Đi ngắm

Đi ngắm

Suy Tư - Aug 23/08/2014

Một chất xúc tác quan trọng không thể thiếu của việc đi ngắm là thái độ đi ngắm. Tâm trạng, thái độ đi ngắm vẽ nên cảnh ngắm. Những nét ngang dọc của cảnh ngắm được tạo bởi đường nét tâm trạng. Tâm trạng rõ ràng quang minh, cảnh sắc cũng sắc nét khoáng đạt.

Thói đời, đi ngắm là một thú vui tao nhã. Người ta nô nức đi ngắm trăng, ngắm hoa, ngắm hoàng hôn… Rồi cũng miên man đi ngắm tình, ngắm hạnh phúc:

“Nghe càng đắm, ngắm càng say
Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình”

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

Mùa Chay ở một số vùng miền, giáo dân cũng có truyền thống đi ngắm. Một cuộc ngắm đặc biệt, ngắm cuộc thương khó của Đức Giêsu. Đi ngắm trở thành một lễ nghi tôn giáo. Và như vậy, có đi ngắm thể lý với việc di chuyển không gian, và cũng có đi ngắm nội tâm, di chuyển thiêng liêng qua sự biến đổi trạng thái tâm hồn.

Trên đường đi ngắm

Mọi cuộc đi ngắm đều diễn tiến trên những con đường. Những con đường đó người ta có thể nhìn thấy hoặc không thể nhìn thấy bằng đôi mắt của xác thân. Và để không phải vấp ngã trên con đường đó, người ta cần có những chất xúc tác lên men niềm vui. Chất xúc tác ấy có thể là bạn hiền, người có chung sở thích được hưởng nếm chung một vị men say. Cũng có thể là rượu cho cuộc đi ngắm trăng thêm nồng nàn cộng hưởng, là những vần thơ bát ngát thi vị. Hiện đại hơn, chất xúc tác có thể là chiếc máy ảnh, ghi lại những khoảnh khắc cho ta chếnh choáng niềm vui, lưu giữ những kỷ niệm dưới hình hài cụ thể. Sự bao dung của đất trời cũng làm nên câu chuyện của những lần đi ngắm.

Một chất xúc tác quan trọng không thể thiếu của việc đi ngắm là thái độ đi ngắm. Tâm trạng, thái độ đi ngắm vẽ nên cảnh ngắm. Những nét ngang dọc của cảnh ngắm được tạo bởi đường nét tâm trạng. Tâm trạng rõ ràng quang minh, cảnh sắc cũng sắc nét khoáng đạt. Tâm trạng rối bời phức tạp, cảnh sắc cũng loằng ngoằng chồng chéo. Sắc màu của cảnh ngắm được tô bởi màu sắc tâm trạng. Tâm trạng tươi vui rộn rã, cảnh sắc là màu hồng và ngược lại. Thái độ đi ngắm là một thái độ cầu thị, khát khao được hưởng thụ, được chiếm lấy cái đẹp. Thái độ níu giữ cảnh ngắm.

Trên đường đi ngắm cuộc thương khó của Đức Giêsu cũng có những chất xúc tác đặc biệt, thiêng thánh. Thôi là những cuộc tụ tập bạn bè rôm rả, mà là sự riêng tư, là khoảng lặng một mình. Một mình chiếm lĩnh trọn vẹn cuộc đi ngắm. Một mình thưởng thức cái ý nhị, tinh tế của cuộc đi ngắm. Và một mình làm nên bản sắc riêng của cuộc đi ngắm đó, trong cái cô đơn của hồn ta với hồn Người, cái lênh láng của tình ta với tình Người.

Chất xúc tác thôi là rượu, là thơ, mà là sự sầu khổ, là lòng mến. Cái lay lắt, lâng lâng của cuộc đi ngắm không phải được tạo nên bởi men say của rượu, bởi thi vị của thơ, mà là sự thổn thức của tâm hồn. Sự sầu khổ nhỏ đồng cảm với nỗi sầu khổ lớn. Lòng mến vụn vặt, tầm thường tôn vinh tình yêu son sắt, cao cả. Tiếng lòng của ta khao khát được hòa điệu với tiếng lòng của Chúa.

