Tân Truyền giáo là gì?[tt]

Tân Truyền giáo là gì?[tt]

Loan Báo Tin Mừng - Mar 24/03/2014

Tại nguồn gốc của việc rao giảng Tin Mừng, chúng ta thấy có cảm nghiệm về một ân huệ: tình yêu nhưng không và siêu việt đã được Chúa Cha tỏ ra cho chúng ta qua Con của Người là Chúa Giê-su Ki-tô, qua Chúa Thánh Thần, Đấng đã được tuôn đổ xuống trên

Nguồn gốc của Truyền giáo       

Trong một loạt những bài chia sẻ lời Chúa mùa Vọng 2011, cha Raniero Cantalamessa, vị giảng tĩnh tâm cho những người giúp việc cho Đức Giáo Hoàng, cảnh báo về hai mối nguy hiểm đe dọa Ki-tô hữu liên quan tới Tân Truyền giáo.  Nguy hiểm thứ nhất là sự lười biếng, hoặc bỏ lại trách nhiệm cho người khác.  Chúng ta tự bảo mình:  “Tôi nghĩ rằng rao giảng Tin Mừng hoặc truyền bá Phúc Âm bằng cuộc sống chúng ta và trong thời đại chúng ta là một ý tưởng hay, nhưng đó không phải là một lệnh truyền liên quan tới cá nhân tôi”.  Nguy hiểm thứ hai, một nguy hiểm tinh vi hơn, đó là “lối hoạt động sôi nổi nhưng rỗng tuếch” khiến cho Ki-tô hữu dần dần đánh mất đi “sự tiếp cận với nguồn gốc”, tức là Lời Chúa.[27]

         Với cảnh báo gồm hai điểm này, cha Cantalamessa nêu lên vấn đề về nguồn gốc của Tân Truyền giáo.  Từ đâu mà có niềm đam mê được đổi mới đã được Đức Gioan Phaolô II khẩn thiết gợi ra cho chúng ta, hoặc thái độ “tái thức tỉnh” được Đức Giáo Hoàng Bênêđictô kêu gọi?  Đâu là nguồn gốc tạo ra niềm vui nhằm mục đích biến đổi chúng ta và chúng ta có bổn phận phải công bố nguồn gốc ấy bằng lời nói và đời sống của chúng ta?  Hiểu theo một cách, nhận định nguồn gốc này có nghĩa là nhận định điều trước nhất và quan trọng nhất mà mỗi phần tử của Giáo Hội đều phải thi hành để truyền đạt Lời Chúa.  Nguồn gốc của rao giảng Tin Mừng và việc đáp lại căn bản nhất của Ki-tô hữu đối với việc rao giảng ấy đều khá đơn giản.  Một lần nữa, Tông Đồ và thánh sử Gio-an sẽ chỉ cho chúng ta câu trả lời.

         Khi thánh Gio-an viết để công bố niềm vui của ngài cho các Ki-tô hữu sơ khai, ngài chỉ làm được điều đó là vì trước hết ngài đã nghe, thấy và chạm đến:  ngài đã cảm nghiệm Lời của Thiên Chúa hóa thành nhục thể và đã ngưỡng mộ vẻ đẹp của Lời ấy.  Ngài đã bị lôi cuốn vào sự hiệp thông với Thiên Chúa hằng sống và đã khám phá ra rằng được “chia sẻ sự sống” của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, Ba Ngôi tình yêu, đó là niềm vui trọn vẹn (xem 1 Gio-an 1:4).[28]  Giống như một người yêu, ngài đã được đưa ra khỏi chính mình.  Từ điểm này tiến tới, ngài biết rằng tất cả đời mình chỉ có thể là lời đáp trả đối với ân huệ kia.  Qua kinh nghiệm máu-và-thịt, ngài ý thức được chân lý mà Đức Giáo Hoàng Bênêđictô sẽ diễn tả sau này:  “Nằm tại căn rễ của toàn bộ việc rao giảng Tin Mừng không phải là một kế hoạch bành trướng của loài người, nhưng là ao ước chia sẻ ân huệ khôn lường Thiên Chúa đã muốn ban cho chúng ta, cho nên ao ước ấy làm cho chúng ta trở thành những kẻ chia sẻ sự sống của Thiên Chúa”.[29]

         Tại nguồn gốc của việc rao giảng Tin Mừng, chúng ta thấy có cảm nghiệm về một ân huệ:  tình yêu nhưng không và siêu việt đã được Chúa Cha tỏ ra cho chúng ta qua Con của Người là Chúa Giê-su Ki-tô, qua Chúa Thánh Thần, Đấng đã được tuôn đổ xuống trên “mọi xác thịt” kể từ khi Chúa Giê-su sống lại.  Dù chúng ta có ý thức hay không, thì ân huệ này của Thiên Chúa, Đấng mở sự sống của Người ra cho chúng ta, vẫn là nguồn gốc của tất cả niềm vui đích thực trong thế giới.  Khi Đức Gioan Phaolô II hỏi “Tin Mừng là gì?”, ngài đã không do dự trả lời rằng “Tin Mừng là một khẳng định vĩ đại về thế giới và con người, bởi vì đó là mặc khải chân lý về Thiên Chúa.  Thiên Chúa là nguồn gốc đầu tiên của niềm vui và hy vọng dành cho con người.  Đây cũng là Thiên Chúa mà Đức Ki-tô đã mặc khải:  Thiên Chúa là Đấng Tạo dựng và là Cha;  Thiên Chúa là Đấng ‘yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời’ (xem Gio-an 3:16)”.[30]

