nỗi sướng không tên’ này, cho thấy nghệ thuật ‘lấy ráy tai’ VN sau này sẽ chinh phục thế giới.
KHI NGƯỜI VIỆT "XUẤT KHẨU" ĐỘC CHIÊU KHOÁI ĐÊ MÊ…
Quang cảnh giống hệt một phòng răng ở… Sillicon Valley, với những cái ghế dài, đèn đuốc sáng choang, người ta nằm lên, ưỡn đầu và các nhân viên có gắn đèn rọi trên trán, tay mang một lố lỉnh kỉnh dụng cụ, thỉnh thoảng có tiếng ‘rên’ của một ‘bệnh nhân’ Nhưng họ không yêu cầu ‘bệnh nhân hả mồm để chiếu đèn’ mà lại chiếu đèn vào lỗ tai và thọc một cây dài vào ngoáy ngoáy. Đây là một tiệm hớt tóc khá ‘hoành tráng’ ở Saigon và các cô đang trổ tài lấy ráy tai cho khách! Tiếng rên khi nãy là tiếng rên khoái trá. Tiếng bình dân gọi là ‘sướng rên mé đìu hiu!’
Ear picking? Mới đây báo San Jose Mercury News đi bài ngay trang bìa nói về ‘nỗi sướng không tên’ này, cho thấy nghệ thuật ‘lấy ráy tai’ VN sau này sẽ chinh phục thế giới. Người Việt là một dân tộc thông minh, làm người khác khoái đến như thế phải có… đầu óc một chút! Người Tây Phương không có thói quen… trả tiền cho người ta đè mình ra tra tấn lỗ tai như thế, nhưng bạn hãy nghe Katie Dang, một nữ ca sĩ 20 tuổi, nói về kinh nghiệm ‘bị tra tấn này’ như sau: ‘Thoạt đầu thì ai cũng sợ vì không có biết gì đâu, nhưng sau đó thì… Trời ơi, qqqquuááá đđđđãããã!!”
Hèn gì mà rất nhiều Việt kiều từ Mỹ về, vừa ra khỏi phi trường TSN là dông lên xe taxi như gió cuốn đến ngay một tiệm hớt tóc để được ráy tai. Nguyễn Tường Tâm cư dân Silicon Valley, kể: “Đó là hạnh phúc, hễ về tới Saigon là tôi đi ‘chiến đấu’ ngay, nó giống như yêu đương thể xác, quá phê, đã có người dùng từ chẳng sai khi gọi hoạt động này là ‘ear-gasms”
Chuyên gia của ‘nghệ thuật quá đã’ là cô Nguyễn Thị Lệ Hằng, 26 tuổi, cắt nghĩa: “Trong tai chúng ta có một ‘huyệt đạo’, có người đụng tới thì nghe nhột nhột nhưng có người sẽ ‘rên lên vì quá khoái’, nỗi sướng này thật khó nói, có người sau đó còn quay qua hỏi nhỏ “Cô lấy tôi làm chồng được hông?”
Bác sĩ Todd Dray, chuyên gia giải phẫu tai mũi họng ở quận hạt Santa Clara, cắt nghĩa: “Lớp da tai trong cực kỳ mỏng, như tờ giấy thấm và hết sức nhạy cảm với nhiều giây thần kinh tụ hợp về, nó có điểm G như bộ phận sinh dục của phái nữ đấy, đụng đến là… rên mé đìu hiu!”
Ngày nay khi bước vào một tiệm hớt tóc có nhiều ‘thanh nữ’ ở Saigon, bạn không còn đi hớt tóc thuần túy nữa. Ở đó có đấm bóp, xoa nắn hai vai, làm mặt, gội đầu và dĩ nhiên có lấy ráy tai. Theo nhiều ông, đây là hình thức thư giãn số 1 trong cuộc sống quá xô bồ của một thành phố 9 triệu dân.
Và bây giờ dã có nhiều bà cũng… đi lấy ráy tai, như cô Katie Dang. Cô nói: “Mấy bà ai cũng sợ lần đầu, nhưng sau đó ai cũng… đòi đi nữa. Đàn ông làm việc này cũng khá, nhưng chắc chắn không điêu luyện như các cô. Các cô có bàn tay của phù thủy”
Giá cả bao nhiêu? Rẻ không thể tưởng tượng, tất cả chi phí đưa khách lên đến bảy tầng trời khoái cảm chỉ có 2 đô la cộng với tip. Đó là chưa kể một số tiệm còn mời khách uống cà phê hay trà trước khi lên ghế nữa. Một chủ tiệm lấy ráy tai tên Nhân cho biết: “có khách đòi lấy ráy tai thực nhẹ nhàng, có người bảo làm mạnh tay hơn (chắc là do có… lỗ tai trâu) mới đã điếu” Các cô nào chỉ có lấy ráy tay đâu ông Địa ơi, các cô còn đi vài chiêu thức ‘cho các anh chết luôn’ như lấy bông gòn nhẹ xoáy êm đềm. Có cha nội đã quá, ngủ phom phom trên ghế, giục mãi mới tỉnh giấc mơ xuân, rõ khổ cụ rùa hồ Gươm!
Học nghề này có khó không? Chỉ mất một tuần lễ để học, nhưng phải mất nhiều tháng để thực hành mang lại cho khách giấc mơ xuân. Có cô quá giỏi có khách nườm nượp và khi quân ta kéo đến chỉ đòi được cô này… tra tấn mà thôi.
