Nói đến hôn nhân là nói tới sự kết hợp bất khả tháo gỡ giữa một người nam và một người nữ
Trước hết, người ta có thể nói được rằng, không một vấn đề tôn giáo cụ thể nào lại khó khăn rắc rối và phiền toái, nhưng lại thường được đưa ra mổ xẻ và tranh luận nhiều như vấn đề hôn nhân Công Giáo.Vì thế, khi thảo luận và đưa ra ý kiến về vấn đề quá rộng lớn và gai góc này, nếu người ta chỉ dựa trên nền tảng nhân bản thuần túy và một chiều, chứ không hiểu rõ và có được một cái nhìn toàn diện trên các góc độ đầy phức tạp của nó, và nhất là nếu người ta không nắm vững được các giáo lý của Giáo Hội, người ta sẽ dễ rơi vào các phê phán và nhận định sai lầm và lệch lạc hơn là đúng đắn và nghiêm chỉnh. Do đó, ở đây chúng tôi chỉ muốn đưa ra những góp ý khiêm tốn của mình và ước mong được các độc giả bổ túc thêm bằng những ý kiến đúng đắn cần thiết.
Đức Giêsu và hôn nhân
Khi tìm hiểu vấn đề trong các mặc khải của Kinh Thánh Tân Ước, người ta sẽ tìm gặp được quan điểm rõ ràng của Đức Giêsu về vấn đề hôn nhân mà chúng ta nhất thiết phải coi như những hướng dẫn cần thiết cho những nhận định của chúng ta về hôn nhân. Các giáo huấn của Đức Giêsu soi sáng cho chúng ta nhận định được rằng:
Thứ nhất: Hôn nhân mang trên mình “copyright” – bản quyền, của Thiên Chúa Tạo Hóa. Nói đến hôn nhân là nói tới sự kết hợp bất khả tháo gỡ giữa một người nam và một người nữ, là nói đến sự kết hợp chặt chẽ giữa hai người với nhau đã được chính Tạo Hóa xe kết. “Ngay từ khởi đầu công cuộc tạo dựng, Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam có nữ. Vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ trở thành một xương một thịt.” (Mc 10,6-8)
Thứ hai: Một khi thực tại “trở thành một xương một thịt” thành hiện thực, thì không có bất cứ quyền lực nhân loại nào có thể xóa bỏ được sự kết hợp ấy. Bởi vì “sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mc 10,9)
Ở điểm này, sự phản ứng bộc phát tự nhiên của các Môn Đệ xưa kia đã biểu lộ rõ ràng sự đồng cảm giàu tính cách nhân loại đối với những người Kitô hữu chúng ta ngày nay. Thật vậy, khi Đức Giêsu nói cho các ông quan điểm dứt khoát của Người về vấn đề hôn nhân, trước tiên các Môn Đệ âm thầm lắng nghe và nín nhịn, mặc dù đối với các ông những lời phát biểu của Chúa về hôn nhân xem ra quá khe khắt. Nhưng khi Thầy trò đã về tới nhà, các ông bèn đưa vấn đề ra tranh luận và xin Đức Giêsu giải thích một cách cụ thể và rõ ràng hơn. Và khi các ông nghe Đức Giêsu vẫn giữ vững quan điểm của Người về vấn đề hôn nhân, các ông đã bắt đầu xôn xao nhỏ to với nhau, đã phản ứng đầy cảm xúc và rất nam tính: “Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn.”(Mt 19,10)
Nhưng Đức Giêsu đã nói những gì về hôn nhân mà tâm trạng các Môn Đệ đã trở nên rộn ràng và xúc động như thế? Đức Giêsu đã chẳng những khẳng định rằng sự phối hợp hôn nhân là một điều bất khả tháo gỡ, nhưng Người còn quả quyết thêm: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.”(Mc 10,11-12 Và trong Bài Giảng Trên Núi, Đức Giêsu còn thêm: “…ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình.”(Mt 5,32b; Lc 16,18)
Thật ra, khi đọc các Phúc Âm Nhất Lãm – Phúc Âm theo thánh Mát-thêu, thánh Luca và thánh Mác-cô – người ta thấy rằng trên nguyên tắc cả ba thánh sử đều tường thuật lại cùng những lời phát biểu của Đức Giêsu về vấn đề hôn nhân, theo đó Đức Giêsu có một quan điểm rõ ràng và dứt khoát: Người không chấp nhận vấn đề ly hôn hay ly dị. Lý do chính là một khi hôn nhân giữa một người nam và một người nữ đã thành sự thì hôn nhân ấy đã được chính Thiên Chúa chúc phúc và phê chuẩn. Vì thế, hôn ước ấy mang tính chất bền vững và bất khả tháo gỡ cho đến chết, tức chỉ sự chết mới chấm dứt được một hôn nhân Công Giáo đã thành sự.