         Tin Mừng là nguồn gốc niềm vui, bởi vì Tin Mừng là ân huệ của Thiên Chúa, tức Ngôi Lời của Thiên Chúa đã đến để gặp gỡ chúng ta.  Tin Mừng là sự mặc khải đích thân của Thiên Chúa vì Người là Tình Yêu.  Lời này được phán ra với mọi người đã hoặc sẽ được sống là lời chứa đầy tràn sự sống của Thiên Chúa, sự sống Người muốn chia sẻ với con người.  Đó là Lời “sống động và hữu hiệu”,[31] Lời có quyền lực, nhưng quyền lực của nó lại là sự khiêm nhường và tình yêu của chính Thiên Chúa.  Ủy ban chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới 2012 về Tân Truyền giáo nhắc nhở chúng ta rằng “Chúng ta đừng nghĩ Tin Mừng chỉ như là một cuốn sách hoặc một tập các giáo huấn.  Tin Mừng còn hơn thế rất nhiều.  Đó là một… Lời để hoàn tất những gì nó nói lên… Đó là một… người:  Đức Giê-su Ki-tô, Lời diễn tả của Thiên Chúa đã trở nên người phàm”[32] để ban cho chúng ta niềm vui vì được chia sẻ với tình yêu thông hiệp của Thiên Chúa.

         Nếu điều này là thật, hay nói khác đi, nếu rao giảng Tin Mừng có nguồn gốc trong việc Thiên Chúa “công bố” khi Người sai Con của Người đến cứu chuộc thế gian, thì trước khi làm bất cứ điều gì đối với Tin Mừng này, chúng ta phải lãnh nhận Tin Mừng ấy đã.  Giống như thánh Gio-an, chúng ta phải lấy con mắt mà nhìn, lấy tai mà nghe và lấy tay mà chạm đến, rồi đáp lại lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa.  Chúng ta phải lắng nghe, và chỉ khi ấy – không một phút nào ngừng lắng nghe Chúa! – chúng ta mới có thể công bố những gì chúng ta đã lãnh nhận.  Theo lời Đức Giáo Hoàng Bênêđictô, chúng ta phải “trở nên dễ dạy đối với Thần Khí của Đấng Phục sinh, vì Người đồng hành với tất cả những ai làm người rao giảng Tin Mừng và mở tâm hồn những ai đang lắng nghe.  Muốn công bố Lời Tin Mừng cho hữu hiệu, trước hết người ta phải có một cảm nghiệm sâu xa về Thiên Chúa”.[33]

         Nói khác đi, chúng ta phải cầu nguyện.  Và một khi chúng ta đã thực sự trở nên dễ dạy và gặp gỡ được vẻ đẹp ấy trong cầu nguyện, thì chúng ta không thể không nói, trước hết là nói với Chúa bằng cách “chúc tụng” là “khởi điểm cho mọi cách đáp trả của đức tin trước mặc khải của Thiên Chúa nơi Đức Ki-tô”,[34] tiếp đến là nói với anh chị em là những người cũng đang khao khát Tình Yêu giống như chúng ta vậy.

         Các Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI, hết thảy đều kiên quyết trong điều này:  Ki-tô hữu không thể truyền giáo nếu họ không được truyền giáo trước và liên tục,[35] nếu họ không đón nhận Ngôi Lời nhập thể trong sự khiêm nhường và huy hoàng của Người, không lắng nghe Người và không cảm nghiệm sự sống Người đem đến cho họ.  Ki-tô hữu phải làm điều này trước khi họ dấn thân vào bất cứ hoạt động truyền giáo nào, đồng thời cũng phải làm điều này liên tục, bởi vì niềm vui họ phải mang tới cho người khác sẽ được liên tục ban cho họ từ một nguồn suối không hề cạn:  “Những người thi hành Tân Truyền giáo được mời gọi trước hết hãy đi theo Con Đường là Đức Ki-tô, để giúp cho người khác biết được vẻ đẹp của Tin Mừng ban sự sống”.[36]  Họ chỉ có thể đem sự sống đến cho người khác nếu họ ở lại trong nguồn sự sống giúp họ “chăm chú nhìn lên Đức Giê-su Ki-tô”, vì họ biết rằng “nơi Người mọi khổ đau và khát vọng của tâm hồn con người được hoàn tất”.[37]

         Mỗi khi công bố Tin Mừng bằng bất cứ hình thức nào trong cuộc sống chúng ta, vẫn có một ưu tiên dành cho Lời của Thiên Chúa hóa thành nhục thể nơi Đức Giê-su Ki-tô và được thông đạt cho chúng ta qua Kinh Thánh và các bí tích.  Không lời nào chúng ta có thể nói lên, không việc nào chúng ta có thể hoàn tất, không sự sống nào chúng ta có thể sống mà tất cả lại có được sức mạnh và hiệu quả nếu không ở trong sức mạnh và hiệu quả của Lời ấy.  Ki-tô hữu là các chứng nhân cho anh chị em mình, đúng như vậy, nhưng đó chỉ vì trước hết bản thân họ đã làm chứng rồi.  Họ là những người thấy, nghe và chạm đến Tình Yêu của Thiên Chúa, Đấng đã chết trên thập giá vì chúng ta, đã được Chúa Cha cho sống lại và đã đổ tràn Thần Khí Người xuống trên tất cả nhân loại.

