Đức Phanxicô: kỷ niệm năm thứ tư, tạp chí Rolling Stone và thế hệ thiên niên kỷ

Đức Phanxicô: kỷ niệm năm thứ tư, tạp chí Rolling Stone và thế hệ thiên niên kỷ

Tin Giáo Hội Hoàn Vũ - Mar 15/03/2017

Với Đức Phanxicô, dĩ nhiên vui bao giờ cũng nhiều hơn buồn, đối với cả ngài lẫn các tín hữu và thế giới nói

chung. Nhưng nhất là thế hệ những người mà người ta vốn gọi là thiên niên kỷ. Claire Giangravè của tạp chí Crux, ngày 10 tháng Ba vừa qua, quả quyết như thế, nhân dịp Tạp Chí Rolling Stone của Ý đăng hình ngài ở trang bìa, một vinh dự mà vị tiền nhiệm có tiếng được lòng truyền thông của ngài là Đức Gioan Phaolô II cũng không có. 

Pop Pope" của Tạp Chí Rolling Stone

Tập chí trên đặt tựa cho tờ bìa là FRANCIS, POP POPE (Đức Phanxicô, Vị Giáo Hoàng Được Người Ta Ưa Thích). Thực ra chữ “pop”, theo Từ Điển Cambridge, có nghĩa đầy đủ là “người được nhiều người ưa thích và được họ hiểu dễ dàng”. Định nghĩa này rất thích hợp với Đức Phanxicô nhất là đối với thế hệ thiên niên kỷ, một thế hệ vốn có đặc điểm ngờ vực quyền lực và các định chế nói chung, nhất là Đạo Công Giáo. 

Cũng nên biết, tạp chí Rolling Stone của Hoa Kỳ vốn đã đăng hình Đức Phanxicô năm 2013, lúc ngài mới lên ngôi giáo hoàng. Thành thử, có thể kết luận độc giả của tạp chí này vốn có cảm tình với vị giáo hoàng độc đáo theo quan điểm của họ. 

Theo một cuộc thăm dò năm 2016 của chính tạp chí này, gần 50% độc giả của họ thuộc lứa tuổi từ 18 tới 34. Đây chính là thế hệ thiên niên kỷ, những người sinh ra giữa đầu thập niên 1980 và đầu thập niên 2000, thế hệ mà cha mẹ họ không để lại cho họ điều gì để tin. Người ta gọi họ là thế hệ “bông tuyết” (snowflakes). Họ đưọc dưỡng dục để tin rằng mình độc đáo, cực kỳ nhậy cảm và đi tìm an ủi nơi các màn hình sáng loáng và được nối kết với nhau. 

Chỉ có thời gian mới nói được thực ra thế hệ thiên niên kỷ là ai. Tuy nhiên, theo Giangravè, ít người có thể nói chuyện với thế hệ này một cách có khả năng bằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Theo cuộc Nghiên Cứu của Trung Tâm Pew năm 2016, thế hệ thiên niên kỷ ít cầu nguyện hơn, ít tham dự Thánh Lễ hơn và nói chung ít tin hơn các thế hệ trước. Tuy nhiên, họ tin cuộc sống đời sau và thiên đàng, hỏa ngục và phép lạ, giống như các thế hệ đàn anh. 

Phương pháp thông đạt độc đáo của Đức Phanxicô nói với thế hệ thiên niên kỷ một cách rất đặc biệt qua tính “có thật” (realness) của ngài, qua con người bất chấp những gì đã được thiết lập (anti-establishment) của ngài, qua việc ngài tập chú vào lòng thương xót hiểu như một thực hành bao trùm mọi người, và qua việc ngài sử dụng kỹ thuật một cách thành thạo. 

Một con người bình thường

Theo Giangravè, thực ra, ngay từ lúc Đức Phanxicô, lần đầu tiên, từ mật nghị hội bầu giáo hoàng bước ra ban-công nhà thờ Thánh Phêrô ngày 13 tháng Ba, năm 2013 và lên tiếng chào đám đông đang tụ tập dưới quảng trường “Fratelli e sorelle, buonasera!” (chào mừng anh chị em một buổi tối tốt lành), thì không những đám đông hân hoan đến như điên như dại mà cả báo chí và các cơ sở truyền thông khắp thế giới đều phải giới thiệu ngài như là Vị Giáo Hoàng của Dân. 

Chính ngài, năm 2014, đã nói với tờ báo Ý Corriere della Sera rằng: “Giáo hoàng là người biết cười, biết khóc, biết ngủ an lành và có bằng hữu y như mọi người khác, một con người bình thường”. 

Hồi còn trẻ, ngài vốn là một nhân viên an ninh (bouncer) trong một quán ba ở Á Căn Đình, có bạn gái, thưởng thức âm nhạc và thể thao. Tất cả những điều này làm ngài trở thành người dễ bắt liên lạc (relatable), “người có thật”. Ngài chụp hình tự xướng, sống tại một khách sạn tệ nhất ở Vatican và dễ dàng nhận giải “giáo hoàng lôi thôi nhất”.

Nhưng những điều trên chưa đủ đối với thế hệ thiên niên kỷ, một thế hệ quá quen thuộc với các thủ thuật quảng bá các nhân vật công cộng và thù nghịch các định chế, nhất là Giáo Hội Công Giáo. 

Biến những điều không mấy liên hệ trở thành liên hệ

Điều thực sự làm Đức Phanxicô trở thành “pop pope” chính là khả năng “minh tinh truyền hình sống” (reality TV star) của ngài: một khả năng biến cả các hoàn cảnh ít liên hệ nhất trở thành có liên hệ, một điều khiến một số người Công Giáo cao niên cảm thấy bối rối nhưng thế hệ thiên niên kỷ thì chỉ mong sao được thấy nhiều hơn. 

