QUẢNG ĐẠI VỚI CHÚA

QUẢNG ĐẠI VỚI CHÚA

SUY NIỆM - Apr 15/04/2019

Thứ Hai Tuần Thánh

Is 42, 1-7; Ga 12, 1-11

QUẢNG ĐẠI VỚI CHÚA

          Tin Mừng hôm nay kể lại sự việc Chúa Giêsu ghé thăm gia đình bêtania, sau khi Người cho Ladarô sống lại từ cõi chết. Mọi thành viên trong gia đình bao gồm Matta, Maria và Ladarô hân hoan đón tiếp Chúa. Đối lại, giới chức Do thái thì lại tìm cách giết Chúa, vì ganh tỵ với Đức Giê-su, do những phép lạ Người đã làm cùng những lời rao giảng đầy uy quyền mà nhiều người đã tin vào Chúa. Họ cảm thấy Chúa như là một chướng ngại vật cản trở bước tiến của mình, vì thế họ đã quyết định loại bỏ Chúa và những nhân chứng liên quan ra khỏi con đường tiến thân của mình.    

          Trở về với làng Bêtania, Bêtania là một làng nhỏ nhưng là điểm thường xuyên dừng chân trong những nẻo đường rao giảng của Chúa Giêsu. Ở làng ấy, có những người bạn thân thiết của Chúa. Lần này trước lễ Vượt Qua, trước giờ Chúa bước vào cuộc khổ nạn, Chúa cũng ghé lại ngôi nhà của những người bạn thân ở làng Bêtania. Trong bữa tiệc tại nhà của ba chị em Mácta, Maria, Ladarô, tại Bêtania. Chúa được mời như một vị thượng khách, có cả môn đệ của Chúa nữa.

          Đây là lần thứ hai Maria được tường thuật ngồi dưới chân Chúa Giêsu. Một lần trong Tin Mừng Luca, cô được Chúa Giêsu khen, vì đã ngồi dưới dân Chúa để nghe lời Người trong khi cô chị Mácta bận rộn để phục vụ (Lc 10,38-42). Lần này, cô tỏ bày tình yêu với Chúa Giêsu bằng cách lấy dầu thơm xức chân Đức Giêsu. Cô xoã mái tóc mình ra mà lau, đây là điều cấm kỵ, không một phụ nữ Do Thái nào dám làm ở nơi đông người. Maria không bận tâm người ta nghĩ gì, nói gì. Cô chỉ chú tâm vào Đức Giêsu, chỉ muốn diễn tả lòng quý mến với Ngài. Maria đổ nguyên cả bình dầu thơm mà không tính toán, cũng chẳng tiếc nuối, vì cô muốn dành cho Đức Giêsu những gì quý giá nhất của mình. Sự hào phóng, cho đi mà không tính toán, so đo, đó chính là dấu hiệu của tình yêu thật sự. 

          Bữa ăn tối này là một cử chỉ diễn tả lòng kính trọng, yêu mến, và biết ơn của cả gia đình, vì họ đang vui sướng trước sự sống lại của người thân yêu là anh Ladarô. Anh Ladarô trong đoạn Tin Mừng chỉ là nhân vật phụ. Ngoài Chúa Giêsu, hai nhân vật được nhắc đến nhiều nhất là Maria, người quảng đại với tiền bạc và Giuda kẻ đang nắm túi tiền quỹ chung của nhóm.

          Chính trong bữa ăn, cô Maria đã làm một điều đặc biệt và rất bất ngờ. Cô đã xức lên chân Thầy Giêsu một cân dầu thơm cam tùng hảo hạng, khiến cả nhà sực nức mùi hương. Nhìn cô Maria xức dầu, ta thấy cử chỉ trân trọng của cô đối với vị Thầy khả kính. Cô chấp nhận sự phí phạm này, vì tình yêu của cô đối với Thầy, hay đúng hơn, vì tình yêu quá lớn của Thầy đối với gia đình cô. Cô xức dầu mà không so đo tính toán. Lượng dầu quý giá được đổ ra chẳng là gì so với ân nghĩa của Thầy.

