SẮC LỆNH VỀ PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI( P II)

SẮC LỆNH VỀ PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI( P II)

Đôi Nét Về Ban Truyền Thông - Mar 24/03/2014

Tháng 2 năm 1962 một tài liệu tựa đề “Lược đồ Hiến chế về các phương tiện truyền thông xã hội” được gởi tới các Nghị Phụ khắp thế giới. Các Nghị Phụ họp nhau lại để thảo luận về đề tài này

Bổn phận của tác giả

11. Trách nhiệm luân lý chính yếu đối với việc sử dụng đúng đắn những phương tiện truyền thông xã hội qui về các nhà báo, nhà văn, các diễn viên, các nhà dàn cảnh, nhà sản xuất, những người xuất vốn, người phân phối, các quản đốc và những người buôn bán, những người phê bình * và tất cả những ai, bằng cách này hay cách khác, góp phần vào việc thực hiện hay phổ biến những phương tiện truyền thông này. Trong hoàn cảnh hiện tại của nhân loại, mọi người đều thấy rõ rằng những người đó mang những trách nhiệm hết sức quan trọng, vì chính họ trong khi thông tin và cổ động, có thể hướng dẫn nhân loại một cách ngay chính hay sai lạc.

Bởi thế họ có bổn phận tìm cách phối hợp những yếu tố kinh tế, chính trị hay nghệ thuật để chúng không bao giờ nghịch lại ích chung. Muốn đạt tới điều đó một cách dễ dàng hơn, chính họ nên ghi tên vào những hiệp hội liên quan đến nghề nghiệp mình: những hiệp hội này bắt buộc các hội viên tôn trọng luân lý trong những công việc và bổn phận nghề nghiệp, và nếu cần, buộc họ cam kết triệt để tuân giữ một bản luật luân lý 7*.

Họ cũng phải luôn nhớ rằng phần lớn các độc giả và khán giả là thanh thiếu niên: những lớp người này cần báo chí và kịch ảnh để giải trí lành mạnh và nâng cao tâm hồn. Hơn nữa, họ phải lo uỷ thác cho những người xứng đáng và chuyên môn việc truyền thông những điều liên quan đến tôn giáo, và lo cho việc truyền thông đó được thực hiện với tất cả niềm tôn trọng xứng hợp.

Bổn phận của chính quyền

12. Trong vấn đề này, chính quyền mang một trách nhiệm đặc biệt vì lý do công ích mà những phương tiện này nhằm tới. Thật vậy, vì nhiệm vụ, chính quyền có bổn phận phải bênh vực và bảo đảm sự tự do đích thực và chính đáng của việc thông tin, sự tự do mà xã hội ngày nay rất cần để tiến bộ, nhất là những gì thuộc về báo chí. Chính quyền cũng có bổn phận nâng đỡ tôn giáo, văn hoá, những nghệt thuật chân chính, và phải bảo đảm cho những người sử dụng có thể tự do hưởng thụ quyền lợi chính đáng. Ngoài ra chính quyền cũng có bổn phận giúp đỡ những sáng kiến không thể thực hiện được nếu không có sự trợ giúp của chính quyền, nhất là những sáng kiến đặc biệt hữu ích cho giới trẻ.

Sau cùng chính quyền, cơ quan chính thức lo lắng cho sự an toàn của dân chúng, có bổn phận xem xét công minh và cẩn thận, bằng cách ban hành luật lệ và thi hành nghiêm chỉnh, đừng để cho những phương tiện này bị lam dụng và gây thiệt hại nặng nề cho thuần phong mỹ tục và sự tiến bộ xã hội. Kiểm soát cẩn thận 8* như thế không phải là áp dụng tự do cá nhân hay toàn thể, nhất là đối với những người vì nghề nghiệp phải dùng các phương tiện này nhưng lại không có sự thận trọng phải lẽ.

Chính quyền cũng phải có những phương pháp đặc biệt để bảo vệ thanh thiếu niên khỏi những báo chí và kịch ảnh làm hại đến lứa tuổi chúng.