Có một điều lạ là hầu như tất cả đấng trượng phu khi đi lấy ráy tai đều không muốn vợ nhà hay bồ nhí biết. Và chuyện gì ắt đến đã đến khi nói là lỗ tai có điểm G như ‘cái ấy’, có cha nội chịu hết thấu đã nỡ vĩnh biệt cơm nhà, bê luôn hàng phở lấy ráy tai dìa để độc quyền… sướng, cấm bất cứ thằng cha nào khác lảng vãng đến! official zlibrary domain . Find free books
Cho dù đã có cảnh báo là chơi với dao có ngày đứt tay, vì có cảnh báo là nếu lấy ráy tai mà làm bị thương vì đủ thứ… vi trùng rủ nhau đi vào, kể cả bệnh viêm gan B rất ớn, nhưng mấy tướng quen ăn đâu quen nhịn, như Trương Phùng, một tay 44 tuổi, cứ 2 tuần một lần là ghé qua, thố lộ: “Có mấy thằng bạn nói coi chừng không an toàn, nhưng tôi đã nghiện như đi uống bia hay hút thuốc rồi, đâu có nhịn được!” Có bà nào đi lấy ráy tai đã… bê luôn chàng về dinh hay chưa? Chắc là chưa, cho dù lấy ráy tai là qqquuuááá đđđããã, các bà không ngu mà chôm một tên về làm mình sung sướng vài phút mà phải nuôi báo cơm nó suốt đờí! Tụi này đâu có khờ như các ông!
Hồng Quang
NGOÁY TAI XƯA…
Trích đoạn Tây thực dân tả dịch vụ ráy tai hồi đầu thế kỷ XX của dân ta:
Trong một số nơi, nhất là vào phía cửa Đông – Đông Nam, người ta hay chú ý tới một vài căn chòi với dáng vẻ dễ ưa nhìn hơn là những quán nước. Chúng được dựng lên với một khoảng cách vừa phải, chắc chắn là để tránh việc sát vách với những sự ồn ào và bẩn thỉu của bọn láng giềng nọ.
Đấy là một thứ cửa tiệm được dựng lên bởi bốn cột chống bằng tre, ở trên là một cái mái làm bằng rạ hoặc lá khô. Mặt nhìn ra phố là tấm phiên đóng mở được, có khung lớp lá hoặc rạ. Ba phía kia thì cũng bằng phiên đóng kín. Dưới tấm phiên cửa, mà có thể dựng lên bằng hai thanh tre, người ta thấy một cái bàn bằng gỗ rất sạch sẽ, ở trên bầy ra một vài bình lọ bằng sứ Tầu.
Vài lọ này đựng những cây tăm xỉa răng dài bằng tre, trong đó có một cây đằng đầu to nhất được cán dập, tơi ra như bông; vài lọ kia đựng một số dụng cụ bằng thép, bằng gỗ hoặc bằng tre: nào là những miếng dao cạo nhưng không được mài cho bén – với đủ hình thù và kiểu dáng khác nhau – nào là kẹp, móc và những chiếc đũa tre ở đằng đầu gắn mẩu bông gòn tròn nhỏ. Những đồ nghề này đều không lớn.
Ngồi sau bàn là một người đàn ông, ăn mặc khá tươm tất và sạch sẽ. Mắt liên hồi dán sát vào những khách bộ hành, như thể muốn mời họ ghé bước. Tôi đặt tên cho những người này là thợ lấy ráy tai, bởi vì nghề của họ là duy nhất làm cho sạch sẽ cái bộ phận này trên đầu của khách bộ hành; hoặc cho những ai không muốn chường mặt ra nơi công cộng thì sẽ kêu họ tới thẳng nhà để hành nghề. Nếu có ai thấy hơi bị ù tai, nghe hơi bị khó, hoặc chỉ duy nhất là để được hưởng cái thú vị khi những lỗ tai được ve vuốt thì đều đi gặp thợ này, hoặc vời họ về nhà.
Nghệ sĩ này, bằng những đồ nghề họ có, sẽ đưa vào lỗ tai của khách hàng bằng cả một sự nhẹ nhàng và khéo léo không thể tin được, để lấy ra những chất bẩn dính trong đó. Tiếp theo, chàng ta dùng cái đũa nhỏ gắn bông gòn, đút nhẹ nhàng vào lỗ tai và dùng hai bàn tay để cứ thế xoay tròn, kéo ra và thổi phù vào. Lại xoay, lại kéo ra và lại thổi vào lần nữa.
Tới đây thì coi như là kết thúc phần tác nghiệp này. Khi thợ được hài lòng vì có khách hàng rộng rãi, chàng ta sẽ làm quà cho khách bằng những chiếc tăm xỉa răng mà chàng ta đã chế tạo trong những lúc rảnh rang. Trường hợp ngược lại, với khách hàng keo kiệt, chàng ta phải kèo nài giá cả. Riêng với những quan chức hội tề, dành phải làm mặt vui và chìa ra tặng vài cái tăm.
Thi thoảng, tôi chứng kiến cảnh những người thợ này đã làm khách hàng của mình chịu đựng một số cực hình, khi đồ nghề của họ đã không đủ để họ có thể thực hiện một cách không nguy hiểm, vài thao tác trong phần sâu nhất của lỗ tai khách. Bằng cách trải ra bàn một miếng giấy cực mỏng, trên mặt giấy, họ đổ đầy lên những giọt sáp. Sau đấy dùng đũa để cuốn tròn giấy này lại thành như một ống nhỏ, một đầu nhét vào tai khách rất cẩn thận để đầu ống không bị bẹp, và đầu bên ngoài tai được đốt lên như đầu cây nến. Theo tôi thấy, cái ống này có phận sự như ống hút, kéo ra sạch hết những phần dơ bẩn trong tai. Khi ngọn lửa cháy đến khoảng ba phần tư ống, thợ kéo ra phần ống còn lại, mở ra cho khách thấy kết quả và lý do tại sao lại có một thao tác như thế.