Hi vọng là tương lai – Đừng bao giờ ngừng mơ

Hi vọng là tương lai – Đừng bao giờ ngừng mơ

Tin Giáo Hội Hoàn Vũ - Sep 22/09/2015

“Hi vọng thì chịu đựng được gian khổ,hi vọng thì làm việc cật lực, hi vọng sinh hoa trái, hi vọng cho chúng ta công việc và cứu chúng ta khỏi nền văn hóa thải loại.”

Hôm chúa nhật 20-9, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gặp các bạn trẻ tại trung tâm văn hóa Padre Félix Varela trong quảng trường Nhà thờ chính tòa. Và cũng như trong buổi kinh chiều với các tu sỹ, ngài có đủ lý do để bỏ bài diễn văn soạn sẵn ra một bên, và chọn nói chuyện tự phát với các bạn trẻ hiện diện. Ngài lắng nghe những lời bộc bạch của một thanh niên trẻ, và từ đó mà mở lời.

Các con đang đứng, còn cha đang ngồi. Thật là không phải? Nhưng các con biết tại sao cha ngồi không? Bởi vì cha đang ghi lại vài điều mà một bạn của các con đã nói, và cha muốn nói dựa trên những lời này. Một từ rung động, đó là ‘mơ tưởng.’ Một nhà văn Mỹ La tinh đã nói rằng con người có hai đôi mắt, một là mắt thịt và một bằng kính. Với đôi mắt bằng thịt, chúng ta thấy những gì trước chúng ta, và với đôi mắt bằng kính, chúng ta thấy những gì mình mơ. Thật tốt phải không? Trong sự khách quan của cuộc sống, cần có năng lực mơ tưởng. Một người trẻ không có khả năng mơ tưởng là đang nhốt mình, đang khép kín trong bản thân. Chắc chắn, có những lúc chúng ta mơ những chuyện không bao giờ sẽ xảy ra. Nhưng hãy mơ. Hãy khao khát. Hãy tìm về phía chân trời. Hãy mở ra với những điều lớn lao.

Cha không chắc người Cuba có dùng từ này không, nhưng ở Argentina chúng tôi nói rằng, ‘Đừng ẻo lả.’ Hãy mở mình ra và mơ. Mơ rằng thế giới với các con có thể khác đi. Mơ rằng nếu các con làm hết sức mình, các con sẽ giúp thế giới này khác đi. Đừng quên. Hãy mơ. Nếu các con bị đẩy lui và mơ quá nhiều và cuộc sống làm cho các con chưng hửng, đừng lo lắng. Hãy mơ và chia sẻ giấc mơ của các con. Hãy nói về những điều lớn lao mà các con muốn, bởi khi năng lực mơ tưởng của các con lớn hơn, khi cuộc sống chỉ cho các con một nửa, một con đường cụt, thì các con phải đi xa hơn. Vậy nên, trước hết phải biết mơ.

Các con có nói một câu mà cha đã ghi lại: ‘chúng con không biết làm sao để chào đón và chấp nhận người có suy nghĩ khác biệt với chúng con.’ Thật vậy, có những lúc chúng ta khép kín. Chúng ta khóa mình trong thế giới riêng nhỏ bé, kiểu như: ‘Đây không phải là cách thức tôi muốn, và chúng ta sẽ không làm như thế.’ Nhưng các con phải đi xa hơn, ‘chúng tôi không khép kín bản thân vào trong ‘các tu viện nhỏ bé’ của hệ tư tưởng, hay trong các ‘tu viện nhỏ bé’ của tôn giáo.’ Chúng ta phải lớn lên, đối diện với chủ nghĩa cá nhân.’

Khi một tôn giáo trở thành một ‘tu viện nhỏ bé’ thì tôn giáo đánh mất đi điều tốt đẹp nhất của mình, đánh mất bản chất tôn thờ và tin tưởng Thiên Chúa của mình. Khi đó, tôn giáo trở thành một cái nhà kín của lời nói, của cầu nguyện, của cái kiểu ‘Tôi tốt, anh xấu’ hay của các quy định đạo đức. Tôi có hệ tư tưởng của tôi, cách suy nghĩ của tôi, và anh thì có cái riêng của anh, và thế là tôi khóa mình trong ‘nhà kín nhỏ xíu’ của hệ tư tưởng.

