Ở LẠI TRONG TÌNH YÊU

Ở LẠI TRONG TÌNH YÊU

SUY NIỆM - May 13/05/2016

Trang Tin Mừng hôm nay mở đầu bằng hai chữ “Ngày ấy…”, rồi sau đó tiếp tục bằng cách vẽ lên một tương lai rất tốt đẹp: “Ngày ấy…chúng con xin Chúa Cha điều gì thì Ngài sẽ ban cho các con nhân danh Thầy” (Ga 15,16). Nhưng “ngày ấy” là ngày nào?

          Và rồi ta thấy Thánh Gioan ghi lại lời xác quyết của Chúa Giêsu bày tỏ tình yêu cho loài người : Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy (Ga 15, 9).

Vậy ta thử xét coi Chúa Giêsu yêu mến loài người như thế nào. Và ta cũng chỉ giới hạn cái việc Chúa Giêsu yêu mến loài người theo như Phúc âm hôm nay ghi lại mà thôi. Nếu xét tất cả những việc Chúa Giêsu làm vì yêu mến loài người trong toàn bộ Tin Mừng, thì không biết bao giờ ta mới nói hết. Hẳn nhiên, nhìn vào suốt cuộc đời Chúa Giêsu, ta thấy Chúa Giêsu đã yêu thương loài người một cách thực tế rằng chấp nhận cuộc tử hình thập giá để chuộc tội loài người.

Hôm naym ta lại thấy Chúa nói : Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15,13).

Thật ra, khi thổ lộ cho ai về cảnh ngộ cá nhân hay gia đình, ngay cả những tâm tư và bí mật của đời mình là dấu chỉ mình tín nhiệm người đó kín đáo, muốn gần gũi với người đó và muốn mở lòng để người đó đi vào đời mình. Quá sức thân tình khi Chúa Giêsu đã làm người và nhất là trở nên bạn hữu với ta: Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thẩy đã cho anh em biết (Ga 15, 15).

Ở lại trong tình yêu của Chúa là ở lại trong tình bạn hữu với Chúa. Cảm nghiệm ta có về tình bạn với Chúa giống như cảm nghiệm của hai người yêu. Hai người yêu luôn cảm thấy gần gũi nhau. Khi xa nhau, họ vẫn tưởng nhớ đến nhau, nhớ bóng dáng người yêu, ánh mắt của người yêu và cả tiếng thì thầm của người yêu. Nói cách khác, họ cách mặt mà không xa lòng. Cảm nghiệm của ta có được về tình yêu và tình bạn với Chúa cũng tương tự như vậy. Có được cảm nghiệm về tình yêu, tình bạn với Chúa, ta sẽ cảm thấy sự hiện diện của Chúa trong ta, bên ta và xung quanh ta.

Khi ăn uống, làm việc, giải trí và cả khi ngủ nghỉ, ta cũng cảm nghiệm sự diện diện của Chúa. Có được cảm nghiệm như vậy, ta không còn cảm thấy thiếu thốn chi trong lòng, không còn muốn đổi chác lấy gì khác, mà bị mất cảm nghiệm thần linh này. Ở lại trong tình yêu của Chúa là muốn được gần gũi với Chúa, muốn đặt niềm tin cậy phó thác vào Chúa, muốn Chúa làm chủ đời sống và làm lẽ sống cho cuộc đời.

Bạn hữu nhất là bạn cùng ăn một mâm, cùng nằm một chiếu là người quan tâm đến ta, và ta quan tâm đến bạn. Bạn hữu là người gắn bó với ta khi vui cũng như lúc buồn, khi thành công cũng như lúc thất bại, khi yếu đau cũng như lúc mạnh khoẻ. Bạn hữu là người ta có thể tin cậy. Bạn hữu thường trung thành với nhau, giúp đỡ nhau, sống chết có nhau.

Trong một xã hội phong kiến hay dưới một thể chế quân chủ, khi một người nhỏ tuổi hoặc cùng đinh mà gọi người lớn tuổi hay phú quí là bạn, có thể bị coi là chơi trèo, hỗn xược, vì cha ông ta dạy kính lão đắc thọ. Chúa Giêsu còn cao trọng hơn ta gấp bội phần, nhưng Người đã tự hạ mình xuống làm bạn với ta. Chúa bảo các tông đồ và qua các tông đồ, Chúa cũng bảo ta: Anh em là bạn hữu của Thầy (Ga 15,14). Vậy được gọi là bạn hữu với Chúa, là một ân huệ lớn lao dường bao! Ðiều thắc mắc ở đây là ta có thực sự tin rằng Ðức Giêsu là bạn với ta không? Ta có thể tin, vì Chúa nói như vậy. Tuy nhiên ta có cảm nghiệm được tình yêu và tình bạn với Chúa hay không lại là chuyện khác.

          Trước đoạn Tin Mừng hôm nay 6 câu, tức là thuộc đoạn Tin Mừng hôm qua, Chúa Giêsu nói: “Ít lâu nữa chúng con sẽ không thấy Thầy, nhưng lại ít lâu nữa chúng con lại thấy Thầy” (16,17). Vậy “ngày ấy” là ngày Thầy trò gặp lại nhau sau một thời gian xa cách. Khi gặp lại nhau như thế, liên hệ Thầy trò sẽ hết sức gắn bó, đến nỗi tuy hai nhưng chỉ là một, Thầy ở trong trò và trò ở trong Thầy.

Và điều này rất đúng, bởi vì khi chúng ta và Chúa Giêsu ở trong nhau, nên một với nhau thì Chúa Giêsu muốn gì, xin gì thì ắt chúng ta cũng muốn và xin như thế. Nói cách khác, chúng ta không muốn và không xin gì ngoài những gì Chúa Giêsu muốn và xin. Và bởi vì Chúa Cha luôn nhận Lời Chúa Giêsu xin nên cũng sẽ luôn nhận lời chúng ta.

Sống mỗi ngày và chạm mặt với những thách đố làm chứng cho Tin Mừng, chúng ta có dám can đảm để sống trọn vẹn cho một tình yêu hy hiến như Thầy mình đã sống? Có đủ mạnh mẽ để người khác được lớn lên, còn mình nhỏ bé lại? Biết tha thứ, biết cho đi, biết quên mình… để sống với hạnh phúc của tha nhân? Thật không dễ chút nào khi chúng ta bị lôi vào nhịp của thế giới bị tục hóa, chỉ biết đến vật chất mà lãng quên giá trị tinh thần. Chúng ta bị phân tâm bởi những kiểu yêu “giả tạo”, bóng bẩy mà không có chiều sâu.

Với một xã hội đầy thù hằn ích kỷ như hiện nay, chỉ có tình yêu mới làm chứng cho Chúa được. Thiết nghĩ, giới luật yêu thương chúng ta đã biết quá nhiều, học hỏi quá nhiều, nghe nói quá nhiều. Việc còn lại là chúng ta đem áp dụng vào đời sống cụ thể của mình. Hơn nữa, Trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống, bất cứ thời điểm nào trong đời thường. Bất cứ những gì mất đi vì tình yêu và cho đi vì tình yêu đều không mất đi một cách vô ích. Khi ta sống tình yêu và mặc cho tình yêu một ý nghĩa ta sẽ được đền bù xứng đáng.

Xin Chúa cho ta ý thức về tình yêu mà Thiên Chúa mời gọi để đời sống của ta luôn được đổ đầy bằng tình yêu.

Tuệ Mẫn