         Nguồn gốc của tất cả việc truyền giáo là chính Thiên Chúa, Đấng mở ra sự sống của Người cho chúng ta qua Con của Người.  Theo lời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, “nền móng, trung tâm và cao điểm” của truyền giáo luôn luôn là “Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa làm người, Đấng đã chết và sống lại từ kẻ chết” để đem lại “ơn cứu độ… cho mọi người như một ân huệ của ơn sủng và lòng Chúa thương xót”.[38]  Khi viết điều này, Đức Phaolô VI chỉ làm vọng lên điều thánh Phao-lô đã nói hai ngàn năm trước, khi ngài khẳng định cốt lõi của việc ngài rao giảng, của đau khổ ngài chịu và dĩ nhiên là tất cả đời sống ngài, đó là:  “Hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá” (1 Cô-rin-tô 2:2).  Cũng Đức Ki-tô ấy, Đấng mở ra cho chúng ta sự sống của Thiên Chúa, là Con Đường chúng ta bước đi hầu “giúp cho người khác biết được vẻ đẹp của Tin Mừng ban sự sống”.[39]

        

 

“Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi…”  (Gio-an 12:24)

 

 

Ai là người rao giảng Tin Mừng?

 

         Cuộc hành trình của chúng ta trên Con Đường này không đơn độc, vì vẻ đẹp chúng ta gặp gỡ trên Con Đường ấy    là một cuộc chia sẻ cụ thể sự hiệp thông với chính sự sống của Thiên Chúa.  Đức Giáo Hoàng Bênêđictô giải thích:  “Trên Con Đường này, người ta không khi nào đi một mình, nhưng là đồng hành, tức là một kinh nghiệm về sự hiệp thông và tình anh chị em dành cho hết mọi người chúng ta gặp, để chia sẻ với họ cảm nghiệm của chúng ta về Chúa Ki-tô và Giáo Hội Người”.[40]  Rao giảng Tin Mừng không phải là một sinh hoạt đơn độc, vì chúng ta không bao giờ lãnh nhận hoặc hiến tặng hồng ân Tin Mừng một mình.  Như thánh Gio-an đã nhắc nhở các Ki-tô hữu sơ khai trong thư thứ nhất của ngài, Tin Mừng là sự “hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người”.  Việc chia sẻ tình yêu và sự sống của Thiên Chúa lập tức phát sinh sự hiệp thông giữa các tín hữu, một sự hiệp thông bắt đầu từ một nhóm nhỏ gồm những Ki-tô hữu sơ khai yêu thương nhau mở rộng ra đến tận cùng trái đất:  “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi… Những điều này, chúng tôi viết ra để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn” (1 Gio-an 1:3-4).

         Hiệp thông có nghĩa là đời sống được chia sẻ.  Việc chia sẻ chính sự sống với Thiên Chúa và với anh chị em quả thực là niềm vui mà Chúa Giê-su Ki-tô mời gọi các môn đệ Người hãy đem đến cho thế giới.  Như Đức Gioan Phaolô II viết, chúng ta không “được cứu rỗi do một công thức, nhưng do một Người và do lời Người ấy bảo đảm với chúng ta rằng:  Thầy ở cùng anh em!”[41]  Đúng là Chúa Giê-su đang nói với chúng ta:  Thầy, cùng với Cha Thầy và Thánh Thần của cả hai Chúng Ta, ở cùng các con, và Chúng Ta giúp các con ở với nhau trong một sự thông hiệp để tiêu diệt mọi thiếu vắng tình yêu trong thế giới, vì tình yêu mạnh hơn sự chết!

         Giả như chúng ta có thể đơn độc nhận lãnh hoặc cho đi hồng ân Tin Mừng thì đó chẳng phải là Tin Mừng của tình yêu Thiên Chúa đâu, vì chỉ tình yêu này mới đủ mạnh mẽ để sinh ra sự kết hợp một nhân loại đã bị chia rẽ do tội lỗi.  Dù cho chúng ta không có được những cảm nghiệm sống động về những hậu quả do sự thù hận của con người mà cả Karol Wojtyla lẫn Joseph Ratzinger đã có hồi Thế chiến II, thì chúng ta cũng đều cảm nghiệm về sự cô đơn, đổ vỡ và thiếu vắng tình yêu làm phát sinh sự cô lập.  Tình trạng “không có niềm vui” và “buồn sầu nội tâm”, những điều Đức Giáo Hoàng Bênêđictô cho là rất phổ biến trong những xã hội chúng ta ngày nay, đi song song với cảm nghiệm không được yêu thương thực sự.  Ít nhiều gì chúng ta hết thảy đều biết thế nào là không thuộc về một sự hiệp thông đem lại cho chúng ta sự sống, tức là không được tiếp nhận sự sống rút ra từ sự hiệp thông hạnh phúc là chính Thiên Chúa.  Khi cảm nghiệm sự thiếu vắng hiệp thông này, tất cả chúng ta đều biết thế nào là mong ước có một điều gì khác, thậm chí không thể dùng lời nói diễn tả được mong ước này.  Chúng ta mong ước được thông hiệp trọn vẹn để có niềm vui.