CHƯƠNG II

Việc Tông Đồ

Hoạt động của chủ chăn và tín hữu

13. Mọi con cái Giáo Hội phải đồng tâm hiệp lực, chẳng những không ngần ngại mà còn hết sức hăng say, sử dụng ngay những phương tiện truyền thông xã hội cách đắc lực vào các công việc tông đồ khác nhau tuỳ theo những đòi hỏi cụ thể của hoàn cảnh và thời gian. Họ cũng phải ngăn ngừa những dự định tai hại, nhất là ở những miền mà luân lý và tôn giáo đang tiến bộ cần được họ can thiệp khẩn cấp hơn.

Vậy các Chủ Chăn đáng kính phải cấp tốc chu toàn phận sự mình trong lãnh vực này, vì nó liên hệ chặc chẽ với nhiệm vụ thông thường của các ngài là giảng dạy. Những giáo dân đang sử dụng những phương tiện này cũng phải cố gắng làm chứng về Chúa Kitô; trước hết bằng cách hoàn tất mọi công tác cho thành thạo với tinh thần tông đồ, rồi tuỳ khả năng kỹ thuật, kinh tế, văn hoá và nghệ thuật mà trực tiếp trợ giúp hoạt động mục vụ của Giáo Hội theo phận sự của mình.

Sáng kiến của người công giáo

14. Trước hết phải cổ võ báo chí lành mạnh, tuy nhiên để độc giả thấm nhiễm đầy đủ tinh thần Kitô giáo, cũng phải thúc đẩy báo chí chính thức của công giáo 9*, nghĩa là báo chí – hoặc do chính giáo quyền hoặc do những người công giáo trực tiếp đề xướng và điều hành – được công khai xuất bản trong tinh thần xây dựng, củng cố và cổ võ những dư luận phù hợp với luật tự nhiên, giáo lý và quy luật công giáo, và để phổ biến cùng giải thích đúng đắn những sự kiện liên quan đến đời sống Giáo Hội. Nên khuyên các tín hữu đọc và phổ biến báo chí công giáo để họ biết phán đoán mọi biến cố theo quan niệm Kitô giáo.

Phải dùng mọi phương thế hữu hiệu để phát động và nâng đỡ việc sản xuất và trình chiếu những phim ảnh có ích cho việc giải trí lành mạnh, văn hoá và nghệ thuật của nhân loại, nhất là những phim ảnh dành riêng cho giới trẻ. Muốn thế phải nâng đỡ và đồng thời phối hợp nỗ lực và sáng kiến của các nhà sản xuất và những nhà phân phối có lương tâm, phải dùng lời phê bình thiện cảm hay giải thưởng để hỗ trợ quảng bá những phim giá trị và phải liên kết những rạp do người công giáo và người đứng đắn khai thác.

Cũng thế phải giúp đỡ hữu hiệu những buổi phát thanh, phát hình lành mạnh, nhất là những chương trình thích hợp với gia đình. Phải khôn khéo cổ võ những chương trình công giáo, để nhờ đó dẫn đưa thính giả và khán giả tham dự đời sống Giáo Hội và làm cho họ thấm nhiễm những chân lý tôn giáo. Nếu cần cũng phải lo thành lập các đài công giáo, tuy nhiên phải cẩn thận lo liệu cho chương trình các đài này được hoàn bị thích hợp và hữu hiệu.

Hơn nữa nên lo liệu cho nền kịch nghệ cao quý và cổ truyền – một nghệ thuật được phổ biến sâu rộng nhờ những phương tiện truyền thông xã hội – biết hướng về việc giáo dục khán giả và kiến tạo thuần phong mỹ tục.

Huấn luyện các tác giả, soạn giả, nhà sản xuất…

15. Để đáp ứng nhu cầu vừa trình bầy, phải đào tạo đúng lúc những linh mục, tu sĩ và giáo dân để họ có đầy đủ kinh nghiệm thích đáng trong việc sử dụng những phương tiện này vào mục đích tông đồ.

