làm như thế.
Đức Quốc, 06.6.2014
Phan văn Phước
(*) Ngày trước, người Pháp nghe chữ CULTUM, bèn biến âm nó như sau: bỏ mẫu tự M thì còn CULTU. Mà U là ''nguyên âm cuối'' (voyelle fiale) theo luật biến âm (évolution phonétique) như sau: Phụ âm cuối yếu đi dưới dạng là E câm! (La voyelle finale s'affaiblit sous forme de E muet.)