Ở đời, bất cứ lúc nào và ở đâu, người ta rất ghét hai từ “soi mói”. Khi thấy ai nào đó soi mói người khác thì người khác nữa sẽ bất bình và hẳn nhiên sẽ không vui. Đơn giản, mỗi người có hoàn cảnh riêng tư nên cần lắm sự tôn trọng của cá nhân mỗi người.
Ở phương Tây, ở Mỹ … ta thấy dường như họ quen với lối sống “cơm ai nấy ăn”, “việc ai nấy làm”, “nhà ai nấy ở” chứ không như Việt Nam ta.
Ngày còn bé và cho đến mãi bây giờ, hình ảnh người đàn bà ở cuối xóm cứ sáng nào đi chợ cũng soi giỏ đồ ăn của gia đình tôi. Dĩ nhiên biết gia đình bà có giàu có hơn rất nhiều người và hơn nhà tôi nữa nhưng nhà tôi ăn gì thì mặc xác nhà tôi. Mẹ tôi càng tránh thì bà lại càng thích soi.
Trưa thức dậy, vô tình tít của bài báo đập vào mắt tôi với dòng chữ : Nhà của Bùi Tiến Dũng ở quê quá đơn sơ, nhà Quang Hải thì ngược hẳn, bước vào trong nhìn ‘tủ thành tích’ ai cũng ngưỡng mộ. Bản tính chả muốn soi chuyện người khác nên tôi chẳng “chạy” vào xem nội dung. Đơn giản là cứ như tựa đề bài báo, người đọc sẽ thấy lộ diện chân tướng của một tay bồi bút chứ không phải nhà báo chân chính.
Nhà Tiến Dũng có đơn sơ, có nghèo, có không được ai đó ngưỡng mộ như nhà của Quang Hải thì mặc xác Tiến Dũng. Chả mắc mớ gì đến anh để anh đi soi và đưa lên phương tiện truyền thông để câu “like”, câu “view” và câu “soi”.
Vấn đề lớn trước mắt mọi người đó chính là nổ lực, cố gắng của Tiến Dũng để đưa bóng đá Việt Nam lên một tầm nhìn mới, một vị trí mới mà bao nhiêu người mong đợi. Xin lỗi, nhân thân Tiến Dũng như thế nào tôi cũng chả quan tâm, miễn sao anh ta không vi phạm luật pháp, không chơi xấu và có cái tâm thiện là đủ rồi.
Dường như hiện tượng “thánh soi” đang lan tràn trong xã hội như một căn bệnh của thời đại. Có những chuyện rất riêng của người này người khác nhưng rồi người ta cứ thoải mái soi để câu “like”. Đời tư của mỗi cá nhân cần và cất cần được tôn trọng theo nguyên nghĩa của đời sống cá nhân.
Ngày hôm nay, cùng với Giáo Hội, chúng ta mừng Lễ một vị Thánh xem ra chả ra gì cả nếu như soi. Không khéo soi và kết án thì sai bét bởi lẽ “thánh nhân nào cũng có quá khứ và tội nhân nào cũng có tương lai”. Đơn giản là vị đó đã hô hào để bắt những người đi theo đạo mang tên Giêsu và cũng đã cộng tác vào với quân xấu để người ta ném đá Thánh Stêphanô. Thế nhưng rồi, sau cú ngã ngựa, Phaolô đã trở lại và đã trở thành Thánh lớn của Giáo Hội.
Không chỉ mình Phaolô mà còn đó những người như Augustino. Dường như cả đời thánh nhân “rơi” trong tội.
Ngay từ khi còn nhỏ, Augustinô đã tỏ ra là một người sáng trí, thông minh và đầy triển vọng. Tuy nhiên Augustinô không phải là một con người thuần túy, vì thế, Augustinô cũng còn nổi tiếng “chơi trội” trong vấn đề ham chơi hơn là thích học, hay lừa dối cha mẹ, thầy cô và thường gây hấn, đánh đập bạn bè. Lúc thiếu thời, Augustinô đã có những hành động gian lận trong việc trộm cắp đồ đạc của gia đình để bán đi lấy tiền tiêu xài, phung phí vào những chuyện không tốt. Khi lớn lên, đến tuổi vị thành niên, Augustinô vẫn tính nào tật đó. Vì thế, càng thêm tuổi, Augustinô lại càng ngang ngược cách quyết liệt hơn.
Khi trở thành người Công Giáo, Augustinô đã hoàn toàn đổi mới về tư duy, lối sống và chọn lựa:
Nếu trước kia, Augustinô là một con người không có gì để khen, thì nay, nhờ sự trở lại, ngài đã được nhiều thế hệ ca ngợi.
Nếu trước kia Augustinô là người lớn lên trong tội, sống trong tội, vương vấn tội lụy trần ai, thì giờ đây ngài là một con người tốt lành thánh thiện. Ngài yêu mến Thiên Chúa đến say mê, đến nỗi khi cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình, ngài đã thốt lên: “Lạy Chúa, con yêu Chúa quá muộn màng!”; và “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, linh hồn con luôn khắc khỏai cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa ”. Song song với việc yêu mến Chúa, ngài còn yêu con người đến mức anh hùng. Vì thế, ngay sau khi mẹ ngài qua đời, ngài trở về Carthage và bán hết tài sản để cho người nghèo.
Nếu trước kia Augustinô là người phản đạo Công Giáo, đi theo tà thuyết, thì giờ đây, ngài trở thành người bảo vệ đức tin Công Giáo trong vai trò là tu sĩ, linh mục, giám mục. Nhất là qua những tác phẩm thế giá về triết học, thần học, chú giải Thánh Kinh…
Mới đây, Đức Thánh Cha chia sẻ : “Ngay cả những vị thánh, trong cuộc đời của mình, cũng đã gặp phải những cám dỗ và tội lỗi, giống như cuộc đời của vua Đa-vít vậy”. Chẳng vị thánh nào không có một quá khứ, cũng chẳng tội nhân nào không có một tương lai.
Chúng ta cũng không bao giờ thất vọng đến độ không dám chạy đến với lòng thương xót của Chúa, để được gội rửa, hầu trở nên trong sạch, để làm lại cuộc đời trong ân sủng của Thiên Chúa. Hãy cậy trông, phó thác và tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa, vì ơn cứu độ của chúng ta nhờ vào hy vọng.
Qua cái tâm không tốt của tác giả nào đó soi về đời cầu thủ này, cầu thủ khác, người nọ người kia … chúng ta có dịp để nhìn lại mình. Hãy soi lòng soi trí mình để cân chỉnh đời mình chứ đừng soi vào đời tư của người khác.
Và quan trọng nhất, hãy sống sao bớt soi cho lòng thanh thản.
Tuệ Mẫn