Trong các Phúc Âm Nhất Lãm, chỉ có Phúc Âm theo thánh Mát-thêu ghi lại một câu phát biểu của Đức Giêsu khiến người ta nghĩ rằng có lẽ Chúa muốn đề cập tới một hình thức đặc biệt cho phép ly thân hay ly hôn, tức trường hợp thất trung của một trong hai người, vợ hay chồng: “Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình.”(Mt 19,9) Nhưng một điều người ta không tìm thấy trong câu nói ấy của Đức Giêsu là sau khi chia tay giữa hai vợ chồng, họ lại được phép tái lập gia đình với người khác. Dựa vào giáo huấn của Chúa về tính chất bất khả tháo gỡ của hôn nhân, Thánh Phaolô đã khẳng định một cách mạnh mẽ trong Thư Thứ Nhất gửi Cô-rin-thô: “Còn đối với những người đã kết hôn, tôi ra lệnh này: Vợ không được bỏ chồng, nhưng nếu đã bỏ chồng, thì phải ở độc thân hoặc phải làm hòa với chồng; và chồng cũng vậy, không được rẫy vợ.” (1Cr 7,10-11)
Dựa trên những giáo huấn minh bạch và dứt khoát của Kinh Thánh Tân Ước, chúng ta có thể xác định được rằng: Một đàng, đối với Thiên Chúa, sự chia tay giữa hai vợ chồng đồng nghĩa với sự ly hôn hay ly dị là hoàn toàn đi ngược lại với thánh ý và kế hoạch toàn mỹ của Người. Còn Giáo Hội không có quyền thêm bớt hay sửa đổi luật do chính Thiên Chúa đã thiết lập. Đàng khác, theo lời Thư Thứ Nhất của thánh Phaolô gửi Cô-rin-thô vừa trích, chúng ta thấy rằng ngay trong Giáo Hội thời tiên khởi vấn đề ly thân và ly hôn giữa các đôi vợ chồng đã từng xảy ra. Nhưng chính trong những trường hợp ấy, tức sau khi hai vợ chồng đã ly thân hay đã ly hôn, thì họ không được phép tái kết hôn bình thường như những người chưa hề lập gia đình.
Luật Giáo Hội Công Giáo về hôn nhân
Dựa theo các giáo huấn của Kinh Thánh, Giáo Hội Công Giáo đã đưa ra 110 lời hướng dẫn rõ ràng và minh bạch về Bí tích Hôn Nhân như những điều luật cụ thể và mang tính cách bó buộc nhất định, hầu giúp cho các tín hữu của mình hiểu rõ và sống đúng với ý nghĩa Bí tích ấy, để qua đó họ thực sự sống một cuộc sống hôn nhân và gia đình hạnh phúc trong chân lý và trong tình yêu. Sau đây, để giúp quý độc giả hiểu được một cách tổng quát ý nghĩa của hôn nhân theo quan điểm của Giáo Hội Công Giáo, chúng tôi xin trích ba điều luật đầu tiên trong 110 điều luật về hôn nhân ấy trong Bộ Giáo Luật của Giáo Hội Công Giáo, được ấn hành vào năm 1983:
Điều 1055, §1: Do giao ước hôn nhân, người nam và người nữ tạo nên với nhau một cuộc thông hiệp trọn vẹn cả cuộc sống. Tự bản tính, giao ước hôn nhân hướng về thiện ích của đôi bạn và việc sinh sản cùng giáo dục con cái. Đức Kitô đã nâng giao ước hôn nhân giữa những người đã chịu phép Rửa Tội lên hàng Bí tích.
