Tài Liệu Về Chân Phước Gioan PhaoLô II

Tài Liệu Về Chân Phước Gioan PhaoLô II

Tài liệu tham khảo - Mar 24/03/2014

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tên thật là Karol JoseF Wojtyla chào đời ngày 18/05/1920 tại Wadowice, Ba Lan (Poland), trong một gia đình đạo hạnh. Chịu Phép rửa tội ngày 20/6/1920. Ngài lớn lên với cha mẹ ngài ở Rynek. Sau đó gia đình dọn tới Krak Via Tyniecka.

 

Tài Liệu Về Chân Phước Gioan PhaoLô II
ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLO II (1920-2005)

 

Tóm Tắt:
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tên thật là Karol JoseF Wojtyla chào đời ngày 18/05/1920 tại Wadowice, Ba Lan (Poland), trong một gia đình đạo hạnh.
– Chịu Phép rửa tội ngày 20/6/1920. Ngài lớn lên với cha mẹ ngài ở Rynek. Sau đó gia đình dọn tới Krak Via Tyniecka.
– Ngài rước lễ lần đầu lúc 9 tuổi và lãnh phép Thêm Sức lúc 18 tuổi.
– Thụ phong linh mục năm 1946 tại Krakow lúc 26 tuổi.
– Làm Giám mục năm 1958 tại nhà thờ chính tòa Wavel lúc 38 tuổi.
– Làm Tổng Giám mục Krakow năm 1964, lúc 46 tuổi
– Được phong làm Hồng Y do Đức Giáo Hoàng Phaolô VI vào năm 1967, lúc 47 tuổi.
– Được bầu làm vị Giáo hoàng thứ 246 ngày 16/10/1978 lúc 5:15 chiều là vị thứ 263 kế vị Thánh Phêrô ở tuổi 58.

Gia đình:

– Cha là Karol Wojtyla là đại uý trong quân đội Ba lan, qua đời năm 1941
– Mẹ là Emilia Kaczorowska, qua đời năm 1929 lúc Ngài mới 9 tuổi
– Anh là Edmund qua đời năm 1932 lúc Ngài được 12 tuổi

Năm 1926, Ngài vào tiểu học và rồi lên trung học Marcin Wadowita, trong những năm tại đây Ngài đã đoạt điểm rất cao và làm chủ tịch Hội tông đồ Đức Mẹ.

Năm 1934, Ngài đã bước vào sự nghiệp sân khấu với diễn xuất lần đầu ở Wadowice, và vào năm 1939, Ngài làm việc cho "Phòng thâu 38", một nhóm sân khấu điện ảnh khảo nghiệm của Tadeusz Kudlinski trong lúc theo học tại Đại học Jagellonian. Người thanh niên trẻ Karol tận hiến đời cho Mẹ Maria khi Ngài muốn trở thành một minh tinh màn ảnh. Sau khi vừa tận hiến, thì một tư tưởng đến trong đầu Karol: "Tôi muốn là một linh mục"… nhưng suy nghĩ Ngài lại không muốn là một linh mục mà muốn trở thành một minh tinh màn ảnh, thế nhưng ý tưởng trở thành linh mục cứ hiện lên trong trí và rồi sau này, Ngài đã trở thành một linh mục thật!

Khi thế chiến thứ hai lan tràn Âu Châu, thanh niên tuấn tú Karol Wojtyla đang "dùi mài kinh sử" tại Đại Chủng viện ở Kraków vào năm 1942, được lén lút tổ chức dưới hầm tòa Giám mục. Ban ngày các chủng sinh bị xung công đi "lao động là vinh quang" trong một hầm đá; tối về học dưới ngọn đèn cháy leo lét, mù mờ.

Một hôm vào tháng 2 năm 1944, sau giờ "đục đá" trở về, Karol bị một chiếc xe nhà binh Đức đụng phải, rồi bỏ chạy. Karol ngã lăn ra, bất tỉnh bên vệ đường. Một phụ nữ, không biết từ đâu chạy đến, đã làm công việc người Samaritan nhân hậu: Karol được bà đỡ dậy và dìu vào nhà thương cấp cứu. Nhờ đó, Karol được cứu sống.