Không, hãy mở trái tim ra. Mở cái đầu ra. Nếu bạn khác biệt với tôi, tại sao chúng ta không nói chuyện. Tại sao chúng ta luôn luôn ném đá vào những gì chia rẽ chúng ta? Vào những gì khác biệt giữa chúng ta? Tại sao chúng ta không nắm tay ở những điểm chung? Hãy thúc giục bản thân nói về những gì chúng ta có điểm chung, và rồi chúng ta có thể nói về những khác biệt của mình. Nhưng, cha đang nói là, hãy nói chuyện chứ không phải đấu đá. Cha không nói là khóa mình đi. Cha không nói là ‘khóa mình trong nhà kín nhỏ bé của mình’. Nhưng chỉ có thể nói chuyện, khi chúng ta có khả năng nói về những gì chúng ta chung với người khác, về những gì chúng ta có thể làm việc với nhau.

Ở Buenos Aires, trong một giáo xứ mới, một vùng nghèo, rất nghèo, một nhóm sinh viên đại học đang xây dựng môt vài phòng học cho giáo xứ. Và linh mục quản xứ bảo cha là ‘Tại sao cha không đến đây ngày chúa nhật, và con sẽ giới thiệu họ với cha.’ Họ làm việc vào ngày thứ bảy và chúa nhật, vì tất cả đều là sinh viên đại học. Rồi cha đến, gặp họ và được giới thiệu với các bạn trẻ này. ‘Đây là kiến trúc sư. Là người Do Thái giáo. Người này là Cộng sản. Người này là Công giáo sống đạo.’ Tất cả họ đều khác nhau, nhưng họ đều làm việc chung vì lợi ích chung.

Đây được gọi là tình thân xã hội, là tìm kiếm lợi ích chung. Sự thù địch xã hội thì hủy hoại. Một gia đình bị hủy hoại bởi thù địch. Một đất nước bị hủy hoại bởi thù địch. Thế giới bị hủy hoại bởi sự thù địch. Và sự thù địch lớn nhất là chiến tranh. Và ngày nay, chúng ta thấy thế giới đang hủy hoại mình với chiến tranh, bởi người ta không có khả năng ngồi xuống nói chuyện. OK, hãy thương lượng nào. Chúng ta có điểm gì chung? Điểm nào chúng ta không đồng ý? Nhưng đừng giết thêm người nào nữa? Khi có chia rẽ, thì có cái chết, một cái chết trong linh hồn, bởi chúng ta đang giết chết năng lực hiệp nhất. Chúng ta đang giết tình thân xã hội. Và những gì cha muốn nơi các con ngày hôm nay, đó là hãy có khả năng tạo dựng tình thân xã hội.

4669e674c202dc73d29e77886a9f2958-750x542Có một từ mà các con đã nói, đó là hi vọng. Người trẻ là hi vọng của một dân tộc, chúng ta nghe câu này khắp nơi. Nhưng hi vọng là gì? Là lạc quan ư? Không, lạc quan là một tâm trạng. Ngày mai, các con thức dậy với một tâm trạng không vui, các con sẽ không lạc quan, các con thấy mọi thứ theo cách tiêu cực. Hi vọng là một sự cao hơn thế. Hi vọng là một sự tồn tại vượt qua đau khổ. Hi vọng biết cách chịu đựng gian khổ để thực hiện một dự án. Hi vọng biết hi sinh. Các con có khả năng hi sinh cho một tương lai hay các con chỉ muốn sống ngày hôm nay và để chuyện ngày mai cho những người đến sau? Hi vọng thì sinh sôi. Hi vọng đem lại sự sống. Các con có khả năng đem lại sự sống không? Hay các con đang chuẩn bị làm những người trẻ nam nữ cằn cỗi về tinh thần, không có năng lực tạo sự sống trong người khác, không có năng lực tạo tình thân xã hội, không có năng lực tạo dựng một quê hương, không có năng lực tạo nên những sự lớn lao?

Hi vọng thì sinh sôi. Hi vọng được thực hiện trong việc làm, và đến đây, cha muốn nhắc đến một vấn đề nghiêm trọng đang diễn ra ở châu Âu, là con số người trẻ không có công ăn việc làm. Có những nước châu Âu, nơi con số thất nghiệp trong người trẻ dưới 25 tuổi là 40%. Cha đang nghĩ về một nước. Nước khác lên đến 47%, và nước khác nữa là 50%.

Rõ ràng, khi một dân tộc không bận tâm đến việc trao công việc cho người trẻ, và khi cha nói dân tộc, cha không có ý là chính phủ, nhưng là toàn thể dân tộc, và như thế, dân tộc đó không có tương lai.