         Sự thông hiệp chúng ta mong đợi được ban cho chúng ta trong hồng ân Lời Thiên Chúa, Đấng “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Gio-an 1:14) và đã sinh ra Giáo Hội là Thân Thể Người.  Chúng ta đang lãnh nhận và phải đích thân lãnh nhận Lời Chúa trong Kinh Thánh, bí tích và cầu nguyện.  Nhưng chúng ta chỉ có thể làm điều này một cách hết sức hiệu quả, hoặc thậm chí chỉ là tạm được thôi, trong một sự “thông hiệp” hay kết hợp bắt nguồn từ nơi Chúa.  Tin Mừng về sự sống, cái chết và phục sinh của Chúa Giê-su Ki-tô là một Lời tình yêu nói với toàn thể nhân loại và chúng ta chỉ lãnh nhận được với tính cách là những phần tử thuộc về một nhân loại mới là Thân Thể và Hiền Thê của Đức Ki-tô mà thôi.

         Truyền thống diễn tả chân lý này bằng những hình ảnh đẹp và phong phú, thí dụ như Giáo Hội nảy sinh từ cạnh sườn bị đâm thâu qua của Đức Ki-tô chịu đóng đinh giống như E-và từ xương sườn của A-đam.  Giáo Hội qua mọi phần tử của mình không khi nào ngừng nảy sinh từ hồng ân Lời Thiên Chúa.  Đó là một Giáo Hội gồm tất cả những người lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Đấng đã lấy hình “lưỡi lửa” đậu trên các Tông đồ vào ngày lễ Ngũ tuần (Công Vụ Tông Đồ 2:3).  Cũng chính Giáo Hội này đang lãnh nhận lệnh truyền nói lên sự tồn tại của mình cho đến ngày tận thế:  “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng…” (Mác-cô 16:15).  Giáo Hội tiếp tục lãnh nhận Lời Chúa, suy đi nghĩ lại trong lòng (xem Lu-ca 2:19, và hiến tặng Lời Chúa cho một thế giới đang đói khát Thiên Chúa.

         Chỉ một mình, chúng ta không thể thực hiện được điều ấy.  Lời Chúa quá vĩ đại và sức mạnh phát sinh sự hiệp thông không thể bị giam hãm trong chúng ta.  Nhưng trong Giáo Hội, chúng ta có thể nhận được sự sung mãn của Tin Mừng, để cho Tin Mừng biến đổi đời sống và mọi mối tương quan của chúng ta, đồng thời chúng ta có thể đem Tin Mừng ấy đến với anh chị em mọi lúc, vì cũng như chúng ta, những anh chị em đó không thể sống mà thiếu vắng tình yêu.  Mỗi khi làm chứng cho Tin Mừng bằng cuộc sống, lời nói và cầu nguyện thinh lặng, chúng ta đang thực hiện một hành vi dấn thân vào “toàn thể Giáo Hội trong căn tính và hành động của Giáo Hội”.[42]  Chúng ta đang trao tặng sự hiệp thông vui mừng, đầy sức sống là bản chất của Giáo Hội, và đó chính là việc chúng ta chia sẻ ngay tại đây và lúc này với những cuộc sống cụ thể của anh chị em trong sự sống của Thiên Chúa.  Cùng lúc ấy, chúng ta đang tham dự vào một “cuộc canh tân nội tâm”[43] cần thiết của Giáo Hội, vì trong phụng vụ và trong đời sống của mỗi chi thể, Giáo Hội phải không ngừng trở về với những nguồn gốc của mình từ hồng ân Lời Chúa.

         Theo các tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng họp về Tân Truyền giáo cho chúng ta biết, “việc loan truyền đức tin không khi nào là một công việc cá nhân và biệt lập, nhưng là một biến cố cộng đồng và mang chiều kích Giáo Hội”.[44]  Truyền giáo luôn là hành động của Giáo Hội để cùng một lúc ca tụng Thiên Chúa và đem đến cho con người niềm vui do “một cảm nghiệm về sự thông hiệp và tình anh chị em”,[45] là cảm nghiệm duy nhất mạnh mẽ hơn mọi sức mạnh của việc cô lập trong thế giới.