Cái lưu giữ khoảnh khắc khi đi ngắm cuộc khổ nạn Chúa giờ đây lại là chiếc máy ảnh tâm hồn. Những tấm ảnh, thước phim được tạo bởi bàn tay nhiếp ảnh gia này, là bằng chứng cho việc tâm hồn ta trở nên đồng hình đồng dạng với tâm hồn Người. Trời đất cũng thôi in những vết lằn trên đường đi của những người đi ngắm cuộc khổ nạn Chúa. Chim đang hót nhưng Chúa ta đang phải im bặt trong hồn. Trời đất đang hát bài ca hân hoan, nhưng Chúa ta đang rên rỉ khôn xiết trong Vườn Dầu vì cô đơn. Mây đang nhảy nhót, nhưng Chúa ta đang phải gục ngã đau đớn trước sự sỉ nhục của thế gian. Hoa đang nở nhưng Chúa ta đang héo úa tâm hồn vì sự vô tâm khờ dại của các môn đệ.

Tâm trạng đi ngắm thôi không hồ hởi, rạo rực, phấn chấn mà là thái trạng của tưởng niệm, chiêm ngắm và sầu thương. Không còn là khao khát được hưởng thụ khoái lạc, chiếm lĩnh cái đẹp nhưng là ước ao sẽ được cùng chịu đau khổ với Đấng đã chịu tột cùng của khổ đau.

Mục đích đi ngắm

Đi ngắm là một hành động tự thân, không ai bị ép buộc phải đi ngắm cả. Mục đích của việc đi ngắm cũng trở nên minh bạch, rõ ràng, nhắm thẳng vào nhu cầu của chủ thể đi ngắm.

Người ta đi ngắm hoa để thấy hoa là một phần của vẻ đẹp cuộc sống. Hoa cho đời hương. Hoa cho đời sắc. Hoa cho đời mật ngọt. Hoa cho đời tình yêu. Người ta đi ngắm trăng để thấy trăng là mảnh ghép tuyệt vời của không gian. Trăng cho ánh sáng. Trăng trang điểm màn đêm bởi những hạt ngọc lung linh. Trăng làm thăng hoa cảm xúc của ai đó. Trăng là đại diện cho sự tròn đầy, thịnh vượng, cho hạnh phúc dư tràn. Hay bình minh là mục đích ngắm khi người ta thấy nó là mắt xích quan trọng của thời gian. Bình minh cho màn đêm thức giấc, trả lại cái rực rỡ của đất trời. Bình minh cho ai đó khao khát nhìn thấy ánh sáng. Bình minh thức dậy những tâm hồn uể oải trong đêm tối.

Như thế, đi ngắm tạo cho người ta thú vui có vóc dáng, có thanh âm. Đi ngắm để tận hưởng cuộc sống, để nuôi dưỡng mầm sống và để dư tràn sức sống. Nhưng ngược lại, đi ngắm cuộc khổ nạn Chúa lại là việc chết đi. Chết đi cho cái thú vui trần thế để được sống với thú vui trên trời. Chết đi cái tự mãn của xác thịt, để được thỏa mãn trong tình yêu điên dại của Đấng đang nằm trên thánh giá. “Ai giữ lấy mạng sống mình thì sẽ mất. Còn ai liều mất mạng sống mình thì sẽ cứu được nó”(Mt 10,39).

Đi ngắm cuộc khổ nạn Chúa không dành cho những cảm xúc thăng hoa tầm thường, chóng qua; mà được dành trọn cho sự thăng hoa thiêng liêng. Thăng hoa trong đau khổ. Thăng hoa trong chết đi. Thăng hoa trong dặp tắt. Đó là cái mâu thuẫn huyền nhiệm.