§2: Bởi vậy, giữa những người đã chịu phép Rửa Tội, không thể có khế ước hôn nhân hữu hiệu nếu đồng thời không phải là Bí tích.
Điều 1056: Những đặc tính căn bản của hôn nhân là sự duy nhất và bất khả phân ly. Nhờ tính cách Bí tích, những đặc tính ấy được kiện toàn đặc biệt trong hôn nhân Kitô giáo.
Điều 1057, §1: Hôn nhân thành tựu do sự ưng thuận của đôi bên, được phát biểu hợp lệ giữa những người có khả năng pháp luật; sự ưng thuận ấy không thể thay thế bởi bất cứ một thế lực nhân loại nào.
§2: Sự ưng thuận kết hôn là một hành vi của ý chí, do đó người nam và người nữ trao thân cho nhau và chấp nhận nhau để tạo lập hôn nhân, bằng một giao ước không thể thu hồi được.
Kết hôn trong Chúa
Ở đây chúng ta nhất thiết cần phải thêm rằng điều kiện của tính chất không thể thu hồi được hay bất khả tháo gỡ của hôn nhân Công Giáo là họ phải được kết hôn trong Chúa, tức hôn nhân phải hợp pháp, được cả hai người hoàn toàn tự do đồng thuận, thành sự, được Giáo Hội chứng giám và đại diện Chúa chúc phúc. Theo thánh Phaolô, tất cả mọi Kitô hữu muốn kết hôn hay tái kết hôn một cách hợp pháp và thành sự đều phải thực hiện hôn ước của mình “trong Chúa” (1Cr 7,39). Chỉ những hôn nhân được thực hiện như thế mới thực sự là “đã được Thiên Chúa phối hợp.” Vì thế, những hôn nhân ấy mới mang đầy đủ tính chất “bất khả tháo gỡ.”
Theo thánh Phaolô, chỉ một trường hợp duy nhất được phép ly hôn, đó là nếu một người trước khi được rửa tội mà đã kết hôn với một người ngoại đạo, nhưng khi đã theo đạo rồi mà người chồng hay người vợ ngoại đạo kia đòi ly hôn và không muốn sống đời vợ chồng với người chồng hay người vợ có đạo nữa, thì người vợ hay chồng có đạo này không còn bị ràng buộc bởi hôn ước nữa. (x. 1Cr 7,12-16)
Dấu chỉ của một tình yêu vô biên
Một khi hai Kitô hữu nam-nữ đồng ý kết hôn “trong Chúa”, thì hiện thực nơi họ điều thánh Tông đồ Phaolô đã ghi trong Thư Ê-phê-sô: Nếu một người nam và một người nữ thành tâm yêu thương nhau trong Chúa, bấy giờ tình yêu của họ cũng tương tự như tình yêu của Đức Kitô dành cho Giáo Hội, mà Kinh Thánh Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp gọi là “mysterion”, còn tiếng La-tinh gọi là “Sacramentum”, và tiếng Việt gọi là Bí tích thánh, tức “mầu nhiệm cao cả” (x. Ep 5,32). Sự hy sinh của hai vợ chồng Công Giáo cho nhau là một dấu chỉ rõ ràng tình yêu vô biên và sự trung tín tuyệt đối của Thiên Chúa đối với nhân loại. Vâng, đó là dấu chỉ của một tình yêu vô biên!