          Chúa Giêsu đã nhiều lần nói về cuộc thương khó sẽ xảy đến nhưng các môn đệ xem ra vẫn thờ ơ không muốn hiểu, các ông còn cản ngăn Thầy đừng lên Giêrusalem.Và lúc này đây, Chúa Giêsu sắp đi vào cuộc thương khó đầy khốc liệt nên muốn nhắc các môn đệ ghi nhớ và chuẩn bị cho biến cố sắp xảy ra nên đã nói “người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu” (c. 8). Quả thật, không phải dễ dàng mà chúng ta được ở cận kề với Chúa, vì thế chúng ta hãy khao khát và trân trọng những phút giây quý báu ấy. Đó là giây phút của yêu thương, của lắng nghe và cảm thông. Trong đời sống thiêng liêng nếu chúng ta thực sự có lòng khát khao, thì chúng ta mới gặp gỡ được Thiên Chúa. Nếu chúng ta yêu mến và sống gắn bó với Chúa, chúng ta mới hiểu được những gì Người muốn.

          Nhưng có người thấy khó chịu, đó là Giuđa Ítcariốt, một môn đệ đang cầm giữ túi tiền chung. Anh thấy tiếc vì lượng dầu thơm ấy thật đắt tiền, có giá bằng lương gần một năm của một công nhân. Anh cau có nói lên suy nghĩ của mình : “Tại sao lại không bán dầu thơm ấy mà cho người nghèo ?” Anh nói thế, phải chăng vì anh có lòng yêu người nghèo hay vì anh không cảm nhận được thế nào là giây phút biệt ly sắp xảy đến ? Anh có hiểu việc làm của cô mang ý nghĩa an táng cho người chết ? Bởi không ai lại xức dầu lên chân của người còn đang sống. Cô cảm nhận được giây phút biệt ly với Thầy đã đến rất gần rồi. Bởi thế, cô trao tặng những gì quý giá nhất của gia đình mình cho Ngài. Trao tặng mà không dè sẻn. Trong sự trao tặng gói gém trọn vẹn tâm tình qúy mến.

          Thầy Giêsu bênh vực cho cô Maria khi nói lên ý nghĩa việc làm của cô. Hành vi chuẩn bị mai táng phải được đặt trên hành vi bố thí giúp người nghèo. Hơn nữa, “người nghèo thì lúc nào cũng có, còn Thầy, anh em không có mãi đâu.” Chúa Giêsu ám chỉ cái chết sắp đến của mình.

          Trái ngược với Maria là một Giuđa Iscariot luôn tính toán và phê bình: Thấy hành động của cô, ông liền nói: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?”. Ông để lộ chân tướng hẹp hòi, ích kỷ của mình. Ông bực tức, phản đối hành động của cô Maria. Ông che đậy lòng tham của mình, viện cớ để số tiền ấy giúp người nghèo nhưng thực chất là để thỏa lòng ham tiền, hám lợi của chính mình. Ông theo Chúa nhưng lòng trí ở xa Chúa.

          Thánh sử Gioan còn kể một chi tiết cụ thể về anh, là người giữ tiền của cả nhóm, nhưng lại thường ăn cắp để dùng riêng (c.6). Có thể đồng tiền đối với anh là quá lớn, lớn hơn cả tình Thầy Giêsu yêu mến anh. Có thể anh phản bội Thầy mình vì đồng tiền hay cũng có thể anh không cảm nhận thế nào là lòng mến mà Thầy dành cho anh.

          Và rồi ta đang sống tâm tình nào đối với Thầy Chí Thánh Giêsu. Tâm tình quảng đại dâng hiến của Maria hay thái độ từ khước tình yêu của Giuđa. Cả hai nhân vật đều là những người nắm giữ đồng tiền. Một người đã biết cho đi tài sản vì lòng mến Chúa. Một người vì đồng tiền mà phản bội Chúa. Và kết cục cuộc đời Giuđa như thế nào chúng ta đã biết. Mong rằng mỗi tín hữu biết chọn lối sống khôn ngoan là dùng tiền bạc mà diễn rả tình yêu như cô Maria.

Tuệ Mân