 

Nội dung của Tân Truyền giáo

 

         Giáo Hội, được liên tục nuôi dưỡng bằng lời Chúa qua phụng vụ, biết rằng việc rao giảng Tin Mừng là “ân sủng và sứ mệnh…, là căn tính sâu xa nhất” của mình.[46]  Đối với Giáo Hội đang lãnh nhận và chiêm niệm Lời Chúa, nội dung của việc rao giảng Tin Mừng đã rõ ràng.  Trong cầu nguyện và công bố cũng như trong đời sống của mỗi phần tử, Giáo Hội phải thông đạt vẻ đẹp và sự thánh thiện – nói khác đi là thông đạt chính tình yêu – của Thiên Chúa thể hiện trong Đức Giê-su Ki-tô.  “Vì Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Gio-an 3:16).  Đức Gio-an Phao-lô II đã một lần nhận xét rằng toàn bộ Tin Mừng được tóm tắt lại trong câu Kinh Thánh này, vì nó chứa đựng “khẳng định vĩ đại về thế giới và con người”.[47]

         Để hiểu ý ngài muốn nói gì, chúng ta chỉ cần nghĩ tới sự cô đơn, thao thức và tình trạng dễ bị tổn thương của con người nếu họ không có Thiên Chúa.  Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa làm người, đến đem Tin Mừng về tình yêu Thiên Chúa cho chúng ta.  Làm như vậy, qua cuộc sống của Người, Người cũng cho chúng ta thấy đâu là ý nghĩa làm con người trọn vẹn.  Người cho chúng ta thấy chúng ta thực sự là ai:  là những người dứt khoát được yêu thương và do đó là những người có thể yêu thương bằng tình yêu vô lượng của Thiên Chúa.  Chúa Giê-su mặc khải Thiên Chúa là một sự thông hiệp của Tình Yêu.  Làm như vậy, Người cũng mặc khải con người được tạo dựng cho Tình Yêu này.

         Tin Mừng Chúa Giê-su đem đến cho chúng ta không phải là một mớ thông tin về Thiên Chúa, nhưng là chính Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta.  Thiên Chúa đã làm cho mình trở thành Đấng chúng ta có thể đến gặp gỡ bằng mắt, bằng tai và bằng bàn tay.  Người lại còn sẵn sàng chịu chết và rồi đã chiến thắng cái chết.  Sự khiêm nhượng không thể tin nổi của Thiên Chúa khi đến ở lại với chúng ta tại nơi chúng ta đơn độc nhất chính là lý do tại sao hành động trước hết là vừa lãnh nhận vừa rao truyền Tin Mừng lại luôn luôn là hành động của một đức tin biết nhận ra những kỳ diệu của Thiên Chúa và một đức tin biết thờ lạy Người.  Theo Đức Bênêđictô XVI, việc thờ lạy Chúa cốt yếu là cầu nguyện, tức là việc Giáo Hội đáp trả bằng cách lấy tình yêu trước nhất và thường hằng của mình mà dâng lên cho Tình Yêu đã được mặc khải nhưng chưa hề nghe nói trước đây.  Việc chúng ta đáp trả Thiên Chúa gồm có lắng nghe, chiêm ngưỡng và thờ lạy, tất cả đều nằm ở tâm điểm của truyền giáo:  “Chúa phục sinh đến giữa chúng ta.  Để rồi chúng ta chỉ có thể cùng với thánh Tô-ma kêu lên rằng:  lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!  Sự thờ lạy trước tiên là một hành vi đức tin, một hành vi đức tin đích thực.  Thiên Chúa không phải chỉ là một giả thuyết có thể hay không có thể về nguồn gốc của mọi sự.  Người hiện diện. Vậy nếu Người hiện diện thì tôi sấp mình thờ lạy Người…  Chúng ta bước vào thực tại chắc chắn là mình có thể chạm được tình yêu Thiên Chúa yêu thương chúng ta bằng tình yêu hiện diện trong tâm hồn chúng ta.  Đấy là thờ lạy và đấy cũng là khẳng định về cuộc đời chúng ta”.[48]

         Tình yêu của Thiên Chúa và việc chúng ta đáp trả lời mời gọi của tình yêu ấy đã khẳng định về cuộc đời chúng ta.  Nói tóm lại, nếu Ki-tô giáo căn bản là về tình yêu thì không thể đem thông đạt tình yêu đó như một ý tưởng hoàn toàn thuộc trí óc.  Ki-tô giáo phải được sống là vì tình yêu cần được sống.  Nếu tình yêu ấy muốn được sống trong chúng ta và vì chúng ta thì tình yêu ấy cần phải mặc lấy máu thịt chúng ta.  Thiên Chúa biết rõ đều này nên Người đã đích thân mặc lấy máu thịt trong Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa làm người.  Cho nên kể từ đó, không còn cách nào khác để chúng ta thông đạt Tin Mừng của Người ngoài cách hãy để cho Tin Mừng cũng được mặc lấy máu thịt trong chính chúng ta.  Đức Giáo Hoàng Bênêđictô muốn chúng ta chú ý đến phương diện chính của Tân Truyền giáo khi ngài nói:  “Vì đức tin Ki-tô giáo được thiết lập trên nền móng Lời hóa thành nhục thể là Đức Giê-su Ki-tô, nên Tân Truyền giáo không phải là một ý niệm trừu tượng, mà là việc canh tân đời sống Ki-tô đích thực dựa trên những giáo huấn của Giáo Hội”.[49]

         Ngôi Lời của Thiên Chúa muốn đi vào và biến đổi chúng ta, nắn đúc chúng ta thành Giáo Hội, thành mối hiệp thông vui mừng là chính Thân Thể và Hiền Thê của Người.  Người muốn giúp chúng ta yêu thương, vì chúng ta được dựng nên để yêu thương.  Người biết đời chúng ta không có ý nghĩa và tâm hồn chúng ta chẳng được nghỉ ngơi cho đến khi chúng ta gặp được tình yêu và để cho tình yêu thấm nhuần mọi chiều kích của cuộc sống chúng ta.  Vì thế, nếu chúng ta để cho Người bước vào tâm hồn và “sấp mình” trước sự hiện diện của Người thì Ngôi Lời hóa thành nhục thể sẽ từ từ thay đổi chúng ta, để toàn bộ cuộc sống chúng ta sẽ bắt đầu chiếu tỏa vẻ đẹp của Thiên Chúa là Tình Yêu.