Đi là việc di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, là bước vào một giai đoạn khác. Muốn đi thì phải bỏ lại đằng sau cả một chân trời, cả một bể rộng lối sống hoang hoại trước đây. Muốn đi ngắm được bình minh, người ta phải bỏ lại cái ấm êm nơi giường ngủ để vùng dậy ra một khoảng rộng thinh không. Muốn ngắm cái bao la của đất trời, người ta cũng phải bỏ cả chân núi vững chãi an toàn nhưng hạn hẹp, để đến với đỉnh núi trắc trở hiểm nguy nhưng thoáng đãng. Bỏ cái an toàn, cái thỏa mãn để chiếm hữu cái đẹp, cái chân giá trị đích thực. Và mục đích của việc đi ngắm cuộc khổ nạn Chúa cũng vậy. Người ta phải bước đi từ cái ươn lười của thân xác mình để đến với một Thân xác khác đang cật lực chiến đấu với cái tội. “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo!” (Lc 9,23). Người ta phải chấp nhận chui ra khỏi cái vỏ đớn hèn của tinh thần mình mà tìm đến một nơi kí sinh mới cho tâm hồn. Nơi đó được xây lên bởi tinh thần quảng đại và yêu thương. Và đích đến của việc đi ngắm cuộc khổ nạn Chúa phải là sức mạnh chiến đấu ma quỷ, tội lỗi, cám dỗ, là hình ảnh của một con người mới có thể cảm Chúa, mến Chúa và sống Chúa.

Đối tượng ngắm

Đi ngắm thì phải có đối tượng để ngắm. Đối tượng ngắm trở thành tâm đích của mọi hành động ngắm. Đôi khi, đối tượng ngắm trở thành ước mơ, nỗi khát khao đi tìm rong ruổi. Càng mơ ước, càng khát khao, người ta càng tìm mọi cách để có thể đi ngắm. Đi cũng là hướng hành động đến một sự thay đổi vị trí. Vị trí đó trở thành đối tượng của việc đi ngắm. Và vị trí duy nhất, vị trí tâm điểm của mọi hành động, mọi cuộc đi ngắm phải là Thập giá Đức Kitô.

Cứ thường, người ta đi ngắm cái đẹp, cái thơ mộng hữu tình, cái có thể làm cho người ta rung động cái tôi chiêm ngưỡng. Cái đẹp trở thành quy điển để tất cả mọi người hướng tới. Nhưng trong cuộc đi ngắm hành trình khổ nạn Chúa, đối tượng ngắm lại là nước mắt trong cái đau khổ nhục nhã, cái trần trụi thấp hèn. Đó là những lúc Chúa nhìn vũ trụ thật lâu mà không thốt lên lời, nước mắt cứ lặng im rơi, rơi xuống tận đáy sâu thẳm nhất của linh hồn. Có máu chảy ra. Trái tim loang máu. Đó là những lằn roi vung quất chí mạng. Lằn roi in đậm cái ghê tởm của kiếp người lên tấm thân thánh thiện vẹn tuyền. Đó là nhọn gai xâu xé oan nghiệt. Gai chỉa vào đầu. Gai đâm vào tim. Đó là dấu đinh bi thương thảm hại. Dấu đinh bị xếch ra vì cái đay nghiến của người ta.

Tâm lý đám đông cũng định hướng cho đối tượng ngắm. Người ta đi ngắm cái được nhiều người ngắm. Người ta đi tìm cái được nhiều người tìm. Người ta ca ngợi cái được nhiều người ca ngợi. Thế nhưng, đi ngắm cuộc khổ nạn Chúa lại trái với xu hướng đám đông. Đối tượng ngắm ở đây là người bị xem là tội đồ: “Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến bắt?” (Mt 26,55). Là người bị đám đông nguyền rủa: “Hắn đáng chết” (Mt 26,66). Là người bị sỉ nhục đủ cách: “kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người… Rồi chúng khạc nhổ vào Người, và lấy cây sậy đập vào đầu Người” (Mt 27,29-30)… Đối tượng ngắm thật lạ!

Có những đối tượng ngắm hiển nhiên rõ ràng, nhưng cũng có những đích ngắm ẩn sâu bên trong cái xù xì, gai góc. Cái nhân tinh tuyền trong cái vỏ bọc ấy mới thực đáng quý. Và chính cuộc khổ nạn Chúa – cái đối tượng ngắm lạ lùng ấy cũng là cái nhân tinh tuyền phát sinh bao hoa trái dồi dào.

Thái độ ngắm

Ngắm là nhìn lâu, nhìn kỹ cho thỏa lòng yêu thích. Nhìn lâu là nhìn với độ dài của thời gian đủ để chiếm lĩnh được đối tượng ngắm. Nhìn lâu không phải là nhìn vu vơ bất định, nhưng là nhìn với ý thức rõ ràng, xác định đúng mục đích nhắm tới. Nhìn lâu trở thành nhìn kỹ với thái độ tập trung bằng cả lý trí và con tim. Đó chính là thái độ ngắm đúng đắn. Muốn tìm được đích ngắm, người ta cũng phải đạt cho được thái độ ngắm này. Và cuộc đi ngắm hành trình thương khó Chúa cũng không ngoại lệ. Thái độ ngắm trước hết phải là có chủ đích, chân thành, cần mẫn và kiên trì.

