Giáo luật chung hay luật giáo phận đều quy định không cử hành thánh lễ, khi cử hành nghi thức hôn phối cho một đôi hôn nhân khác đạo. Hiện nay, trong giáo phận, một số linh mục và giáo dân muốn được cử hành nghi thức này trong thánh lễ ?
I. GIÁO LUẬT TRƯỚC ĐÂY
– “Hôn phối giữa một người công giáo và một người không công giáo sẽ cử hành ngoài nhà thờ; nhưng nếu vị Bản Quyền cân nhắc cách khôn ngoan rằng không thể làm như vậy mà không có thêm nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn nữa, tuỳ theo phán đoán khôn ngoan của mình ngài có thể miễn chuẩn điều này, miễn là giữ nguyên quy định của điều 1102, 2”[1].
– “Trong hôn phối giữa một người công giáo và một người không công giáo, mọi nghi thức thánh khác đều bị cấm; nhưng nếu từ lệnh cấm này có thể sinh ra những nguy hại nghiêm trọng hơn, vị Bản Quyền có thể cho phép một số nghi thức thông thường của Giáo Hội, nhưng luôn luôn loại trừ việc cử hành Thánh Lễ”[2].
Giáo luật địa phận Sàigòn trước đây giữ nguyên các quy định trên. Thuật ngữ “phép giao” (chỉ có nghi thức hôn phối) được dùng để chỉ trường hợp hôn nhân khác đạo; và phân biệt với “phép cưới” (gồm cả Thánh Lễ và lời chúc hôn…) giữa hai người công giáo. “… Phải hết sức ngăn cản những đám cưới như thế, dù rất hiếm trong Xứ Truyền Giáo… Nếu không có chỉ thị khác, không có Rao Hôn Phối, và hôn phối phải cử hành không có gì long trọng, trước mặt vị linh mục của bên Công giáo và hai nhân chứng”[3].
Như vậy, đối với hôn phối khác đạo, Giáo luật chung và luật địa phận Sàigòn quy định phải cử hành : 1- ngoài nhà thờ; không công khai (không có cộng đoàn tham dự); 2- có các nhân chứng; 3- cam kết theo công thức quy định của Giáo Hội; 4- không có thêm nghi thức nào khác : không có lời nguyện hay lời chúc lành hôn phối; 5- kể cả vị Bản Quyền cũng không được cho phép cử hành Thánh Lễ.
II. GIÁO LUẬT CHUNG HIỆN HÀNH
1- Giáo Luật 1983 quy định “§1. Hôn nhân giữa hai người Công giáo hoặc giữa một người Công giáo và một người đã được Rửa tội ngoài Công giáo phải được cử hành trong nhà thờ giáo xứ… §3. Hôn nhân giữa một người Công giáo và một người không được Rửa Tội có thể được cử hành trong nhà thờ hay tại một nơi thích hợp khác”[4].
Cử hành nghi thức hôn phối "thành sự" phải giữ như bí tích Hôn Phối về thừa tác viên chứng hôn và hai nhân chứng[5]. Để cử hành thành sự, phải là một "nghi thức công khai nào đó"; cấm cử hành lén lút, không có nhân chứng. Vị Bản Quyền sở tại có thể miễn chuẩn nghi thức giáo luật này trong từng trường hợp[6]. Cùng với miễn chuẩn nghi thức giáo luật này hay chính miễn chuẩn hôn nhân hỗn hợp và khác đạo, vị Bản Quyền có thể thêm một điều khoản bó buộc nào đó; nếu điều khoản này không được tuân giữ, cử hành hôn nhân đó bất thành[7].
2- Nghi thức cử hành hôn phối phải theo bản văn và qui định của Phụng Vụ[8]. Đối với người chưa Rửa Tội, bỏ câu "Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" khi trao nhẫn[9].
