WGPSG / Aleteia — Bạn có thể làm gì để khuyến khích các gia đình có trẻ nhỏ tiếp tục đến nhà thờ?
Đó là một ngày lễ buộc và chồng tôi thì đi làm, vì vậy không có ai giúp tôi trong thánh lễ để cùng tôi chăm lo cho ba đứa trẻ của chúng tôi, một đứa 4 tuổi, một đứa 2 tuổi và một đứa sơ sinh.
Tôi không muốn đi lễ ‘cho có lệ’, tôi muốn mình thật sự tham dự thánh lễ. Tôi muốn các con tôi biết rằng chúng ta đi lễ vì yêu Chúa Giêsu, muốn ở với Ngài và tôi muốn đưa bọn trẻ gặp Chúa Giêsu từ khi chúng còn nhỏ.
Lúc đó là vào mùa đông có gió xoáy địa cực buốt lạnh nổi tiếng ở Chicago, nhưng tôi rất muốn tham dự thánh lễ ngày hôm đó. Tôi đã dành hơn hai giờ để chuẩn bị: cho em bé ăn, mặc quần áo cho các con, thay tã, đóng gói túi tã với các chai nước và các sách tô màu, cho các con mang ủng, mũ và đồ ấm, mở máy sưởi trên xe cho ấm áp, cạo tuyết khỏi kính chắn gió, bồng từng đứa trẻ lên xe xuyên qua lớp tuyết dày, và thắt từng chiếc dây an toàn cho các con.
Cuối cùng, chúng tôi đã sẵn sàng, và lái xe đến một nhà thờ gần nhà thay vì nhà thờ giáo xứ của chúng tôi ở xa hơn. Nhưng cho dù đã chuẩn bị từ sớm, chúng tôi vẫn trễ vài phút và lúc đầu tôi không thể tìm được chỗ ngồi. Cuối cùng, chúng tôi len lỏi qua một người để ngồi vào giữa một ghế dài trong nhà thờ. Ôm đứa con sơ sinh ở túi đeo phía trước, cùng với một túi đầy những vật dụng, tôi đã cầu xin để có thể tham dự suốt Thánh Lễ mà không gặp sự cố.
Rồi khoảnh khắc kinh hoàng cũng đến khi cha đang giảng lễ: đứa con bốn tuổi của tôi tuyên bố trong tiếng thì thầm khá lớn, “Con cần đi tiểu!”. Nhà vệ sinh của nhà thờ lại nằm cạnh bên cung thánh, chúng tôi đã vô cùng khó khăn để có thể ra khỏi ghế, và để đi về phía trên của nhà thờ. Quả thật là chưa khi nào thấy lối đi dài đến vậy! Cảm giác như thể mọi người trong nhà thờ đang nhìn chằm chằm vào chúng tôi, hai đứa nhỏ bám lấy tay tôi và cố gắng chạy về phía trước, còn đứa sơ sinh mềm mại thả mình xuống ngủ trên ngực tôi.
Chúng tôi vừa tiến đến phía trước thì đứa con hai tuổi của tôi vấp té và ngã đập mạnh xuống đất. Không cần biết đến mọi người xung quanh, con bé đã phản ứng như mọi đứa trẻ chập chững biết đi khác, nó nằm dài trên đất và khóc ré lên với âm lượng lớn nhất. Trong khi đó, đứa con bốn tuổi của tôi đã hướng về mục tiêu của mình, cố gắng lao về phía phòng vệ sinh. Khi tôi cố nâng đứa bé hai tuổi dậy, thì đứa sơ sinh cũng thức giấc để cũng khóc ré lên với đứa kia. Không có đủ tay để lo cho cả ba đứa trẻ, trong nỗi tuyệt vọng và bất lực, tôi bắt đầu cảm thấy những giọt nước mắt nóng hổi trào ra.
Ngay sau đó, một người phụ nữ lớn tuổi đi đến bên cạnh tôi và thì thầm thương xót: “Tôi có thể giúp được gì?” Bà nhẹ nhàng nâng đứa con chập chững đang khóc ré đứng lên và cùng nhau, chúng tôi đưa đám trẻ vào nhà vệ sinh, rồi trở về ghế ngồi. Phần còn lại của Thánh lễ sau đó đã diễn ra suôn sẻ.
Tôi biết ơn người phụ nữ tốt bụng đó biết bao, đặc biệt khi trải nghiệm khó khăn ấy cho tôi thấy rằng không phải lúc nào các gia đình trẻ cũng đón nhận được lòng trắc ẩn và sự cảm thông như vậy khi họ đi tham dự thánh lễ.
Thật khó để đưa những trẻ bé đến nhà thờ: phải mất nhiều giờ chuẩn bị, vất vả với những nhu cầu khác nhau của chúng, cố gắng để giữ im lặng và hầu như không động đậy suốt một giờ trong khi xương cốt bé nhỏ của chúng đau nhức vì chạy nhảy rồi thình lình ngã xuống và khóc ré lên.
Nhưng phần khó nhất khi đưa trẻ em đi tham dự thánh lễ thực sự không nằm ở nơi những đứa trẻ, mà ở nơi sự phán xét của những người khác.