         Nếu chúng ta cầu nguyện, nếu chúng ta cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa phục sinh ở giữa chúng ta và cùng với Giáo Hội thờ lạy Người, thì khi ấy chúng ta bắt đầu hiểu rằng:  Người đang kêu gọi chúng ta hãy quyết tâm và luôn luôn yêu thương trong tình yêu vững bền Người yêu thương Giáo Hội là Hiền Thê của Người.  Lời kêu gọi yêu thương này mang những đường nét rõ ràng nhất khi chúng ta hoàn toàn hiến thân trong hôn nhân hoặc sống theo những lời khuyên của Tin Mừng mà theo chân Chúa Giê-su sống khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời trong đời sống thánh hiến.  Nhưng lời kếu gọi ấy cũng xác định mọi khía cạnh trong lối sống của một tín hữu.  Ki-tô hữu được kêu gọi hãy yêu thương không chỉ đơn thuần bằng những cảm xúc hoặc lời nói, nhưng là hoàn toàn và cụ thể, “trong việc làm và trong sự thật” (1 Gio-an 3:18).  Những ai đang gặp gỡ Tình Yêu này đều được mời gọi hãy để cho Tình Yêu ấy biến đổi mọi chiều kích cuộc sống của họ.  Rồi bởi vì các tín hữu gặp được Tình Yêu này trong Chúa Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa nhập thể, Đấng “đã yêu họ cho đến cùng” (Gio-an 13:1), nên họ mới hiểu được rằng vẻ đẹp họ đã đón nhận vào trong đời sống họ sẽ nâng đỡ họ qua suốt cuộc đời.

         Đối với Ki-tô hữu đã thực sự cảm nghiệm được Tin Mừng, thì đau khổ và cái chết không phải là những thực tại sau cùng.  Nhưng thực tại sau cùng là chính Tình Yêu cũng là chính Thiên Chúa, một tình yêu được đặt làm ý nghĩa và mục đích đời sống con người.  Tình yêu này chứa đựng một quyền lực còn mạnh hơn cả tội lỗi và mạnh hơn cả sự chết.  Sự sống và tình yêu của Thiên Chúa mà Đức Ki-tô phục sinh thông truyền cho tất cả nhân loại chứa đựng một mầu nhiệm về cả việc phán xét lẫn lòng thương xót cũng như về lời hứa ban phúc trường sinh.

         Sự sống đời đời không là gì khác ngoài sự kiện chúng ta được chia sẻ hoàn toàn và vĩnh cửu với Tình Yêu Chúa Giê-su đã đem đến cho chúng ta, Tình Yêu là bản chất của Ki-tô giáo.  Sự sống đời đời là sự biến đổi cuối cùng để chúng ta trở thành những người con yêu dấu của Chúa Cha, Đấng đã mời gọi chúng ta chia sẻ vào sự sống của Thiên Chúa.  Đồng thời sự sống đời đời còn mời gọi chúng ta hãy tham dự vào “mầu nhiệm cao cả” (Ê-phê-xô 5:32) mà chúng ta gặp thấy trong Kinh Thánh:  Tiệc Cưới của Con Chiên với nhân loại đã được cứu độ, hoặc với Giáo Hội là Thân Thể và Hiền Thê của Người (xem Khải Huyền 19:9).  Con Chiên này, tức Chúa Giê-su Ki-tô, là sự sống của Thiên Chúa được mở ra cho chúng ta.  Khi mặc lấy xác phàm, chết và sống lại từ kẻ chết để ban Thần Khí Người xuống trên chúng ta cũng như dẫn chúng ta về với Chúa Cha, Đức Ki-tô là tất cả niềm vui trong thế giới – và Người cũng chính là nội dung của Tin Mừng vậy.

 

Phương pháp truyền giáo

 

         Một “Tân Truyền giáo” là điều hết sức khẩn thiết trong thời chúng ta, vì có rất nhiều người đang vô cùng khao khát niềm vui được người khác yêu thương và có thể yêu thương người khác.  Tuy nhiên, “phương pháp” truyền giáo cũng như nội dung tự căn bản đã không thay đổi chút nào.  Kể từ ngày Chúa Ki-tô phục sinh đứng giữa các Tông đồ đang hãi sợ và “họ vẫn chưa tin vì mừng quá” (Lu-ca 24:41);  kể từ khi Thánh Thần của Người đã “lấy hình lưỡi lửa” ngự xuống trên họ (Công Vụ Tông Đồ 2:3), ban cho họ lòng can đảm mới và ơn soi sáng mới để hiểu mầu nhiệm của Chúa;  hoặc kể từ khi thánh Gio-an viết bức thư thứ nhất cho một số những Ki-tô hữu tiên khởi, thì phương pháp duy nhất việc rao giảng Tin Mừng có thể áp dụng đó là phương pháp của tình yêu nhập thể.  Tình yêu phải được hóa thân và truyền đạt dĩ nhiên bằng lời nói, nhưng trên hết vẫn là bằng tất cả cuộc sống.