Đi ngắm thụ tạo, người ta hân hoan thơ thới với những rộn rã tiếng cười. Chỉ có hân hoan, hết lòng nhất mực, người ta mới có thể gom góp được cái tinh túy vào trong hồn. Thái độ ngắm là thái độ ca ngợi, tôn vinh. Thế nhưng, khi ngắm cuộc khổ nạn Chúa không chỉ có mở lòng với thái độ ca ngợi, tôn vinh, mà còn là u hoài, tưởng niệm. Những mặt đối nghịch trở nên hài hòa, gắn kết vào nhau. Vừa ca ngợi sự hy sinh của Đấng gánh tội trần gian; vừa u hoài trong cái vô tình, phản nghịch của dân chúng đối với sự hy sinh ấy. Mới hôm nào họ hớn hở ca tụng Thầy: “Hoan hô con vua David” (Mt 21,9), mà chiều nay lại hùng hồn gào thét man rợ: “Đóng đinh nó vào thập giá” (Mc 15,13). Vừa tôn vinh Tình yêu nhiệm mầu của Đấng Cứu rỗi; vừa tưởng niệm cái cách mà tình yêu ấy bị phản bội thế nào, cái cách mà Đấng Cứu rỗi đã mang lấy tình yêu bị phản bội đó.

Vì thế, ngắm cuộc khổ nạn Chúa không chỉ là nhìn, là đưa tầm mắt vào đối tượng ngắm, nhưng còn là hàng loạt hành động khác của tâm hồn. Tâm hồn hành hoạt với than vãn, tưởng nhớ, u hoài, sám hối và cả hoán cải.

Cuộc đi ngắm không phải lúc nào cũng là nhấc bước lọc cọc của đôi chân, rời khỏi một nơi chốn để đến một nơi chốn khác. Nhưng đôi khi là ở yên mà ảnh hưởng lay chuyển, mà biến đổi tác động. Đó chính là bước đi của tâm hồn, của trái tim. Trước khi có thể thực hiện một cuộc đi ngắm về mặt thể lý không gian, thì đã có cuộc đi ngắm về mặt nội tâm. Đi ngắm để rồi tâm hồn gặp tâm hồn, chiêm ngắm bằng trái tim, bằng sự rung động, nhúc nhích của trái tim. Tâm hồn bước đi bởi khắc khoải yêu thương, bởi mong ngóng được cảm, được nếm cái đau thương của Chúa. Bước chân đi ngắm là tâm hồn cũng đi ngắm. Bước chân thể lý là bước chân tâm hồn. Đôi chân muốn đi ngắm, dám đi ngắm, bởi trái tim đã bước đi trước, mạnh dạn chiêm ngắm trước.

Thế nhưng, có một thái cực ngược lại của thái độ ngắm. Có những bước chân đi ngắm cuộc khổ nạn Chúa mà người ta chẳng thấy được gì, chẳng tìm được đối tượng ngắm là chân lý. Có lẽ, họ có mắt mà không ngắm nhìn, có tai mà không nghe, có bàn chân dẫn bước nhưng vẫn gắng cố thủ trong quan điểm và lối sống cũ.

Trong thực tế, ai ai cũng đi ngắm. Có đôi chân là có thể đi ngắm. Có thể đi ngắm nhiều và cũng có thể đi ngắm ít. Có thể đi ngắm với thái độ chân thành rộng mở, nhưng cũng có thể đi ngắm với cái mặt nạ xấu xí. Nhiều khi đôi chân cứ đi ngắm, đi thật xa, ngắm thật nhiều, thế nhưng người ta vẫn vô vọng trong việc tìm đích ngắm. Càng đi ngắm, tình yêu càng thôi chột, lì lợm. Càng đi ngắm, tâm hồn càng ra như mờ tối.