Đưa trẻ bé đi lễ là đã quá đủ vất vả rồi, chưa cần nói đến những người còn lại trong cộng đoàn còn làm cho nó tồi tệ hơn. Nếu bạn cảm thấy khó chịu bởi hành vi của một trẻ bé trong Thánh lễ, tôi có thể đảm bảo với bạn rằng điều đó còn làm cho cha mẹ chúng phiền muộn đến vô tận.
Vì vậy, Chúa nhật này, hãy thách đố bản thân bạn với câu hỏi này: Làm thế nào tôi có thể động viên cha mẹ của các trẻ bé tiếp tục đến tham dự Thánh lễ với những khó khăn ấy? Tôi có thể làm gì để khiến họ cảm thấy được chào đón ở đây? Làm thế nào tôi có thể sống theo lệnh của Chúa Kitô, là “Hãy để trẻ nhỏ đến với Ta, và đừng cản trở chúng, vì Nước Trời thuộc về những người giống như chúng”?
Dưới đây là một số điều bạn có thể làm để giúp họ:
– Nếu có một phụ huynh ở trong Thánh Lễ một mình và dường như đang thực sự loay hoay với đám trẻ, bạn có thể hỏi: “Tôi có thể giúp gì?”
– Sau thánh lễ, hãy nói với họ rằng: “Tôi biết thật khó khăn khi đưa những người đứa trẻ đến tham dự thánh lễ, nên cảm ơn bạn đã mang chúng đến. Bạn đang làm một công việc tuyệt vời. Tôi rất hạnh phúc được nhìn thấy con cái của bạn ở đây, tại nhà thờ của chúng ta.”
– Nếu giáo xứ của bạn có cơ sở hạ tầng, việc mục vụ sẽ thực sự tuyệt vời khi những người lớn tuổi hỗ trợ cho những gia đình có con nhỏ đang cần thêm một bàn tay phụ giúp.
– Cho dù ý định của bạn tốt đến đâu, đừng bao giờ đưa ra những lời chỉ trích hoặc những phản hồi tiêu cực cho một gia đình về con cái của họ. Nhiều trẻ em bị những khuyết tật vô hình (tự kỷ, ADHD, rối loạn xử lý cảm giác, lo lắng, v.v.) và trong khi hành vi của chúng xem ra không phù hợp với bạn, có thể có những lý do rất chính đáng cho những gì chúng và gia đình chúng đang làm. Bạn không bao giờ biết gia đình họ đang đối phó với điều gì, vì vậy hãy theo câu ngạn ngữ cũ: Nếu bạn không có điều gì hay để nói, thì đừng nói bất cứ điều gì cả.
– Nếu em bé ném đồ chơi dưới ghế, hãy nhặt và đưa lại cho chúng với một nụ cười.
– Khuyến khích linh mục của bạn đề cập đến trong bài giảng hoặc thông báo rằng những trẻ bé luôn được chào đón, rằng đây là một giáo xứ thân thiện với gia đình.
– Nếu bạn không có con nhỏ, đừng ngồi trong phòng dành cho gia đình có trẻ bé; hãy nhường chỗ đó cho các gia đình đang cần đến nó.
– Những trẻ bé trông thật dễ thương, nhưng đừng tuỳ tiện chạm vào chúng; nhiều trẻ nhỏ có thể ngại ngùng hoặc khó chịu… và đừng muốn vỗ vào bàn tay hoặc nựng nịu chúng.
– Nếu một gia đình đến ngồi trong ghế của bạn, bạn hãy nhường chỗ và vào ngồi ở giữa ghế thay vì ngồi ở hai đầu, để họ sẽ không phải khó khăn mà len qua bạn khi đưa con họ vào phòng vệ sinh hoặc dời đi khi một đứa bé khóc.
– Hãy nói chuyện với linh mục của bạn về việc cung cấp một bàn thay tã trong phòng vệ sinh và một kệ sách trẻ em cho các gia đình mượn đọc trong thánh lễ.
Điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả những người không có trẻ bé tập hợp lại để giúp đỡ các gia đình trẻ? Tôi biết một điều sẽ xảy ra: Rất nhiều gia đình trẻ sẽ cảm thấy được hỗ trợ và họ sẽ muốn quay lại đi dự lễ.
Tôi đã nghe nói rằng, nếu “Giáo hội không khóc, thì đó là lúc Giáo hội đang chết dần”. Có vẻ như không giống như bây giờ, nhưng một đứa trẻ chập chững tập đi đang la hét chính là tương lai của Giáo hội chúng ta, là người sẽ phục vụ và giảng dạy những người Công giáo tương lai. Nếu không có trẻ em trong nhà thờ ngày hôm nay, một ít năm sau sẽ không có các linh mục và không có các người lớn ngồi trong các hàng ghế. Chúng ta hãy cùng nhau xây dựng một Giáo hội luôn chào đón trẻ em và các gia đình trẻ, những người sẽ lần lượt xây dựng Giáo hội cho các thế hệ mai sau.
Theresa Civantos Barber (Aleteia) / Phêrô Quốc Vũ chuyển ngữ / Nguồn: WGPSG