TẠI SAO PHẢI SÙNG KÍNH ĐỨC MẸ TRONG KHI CHÚA DẠY TA PHẢI THỜ PHƯỢNG MỘT MÌNH CHÚA THÔI?
TẠI SAO PHẢI SÙNG KÍNH ĐỨC MẸ TRONG KHI CHÚA DẠY TA PHẢI THỜ PHƯỢNG MỘT MÌNH CHÚA THÔI?
Thưa cha, việc tôn kính Đức Mẹ có cần thiết cho ơn cứu rỗi không ? Con thấy có nhiều người chỉ kính Đức Mẹ, cầu nguyện với Đức Mẹ làm cho con có cảm tưởng rằng chỉ cần đến với Đức Mẹ là đủ. Nơi bàn thờ Đức Mẹ thì hoa nến được dâng rất nhiều, còn bàn thờ chính thì sơ sài và nghèo nàn. Thưa cha, cách thực hành đạo đức như vậy có xứng hợp không ?
Thưa cha, tại sao người Công Giáo phải tôn sùng Đức Mẹ trong khi Chúa dậy ta chỉ thờ phượng một mình Thiên Chúa mà thôi ?
Giải đáp:
Việc tôn sùng Đức Maria không phải là việc làm mới đây hay chỉ được phát triển sau Phong Trào Cải Cách vào Thế Kỷ XVI mà việc đạo đức này đã có từ rất lâu ngay trong những thời đầu của Giáo Hội. Từ đầu Thế Kỷ III, người ta tìm được ở Ai Cập cuộn chỉ thảo (papyrus) chép kinh Trông Cậy ( Sub Tuum Praesidium). Sách giáo Lý Công Giáo số 971 đã trình bầy giáo huấn của Công Đổng Vatican II về lòng sùng kính này như sau.
Thực vậy, từ những thời rất xa xưa, Đức Nữ Trinh đã được tôn kính dưới tước hiệu "Mẹ Thiên Chúa", và các tín hữu đã khẩn cầu cùng ẩn náu dưới sự che chở của Mẹ trong mọi cơn gian nan khốn khó… Sự tôn kính ấy, như vẫn luôn có trong Hội Thánh, tuy hoàn toàn đặc biệt, nhưng tự bản chất vẫn khác biệt với sự thờ phượng dâng lên Ngôi Lời nhập thể, lên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần; việc tôn kính Đức Ma-ri-a khuyến khích thêm việc thờ phượng Thiên Chúa Ba Ngôi" (x. LG 66).
Việc tôn kính Đức Trinh Nữ Maria như là Mẹ Thiên Chúa đã được Giáo Hội luôn thực hành qua các thời đại được diễn tả qua các lễ phụng vụ trong năm và các kinh nguyện kính Đức Mẹ như kinh Mân Côi. Tuy nhiên, chúng ta cũng luôn phải nhớ rằng Đức Trinh Nữ Maria cũng là một thụ tạo như chúng ta, là nữ tì của Thiên Chúa như mẹ đã khẳng định trong ngày được Truyền Tin ( Lc 1, 38) “ Mẹ là đền thờ của Thiên Chúa chứ không phải Thiên Chúa của đền thờ” Thánh Ambrôsiô, vị thánh rất yêu mến Đức Mẹ ở thế kỷ IV, đã nói về Đức Mẹ như thế.
Đức Trinh Nữ Maria đã sống gắn hoàn toàn gắn bó với Thánh Ý Thiên Chúa khi lãnh nhận sứ mạng làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Mẹ đã cộng tác với công trình cứu độ khi dự phần vào hy lễ Thập Giá với tâm tình ưng thuận hiến dâng lễ vật do lòng mình sinh ra. Mẹ đã nên mẫu gương về Đức Tin, Đức Cậy và Đức Ái cho toàn thể Hội Thánh và Mẹ là một "chi thể trổi vượt và độc đáo nhất của Hội Thánh" (x. LG 53). Thánh Augustinô đã nói về Đức Maria như là "mẹ các chi thể của Đức Ki-tô…vì đã cộng tác trong đức ái để sinh ra các tín hữu trong Hội Thánh, là những chi thể của Đức Ki-tô là Đầu".
Chính vì thế, mẹ có một vai trò rất cao trọng trong Hội Thánh và đối với toàn thể loài người :
"Trong nhiệm cục ân sủng, kể từ khi Mẹ tin tưởng ưng thuận trong ngày truyền tin, sự ưng thuận mà Mẹ đã kiên quyết giữ trọn cho đến bên Thập Giá. Đức Ma-ri-a tiếp tục thiên chức làm Mẹ cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu độ mọi người được tuyển chọn. Thực vậy, sau khi về trời, vai trò của Ngài trong việc cứu độ không chấm dứt, nhưng ngài vẫn tiếp tục liên lỉ chuyển cầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được cứu độ đời đời …. Vì thế, trong Hội Thánh, Đức Trinh Nữ được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Đấng Phù Hộ và Đấng Trung Gian" (LG 62).
Trên bình diện ân sủng Mẹ là Mẹ thật của chúng ta ( LG 61).
Việc tôn kính Đức Trinh Nữ khác với việc tôn thờ Thiên Chúa. Thiên Chúa chắc chắn sẽ không ghen tị khi chúng ta tỏ lòng tôn kính đối với Mẹ Maria, người nữ tì khiêm tốn mà Thiên Chúa đã thực hiên nơi mẹ những điều cao cả. Nhưng lòng tôn sùng chân chính không hệ tại ở những tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại ở sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta (LG 67).
Với những giáo huấn và hướng dẫn trên của Hội Thánh thì việc tôn sùng Đức Trinh Nữ cần thiết cho ơn cứu rỗi của chúng ta. Tuy nhiên cần phải nhớ rằng ơn cứu rỗi của chúng ta là do Thiên Chúa chứ không bởi Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ là Mẹ thật của chúng ta trên bình diện ân sủng nên mẹ sẽ chuyển cầu một cách hiệu quả cho chúng ta những ơn ta cầu xin với Chúa nhất là những ơn thiêng liêng đem lại phần rỗi cho chúng ta. Vì mọi ảnh hưởng có sức cứu độ của Đức Trinh Nữ trên nhân loại, đều bắt nguồn từ công nghiệp dư tràn của Chúa Ki-tô" (x. LG 60). ."Thực vậy, không bao giờ có thể đặt một thụ tạo nào ngang hàng với Ngôi Lời Nhập Thể và Cứu Chuộc (GLCG 970)
Nếu lòng sùng kính Đức Mẹ do bởi những tình cảm tự nhiên làm lu mờ lòng tin, cậy, mến đối với Chúa và tạo nên những lệch lạc trong đời sống đạo thì cần phải được chỉnh đốn lại cho phù hợp. Việc diễn tả lòng đạo đức cũng thế. Cần thể hiện cách nào đó tránh sự hiểu lầm và vẫn phải luôn cho thấy việc tôn thờ Thiên Chúa là việc không thể xao nhãng và coi nhẹ để chỉ biết lưu tâm đến những hình thức đạo đức thuần tuý tình cảm.
Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Bích (dcct)