Dấu chỉ bên ngoài của Bí tích Hôn Nhân hoàn toàn khác với dấu chỉ bên ngoài của các Bí tích khác. Thay vì sử dụng các chất thể như nước, nghi lễ đặt tay, dầu hay bánh, và do vị Linh Mục chủ sự thực hiện như khi cử hành các Bí tích khác, thì khi cử hành Bí tích Hôn Nhân chính hai người nam-nữ liên hệ, với sự trợ giúp của Chúa, là trọng tâm, là những nhân vật chính và đồng thời là những người chủ sự và cử hành. Trong khi đó, những người tham dự việc cử hành Bí tích Hôn Nhân của đôi Tân Hôn – Giáo Hội qua sự đại diện của cộng đoàn các tín hữu hiện diện, của cha mẹ, của bạn bè và của cả vị Linh Mục, v.v… – chỉ có tác dụng là các chứng nhân của việc cử hành ấy mà thôi.
Việc đôi Tân Hôn nam-nữ vừa là những người cử hành và vừa là những người lãnh nhận Bí tích Hôn Nhân mang một ý nghĩa sâu xa và cao cả: Qua sự kiện ấy cả hai người muốn nói lên rằng tình yêu và sự chung thủy mà họ giành cho nhau là một sự nhắc nhở và là một biểu tượng sống động cho tình yêu vô biên của Đức Giêsu, Đấng đã yêu thương nhân loại cho đến chết.
Để dễ hiểu được điều ấy, chúng ta có thể làm một sự so sánh: Nếu người nào đó nghe nói đến tên Romeo và Julia(1) chắc chắn người ấy sẽ nghĩ ngay đến câu truyện tình cảm thời danh trong văn chương nhân loại. Cũng vậy, nếu người nào đó nhìn thấy đôi vợ chồng Công Giáo đầy lòng thương yêu và chung thủy với nhau, người ấy sẽ nghĩ ngay tới tình yêu vô biên và lòng trung thành tuyệt đối của Thiên Chúa. Lời thề hứa hôn nhân Công Giáo khi cử hành hôn lễ “thương yêu và tôn trọng nhau mọi ngày cho đến suốt đời” không chỉ muốn nói đến thời gian sống của đôi vợ chồng trong cuộc sống đời này, nghĩa là hôn ước của họ chỉ chấm dứt khi một trong hai người qua đời. Lời hứa hôn nhân Công Giáo ấy còn mang một chiều kích thâm sâu hơn: Hôn nhân Công Giáo được xây dựng trên nền móng chắc chắn là tình yêu Thiên Chúa, nên luôn bền vững, chứ không có bất cứ nguyên nhân ngoại tại nào có thể xóa bỏ hay làm lung lay được, ngoại trừ sự chết. Cũng như sự chết, tình yêu tự bản chất là một thực tại mang tính cách dứt khoát và thực tiễn.
Vì giao ước hôn nhân Công Giáo là một Bí tích thánh, tức một thực tại do chính Thiên Chúa thiết lập, nên mang tính chất bền vững và bất khả tháo gỡ. Giáo Hội trong thế kỷ XXI này vẫn không thể xóa bỏ hay sửa đổi được tính chất bất khả tháo gỡ ấy của hôn nhân. Do đó, khi người ta vì bất cứ lý do ngoại tại nào mà xóa bỏ một hôn ước hợp pháp và thành sự, tức Bí tích Hôn Nhân, thì người ta đi ngược lại kế hoạch của Thiên Chúa và làm sai lạc bản chất của hôn nhân.
Ở điểm này chúng ta cần nhấn mạnh thêm rằng, sự chung thủy suốt đời không chỉ là một lý tưởng Kitô giáo, nhưng còn là một điều mơ ước và là mục đích thực sự của tất cả những đôi vợ chồng thương yêu nhau chân thành. Đây là điều mà các cuộc thăm dò dư luận nơi các tầng lớp trong đại chúng đã chứng minh một cách cụ thể.