Nếu chúng ta có một tâm hồn nghèo khó để nhìn ra được thân phận yếu hèn và mỏng dòn của mình mà trông cậy và phó thác vào Chúa thì đầy cơ may được chúc phúc
(Mt 5,1-11)
Long trọng mừng Lễ Các Thánh, Giáo Hội nhắc chúng ta hướng về thánh phần Hội Thánh khải hoàn. Trong thành phân của Hội Thánh này có biết bao vị thánh đã dược tôn vinh hiển thánh nhưng không thể kính nhớ hết trong niên lịch Phung Vụ. Hơn nữa, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta nhớ đến các vị thánh đã sống một đời ẩn dật, khiêm tốn giờ đây đang được hưởng niếm vui trên Thiên Quốc nhưng Giáo Hội không thể biết đến và biết hết.
Thống kê vào năm 1956 có 2.565 vị thánh, nhưng sau đó lại tìm thấy nhiều danh sách còn quên sót. Hiên nay ước lương có trên 10.000 vị thánh được tuyên phong hiển thánh. Ở Việt Nam, trên dưới 130.000 Kitô hữu tử đạo, có có 117 vị được tôn vinh hiển thánh và 1 vị á thánh.
Trong bài đọc I, tác giả sách Khải Huyền trong 1 thị kiến được nhìn thấy Hội Thánh khải hoàn gồm nhiều dân nước khác nhau nói các ngôn ngữ khác nhau. Con số 144 ngàn chỉ là con số tượng trưng. Các vị này đã phải vượt qua những gian nan thử thách nhất là nhờ được tảy sạch dấu vết mọi tội lổi từ máy Con Chiên nêntừ nay được hưởng hạnh phúc mãi mãi. Từ nay đau khổ và thử thách không còn làm gì được các ngài nữa.
Vượt qua thử thách và gian lao các thánh đã phải làm gì thì bài Tin Mừng cho chúng ta biết: Các ngài đã sống bản hiến chương nước trời mà Chúa Giêsu công bố. Tám mối phúc này các ngài cũng đã nghe, đã đọc như chúng ta. Nhưng chắc chắn các ngài đã không nghe, không đọc suông mà là đã thực hành những lời mình đọc. Các ngài đá cố gắng thực hành những điều đó là vì hạnh phúc của tha nhân và vì phần thưởng lớn lao trên trời.
Trông mong phần thưởng nước trời, được nhìn thấy Đức Giêsu tận mắt và được kết hợp với Người cách sâu xa trong tình yêu là niềm hy vọng của chúng ta.
Nếu chúng ta có một tâm hồn nghèo khó để nhìn ra được thân phận yếu hèn và mỏng dòn của mình mà trông cậy và phó thác vào Chúa thì đầy cơ may được chúc phúc.
Nếu chúng ta sống hiền lành, hòa thuận xây dựng hòa bình giữa những bách hại, vu khống là chúng ta đang thục hiiện theo lời dậy và mẫu gương Chúa Giêsu trên thập giá, tha cho kẻ làm khốn mình.
Nếu chúng ta luôn khát khao sống một cuộc đời công chính bằng cách thực hiện tình thương xót, sống trong sạch là chúng ta đang thực hiện lời Chúa Giêsu dạy: “Anh em hãy nên trọn lành như Cha anh em là Đấng trọn lành.”
Một loạt điệp từ "phúc" trong Tám mối phúc cho thấy: Chúng ta luôn khát khao được hạnh phúc, và chúng ta sẽ chỉ được hạnh phúc thật bao lâu chúng ta chiếm hữu được Thiên Chúa. Mà nếu muốn được hạnh phúc thật, chiếm hữu được nước trời thì Chúa lại chỉ cho chúng ta một con đường mà xem ra dưới con mắt tự nhiên, chúng ta thấy là nghịch lý, con đường khó nghèo, hiếu hòa, công bình, thanh sạch… Trong khi đó, nhân loại, đặc biệt ngày hôm nay người ta luôn khinh dể, dầy đạp sự khó nghèo, khiêm nhường và cả hiền hòa cùng thanh sạch nữa.
Chọn lựa cuộc đời làm Kitô hữu, chúng ta luôn phải đối mặt với cái nghịch lý ấy. Chúa Giêsu đã đi con đường phúc thật để sinh ơn cứu độ cho nhân loại chúng ta.
Bước theo Đức Kitô trong đời dâng hiến sẽ đòi hỏi mỗi chúng ta thực thi các mối phúc cách triệt để hơn. Tự thân một cuộc đời dâng hiến đã cũng có thể bị người ta cho là dại. Dại bởi làm cái gì cũng phải xin phép, làm gì cũng phải có tính cộng đoàn.
Bị người đời xử bất công bởi đi lại, cư trú, xây dựng đều phải có giấy tờ, phép tắc một cách khó khăn. Bị chê là dại vì không biết tận hưởng những thú vui cuộc đời.
Chúa Giêsu Thánh Thể là hội tụ tất cả các mối phúc và là nguồn phúc lộc bởi Ngài đã từ thân phận Thiên Chúa đầy vinh quang, uy quyền, giàu sang… trở nên nghèo khó ở giữa nhân loại mà xây dựng hòa bình, tình xót thương, nhưng cuối cùng đã bị bách hại, giết chết nên nguồn ơn cứu độ và ở lại với chúng ta nơi Bí Tích Thánh Thể. Các thánh mà chúng ta mừng kính cũng theo bước Đức Giêsu đi vào con đường nghịch lý vì ơn cứu độ, vì phần thưởng lớn lao của mình và của toàn nhân loại.
Nguyện xin Chúa qua lời bầu cử của các thánh cho chúng ta dám dấn thân theo chân các ngài vì phần thưởng và ơn cứu độ của chính mình và của tha nhân.
Lm. Phêrô Nguyễn Thế Trịnh, SSS