Trước hết, phải huấn luyện giáo dân vững chắc về kỹ thuật, giáo thuyết và phong hoá, bằng cách tăng thêm số trường học, phân khoa và học viên, để các nhà báo, nhà soạn ảnh, soạn chương trình phát thanh phát hình và những người liên hệ, có thể được huấn luyện đầy đủ, thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, nhất là học thuyết xã hội của Giáo Hội. Cũng phải huấn luyện và giúp đỡ các diễn viên để họ dung tài nghệ mình phục vụ xã hội nhân loại một cách thích hợp. Sau cùng phải tận tâm chuẩn bị các nhà phê bình văn chương, phim ảnh, phát thanh, phát hình v v… để mỗi người hoàn toàn thấu triệt nghề nghiệp mình; lại phải chỉ dạy và khuyến khích họ đưa ra những nhận định luôn nhấn mạnh đúng mức khía cạnh luân lý.

Huấn luyện người sử dụng, thụ hưởng….

16. Để sử dụng đúng đắn phương tiện truyền thông xã hội này, những người sử dụng thuộc tuổi tác và văn hoá khác nhau cần phải được huấn luyện về lý thuyết và thực hành một cách thích hợp và riêng biệt. Vì thế, trong các trường công giáo thuộc mọi cấp, trong Chủng Viện và trong cả những nhóm tông đồ giáo dân, phải cổ võ, tăng gia và hướng dẫn các tổ chức có khả năng theo đuổi mục đích này theo nguyên tắc luân lý Kitô giáo, nhất là những tổ chức dành riêng cho giới trẻ. Để sớm đạt kết quả, lớp giáo lý cần có phần trình bày cũng như giải thích giáo thuyết và quy luật công giáo về vấn đề ấy.

Phương tiện và trợ giúp

17. Thật đáng hổ thẹn cho con cái Giáo Hội đã lãnh đạm để cho việc rao giảng Lời cứu rỗi bị trì trệ, cản trở vì những khó khăn kỹ thuật hay thiếu phương tiện tài chánh, thật sự chúng rất to tác, mà những phương tiện truyền thông đòi phải có. Vì thế Thánh Công Đồng này nhắc lại cho họ bổn phận nâng đỡ và trợ giúp các nhật báo công giáo, các tập chí, các tổ chức phim ảnh, các đài và các chương trình phát thanh, phát hình nhằm mục đích chính là để phổ biến và bảo vệ sự thật, cung cấp nền giáo dục Kitô giáo cho xã hội loài người. Đồng thời Thánh Công Đồng khẩn khoản mời gọi các đoàn thể và cá nhân có quyền hành rộng lớn trong lãnh vực kinh tế và kỹ thuật, hãy sẵn lòng và rộng rãi dùng tài nguyên và kinh nghiệm của mình để nâng đỡ những phương tiện này khi chúng phục vụ nền văn hoá đích thực và việc tông đồ.

Ngày Truyền Thống

18. Để việc tông đồ dưới nhiều hình thức của Giáo Hội được hữu hiệu hơn trong lãnh vực những phương tiện truyền thông xã hội, mọi giáo phận trên thế giới, tuỳ theo quyết định của các Giám Mục, hằng năm phải cử hành một ngày lễ 10* để dạy dỗ các tín hữu về bổn phận của họ đối với vấn đề này, mời gọi họ cầu nguyện nhiều theo ý chỉ này, và xin họ đóng góp cho mục đích này: nghĩa là thành thật hy sinh cho việc phát động, nâng đỡ và cổ võ những tổ chức và sáng kiến của Giáo Hội trong vấn đề này theo nhu cầu của thế giới công giáo.

Uỷ ban truyền thông của Toà Thánh

19. Để thi hành bổn phận mục vụ tối cao về những phương tiện truyền thông xã hội. Đức Giáo Hoàng có một Uỷ ban riêng của Toà Thánh. 1

Thẩm quyền của Giám Mục

20. Các Giám Mục có bổn phận lưu tâm đến các công trình và sáng kiến thuộc ngành này trong Giáo Phận mình. Các ngài phải cổ võ 11* và nếu liên quan đến việc tông đồ chung, phải phối hợp chúng, kể cả những tổ chức thuộc quyền điều khiển của các tu sĩ miễn trừ.

