Mỗi người, cha mẹ sinh con, trời sinh tính để rồi chả ai giống ai. Có người thì ồn ào hoạt náo nhưng rồi cũng có người trầm buòn và sâu lắng. Trong gia đình, trong cộng đoàn, trong dòng tu đều như thế. Phần là người để rồi muôn hoa muôn vẻ và mỗi người mỗi cách.
Một con người – một tu sĩ – một linh mục của Chúa cả đời lặng lẽ và ra đi cũng lặng lẽ đó chính là Cha già cố Phaolô Bùi Thông Giao.
Sinh sau đẻ muộn, mỏng dòn non yếu, ngây ngô khờ dại … khi đặt chân tới mảnh đất thiêng 38 Kỳ Đồng, từ bé đã thấy thấp thoáng một con người năng động Henri Bạch Văn Lộc với chiếc xe Peugeot 103 chuyên đi xức dầu bệnh nhân bất kể đêm hôm. Một linh mục đơn giản Inhaxiô Bùi Quang Diệm trên tay tràng chuỗi Mân Côi. Một linh mục trên tay tràng chuỗi Mân Côi và quyển Phụng Vụ Giờ Kinh tới lui bên Lễ Đài phòng hài cốt mang tên Phaolô Bùi Thông Giao …
Tất cả các vị tiền bối đã về nhà Cha sau nhiều năm làm việc trong vườn Nho Nhà Chúa trong tư cách là tu sĩ linh mục Dòng Chúa Cứu Thế.
Cha Bùi Thông Giao có lẽ là một linh mục hết sức đặc biệt trong Nhà Dòng. Đặc biệt không phải là trổi trang hay năng động hay làm điều gì đó to tát. Đặc biệt nơi Cha cố Phaolô đó chính là sự thầm lặng, nhẹ nhàng và thanh thoát.
Thật vậy, bất cứ ai tiếp xúc với Cha đều nhận ra sự nhẹ nhàng nơi Cha. Gật gật, cười cười … quanh quanh quẩn quẩn trong Tu Viện.
Cha Giám Tỉnh Giuse Nguyễn Ngọc Bích – trong chia sẻ thân tình – đã nói về cuộc đời của con người thầm lặng Thông Giao. Cha Cố sau biến cố 1975, Cha như thu mình vào một cuộc đời lặng lẽ. Cha sống cùng, sống chung và sống với anh em như một mẫu gương của sự khiêm tốn. Kết cục của cuộc đời Cha như nói lên tất cả những gì Cha đã sống. Cha âm thầm và ra đi cũng âm thầm. Có lẽ Cha không muốn phiền đến ai cũng như không phải để ai phải vất vả vì mình. Cha ra đi nhẹ nhàng và thanh thoát.
Giữa cuộc đời nổi trôi giữa những chông chênh của cuộc đời, ta vẫn tìm thấy những con người chọn lựa cho mình cung cách sống nhẹ nhàng và thanh thoát. Cha nhẹ nhàng và thanh thoát cho đến ngày đón chuyến xe cuối cùng để về dự mùa Xuân Vĩnh Cửu trong Nước Thiên Chúa.
Cha Phaolô đã âm thầm đến, đã âm thầm sống và cũng đã âm thầm ra đi trong vòng tay yêu thương của Chúa và của anh em. Giờ này đây, khi gần bên Chúa, chắc có lẽ Cha cũng âm thầm để cầu nguyện cho Nhà Dòng, cầu nguyện cho anh em. Âm thầm và lặng lẽ có giá trị nhất định và cũng là bài học cho mỗi người chúng ta. Mẫu gương của sự khiem hạ, mẫu gương của đời sống âm thầm của Cha Cố Phaolô thật giá trị cho những ai suốt ngày cứ phải vật vã lăn tăn.
Nghĩ về Cha cố Phaolô, có thể mượn những dòng tâm tư của Cố nhạc sĩ họ Trịnh :
Cha đến bên đời hoa vàng một đóa
Một thoáng hương bay bên trời phố hạ
Nào có ai hay ta gặp tình cờ
Nhưng là cơn gió Cha còn cứ mãi bay đi.
Cha đến bên đời hoa vàng rực rỡ
Nào dễ chóng phai trong lòng nỗi nhớ
Ngày tháng trôi qua cơn đau mịt mù.
…
Cha đến nơi này bao điều chưa nói
Lặng lẽ chia xa sao lòng quá vội
Một cõi bao la ta về ngậm ngùi
Cha cười đâu đó trong lòng phố xá đông vui.
Cha đến nơi này vui buồn đi nhé
Đời sẽ trôi xuôi qua ghềnh qua suối
Một vết thương thôi riêng cho mọi người.
Cha ra đi trong âm thầm lặng lẽ và nhất là trong giữa cơn đại dịch Cha lại để lại trong lòng người thân, trong lòng anh em nỗi thương niềm nhớ đặc biệt. Dẫu không về được, dẫu không hiện diện bên Cha trong ngày lễ an táng nhưng anh em vẫn hướng về Cha, vẫn thương nhớ Cha, nhớ về dấu Lặng của cuộc đời mà như Cha Phaolô Lưu Quang Bảo Vinh chia sẻ : chúng ta không biết nhiều về Ngài. Nếu chúng ta dùng hình ảnh để ví von. Cuộc đời của con người như bản giao hưởng có lúc bổng có lúc trầm. Những khoảng lặng và những dấu lặng mà nhiều khi chúng ta không hiể được, và nhiều khi thậm chí chúng ta không cần quan tâm. Ấy vậy mà dấu lặng đó vẫn hiện diện và không ai hiểu được tại sao nó hiện diện. Chỉ duy người viết bản giao hưởng và cái chết của Ngài quả thật là một dấu lặng Nhưng kết thúc bản giao hưởng, kết thúc luôn luôn là chương của hùng tráng đầy ánh sáng. Chương cuối cùng của cuộc đời Ngài mà Chúa viết là khúc của ánh sáng, của hùng tráng nhất trên Vương Quốc của Thiên Chúa trong mùa Xuân Vĩnh Cửu. Sáng hôm nay chúng ta tạ ơn Chúa với Ngài tạ ơn Chúa và chúng ta cùng hát với Ngài trong Thánh Vịnh mà chúng ta vừa hát : Lạy Chúa Trời ! Hồn con khát khao trông mong, hồn con khát khao ngóng đợi mà giờ này con thấy Ngài Ôi Chúa Trời ! Ôi Chúa của con.
Lm. Anmai, CSsR