Trong buổi phỏng vấn dành cho tờ Crux, Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York nhận định rằng đề nghị của Đức Hồng Y Walter Kasper về khả thể cho người ly dị và tái hôn được rước lễ đã thất bại. Vấn đề còn lại là tìm kiếm những cách khác để thể hiện sự chăm sóc cho họ.
Đức Hồng Y Timothy Dolan |
Liên quan đến một bức thư gửi cho Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ lo ngại về cách thức tiến hành Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình, mà Đức Hồng Y là một trong 13 vị Hồng Y ký tên, ngài cho rằng đó chỉ là một “cơn bão trong ấm trà” vì hầu hết những quan ngại đã được giải quyết.
Đức Hồng Y Daniel DiNardo của Houston, Hoa Kỳ cũng là một trong 13 vị Hồng Y ký tên trong bức thư trên nói với tờ Crux hôm thứ ba 20 tháng 10 là bây giờ ngài tin rằng quá trình thảo luận tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình là một diễn đàn công bằng để tất cả các quan điểm đều được lắng nghe.
Được hỏi ý kiến về đề nghị của Đức Hồng Y Walter Kasper, Đức Hồng Y người Mỹ trả lời thẳng thừng: “Về cơ bản tôi không ủng hộ nó. Tôi không nghĩ rằng đề nghị đó là mạch lạc.”
Trong những ngày đầu Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình, Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge của Brisbane, Australia nhận định rằng tối thiểu 65% các nghị phụ sẽ chống lại “đề nghị Kasper”; nghĩa là có thể có tới 35% nghị phụ ủng hộ đề nghị này. Trong cuộc họp báo chính thức tại phòng báo chí Tòa Thánh hôm thứ Hai 19 tháng 10, ngài nhận định rằng giờ đây sự ủng hộ “đề nghị Kasper” “có lẽ đã biến mất”.
Tuy nhiên, nhiều quan sát viên nhận định rằng “đề nghị Kasper” đang được biến tấu thành đề nghị “phân cấp những vấn đề kỷ luật và tín lý quan trọng cho các Hội Đồng Giám Mục các quốc gia và khu vực”. Đó là cách hành xử trong khối Liên Hiệp Anh Giáo.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Catholic News Agency hôm thứ Bẩy 17 tháng 10, Đức Hồng Y George Pell cho biết:
“Có tranh cãi về việc cho những người ly dị và tái hôn được rước lễ hay không, nhưng điều quan trọng cần nhấn mạnh rằng có rất nhiều thần học nhưng giáo lý chỉ là một. Vì thế, không thể có chuyện ở Đức người ta tin vào Thiên tính của Chúa Kitô, trong khi ở Ba Lan lại nói rằng Chúa Kitô không phải là thần thánh. Cũng thế, không thể có chuyện hai người trong cùng một cảnh ngộ, với những tâm trạng như nhau; một người thì việc rước lễ là phạm thánh, trong khi ở nước ngay bên cạnh việc rước lễ lại là một căn nguyên mang lại ân sủng.”
Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ cảnh giác rằng nếu các Giám Mục trên thế giới áp dụng Giáo lý của Giáo Hội khác nhau – ví dụ, có nơi cho phép một số người Công Giáo tái hôn được rước lễ và những địa phương khác không cho – thì điều này dẫn đến một “sự phân mảnh” trong Giáo Hội.
Lên tiếng với các nghị phụ Thượng Hội Đồng đang cổ vũ việc đẩy các vấn đề mục vụ gai góc xuống cấp địa phương, ngài nói:
“Đương nhiên, đó là vấn đề có liên quan đến sự hiệp nhất của giáo huấn Hội Thánh, tôi nghĩ rằng nó sẽ bẻ gãy sự hiệp thông”.
Trong 8 vị nghị phụ Hoa Kỳ tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình, Đức Tổng Giám Mục Blase Cupich, Tổng Giám Mục Chicago, tham gia Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình theo lời mời cá nhân Đức Thánh Cha Phanxicô, tỏ ra có một quan điểm rất khác biệt với các vị khác.
