Các môn đệ vẫn chưa hiểu đường lối của Ðấng Cứu thế dẫu rằng Ðức Giêsu đã tiên báo về cuộc tử nạn và phục sinh của Người ba lần.
Bi kịch ngày Thứ Sáu Chịu nạn đã làm tiêu tan những mối hi vọng của các ông, như hi vọng Thầy mình sẽ thiết lập một vương quốc trần gian, hi vọng được một chỗ đứng trong vương quốc của nước Người. Thảm cảnh thập giá vẫn còn làm các ông hoang mang và sợ hãi.
Ta hẳn còn nhớ hai môn đệ đi làng Emmau quyết định bỏ cuộc về quê và rồi Ðức Giêsu hiện ra giải thích cho các ông hiểu lời Thánh kinh liên quan đến Người.
Khi họ mời Nguời khách lạ vào nhà và lúc Người cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho họ, họ mới nhận ra Người (Lc 24, 30-31). Bình an đã được phục hồi cho họ.
Sau khi gặp được Chúa, hai môn đệ vội vã trở về Giêrusalem gặp Nhóm Mười Một và hai ông được bảo là Chúa đã sống lại và hiện ra với ông Simon (Lc 24, 33-34). Hai môn đệ Emmau cũng thuật lại cho Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp về việc Chúa hiện ra với hai ông và các ông đã nhận ra Người lúc Người bẻ bánh.
Lúc này Chúa lại hiện ra đứng giữa các ông và chúc: Bình an an cho các con (Lc 24, 36). Tuy nhiên các tông đồ vẫn: Kinh hồn bạt vía, tưởng mình thấy ma (Lc 24, 37). Ðức Giêsu liền trấn an các ông bằng cách chứng minh căn tính của Người, chỉ cho họ tay chân của Người có xương thịt, chứ không phải là ma. Tuy nhiên các ông vẫn chưa tin vì mừng rỡ mà lại ngỡ ngàng (Lc 24, 41), Chúa mới hỏi xem các ông có gì ăn không? Rồi Chúa giải thích lời Thánh kinh cho các ông hiểu về cuộc khổ hình và phục sinh của Ðấng Cứu thế để đem lại bình an cho các ông.
Trước đó Ðức Giêsu cũng đã hiện ra với bà Maria Mácđala và mấy bà khác để trấn an các bà (Mt 28, 1-10; Lc 24, 1-11; Mc 16, 1-11; Ga 20, 1-18). Ðức Giêsu còn hiện ra với các tông đồ để củng cố đức tin của các ông và ban bình an cho các ông và trao sứ mệnh cho các ông (Mt 28, 16-20; Mc 16, 12-15; Ga 20,19-23). Ðặc biệt Chúa còn hiện ra với ông Tôma để phục hồi đức tin của ông đã bị dập tắt và đem lại bình an cho ông (Ga 20:24-29).
Sợ hãi và bất an đó là điều hầu như không ai tránh khỏi. Bản tính tự nhiên con người “tham sống sợ chết” nên lo sợ đủ điều.
Có người sợ sâu bọ, sợ gián sợ chuột. Có người sợ rắn rết, hổ sói. Có người sợ bóng đêm, sợ yêu ma quỷ quái. Nói chung, sợ hãi xuất hiện khi ta cảm thấy nguy hiểm. Sợ hãi có thể xem là một bản năng sinh tồn, nó khiến ta cảnh giác hơn. Nếu xét trong đời sống tự nhiên, có thể nói, sợ hãi là một người bạn tốt cần được đối xử tử tế.
Qua dòng chảy của Thánh Kinh, do sự bất phục tùng của Adam tội đã đột nhập vào nhân loại ( Rm 5, 12-19). Tội đã truyền lan tới tất cả mọi người, không trừ một ai, đã gieo rắc kinh hoàng và lôi kéo tất cả vào sự chết vĩnh viễn tách lìa với Thiên Chúa. Con người từ đó bị tước đoạt khỏi sự sống, bị đặt dưới ách thống trị của tội lỗi và sự chết (x Rm 7, 24-26). Bị tội lỗi và cái chết chiếm đoạt, khủng bố, con người mất đi bình an nội tại, chỉ còn là hoang mang, sợ hãi.