Uỷ ban Giám Mục về Truyền thông quốc gia

21. Tuy nhiên trên bình diện Quốc Gia, muốn cho việc tông đồ đem lại kết quả, cần phải thống nhất mục tiêu và nỗ lực; vì thế Thánh Công Đồng này quyết định và truyền phải thiết lập khắp nơi các Cơ Quan quốc gia về báo chí, điện ảnh, truyền thanh và truyền hình, và phải dùng mọi phương thế giúp đỡ các cơ quan đó. Vậy các Cơ Quan này có bổn phận trước tiên là tìm cách đào tạo đúng đắn lương tâm tín hữu trong việc sử dụng những phương tiện đó, cùng cổ võ và phối trí mọi công cuộc của người công giáo trong lãnh vực này.

Trong mỗi quốc gia, việc điều khiển các tổ chức trên phải được uỷ thác cho một Uỷ Ban Giám Mục đặc biệt hoặc cho một Giám Mục đặc trách; tuy nhiên những giáo dân thông thạo giáo lý công giáo và các nghệ thuật đó phải được tham dự vào những Uỷ Ban này.

Hiệp hội Truyền Thông Quốc Tế

22. Hơn nữa, những phương tiện này có hiệu lực vượt khỏi ranh giới quốc gia và biến mỗi người trở thành công dân của toàn thể xã hội nhân loại; vì thế trong lãnh vực này, các sáng kiến của các quốc gia phải phối hợp với nhau trên bình diện quốc tế. Tuy nhiên những Cơ Quan vừa kể ở số 21 phải tích cực cộng tác với Hiệp Hội Công Giáo Quốc Tế thuộc ngành mình. Nhưng Hiệp Hội Công Giáo Quốc Tế này chỉ được chính thức chuẩn nhận do một mình Toà Thánh và tuỳ thuộc Toà Thánh.

KẾT LUẬN

Chỉ dẫn mục vụ

23. Để mọi nguyên tắc và tiêu chuẩn về những phương tiện truyền thông xã hội của Thánh Công Đồng này được thi hành, Thánh Công Đồng trực tiếp uỷ nhiệm cho Cơ Quan của Toà Thánh đã nói ở số 19, với sự giúp đỡ của những nhà chuyên môn thuộc các quốc gia khác nhau, lo xuất bản một cuốn chỉ dẫn mục vụ.

Lời khuyên kết thúc

24. Hơn nữa Thánh Công Đồng này tin tưởng rằng mọi con cái Giáo Hội sẽ tự nguyện đón nhận và cẩn thận gìn giữ những giáo huấn và tiêu chuẩn trong Sắc Lệnh này; như thế khi sử dụng những phương tiện đó, họ không bị thiệt hại; cũng như muối và ánh sáng, họ ướp trái đất và soi sáng thế gian. Ngoài ra Thánh Công Đồng mời gọi mọi người thiện chí, nhất là những người điều khiển các phương tiện trên, hãy chăm lo qui hướng chúng về mục tiêu duy nhất là giúp ích cho xã hội loài người, vì vận mệnh của xã hội nhân loại ngày càng lệ thuộc vào việc sử dụng đúng đắn những phương tiện này. Nhờ vậy, cũng như xưa Danh Chúa đã được tôn vinh qua những công trình nghệ thuật cổ kính, nay Người cũng được vinh danh qua những phát minh mới, đúng như lời Thánh Tông Đồ: “Chúa Giêsu Kitô hôm qua cũng chính là Chúa Giêsu Kitô hôm nay và cho đến muôn đời” (Dth 13,8).

Tất cả và từng điều đã được ban bố trong Sắc Lệnh này đều được các Nghị Phụ Thánh Công Đồng chấp thuận. Và dùng quyền Tông Đồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị Phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần. Chúng tôi phê chuẩn, chế định và quyết nghị, và những gì đã được Thánh Công Đồng quyết nghị. Chúng tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả sáng.

Roma, tại Đền Thánh Phêrô, ngày 4 tháng 12 năm 1963.

Tôi, PHAOLÔ Giám Mục Giáo Hội Công Giáo

Tiếp theo là những chữ ký của các Nghị Phụ.

Phần chú thích

•Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 1.