         Việc truyền giáo là chứng từ được thể hiện qua tất cả cuộc sống của người công bố Tin Mừng.  Khi thánh Gio-an viết về Chúa Ki-tô, ngài đã viết như một chứng nhân.  Ngài chỉ công bố những gì ngài đã thấy, đã nghe và đã chạm đến Đấng là cánh cửa để ngài và chúng ta bước vào niềm vui.  Ngài đã chiêm ngưỡng “Lời sự sống… được tỏ bày” (1 Gio-an 1:1-2) với thái độ sửng sốt và yêu mến có thể cảm xúc được như người ta thấy trong thư của ngài.  Dường như ngài vẫn còn thấy hiện ra trước mắt mình hình ảnh Chúa Giê-su trên thập giá, yêu thương chúng ta tới cùng, hoặc Chúa Giê-su phục sinh tỏ ra những vết thương vinh hiển của Người, yêu thương chúng ta vô bờ.  Tình Yêu ấy đã đưa Gio-an đến yêu thương – yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, yêu mến cộng đồng tín hữu là Giáo Hội, và yêu thương mọi người như anh chị em mình.  Ngài biết rõ điều các Ki-tô hữu sau ngài cần phải biết:  anh chị em không thể làm chứng cho Lời hóa thành nhục thể nếu không để cho Lời hóa thành nhục thể trong chính anh chị em.

         Lời Thiên Chúa là một Lời hoàn toàn cam kết với mọi người đã sống và sẽ sống.  Lời ấy là sự cam kết của Con Thiên Chúa, Đấng đã đến để chết cho chúng ta được sống, không còn là sự sống nhỏ bé và giới hạn lệ thuộc vào cái chết, nhưng là chính sự sống của Thiên Chúa.  Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho chúng ta trong tình yêu.  Lời của Người đã trở nên nhục thể, “hạ mình” (Phi-líp-phê 2:8) hoàn toàn để đem tình yêu Thiên Chúa đến cho chúng ta khi Người chết trên thập giá.  Làm như vậy, Người đã đặt nền móng cho điều mà Đức Hồng y Ratzinger gọi là điều kiện thứ nhất của mọi việc rao giảng Tin Mừng:  Hiến thân cho “Đức Ki-tô vì sự cứu rỗi nhân loại là điều kiện căn bản của việc dấn thân đích thực cho Tin Mừng… Truyền giáo không chỉ là một cách nói, nhưng là một lối sống”.[50]

         Thiên Chúa đã hoàn toàn hiến thân trong tình yêu, nên con người cũng không thể làm chứng cho tình yêu này một cách đáng tin cậy nếu họ không hiến thân hoàn toàn. Theo cách đó, việc truyền giáo là một hình thức làm chứng bằng một cuộc sống toàn diện và một cuộc sống chiếu tỏa tình yêu.  Giống như một người yêu đích thực, một chứng nhân không tìm kiếm gì cho mình;  họ hiến thân, hướng tất cả cuộc đời mình cho những gì họ đã thấy.

         Hơn nữa, vì Ki-tô hữu đã được gia nhập vào “sự hiệp thông” hoặc kết hiệp để lãnh nhận Lời Chúa, suy niệm và thực hành, nên họ không làm chứng một mình.  Trong tất cả sự yếu đuối và khó khăn của mình, họ được đem vào một sự kết hiệp lớn lao hơn chính bản thân họ.  Làm chứng cho một Đấng khác, cho một vẻ đẹp đã đưa bạn thoát ra khỏi con người mình, như Ratzinger nhắc nhở chúng ta, đó là “nói lên trong sứ mệnh của Giáo Hội”.[51]  Vì Giáo Hội có nguồn gốc nơi Thiên Chúa và phản ánh đời sống của Người, nên “cộng đồng Ki-tô không khi nào tự đóng kín”.[52]  Mọi sự trong Giáo Hội và mọi sự Giáo Hội thực hiện, ngay cả đến đời sống cầu nguyện âm thầm nhất, “chỉ mang đầy đủ ý nghĩa khi trở nên một chứng nhân”, hay một chứng từ về tình yêu:  “Toàn thể Giáo Hội lãnh nhận sứ mệnh rao giảng Tin Mừng, và việc làm của từng cá nhân cũng đều quan trọng cho toàn thể cộng đồng ấy”.[53]

 

Kết luận:  Hạt lúa mì

 

