Chiếc còi sinh ra để bấm, nếu không bấm thì người ta đã bỏ còi đi rồi. Tuy có những tiếng còi dã man nhưng còi vẫn cần thiết. Quan trọng là bấm đúng lúc, đúng chỗ.
TT – Nhiều tình huống hài hước được chia sẻ trên sân khấu chương trình Lắng nghe thành phố diễn ra chiều 21-10 tại Hà Nội để gửi đến những người tham gia giao thông một thông điệp: Hãy nghĩ trước khi bấm còi.
Bức tranh Bấm còi đòi vượt đèn đỏ của họa sĩ Thành Phong |
Tự nhận mình là người sống khá lâu trong đô thị, nghệ sĩ Chí Trung chia sẻ câu chuyện của riêng mình về tiếng còi và những tiếng ồn của thành phố. Vẫn là góc nhìn hài hước, quen thuộc như vai diễn Táo giao thông trên sân khấu, Chí Trung nói: Chiếc còi sinh ra để bấm, nếu không bấm thì người ta đã bỏ còi đi rồi. Tuy có những tiếng còi dã man nhưng còi vẫn cần thiết. Quan trọng là bấm đúng lúc, đúng chỗ. Đừng bắt cuộc sống thuận chiều mà phải chấp nhận những điều ngược chiều và có phản biện.
Những khách mời của chương trình lại chia sẻ những câu chuyện thương tâm bắt nguồn từ tiếng còi xe. “Dù vậy, kêu gọi những bác tài xế xe buýt – hung thần của đường phố – đừng bấm còi thì cũng nguy hiểm cho người đi đường. Nếu bảo bỏ còi đi thì ngay lập tức anh lái phụ sẽ thò cổ ra cửa xe mắng: đi mắt để đâu” – nghệ sĩ Chí Trung hài hước. Nhưng nhìn từ góc độ pháp luật, không phải không có quy định. “Từ loại còi nào, mức độ âm thanh thế nào đều đã có trong quy định nhưng chúng ta không thực hiện mà để cho giao thông rơi vào tình trạng hỗn loạn” – nhà văn Nguyễn Trương Quý nhận định.
Song song với cuộc đối thoại này, bộ tranh về văn hóa giao thông (Tuổi Trẻ ngày 21-10) của họa sĩ Thành Phong cũng đã được trưng bày tại rạp Công Nhân, Hà Nội. Họa sĩ Thành Phong – tác giả bộ tranh – chia sẻ trong chương trình: “Tôi sợ tiếng còi ở những ngã tư đèn đỏ, dù người trước chưa đi nhưng người sau đã bấm còi giục đi rồi… Nếu bạn thật sự cảm thấy quá bất an khi ra đường thì phương án tốt nhất là nên ở nhà”. |
Không chỉ có âm thanh của tiếng còi làm ô nhiễm không gian đô thị mà bên cạnh đó là tiếng xe, tiếng cãi vã, thậm chí cả tiếng loa phường, loa quảng cáo. “Có lẽ sống trong sự bức bối về âm thanh đó mà người tham gia giao thông ở Hà Nội sẵn sàng nổi nóng, văng tục chửi bậy nhiều hơn” – Trương Quý nói.
Trong cuốn sách mới ra mắt của tác giả chuyên viết về Hà Nội này – Xe máy tiếu ngạo, chuyện về chiếc xe máy, những công dụng và hệ lụy của nó cũng đã được mô tả rất thú vị.
Nhưng câu chuyện hạn chế tiếng còi ở đô thị để lắng nghe những âm thanh thật sự của thành phố có lẽ sẽ còn là câu chuyện dài.
“Theo tôi, cần phải có thời gian. Bởi không có chỗ nào xe máy đi cạnh ôtô như anh em được. Dù một thành phố không còi là thành phố văn minh đi chăng nữa thì vẫn còn nhiều thứ lắm. Loa phường 6g sáng đã tra tấn bà con tổ dân phố, người ta cười quá to, nói quá to, cãi nhau cũng to” – nghệ sĩ Chí Trung chia sẻ.
Ở góc nhìn của mình, nhà văn Nguyễn Trương Quý cho rằng nỗ lực vì một thành phố hạn chế tiếng còi xe còn là cách để tìm lại một Hà Nội chỉ còn trong ký ức nhiều người. Thời đó, âm thanh của thành phố là tiếng guốc gõ khẽ trên vỉa hè, tiếng tàu điện leng keng…
“Âm thanh của Hà Nội trải qua rất nhiều giai đoạn, nhưng vẫn luôn có những khoảng trầm lắng, thanh bình và yên ả. Tôi từng hi vọng dự án âm nhạc noise music (âm nhạc tiếng ồn) của Trí Minh, Vũ Nhật Tân, Nguyễn Mạnh Hùng thất bại vì thiếu chất liệu là tiếng ồn. Nhưng thực tế nó quá thành công bởi quá phong phú về chất liệu” – Trương Quý nói.
Lắng nghe thành phố là chương trình tiếp nối tại Hà Nội của Đêm tĩnh lặng tại TP.HCM ngày 14-10 vừa qua. Đây là một phần trong chuỗi sự kiện của chiến dịch “KO còi” nhằm lan tỏa thông điệp đến những người trẻ: “KO còi khi không cần thiết”, “Nghĩ, trước khi bấm còi”.
HÀ HƯƠNG – THANH HUYỀN
Nguồn: TTO