3- Đức Phaolô VI đã bỏ lệnh phạt và lệnh cấm cử hành các nghi thức kèm theo nghi thức hôn phối : kinh nguyện, chúc lành… Nghi thức hôn nhân hỗn hợp hay khác đạo không được cử hành trong thánh lễ; nhưng có cử hành Phụng Vụ Lời Chúa và các nghi thức khác: giảng, chúc lành, hiệp lễ cho người Công giáo… “Trong trường hợp đặc biệt, vị Bản Quyền địa phương có thể cho phép cử hành các nghi thức trong thánh lễ, nhưng để cho phép người không Công giáo hiệp thông Thánh Thể phải theo các quy định của luật chung”, của Thánh Bộ Phụng Tự và của HĐGM[10].
III. MỘT VÀI GHI NHẬN
1- Giáo Hội đã không còn xem việc kết hôn khác đạo là việc cần “hết sức ngăn cản” và có những hình phạt rõ ràng kèm theo. Không thể giải thích rằng Giáo Hội không cử hành thánh lễ cho đôi hôn phối này vì muốn phạt họ.
2- Có lập trường cho rằng không cử hành thánh lễ, vì điều này đi ngược lại thần học bí tích Thánh Thể và Hôn Phối. Thánh Lễ là mầu nhiệm hiệp thông ân sủng, mầu nhiệm đức tin hiệp nhất các Kitô hữu. Theo truyền thống Phụng Vụ, phần Phụng Vụ Thánh Thể không để người không Công giáo tham dự.
3- Hôn Phối là giao ước hiệp nhất giữa hai người nam nữ. Theo tinh thần Tự sắc Matrimonia Mixta và sách Nghi Thức Cử Hành Hôn Nhân, mục đích chính của Giáo Hội khi quy định không cử hành hôn nhân khác đạo trong thánh lễ, là tránh nhấn mạnh sự bất hiệp nhất căn bản (tôn giáo) của hai người trong chính ngày cưới.
Hiện nay, trong Giáo Hội vẫn có trường hợp những người không Công giáo được tham dự các cử hành của Công giáo, kể cả thánh lễ[11]. Quan niệm chung về hôn nhân xem ra đề cao quyền tự do chọn lựa khi kết hôn hơn là việc đề phòng nguy hại do khác biệt tôn giáo.
4- Việc cử hành thánh lễ dẫn tới bất tiện về mục vụ. Người ngoài Công giáo và thân nhân của họ cần được hướng dẫn khi tham dự thánh lễ…
5- Trước đây, hôn nhân khác đạo là việc cần “hết sức ngăn cản” và “rất hiếm” khi xảy ra ở Việt Nam vào đầu thế kỷ XX; do đó, họ đạo không Rao Hôn Phối, vì đây là những trường hợp đặc biệt mà linh mục biết rất rõ mới đệ trình. Hiện nay, Tổng giáo phận TP.HCM mỗi năm có khoảng 800 đến 1000 trường hợp. Giáo Luật 1983 quy định phải “điều tra hôn phối” cho mọi trường hợp[12]. Như vậy, luật giáo phận cần quy định rõ cách thức điều tra hay Rao Hôn Phối cho cả trường hợp hôn nhân khác đạo[13].
5- Dù chỉ cử hành Phụng Vụ Lời Chúa hay có thánh lễ, Tổng giáo phận nên quy định rõ không được để cho người ngoài công giáo đọc Lời Chúa; và “để cho phép người không Công giáo hiệp thông Thánh Thể phải theo các quy định của luật chung”[14].
IV. QUY ĐỊNH CỦA TỔNG GIÁO PHẬN TP.HCM
Được sự phê chuẩn của Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, khi cử hành nghi thức hôn nhân khác đạo, linh mục chính xứ sẽ áp dụng các hướng dẫn mục vụ sau đây :
1- Linh mục chính xứ phải gởi giấy Rao Hôn Phối đến giáo xứ nơi người không Công giáo đang có gia cư hay bán gia cư. Linh mục chính xứ nơi này phải Rao Hôn Phối và hồi âm như thông lệ đối với đôi hôn phối Công giáo.
2- Nghi thức hôn nhân khác đạo phải cử hành công khai (có cộng đoàn tham dự), trong nhà thờ giáo xứ. Tổng giáo phận không cho phép cử hành nghi thức tại tư gia, ngoại trừ trường hợp nguy tử[15].
3- Theo luật chung, nghi thức hôn nhân khác đạo được cử hành ngoài thánh lễ[16]. Linh mục chủ sự phải cử hành Phụng Vụ Lời Chúa, giảng và chúc lành cho đôi hôn phối.
