Lễ Nến được mừng vào ngày thứ 40 sau lễ Giáng Sinh, kết thúc những ngày lễ trọng mừng việc Thiên Chúa tỏ mình ra cho con người
Lễ Nến được mừng vào ngày thứ 40 sau lễ Giáng Sinh, kết thúc những ngày lễ trọng mừng việc Thiên Chúa tỏ mình ra cho con người nơi Ngôi Lời mặc lấy xác phàm. Lễ này còn có tên gọi là lễ Đức Maria được thanh tẩy theo Luật Môsê, Lễ Chúa Kitô gặp gỡ Dân thánh nơi cụ già Simêon, hay lễ Dâng Chúa trong Đền Thờ.
Tại sao lại có lễ này, và tại sao lại gọi như vậy? Theo Xh 13,2.11-16; Lv 12,1-4; Is 88,14;42,6 thì Luật Môsê quy định: Thứ nhất, các trẻ sơ sinh, trong thời gian Luật định, phải mang lên Đền Thờ dâng cho Thiên Chúa. Thứ hai, người phụ nữ sau khi sinh con được 40 ngày phải lên Đền Thờ để được thanh tẩy. Vì thời đó người ta cho rằng khi sinh con, người phụ nữ bị ô uế. Thứ ba, con đầu lòng là tài sản của Thiên Chúa. Vì thế có tục lệ dâng con và lễ vật cho Thiên Chúa để chuộc lại con.
Sau khi sinh Đức Giêsu được 40 ngày, Đức Maria và Thánh Giuse đã làm như Luật dạy. Nhưng lễ dâng Đức Giêsu trong Đền Thờ theo Luật định lại trở nên cuộc gặp gỡ: ông Simêon và bà Anna được hạnh phúc gặp gỡ và bồng ẵm Hài Nhi Giêsu trên tay. Nhờ đó họ nhận ra Hài Nhi Giêsu là “Ánh sáng soi đường cho dân ngoại” (x. Lc 2,22-40).
Bên Hội Thánh Đông phương, lễ này gọi là Lễ gặp gỡ Đấng Cứu Thế: Đức Giêsu, Vị Cứu Thế vào Đền Thờ và gặp hai vị đại diện Cựu Ước: ông Si-ê-n và bà An-a. Tục lệ này trở thành lễ mừng kính trong Hội Thánh bên Giêrusalem từ đầu thế kỷ IV: 40 ngày sau khi Đức Mẹ sinh Đức Giêsu.
Bên Hội Thánh Tây phương, sau thế kỷ X, lễ này là lễ kính Đức Mẹ. Cũng như các phụ nữ khác, sau khi sinh con, Đức Maria mang lễ vật vào Đền Thờ, để được thanh tẩy như Luật định.
Từ năm 1960, lễ này được đổi thành lễ kính Chúa: Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thờ, 40 ngày sau lễ Giáng Sinh. Vì thế, Giáo hội chúng ta mừng lễ này vào ngày 02-02.
Một điều đáng lưu ý là, ngay từ thế kỷ IV, khi mừng lễ này, để kính nhớ việc dâng Đức Giêsu vào Đền Thờ, các Kitô hữu rước kiệu và cầm nến sáng trong tay. Tục lệ làm phép và kiệu nến có nhiều nguồn gốc khác nhau, và một trong các nguồn gốc ấy có tính thực tiễn là: tại Rôma, việc rước kiệu từ nhà thờ thánh Arianô (ở Foro) về đền thờ Đức Bà Cả diễn ra trong đêm tối, nên cần phải có nến sáng. Từ thế kỷ X, ở nước Pháp, lễ nghi làm phép nến và rước kiệu mang một ý nghĩa mới: nến sáng tượng trưng cho Chúa Kitô, ánh sáng thế gian. Vì thế, lễ này có tên gọi là Lễ Nến.[1]
Riêng ở Việt Nam chúng ta, Lễ Nến đã đi sâu vào cuộc sống người tín hữu. Ở nhiều nơi, vào ngày lễ này, các tín hữu mang nến đến nhà thờ để được làm phép, rồi mang về, thắp lên mỗi khi đọc kinh gia đình, khấn nguyện cho người đau ốm hoặc trẩy đi xa, trong những dịp ma chay hay cưới hỏi.
Tóm lại, với ngày lễ này, Giáo hội mừng hai ý nghĩa căn bản: thứ nhất là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa với Dân Người, thứ hai là Đức Giêsu chính là ánh sáng soi đường cho muôn dân tộc. Mừng ngày lễ này, chúng ta được mời gọi trở nên con người của sự gặp gỡ, con người phản chiếu ánh sáng Chúa Kitô giữa trần gian.
Trần Hưng, OP.
(CSTMHĐGDĐM tháng 02.2012)