Thế nhưng, Chúa Giêsu Kitô đã sống lại, Ngài đã đánh bại thần chết, giải thoát con người khỏi ách thống trị tội lỗi và cái chết. Qua sự Phục Sinh của Chúa, kinh hoàng sợ hãi và sự chết từ nay đã bị khử trừ, bình an và sự sống mới được trao ban lại cho con người. Tin mừng hôm nay, Thứ Năm trong tuần Bát Nhật Phục Sinh (Lc 24, 35-48), thánh Luca thuật lại rất rõ ràng, Chúa Giêsu Phục Sinh khi hiện ra với các tông đồ, Ngài đã trao ban bình an cho các ông. Chúa Giêsu nói: “Bình an cho anh em”(Lc 24, 36). Và để trấn an Chúa Giêsu nói tiếp: “Chính thầy đây mà, hãy sờ xem” (Lc 24, 39). Rồi để chứng minh Chúa Giêsu cho các ông xem tay chân Người.
Lời chúc bình an của Chúa mang ý nghĩa đặc biệt cho người môn đệ của Chúa. Và để duy trì sự bình an, Chúa truyền cho họ rao giảng sự sám hối để được ơn tha tội (Lc 24, 47) vì không thể có bình an nội tâm nếu người ta sống trong tình trạng tội lỗi. Do đó mà thánh Phêrô rao giảng sự sám hối và trở lại cùng Chúa để được ơn tha tội (Cv 3, 19) và được bình an. Cũng do đó mà thánh Gioan bảo tín hữu phải xa tránh tội lỗi (1Ga 2, 1) để duy trì sự bình an.
Ða số người tín hữu cũng có những lần mang những tâm trạng hoang mang, bối rối, lo lắng và sợ hãi khác nhau. Người thì lo sợ mất công ăn, việc làm, sợ phải mang bệnh tật, sợ mất sức khoẻ. Người thì lo sợ phải sống cảnh chia ly xa cách vì gia đình đổ vỡ. Người khác lo sợ những ngày giờ khủng hoảng, đen tối đè nặng trên tâm hồn.
Nếu vậy thì Chúa muốn ta trút tất cả những nỗi lo âu, sợ hãi vào lòng từ ái của Chúa. Chúa muốn ta đặt trọn niềm tin cậy, phó thác vào chương trình quan phòng của Chúa. Việc tín thác vào Chúa là điều mà ta có thể học được bằng kinh nghiệm. Sau khi người ta đã thử đặt tin tưởng vào tiền của, thế lực, địa vị, và rồi cuối cùng người ta thấy không đi đến đâu, có khi còn khổ hơn nữa. Từ đó họ mới tìm đến Chúa.
Qua các môn đệ, Chúa cũng gửi đến ta lời chào bình an. Ngày nay người ta nghe nhiều về những khao khát, ước vọng hoà bình. Nếu đi du lịch bên Do thái vào thập niên 80 của thế kỉ 20 mà gọi điện thoại, người ta sẽ nghe thấy người ở đường giây nói bên kia trả lời shalom, có nghĩa là bình an. Sự kiện đó nói lên người Do thái khao khát hoà bình như thế nào. Trên bình diện quốc gia và quốc tế, hoà bình theo nghĩa từ điển Webster có nghĩa là tình trạng, hay thời kỳ hoà hoãn, thời kỳ đình chiến giữa các quốc gia, hoặc phe nhóm. Tuy nhiên hoà bình có nghĩa gì đối với cá nhân mỗi người? Cũng theo từ điển Webster, hoà bình có nghĩa là trạng thái tĩnh, không bị tư tưởng xung khắc đè nén, nhưng là một sự hoà hợp trong mối tương quan và liên hệ của mỗi người.
Hôm nay mỗi người chúng ta hãy vui mừng hân hoan! Vui mừng vì Chúa đã sống lại. Vui mừng vì Chúa Phục Sinh đang đến với ta. Ngài đến đem lại bình an và sự sống mới cho ta. Thật sự nhiều người trong chúng ta chưa nhận thấy vì còn chậm tin. Khi Chúa Phục Sinh hiện ra với các tông đồ các ông sợ hãi vì tưởng thấy ma! Chúa nói: “Sao anh em lại hoảng hốt?” (Lc 24, 38). Cũng như các tông đồ, chúng ta còn sợ hãi là tại vì chúng ta còn ngờ vực, tối dạ, chưa tin Chúa. Chúng ta còn bất an là vì cuộc đời chúng ta thiếu vắng Chúa.
Xin cho ta tin rằng Chúa vẫn ở cạnh ta để đời ta luôn được bình an.
Tuệ Mẫn