4- Nghi thức hôn nhân khác đạo được cử hành theo Sách Nghi Lễ Rôma, Nghi thức Cử Hành Hôn Phối, do Hội Đồng Giám mục ban hành. Người không Công giáo không đọc câu "… Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" khi trao nhẫn.
5- Linh mục chủ sự có thể cử hành phần Hiệp Lễ và cho những người Công giáo hiệp thông Thánh Thể. Để cho người Kitô hữu được Rửa Tội ngoài Công giáo hiệp thông Thánh Thể, phải có sự phê chuẩn của vị Bản Quyền giáo phận.
6- Đức Tổng Giám mục cho phép linh mục chính xứ tự quyết định việc cử hành nghi thức hôn phối trong thánh lễ[17], với điều kiện là bên không Công giáo tự nguyện xin tham dự thánh lễ và cam kết tôn trọng sự trang nghiêm của nghi lễ. Khi việc cử hành thánh lễ nhấn mạnh thêm những bất hoà về tôn giáo, linh mục chính xứ không được cử hành thánh lễ.
Nếu cử hành nghi thức hôn phối trong thánh lễ, linh mục chính xứ phải hướng dẫn cho người không Công giáo và thân nhân của họ những điều cần thiết; đồng thời ngài phải lo liệu để thánh lễ được cử hành long trọng và trang nghiêm.
7- Dù chỉ cử hành Phụng Vụ Lời Chúa hay có Thánh Lễ, đôi hôn phối không đọc Lời Chúa, trừ khi người không Công giáo là dự tòng.
Toà Tổng Giám mục TPHCM ngày 20.12.2015
Linh mục Gioan Bùi Thái Sơn
Đại Diện Tư Pháp
[3] Directoire pour les Missions de la Cochinchine Occidentale et du Cambodge 1922, tr. 163-164.
[4] Giáo luật điều 1118.
[5] Giáo Luật điều 1108,1.
[6] Giáo luật điều 1127, 2.
[7] PONTIFICIA COMMISSIONE PER L'INTERPRETAZIONE DEI DECRETI VATICANI II, La dispensa dalla forma canonica nei matrimonii misti, 9 apr. 1979, EV S1 n. 696.
[8] Sách Nghi Lễ Rôma, Nghi thức Cử Hành Hôn Phối, Hà Nội 2008, số 36.
[9] Sách Nghi Lễ Rôma, Nghi thức Cử Hành Hôn Phối, Hà Nội 2008, số 167.
[10] PAULUS VI, Matrimonia mixta, 30 mar. 1970, EV 3/2415-2447, n. 2441-2445.
THÁNH BỘ PHỤNG TỰ, decr. Ordo Celebrandi Matrimonium, 19 mar. 1990, n.36.
[11] Giáo Hội Nhật cho phép cả những đôi hôn phối không công giáo cũng được cử hành một nghi thức hôn phối đặc biệt trong nhà thờ, miễn là họ có tham dự 20 tiết giáo lý hôn nhân.
[12] Giáo luật điều 1067.
[13] Những người không Công giáo sống trong địa giới giáo xứ cũng thuộc trách nhiệm mục vụ của linh mục chính xứ. "Các vị chủ chăn, nhất là các Giám Mục và linh mục chính xứ,… phải lo liệu để sứ điệp Tin Mừng đến tận những người không tin ở trong địa hạt mình, vì họ cũng phải được coi sóc về phần linh hồn không kém các tín hữu". Giáo luật điều 771, 2; Evangelii Nuntiandi 55-57; GL 528,1.
[14] HĐGM ITALIA, Chỉ thị về hôn nhân khác đạo, Enchir. CEI, vol. I, p. 1260, n. 4245, 5.
[15] Giáo luật điều 1118.
[16] Sách Nghi Lễ Rôma, Nghi thức Cử Hành Hôn Phối, Hà Nội 2008, số 36.
[17] PAULUS VI, Matrimonia mixta, 30 mar. 1970, EV 3/2415-2447, n. 2441-2445.
Quyết định của Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc ngày 18.12.2015.