Suy tư về Bí tích Hôn Nhân Kitô giáo

Suy tư về Bí tích Hôn Nhân Kitô giáo

Giới trẻ, hôn nhân và gia đình - Mar 24/03/2014

Thiên Chúa nói với dân Ít-ra-en: Ngươi có thể hoàn toàn tin tưởng ở Ta, vì Ta không bao giờ bỏ ngươi.

Để chuẩn bị cho Con Một Người nhập thể mặc lấy xác phàm hầu thực hiện công cuộc cứu chuộc nhân loại, Thiên Chúa đã tuyển chọn dân Ít-ra-en làm dân riêng Người và đã thiết lập với họ một giao ước tình yêu và chung thủy vĩnh cửu, mà Người gọi là „hôn ước vĩnh cửu“, tức giao ước hôn nhân muôn đời không đổi thay. Qua miệng sứ ngôn Hô-sê, Thiên Chúa đã phán: „Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu. Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công bình và chính trực, trong ân tình và xót thương. Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ được biết Đức Chúa.“ (Hs 2,21-22).

Hôn ước tình yêu và thành tín, hay nói đúng hơn, tình yêu thương vô bờ bến và sự trung thành muôn đời trường tồn của Thiên Chúa dành cho dân riêng Người mà sứ ngôn Hô-sê đã thừa lệnh Chúa phát biểu như trên đây là hình ảnh chân thực, là nền tảng của cuộc sống hôn nhân Kitô giáo: Yêu thương chân thành và trọn đời thủy chung!

Điều đó muốn khẳng định rằng, đời sống hôn nhân không phải là một thực tại thuần túy thuộc lãnh vực thế tục, nhưng là một thực tại thiêng liêng cao cả, được gắn liền với sự tương quan của Thiên Chúa với nhân loại.

Tình yêu Thiên Chúa thôi thúc chúng ta

Lời thề hứa của Thiên Chúa với dân riêng Ít-ra-en, mà Hô-sê đã thừa lệnh Người viết ra, thật tuyệt vời: Người hứa trung thành với họ đến muôn đời, chứ không hề bỏ họ mà đi, cho dù cuộc đời có thay đổi ra sao đi nữa, dù nếu chẳng may xảy ra những xung đột, bất đồng và cả sự phản bội nữa, thì tình yêu và lòng trung tín của Người vẫn trường tồn. Rất có thể khi họ phản bội lại Người, Thiên Chúa sẽ sửa trị họ, để nhắc nhủ họ quay trở lại với Người, quay lại đường ngay lẽ phải, chứ không phải Người chủ trương trừng trị hay bỏ rơi họ, vì Người là Đấng trung tín và Người không thể tự phản lại chính mình.

Thiên Chúa nói với dân Ít-ra-en: Ngươi có thể hoàn toàn tin tưởng ở Ta, vì Ta không bao giờ bỏ ngươi. Và những gì Người dùng miệng sứ ngôn Hô-sê mà nói ra cho dân Ít-ra-en, thì Người đã thực hiện một cách rõ ràng và cụ thể trong con người Đức Giêsu Na-da-rét. Để bày tỏ tình yêu thương và lòng trung thành tuyệt đối của Người với nhân loại, qua Đức Giêsu Na-da-rét, Con Một Người, Thiên Chúa đã không chút ngần ngại bước đi trên con đường dẫn đưa Người đến khổ đau và chết thảm thương! Thực tại ấy đã quả quyết lời hứa của Chúa „Hỡi con người, Ta sẽ lập với Ngươi một hôn ước vĩnh cửu“ đã hoàn toàn được hiện thực một cách rõ ràng và cụ thể. Quả thật, đối với Thiên Chúa, „hôn ước“ giữa Người và nhân loại không phải là thời gian „trăng mật“ đầy hoan lạc, nhưng là một biểu lộ tình yêu thương vô bờ bến và sự tín trung tuyệt đối của Người đối với họ. Đối với Thiên Chúa, một lần đã thề hứa là mãi mãi trường tồn, dù cho con người luôn phản bội Người!

Cũng tương tự như thế, các người sống bậc hôn nhân Kitô giáo cũng đã long trọng thề hứa với nhau trước bàn thờ Chúa trọn đời yêu thương và trung thành với nhau cho đến chết. Vâng, chỉ sự chết mới có thể xoá bỏ được lời thề hứa hôn nhân Kitô giáo mà thôi, vì qua Bí tích hôn nhân chính Thiên Chúa đã liên kết họ lạivới nhau, mà „những gì Thiên Chúa đã liên kếtt thì loài không có quyền phân ly“. Điều đó muốn khẳng định rằng các người sống bậc vợ chồng cũng phải luôn trung thành với nhau, sẵn sàng thông cảm và tha thứ cho nhau, dù phải đối mặt với các thách đố khắc nghiệt của cuộc sống, với các khác biệt và xung đột, và dĩ nhiên cả sự phản bội nữa. Nhưng đây là một thực tế cực kỳ gai góc và phủ phàng nhất trong cuộc sống hôn nhân, và thường là nguyên nhân gây nên sự đổ vỡ cho đời sống hôn nhân và phá hủy hạnh phúc các gia đình, xô đẩy tất cả những người liên hệ – vợ chồng, cha mẹ và con cái – vào một chuỗi bất hạnh không có điểm dừng.