1 * – Giữa những phương tiện truyền thông do nhân loại phát minh, Giáo Hội lưu ý tới những phương tiện trổi vượt và có ảnh hưởng lớn lao đến con người như các vệ tinh nhân tạo dùng để thu phát tín hiệu điện tín, điện thoại, phát thanh và truyền hình khắp thế giới.

2 *- Chúng ta có thể nghĩ đến Đức Quốc Xã: trước thế chiến thứ hai họ đã dùng các phương tiện rất nguy hại để gieo thù oán nơi các dân tộc Âu Châu.

3 *- Các phương tiện xã hội là những dụng cụ đắc lực nhất giúp các dân tộc quen biết nhau, hiểu nhau và đi đến hiệp nhất.

4 *- Cả luân lý lẫn mỹ thuật đều phát xuất bởi Đấng Tạo Hoá, nên không thể mâu thuẫn nhau. Nếu có mâu thuẫn thì lỗi ở việc không hiểu những nguyên tắc đúng đắn đó thôi.

5 *- Công Đồng rất thực tế: vì con người dể hướng về tội lỗi và ích kỷ, nên nếu tự do không kỷ luật, con người sẽ trở thành phóng đãng và gây nhiều tai hoạ.

6 *- Thoả mãn thị hiếu công chúng để làm tiền là một cách bóc lột vật chất và phá hoại tinh thần.

* Chú thích của người dịch: riêng về những tiếng chuyên môn này chúng tôi đã tham khảo các bản dịch ngoại ngữ: Anh, Pháp, Ý, Tây ban nha….. và nhận thấy các bản dịch đó không đồng nhất khi dịch một vài tiếng mà nguyên bản La tinh không rõ nghĩa. Ở đây chúng tôi dịch theo bản dịch của “tạp chí quốc tế về điện ảnh” (Revue internationale du Cinéma) số 77-78 tháng 12- 1963—1-1964.

7 * – Là một số những luật lệ do chính những nhà sản xuất vạch ra để tránh cho khán giả, thính giả và độc giả những nội dung xấu xa vô bổ.

8 * – Vấn đề kiểm duyệt của chính quyền và sự tự do ngôn luận là một vấn đề rất khó giải quyết, nhưng trên nguyên tắc, phải chấp nhận. Trong nhiều trường hợp, việc kiểm duyệt không thể tránh được vì một vài cá nhân có thế lực đôi khi để quyền lợi riêng làm hại đến quyền lợi chung.

9 *- Chúng ta phải công nhận tại nhiều quốc gia, báo chí rất kém vì thiếu chuyên viên giỏi, thiếu phương tiện và tổ chức. Có lẽ người công giáo vẫn còn thành kiến cho rằng làm việc tông đồ thì không cần chú trọng tới kỹ thuật tổ chức, vì thế nào Chúa cũng giúp đỡ. Lập luận đó không khác gì việc một tu sĩ nọ nhất định đổ nước thánh vào bình xăng xe hơi thay cho dầu xăng, vì xe đó chỉ dùng để làm việc tông đồ mà thôi.

10 *- Mục đích “ngày thế giới” này là để người công giáo ý thức sâu xa hơn về bổn phận của họ trong lãnh vực truyền thông. Chỉ trích và chê bai các phương tiện đó như là dụng cụ ma quỷ để phá đạo không còn là thái độ đúng đắn; nhưng đứng trước những phát minh đó, người nhiệt thành thực sự với đạo phải có tinh thần tích cực hơn.

11 * – Từ xưa đến nay, tại nhiều nơi những người công giáo hoạt động trong lãnh vực truyền thông xã hội không những không được nâng đỡ, lại có khi còn bị coi là những người mạo hiểm và bê bối nữa. Bây giờ não trạng này phải được thay đổi hoàn toàn.

1 Các Nghị Phụ Công Đồng vui lòng nhận lời thỉnh cầu của “Văn Phòng Báo Chí và Kịch Ảnh” thành kính xin Đức Giáo Hoàng nới rộng nhiệm vụ và thẩm quyền của uỷ ban này đến tất cả các phượng tiện truyền thông xã hội, kể cả báo chí, với sự trợ giúp của những người chuyên môn – trong số đó có cả giáo dân – thuộc các quốc gia khác nhau.

Phần 1