         Mặc dù mọi sự trong thế giới và tất cả óc sáng tạo của con người đều nhắm mục đích phục vụ cho tình yêu Thiên Chúa, việc truyền giáo không phải là một chương trình có thể được đảm trách hay hoàn hảo hóa nhờ những kỹ thuật mới mẻ nhất.  Trái lại, phương pháp truyền giáo luôn luôn và không thể tránh né, đó là phương pháp làm chứng nhân cùng một lúc vừa thuộc về chúng ta vừa thuộc về toàn thể Giáo Hội.  Đó là việc một người cam kết sẽ trung thành và kiên trì, chờ đợi hạt lúa là Lời Chúa mang lại hoa trái.  Đôi khi phải chờ đợi lâu và đôi khi cũng khó chờ đợi, nhưng đó là chờ đợi trong hy vọng.  Đó cũng là chờ đợi trong cầu nguyện, bởi vì chỉ  nhờ nhìn thấy, lắng nghe và chạm tới Lời, chúng ta mới bắt đầu hiểu được sự lớn lao của ân huệ mình đã lãnh nhận.

         Trong phụng vụ của Giáo Hội và trong việc thinh lặng chiêm ngắm, chúng ta biết là mình đã được yêu thương vô bờ và như vậy là chúng ta gặp được niềm vui.  Nhưng tình yêu và niềm vui này không chỉ dành riêng cho một mình chúng ta;  mà đó là một sức mạnh hướng ngoại tiến sang anh chị em chúng ta.  Theo lời Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, “Phát xuất từ việc chiêm ngắm, với tất cả sức mạnh nội tại, ý thức cấp bách về truyền giáo, một bổn phận đòi hỏi chúng ta “thông đạt điều chúng ta đã thấy và nghe” để mọi người được thông hiệp với Chúa (1 Gio-an 1:3).  Thinh lặng chiêm ngắm dìm chúng ta trong nguồn suối Tình Yêu, Đấng dẫn chúng ta đến với người khác để chúng ta cảm nghiệm được nỗi đau của họ mà đem đến cho họ ánh sáng Chúa Ki-tô, thông điệp sự sống của Người và ân huệ cứu độ của tình yêu sung mãn.[54]

         Có lẽ đây là một nghịch lý, nhưng chính là trong những khi thất vọng, dường như mọi hành động hay lời nói của chúng ta đều không mang lại hoa trái, thì cuối cùng chúng ta mới phải đối diện với “phương pháp” truyền giáo đích thực:  Chúng ta không phải là nguồn gốc của Lời sinh hoa trái.  Tất cả sự sống và mọi “thành quả” của truyền giáo đều  phát sinh từ nơi Người.  Chúng ta chỉ là các tôi tớ của Người, vì Người cần có những ai biết yêu thương.  Người cần những ai biết hiến thân và cầu nguyện.  Những người như thế, thí dụ như thanh niên Karol Wojtyla và Joseph Ratzinger, giữa bóng đêm của thế giới đều chú ý nắm bắt được vẻ đẹp của Thiên Chúa.  Khi làm như vậy, họ ý thức được rằng Lời Chúa có phương pháp riêng của nó để sinh hoa trái dồi dào.

         Bàn về Tân Truyền giáo, Ratzinger đã nói:  “Chúa Giê-su không cứu chuộc thế giới bằng những lời hoa mỹ, nhưng bằng đau khổ và cái chết của Người.  Cuộc Thương khó là một nguồn sống không hề cạn dành cho thế giới;  cuộc Thương khó đem lại sức mạnh cho lời của Người.  Chính Chúa đã thiết lập luật hữu hiệu tính trong dụ ngôn hạt lúa mì gieo xuống đất phải chết đi”.[55]

         “Luật hữu hiệu tính” này tự nó áp dụng cho mọi công cuộc rao giảng Tin Mừng:  “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình;  còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Gio-an 12:24).

         Chứng nhân, người đã thấy, nghe và chạm tới Lời – như Gio-an, Karol, Joseph và có lẽ chúng ta nữa – cần phải biết luật này về hạt lúa chết đi để sinh được hoa trái bất ngờ và dồi dào:  “Chúng ta không thể đem sự sống đến người khác mà lại không hy sinh mạng sống mình”.[56]  Chúng ta cũng có thể mô tả điều này đơn thuần như là luật của tình yêu Thiên Chúa.  Có vẻ đây là một phương pháp kỳ cục và một luật khó khăn đối với Tân Truyền giáo, nhưng việc làm chứng bằng cách cho đi sự sống của chúng ta, đó là cách duy nhất để thực sự lấy tình yêu đáp lại Tình Yêu.  Đó là cách duy nhất để thực sự đạt được niềm vui.  Như Gio-an, Karol và Joseph từng ý thức, đó là cách duy nhất để sứ điệp Ki-tô trở thành Lời của Tình Yêu sống động và đầy tràn dành cho mọi người trong thời đại chúng ta. 

                        

 

 

Trích dẫn


Loan Báo tin Mừng Cách Mới Mẻ

 


 

[1]            Marina Corradi, “On Mission in the Depths of the East.”  Article, Avvenire (20-7-2011).  Bản dịch Anh ngữ từ www.chiesa.espressoonline.it.

[2]            N. R. Kleinfield, “U.S. Attacked;  Hijacked Jets Destroy Twin Towers and Hit Pentagon in Day of Terror,”              New York Times, 12-9-2001,

http://nytimes.com