Tuy nhiên, cái thực tại phủ phàng và bất hạnh ấy không phải là con ngõ cụt một chiều và không lối thoát. Trái lại, một lối thoát khả dĩ vẫn còn đó, vẫn đang chờ đợi những người trong cuộc, đó là tình yêu quảng đại! Vâng, chỉ với tình yêu quảng đại và cái nhìn rộng rãi trên toàn diện cuộc sống, nhất là với đức tin sống động, người ta mới có thể thu nhỏ sự tự ái cá nhân và tìm ra được lối thoát khả dĩ cho các bế tắc trong đời sống hôn nhân và trong đời sống gia đình. Ở đây, hoàn toàn ứng nghiệm câu „không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người đã tự chết cho người mình yêu!“ Thật vậy, chỉ khi người ta biết can đảm giảm thiểu tối đa cái „sĩ diện“ và cái tự ái cá nhân đầy yêu sách của mình, vâng, chỉ khi người ta biết can đảm tự chết đi một chút cho người mình yêu, hay đã từng yêu, cho hạnh phúc toàn thể gia đình, thì không có gì là bất khả.

Sự hấp dẫn và lôi cuốn mạnh nhất và đặc thù nhất của tình yêu hoàn toàn xã thân và vô vị lợi của Thiên Chúa là nó tác động và gây nên trong ta sự ngưỡng mộ, sự mô phỏng hay sự thực hành theo. Bởi vì Thiên Chúa muôn đời tín trung và sự tín trung của Người là nơi nương tựa, là sự bảo đảm tuyệt đối chắc chắn cho chúng ta: không còn bao giờ sợ bị bỏ rơi nữa. Nhưng sự trung tín ấy cũng đòi chúng ta phải đưa ra áp dụng và thực hành trong cuộc sống mình, là tiếp tục trao ban nó cho người khác. Thiên Chúa đã đong cho chúng ta đấu nào, thì đến lượt mình, chúng ta cũng phải đong lại cho người khác đấu ấy. Chính Chúa đã dạy: „Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã thương yêu anh em.“(Ga 15,12b) Và thánh Phaolô cũng đã nhắc lại giới răn tình yêu của Chúa trong thư gửi Cô-lô-xê: „Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau.“(Cl 3,13b)

Thế nhưng, tình yêu Thiên Chúa thì vô bờ bến và sự tha thứ của Người thì không giới hạn. Người tha thứ luôn luôn, chứ không chỉ bảy lần mà thôi(x. Mt 18,22) và Người không chỉ tha thứ cho những kẻ phản bội Người – như Phêrô và các Môn đệ khác – nhưng Người còn tha thứ cho cả những kẻ kết án, hành hạ và giết chết Người một cách bất công và vô cớ – như các vị Thương tế, Philatô và các lý hình. Lòng quảng đại và lượng tha thứ vô bờ bến của Chúa được cô đọng lại trong câu nói cuối cùng của Người khi đang bị treo trên thập giá: „Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc mình làm.“(Lc 23,34) Nhưng lòng quảng đại và sự tha thứ bao dung của Chúa tựa như ánh sáng: một khi được thắp sáng lên thì tất cả mọi cảnh vật chung quanh đều được chiếu sáng, đều được hưởng chung ánh sáng của nó. Cũng vậy, tình yêu và sự tha thứ của Chúa cũng đòi buộc chúng ta phải tiếp tục trao ban cho những người khác, phải tiếp tục sống quảng đại tha thứ với những người khác. Nếu Thiên Chúa là Đấng trung tín và bền vững trong các lời Người nói và qua các việc Người làm cho chúng ta, chứ Người không hề đổi thay, dù cho hoàn cảnh có thay đổi thế nào đi nữa, thì chúng ta cũng phải vậy, chúng ta cũng phải luôn giữ trọn chữ „tín“ và chữ „trung“ trong mọi tương quan với Người cũng như với đồng loại

Sự chắc chắn khả tín và bền vững trong các tương quan xã hội là một nhân đức Kitô giáo. Chính Đức Giêsu cũng đã dạy: „Có thì phải nói có, không thì phải nói không.“(Mt 5,37) Điều đó muốn khẳng định rằng, nếu người ta dễ dàng phản bội bạn bè, dễ dàng bỏ rơi cha mẹ, vợ/chồng hay con cái là một hành động đi ngược lại nhân đức này của Kitô giáo. Dĩ nhiên cũng có những trường hợp hay hoàn cảnh hợp lý biện minh cho những thái độ „nới lỏng“ trong các tương quan xã hội ấy, chẳng hạn khi con cái đi kết hôn và thành lập gia đình riêng, thì tất nhiên những liên lạc chặt chẽ giữa họ và cha mẹ sẽ bị giảm thiểu hay có thể bị gián đoạn. Trong trường hợp này, cha mẹ chẳng những cần phải chấp nhận, mà còn phải nỗ lực lo lắng và giúp đỡ con cái trong bước đường tự lập và độc lập ấy. Và đối với tình bằng hữu cũng có thể bị gián đoạn hay cả bị chấm dứt, như trong trường hợp vì sinh kế hay thay đổi chỗ ở xa xôi cách trở, v.v…khiến người ta không còn điều kiện để liên lạc với nhau nữa.