Khi ra khỏi bệnh viện, Karol đã cố gắng đi tìm ân nhân ấy để cám ơn, nhưng không gặp được bà. Các bác sĩ cho biết người đàn bà đó có những nét phụ nữ Do Thái. Phải chăng rồi, bà đã bị hốt đi và đưa vào lò thiêu sinh cùng với trên 6 triệu người Do Thái đồng hương? Sau này lên ngôi Giáo Hoàng, chính ngài đã kể lại câu chuyện hi hữu và tuyên bố: "Tôi mong được gặp lại người đàn bà đã cứu sống tôi và hôn tay bà để tri ân". Nhân câu chuyện "lịch sử" ấy, hồi đầu, một tờ báo thiên tả của Ý đã xuyên tạc cho rằng, Tân Giáo Hoàng đã có "bồ"!

Năm 1945 Quân đội Nga giải phóng Krakow khỏi ách thống trị của Đức Quốc xã và rồi Balan trở thành một quốc gia cộng sản.

Karol Wojtyla lãnh nhận thừa tác vụ linh mục năm 1946, và rồi đậu tiến sĩ Thần học tại Đại học Angelicum ở Rôma với đề tài luận án tiến sĩ "Những trở ngại của đức tin trong những việc làm của thánh Gioan Thánh giá".

Sau đó, từ 1948 đến 1951, ngài đã phục vụ như một linh mục xứ ở Kraków; đoạn trải qua một năm tu nghiệp Triết tại Đại học Jagiellonian. Từ 1952 đến 1958, Karol Wojtyla được bổ nhiệm làm giáo sư Luân lý tại Đại học CG Lublin và làm tuyên úy sinh viên.

Năm 1958 linh mục "trẻ tuổi tài cao" đã được tấn phong Giám mục phụ tá, rồi Tổng Giám mục Giáo phận Cracovie, và năm 1967, được cố Giáo Hoàng Phaolô VI vinh thăng Hồng y (Cardinal). Ngài đã tham dự Công đồng Vatican II năm 1963 và đã đóng góp vào nhiều tài liệu, một trong những tài liệu sau này trở thành Tuyên ngôn Tự do tôn giáo.

Cùng với hàng Giám mục Ba Lan, nhất là với Hồng y Wyszynski, ngài phải đương đầu với chế độ cộng sản áp đặt trên hơn 85% người Công giáo Ba Lan, để bênh vực đức tin và quyền tự do của con người. Hai mục tiêu ấy, ngài càng mạnh mẽ tiếp tục sau khi lên bậc Giáo Hoàng.

Ngày 22-10-1978, lần đầu tiên ra mắt với công chúng trước tiền đường Thánh Phêrô, tân Giáo Hoàng đã xác quyết tuyên bố (Mt 14:27): "Đừng sợ!"

"Duc in altum" – "Vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới".
Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã thổi vào Giáo hội một nguồn sinh lực mới theo tinh thần Công đồng Vaticanô II. Chỉ vài tháng sau khi nhậm chức, ngài đã lên đường "đi tìm anh em" trong các đoàn chiên khắp thế giới. Đức Giáo Hoàng đã thực hiện tất cả trên 100 chuyến tông du đến 129 quốc gia trên thế giới. Ngài được xem là một trong những vị Giáo hoàng tông du nhiều nhất, phong thánh nhiều nhất. Đến đâu, Giáo Hoàng cũng "củng cố đức tin của anh em", lôi kéo rất nhiều người, khởi động sự chú ý đặc biệt của quần chúng đến sự hữu hình và vai trò của Giáo hội.

MƯU SÁT
BIẾN CỐ FATIMA VÀ ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II

Ngày 13/5/1981, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bị một thanh niên người Thổ Nhĩ Kỳ tên là Mehmet Ali Agca 23 tuổi ám sát hụt tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Mehmet Ali Agca đã bắn 4 phát súng 9mm về phía Đức Thánh Cha lúc đó đang đứng chào dân chúng và Ngài đã ngã ra phía sau. Viên đạn thứ nhất trúng bụng, viên thứ 2 trúng tay trái, viên thứ 3 trúng ngực một bà Mỹ 60 tuổi, và viên thứ 4 trúng tay người phụ nữ Jamaica 21 tuổi. Lý do tại sao Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bị ám sát vẫn còn nằm trong vòng bí mật. Mehmet Ali Agca, sinh ngày 9 tháng 1 năm 1958, đã bị kết án tù chung thân về tội mưu sát ÐTC Gioan Phaolô II.

Trong Đại Năm Thánh 2000, ĐTC đã xin tổng thống Ý tha cho người sát hại Ngài, và Ali Agca sau 20 năm trong tù đã được Ý trao trả cho Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2001, và tiếp tục ở tù ở quốc gia của mình vì tội sát hại một vị giám đốc nhật báo vào năm 1979. Ngài đã vào tù thăm người đã bắn Ngài và đã tha thứ cho anh. Ali Agca có lẽ đã cảm kích cử chỉ của Đức Thánh Cha nên đã quỳ xuống hôn tay Ngài cách trân trọng.