Phải chăng trái tim đã trở nên khô héo cằn cỗi do đã nhiều lần đi ngắm mà sai đích? Phải chăng tâm hồn trở nên chai sờn, lạnh lùng do đích ngắm không thể tác động và biến đổi chủ thể ngắm? Hay phải chăng con tim không muốn bước đi, không muốn cựa quậy để rồi ngủ yên trong lồng ngực?

Niềm vui thích luôn gắn liền với mỗi lần đi ngắm. Ngắm tạo cho người ta khoái cảm. Khoái cảm gọi tên những lần đi ngắm đó. Và vô tình thay, có những lúc người ta mang cái vui thích trần thế ấy len lỏi vào những lần đi ngắm cuộc khổ nạn Chúa. Chính vì thái độ ngắm sai lạc, nên có những cuộc ngắm lố bịch đến không tưởng. Tiếng cười trở nên thật trơ trẽn, đắng cay. Vào những cuộc ngắm ở các cộng đoàn tín hữu, lễ nghi được xem là truyền thống thể hiện lòng đạo đức giáo dân, cũng không thiếu bóng dáng của những tiếng cười vô duyên ấy!

Người ta đi ngắm chỉ để xem môi miệng người đang thay mặt cộng đoàn ngắm ra sao, cung giọng thế nào, ngân nghỉ có đúng chỗ không. Những giọng ngắm cất lên là lúc muôn cái nhìn soi mói cũng ngắm nghía theo, mong có chỗ nào buồn cười để được thỏa cái “thói quen hé răng”. Trong lúc người ngắm đến những đoạn than thống thiết: “Bấy giờ nó lột áo ra, liền trói chân tay vào cột đá, lấy ngành gai, dây da, cùng xiềng sắt đánh cả và mình Đức Chúa Giêsu dư năm nghìn đòn, cho nên nát hết thịt ra, xem thấy xương, chẳng còn nơi đâu lành, mặt mũi chẳng còn hình tượng người ta nữa…”, thì bên dưới cộng đoàn vẫn có những tiếng cười rúc rích cất lên. Cũng có lúc người ta chờ cho ngắm sai đôi chữ để trắc vài cái, kiếm vài đồng bạc tiền phạt. Những chuông, những trống, những trắc cứ lũ lượt vang lên trong cái bông đùa điên dại. Ngắm cuộc khổ nạn Chúa trở thành những cuộc thi thố tài năng, điệu nghệ. Những cuộc ngắm ấy không khác gì cái đám tang nổi tiếng của cụ cố Hồng trong “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng. Hoàn cảnh bắt người ta phải khóc, nhưng người ta vẫn cứ nũng nịu, trêu đùa với tiếng khóc ấy. Thật tội nghiệp cho cụ cố Hồng! Càng đáng thương hơn cho Chúa Cả trời đất đang đau đớn trên thánh giá!

Trên đường đi ngắm, đi thì đau điếng rụng rời chân tay. Ngắm thì mỏi mắt, chập chờn đôi mi. Đi ngắm không dễ chút nào. Không dễ vì chướng ngại trên đường đi. Chướng ngại hữu hình là thói đỏng đảnh của đất trời, là cái ương dở của nắng mưa. Chướng ngại vô hình là trái tim khép kín vô cảm, trái tim lạc lối bơ vơ, trái tim gục ngã trước thân xác: “Vì tinh thần hăng say nhưng thể xác lại yếu hèn” (Mt 26,41).

Những lần đi ngắm đích thực phải là những lần đi ngắm mà mục đích của chủ thể ngắm trở thành mục đích của Chúa. Mọi mục đích của chủ thể ngắm đều được thay thế bởi mục đích của Chúa.

Chủ thể ngắm phải trở nên chính đối tượng ngắm. Chủ thể ngắm ngắm chính mình. Đối tượng ngắm là gương soi của chủ thể ngắm: “Đừng khóc thương ta làm gì, có khóc thì khóc cho phận mình” (Lc 23,28). Cuộc ngắm trở nên ngắn ngủi về thể lý, nhưng sâu nhất trong không gian nội tâm.

Biết bao Mùa Chay đã đi qua, cũng có bấy nhiêu Mùa ngắm cứ thế hững hờ trôi. Mùa ngắm tiếp nối Mùa ngắm. Không một dấu vết in lại trong hồn. Cái giấc mơ có thật sau một cuộc đi ngắm: “Thôi về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11) cứ miên man bất tận trong ta.

Đức Tình