Người trẻ trở thành một phần của nền văn hóa thải loại, và tất cả chúng ta biết rằng trong đế chế của thần tài, mọi thứ bị thải loại, và con người bị vứt đi, trẻ con bị vứt đi, bởi người ta không muốn có, bởi bị giết trước cả khi được sinh ra, người già bị vứt đi, cha đang nói đến tình trạng cả thế giới, bởi vì họ không còn sản xuất được nữa. Ở nhiều nước, trợ tử chủ động được hợp pháp, nhưng nhiều nước khác có một dạng làm chết êm dịu ẩn mình, ngụy trang. Người trẻ bị vứt đi bởi không được tạo công ăn việc làm. Rồi thì sao? Một người trẻ không có công ăn việc làm thì còn lại gì? Một đất nước, một dân tộc không tạo công việc, tạo cơ hội cho giới trẻ của mình, thì chỉ để lại cho người trẻ những nghiện ngập, tự sát, hay đi quanh tìm cách gia nhập các đạo quân hủy hoại, gây chiến tranh.

Nền văn hóa thải loại này đang gây hại cho tất cả chúng ta, nó tước đi hi vọng, và đây là những gì cần có cho người trẻ. ‘Chúng tôi muốn hi vọng.’ Hi vọng thì chịu đựng được gian khổ,hi vọng thì làm việc cật lực, hi vọng sinh hoa trái, hi vọng cho chúng ta công việc và cứu chúng ta khỏi nền văn hóa thải loại. Hi vọng đưa mọi người đến với nhau, bởi một dân tộc biết cách xích lại với nhau để nhìn về tương lai và xây dựng tình thân xã hội bất chấp khác biệt về suy nghĩ, thì cha nói rằng, dân tộc đó có hi vọng.

Và nếu thấy một người trẻ không có hi vọng, thì đó là một ‘người về hưu non.’ Có những người trẻ dường như đã về hưu ở tuổi 22. Họ là những người trẻ mang nỗi buồn hiện sinh, họ là những người trẻ gắn chặt đời mình vào một chủ nghĩa thất bại. Họ là những người trẻ than vãn. Họ là những người trẻ trốn tránh cuộc sống. Hành trình hi vọng không dễ dàng gì. Và không thể đơn độc thực hiện được. Có một câu ngạn ngữ Phi châu rằng, ‘Nếu bạn muốn đi nhanh, thì đi một mình, nhưng nếu muốn đi xa, hãy đi cùng nhau.

11219139_1710933239137228_938950562476213180_n

Và các bạn trẻ Cuba thân thương, dù các con suy nghĩ khác nhau, dù các con có quan điểm riêng, nhưng cha muốn các con đồng hành với nhau, cùng nhau tìm kiếm hi vọng, tìm kiếm tương lai và sự cao quý cho quê hương mình. Chúng ta bắt đầu với từ hi vọng, và cha muốn kết bằng một từ khác, mà các con đã nói, và cũng là điều mà cha thường nhắc đến nhiều: nền văn hóa gặp gỡ. Xin các con, đừng để tâm thức ‘không gặp gỡ’ có giữa chúng ta. Chúng ta hãy đồng hành với nhau, trong sự gặp gỡ, dù cho suy nghĩ khác biệt, dù cho cảm nhận khác nhau, nhưng có một sự lớn hơn chúng ta, đó là sự cao quý của dân tộc mình, là sự cao quý của quê hương, một quê hương tuyệt đẹp, và những gì chúng ta phải đạt đến là hi vọng ngọt ngào cho quê hương.

Cha sẽ cầu chúc cho các con những gì tốt đẹp nhất, cầu chúc tất cả các con những gì cha đã nói. Cha sẽ cầu nguyện cho các con Và cha xin các con cầu nguyện cho cha. Và nếu ai trong các con là người không theo đạo và không thể cầu nguyện, bởi vì không tin, thì ít nhất hãy chúc cha những gì tốt đẹp nhất. Nguyện xin Chúa chúc lành cho các con và đưa các con đi theo con đường hi vọng, hướng đến nền văn hóa gặp gỡ, tránh đi những ‘nhà kín nhỏ bé.’  Nguyện xin Chúa chúc phúc cho tất cả các con.

Pope_Francis_greets_pilgrims_in_Havanas_Revolutionary_Square_before_Mass_Sept_20_2015_Credit_LOsservatore_Romano_CNA_9_20_15

 

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

Theo: Phanxico.vn