Chính anh Ali Agca người đã bắn những cú chí tử vào Ðức Gioan Phaolô II, đã hết sức ngạc nhiên, tại sao bị thương như vậy, mà ÐTC đã không chết. Việc ÐTC không chết, là vì có bàn tay Ðức Mẹ Fatima. Chính ÐTC đã công nhận như vậy và ngày 12-13/05/1982, ngài đã đến Fatima hành hương, để tạ ơn Ðức Mẹ và tuyên bố rõ ràng: "Ðức Mẹ Maria đã cứu sống tôi".

Ðể ghi nhớ muôn đời, một trong các viên đạn được lấy ra lúc giải phẫu cho ÐTC, tại Bệnh viện Bách Khoa Gemelli ở Roma, đã được ghép vào triều thiên của Ðức Mẹ tại Ðền Thánh Fatima trong dịp ÐTC đến hành hương tạ ơn 13/05/1982. Trong cuộc hành hương Năm Thánh 2000, ÐTC còn để lại một kỷ niệm khác nữa: đặt dưới chân Mẹ chiếc nhẫn Giám mục quí giá, do Ðức Cố Hồng Y Stefan Wyszynski, Giáo chủ Ba lan và TGM Varsovie, tặng cho ngài khi được bầu làm Giáo Hoàng (16/10/1978). Còn chiếc giây lưng trắng bị đẩm máu trong vụ mưu sát tại Quảng trường Thánh Phêrô lúc 17giờ 10 phút ngày 13/05/1981, đã được để lại làm kỷ niệm tại Czestochowa, Ðền Thánh quốc gia Ba lan, nơi ÐTC đã đến hành hương nhiều lần trong những năm sinh sống tại Ba lan và cả sau khi đã làm Giáo Hoàng.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng đã cho phổ biến chuỗi Mân Côi thứ 4, tức Chuỗi Sự Sáng thêm vào 3 chuỗi Mân Côi đã có từ lâu, có lẽ cũng xuất phát từ lòng tri ân Mẹ.

Cuộc điều tra sau đó cho thấy kẻ sát nhân đã "ra tay" do một đường dây mật vụ cộng sản, vì ảnh hưởng của nhà lãnh đạo tinh thần [cho hơn một tỉ tín hữu trên toàn cầu] quá lớn lao, trong công cuộc giải phóng quốc gia Ba Lan và Đông Âu nói chung. Vì thương yêu dân tộc mình, ngài đã từng tuyên bố: "Tôi sẽ từ chức, về nước để đồng cam cùng khổ với dân chúng Ba Lan". (Carl Bernstein, TIME, số đề ngày 24-2-1992).

Mới đây, Nhật báo Corriere della Sera xuất bản ở Ý cho biết chính quyền Đức hiện nay đã tìm thấy hồ sơ ám sát ĐGH tại sở mật vụ của cộng sản Đông Đức ngày xưa. Và nội dung hồ sơ cho thấy mật vụ KGB của cộng sản Nga đã ra lệnh lệnh cho nhân viên tình báo của Bulgaria thi hành âm mưu ám sát ĐGH.

Cũng theo tờ Corriere della Sera, sở mật vụ Đông Đức có tên là Stasi được Nga trao cho trách nhiệm phối hợp công tác và sau khi thi hành thủ đoạn, mật vụ Đông Đức có nhiệm vụ phi tang tất cả những âm mưu cộng sản Nga đã dàn dựng để ám sát ĐGH.

Tài liệu cho thấy, sở mật vụ Bulgaria nhận lệnh từ KGB nhưng muốn phủi tay, nên trao nhiệm vụ ám sát ĐGH cho những kẻ quá khích ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có Mehmet Ali Agca là người đã bắn Đức Giáo Hoàng tại quảng trường Thánh Phê rô vào ngày 13/05/1981. Hung thủ bắn ĐGH là Ali Agca, hiện giờ còn đang bị tù ở Thổ Nhĩ Kỳ, đã khai ngay sau khi bị bắt với chính quyền Ý rằng y đã thi hành âm mưu này dưới sự điều khiển của tòa đại sứ Bulgaria tại Rome.

Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa đã cho Giáo hội có một vị Giáo Hoàng đáng kính và đầy lòng yêu thương, nhân từ.

 

 

Tác giả thanhlinh.net (Sưu tầm và chuyển dịch )