Đức Tổng Giám Mục Blase Cupich |
Ngài cho biết tại một cuộc họp báo không chính thức tại phòng báo chí Tòa Thánh chiều thứ Sáu 16 tháng 10 rằng lương tâm là “bất khả xâm phạm” và ngài tin rằng những người ly dị và tái hôn dân sự có thể lãnh nhận các bí tích, nếu họ “đi đến quyết định” làm như vậy “với lương tâm ngay thẳng”.
Đức Cha Blase Cupich nói:
“Nếu người ta đi đến một quyết định với lương tâm ngay thẳng thì công việc của chúng tôi là giúp họ tiến tới và tôn trọng quyết định đó. Lương tâm là bất khả xâm phạm và chúng ta phải tôn trọng điều đó khi họ quyết định, và tôi đã luôn luôn làm như vậy.”
Đáp lại một câu hỏi tiếp theo, Đức Tổng Giám Mục nói một luận lý như thế cũng được áp dụng đối với các cặp sống chung đồng tính khi họ muốn đón nhận Bí Tích Thánh Thể.
Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Chicago, tổng giáo phận lớn thứ ba tại Hoa Kỳ, chỉ một vài giờ sau đã làm bùng lên những chỉ trích gay gắt trong dư luận Công Giáo Mỹ.
Bỏ qua những chỉ trích có thể nói là “mất bình tĩnh”, hay “hết còn tự chế”, có thể kể đến phản ứng nhẹ nhàng của LifeSiteNews [1]
Bài báo viết: “Giáo Hội Công Giáo dạy rằng trong khi ta ‘luôn luôn phải tuân theo phán đoán chắc chắn của lương tâm mình’, lương tâm phải được hình thành dưới ánh sáng Lời Chúa và giáo huấn chính thức của Hội Thánh”.
Tranh luận về “thuyết thẩm quyền của lương tâm” trong quyết định cá nhân đã bùng nổ từ thập niên 1960. Kết hiệp với thuyết luân lý tương đối ra đời vào năm 1932, nó hình thành một trào lưu suy tôn đến mức cực đoan tự do con người, coi tự do là nguồn phát sinh ra các giá trị, phủ nhận các chân lý khách quan, nghi ngờ và bình phẩm các giáo huấn luân lý của Giáo Hội. Thuyết thẩm quyền của lương tâm đứng đằng sau việc dùng thuốc ngừa thai, và đằng sau cái chết của hàng trăm triệu thai nhi tại Mỹ và trên thế giới.
Sách giáo lý Công Giáo dạy rằng:
“Những lệch lạc trong phán đoán luân lý có thể xuất phát từ thiếu hiểu biết về Ðức Kitô và Tin Mừng; gương xấu của người khác; nô lệ các đam mê; nghĩ sai lạc về tự do lương tâm; khước từ quyền bính và giáo huấn của Hội Thánh; thiếu hoán cải và bác ái.” [1792]
“Khi chọn lựa, lương tâm có thể phán đoán đúng hợp theo lý trí và luật Thiên Chúa, hoặc ngược lại có thể phán đoán sai lầm.” [1799]
“Lương tâm có thể còn thiếu hiểu biết hay phán đoán sai lầm. Sự thiếu hiểu biết và sai lầm đó không phải lúc nào cũng vô tội.” [1801]
[1] – LifeSiteNews – “Archbishop Cupich lays out pathway for gay couples to receive Communion at Vatican press scrum” – Tổng Giám mục Cupich đặt ra lộ trình cho các cặp đồng tính được rước lễ tại phòng họp báo Vatican. https://www.lifesitenews.com/news/archbishop-cupich-lays-out-pathway-for-gay-couples-to-receive-communion
Đăng Tự Do
Theo: Vietcatholic.org