Theo một cuộc nghiên cứu của Morley Winograd và Michael Hais, hơn 80% người thiên niên kỷ tin rằng quá nhiều quyền lực đã bị tập trung trong tay một số ít công ty vĩ đại. Và Bernie Sanders, người đấu tranh cho 99%, đã chiếm được 2 triệu phiếu của những người dưới 30 tuổi, hơn cả Clinton và Trump cộng lại. 

Thế hệ này làm mọi người thấy rõ: họ không có một chút niềm tin nào vào các công ty, chính phủ và Giáo Hội. Nếu để ý đến việc thế hệ thiên niên kỷ gia nhập lực lượng lao động vào khoảng năm 2008, trong các hoàn cảnh giống hệt các hoàn cảnh của thời Đại Suy Thoái năm 1930, thì điều vừa nói không gây ngạc nhiên chi.

Đức Phanxicô, như mọi người đều biết, rất lưu tâm tới những người không có việc làm. Trương mục Tweeter @Pontifex năm 2013 của ngài từng viết rằng “Tâm tư tôi hướng về tất cả những ai không có việc làm, thường là kết quả của một não trạng tự lấy mình làm tâm điểm chỉ biết lợi nhuận bằng bất cứ giá nào”.

Ngài nói đến tiền bạc như “phân thối của ma qủi” và từng nặng nề chỉ trích thị trường tự do, chủ nghĩa tư bản và nền kinh tế nhỏ giọt. 

Lên tiếng chỉ trích con người mà vẫn dễ bắt liên lạc, Đức Phanxicô quả đã trở thành “kẻ phản loạn” mà người thiên niên kỷ thích được yêu mến. 

Rồi tới sự kiện trên chuyến bay từ Brazil trở lại Rôma năm 2013, câu nói “Nếu một người nào đó là đồng tính nhưng biết tìm kiếm Thiên Chúa và có thiện chí, thì tôi là ai mà dám phê phán họ?” của Đức Phanxicô đã để lại một sứ điệp lâu dài, cho thấy sự cởi mở của ngài đối với đồng tính luyến ái trong Giáo Hội Công Giáo, nhất là nơi người thiên niên kỷ.
Theo một cuộc thăm dò về tôn giáo năm 2007, so với các thế hệ đi trước, con số người thiên niên kỷ ủng hộ hôn nhân đồng tính đã tăng gấp đôi.

Bảo vệ môi trường 

Chưa hết. Một cuộc thăm dò năm 2016 của Nghị Hội Kinh Tế Thế Giới (World Economic Forum), từng phỏng vấn hơn 26,000 người thiên niên kỷ của 181 nước, cho thấy 45.2% những người trả lời nói rằng thay đổi khí hậu và việc hủy hoại các nguồn tài nguyên thiên nhiên là các quan tâm hàng đầu của họ.

Trong thông điệp Laudato Si và trong nhiều lần xuất hiện trước công chúng của ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lên tiếng về việc bảo vệ địa cầu và nhiệm vụ của chúng ta phải che chở nó. 

Về các vấn đề xã hội khác rất thân thiết đối với sự nhậy cảm của thế hệ thiên niên kỷ như di dân, sự bài ngoại và bất bình đẳng phái tính, Đức Phanxico cũng vốn là một tác nhân đáng tin cậy và lớn tiếng cho sự thay đổi. 

Sử dụng kỹ thuật

Trong một tuyên bố vào năm 2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi Internet là một “ơn phúc của Thiên Chúa” và tiến xa hơn bằng cách mời gọi tín hữu “mạnh dạn trở thành công dân của thế giới kỹ thuật số”. 

Dù không phải là vị giáo hoàng đầu tiên sử dụng Twitter, vì Đức Bênêđíctô XVI chính là vị này, Đức Phanxicô là vị đầu tiên dấn thân vào thế giới Instagram, hiện có 3 triệu 6 trăm ngàn người theo dõi. 

Nhưng trong một cuộc nghiên cứu gần đây của Tập San Y Khoa Phòng Ngừa Hoa Kỳ, các nhà tìm tòi của Đại Học Pittsburgh thấy rằng những người trẻ nào năng sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội có nguy cơ 3 lần cảm thấy bị cô lập về phương diện xã hội nhiều hơn. 

Thành thử chính Đức Phanxicô cũng đã lớn tiếng đề cập tới sự quan trọng của việc đừng đi tìm tình yêu hay hạnh phúc trong các dụng cụ hay thiết bị của ta; thậm chí, ngài còn đặt câu hỏi không biết chúng ta có lưu ý đến việc cũng mang theo Thánh Kinh như mang theo điện thoại di động hay không.

Người ta cũng cần phải nhớ rằng phần lớn những người thiên niên kỷ không theo dõi sinh hoạt nội bộ của Tòa Thánh và các năng động tính phức tạp của Giáo Triều. Thành thử khi Đức Phanxicô thu hút được cảm tình của họ, thì hẳn là nhờ khả năng thông đạt của ngài.

Theo một cuộc nghiên cứu của Viện Giuseppe Toniolo, 90 phần trăm người Ý thuộc thế hệ thiên niên kỷ tin rằng ngài có các kỹ năng thông đạt vĩ đại, 80% thích ngài và 70% cho rằng ngài gợi hứng cho họ. Không lạ gì, tạp chí Rolling Stone của họ đã cùng lên toa tầu hợp lòng họ.

Vũ Văn An