Thánh Simon Phan Đắc Hòa – Y Sĩ (1774-1840)

Thánh Simon Phan Đắc Hòa – Y Sĩ (1774-1840)

Các Thánh Tử Đạo - Dec 12/12/2018

Thánh Simon Phan Đắc Hoà sinh năm 1774 trong một gia đình ngoại giáo tại làng Mai Vĩnh, xã Mông Thôn, tỉnh Thừa Thiên.

Lúc còn nhỏ, gia đình gọi cậu là Thu. Cha là quan Thượng Thư Phan Đắc Thục, mẹ tên là Đóa vợ lẽ của quan Thượng Thư. Sau khi quan Thương Thư Phan Đắc Thục chết, thì bà ngoại tên là Can dẫn hai chị em cậu Thu bỏ làng Mai Vĩnh về Kim Long, tỉnh Quảng Trị. Tại Kim Long, bà cậu đổi tên cho cháu là Hoà. Hai chị em cậu Hoà được một gia đình người Công giáo đạo hạnh tại làng Nhu Lý tên là Tảo nhận nuôi dưỡng, yêu thương và cho ăn học như con ruột thịt. Năm cậu Hoà được 12 tuổi thì gia đình ông Tảo xin cho cả hai chị em được rửa tội. Cậu Hoà nhận thánh Simon làm bổn mạng. Một thời gian sau, bà ngoại của chị em cậu Hoà cũng xin trở lại đạo Công giáo.

Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng cậu Hoà đã tỏ ra con người có tư cách, học chữ Nho rất giỏi, tư chất thông minh, lại có lòng đạo đức, sốt sắng việc nhà Chúa. Ông Tảo là người Công Giáo rất tốt lành nên ông ước muốn cậu Hoà trở thành linh mục trong tương lai. Ông xin cho cậu vào chủng viện An Ninh. Cậu Hoà thông minh, học hành rất giỏi lại giầu lòng đạo đức. Nhưng khi các bề trên biết cậu Hoà là con vợ lẽ của Thương Thư Phan Đắc Thục thì cho cậu về. Trở về với gia đình người cha nuôi lúc ấy thầy Hoà đã 30 tuổi. Thầy đến học nghề làm thuốc ở nhà ông y sĩ Phương, sau này kết bạn với người con gái tên Yêm 18 tuổi con của ông y sĩ Phương. Hai người sinh được 12 người con, có 3 cô con gái đi tu. Thầy Hoà sống đời sống gia đình rất gương mẫu. Hằng ngày thầy đưa con cái đi dự lễ và năng xưng tội rước lễ. Tối thì thầy đọc sách đạo hay truyện các thánh cho cả gia đình nghe. Thầy là y sĩ, là thầy thuốc nên Thầy rất thương người, hay giúp đỡ và làm phúc cho những người nghèo khó. Thầy hành nghề Y sĩ “Lương Y như từ mẫu”.Rất nhiều người được chữa lành bệnh nên người ta chuyền miệng nhau là Thầy lương y rất giỏi nên người ta đến xin Thầy cứu chữa rất đông, nhờ vậy Thầy có nhiều cơ hội giúp đỡ nhiều người nghèo khó và già yếu..

Thầy lương y Simon Phan Đắc Hoà sống đời giáo dân rất gương mẫu nên được bầu làm Thủ Chỉ làng Nhu Lý, kiêm Trùm họ đạo và Chánh Trương hàng xứ Nhu Lý. Thầy thi hành chức năng rất nghiêm chỉnh. Những người đồng đạo ăn ở bất xứng, biếng nhác, Thầy tìm mọi cách giúp họ sửa chữa, đôi khi Thầy nghiêm khắc cảnh cáo, sửa trị cách khôn khéo, nên người ta không tức giận mà lại thêm lòng kính trọng và yêu mến Thầy. Đối với những người cao tuổi hay già yếu hoặc cô nhi quả phụ, ông chánh trương Phan Đắc Hoà còn tận tình săn sóc và giúp đỡ. Nhờ lòng đạo đức và gương sách của vị Chánh trương trong xứ mà mọi người trong xứ đạo đều vui vẻ, yêu thương như một đại gia đình.

Khi vua Minh Mạng ra chiếu chỉ cấm đạo. ông Chánh lương y Phan Đắc Hoà âm thầm làm nhà riêng, tường có hai lớp để cho các linh mục ẩn trốn. Linh mục Thừa Sai De la Motte từ khi về Nhu Lý thường xuyên ẩn tại nhà ông. Ông thường xuyên cho người thăm nuôi cha Jaccard khi bị giam trong tù và tới khi bị trảm quyết thì ông xin đem xác cha Jaccard về an táng tại Nhu Lý. Đây là thời gian dân làng rất xôn xao và sợ hãi lệnh truy nã các vị Thừa sai rất khắt khe nên giáo dân không dám chứa chấp các Ngài nữa. Do đó, một mặt ông Chánh lương y Simon Phan Đắc Hoà viết thư cho Đức Cha Cuénot Thể để lưu ý Đức Cha về hoàn cảnh cực kỳ khó khăn trong  giai đoạn này, vì trước đây đã có thời gian ngài đã trú ẩn ở nhà của ông. Đàng khác, ông vẫn âm thầm tìm mọi cách để che chở giúp đỡ các vị Thừa Sai khác đang trong  lúc bị truy lùng rất kinh hoàng này.

Thế rồi một hôm vào tối ngày 13 tháng 4 năm 1840, trong khi ông dùng chiếc thuyền của một giáo dân An Ninh đưa Đức Cha De la Motte Y đến ẩn tại làng Hoà Ninh, trên thuyền có thầy Phê, bà Của và chị Hậu. Không may vì đã có người ngoại giáo theo dõi biết và đi báo cáo với quan huyện Dương Xuân nên thuyền vừa cập bến Hoà Ninh thì bị phát giác. Quân lính vây khám thuyền rồi bắt những người tên thuyền. Quan Cai hỏi:

– Thuyền của ai?

Thầy lương y Hòa trả lời:

– Thuyền của tôi là thầy lương y Phan Đắc Hoà.

Quan ra lệnh bắt Đức Cha De la Motte Y và thầy lương y Hoà giải về huyện Dương Xuân, rồi sau đó giải về Quảng Trị giam 2 tháng, cuối cùng giải về giam tại kinh đô Huế.

Trong suốt thời gian bị giam tù, thầy lương y Simon Phan Đắc Hoà đã tận tình giúp đỡ anh em bạn tù bằng cách bốc thuốc chữa các thứ bệnh, Thầy còn khuyên bảo, khích lệ anh em đồng đạo trung thành với Chúa và chuyên cần giữ đạo, không sợ hãi hình khổ, tra tấn. Nhiều lần thầy phải tra tấn rất dã man, bị kìm kẹp, máu thịt rơi rớt. Nhưng thầy Hoà luôn can đảm dâng lời cầu nguyện, xin thông hiệp với Chúa Kitô khổ nạn. Thầy lương y Hoà bị tra tấn tới 20 lần. Các quan nghĩ rằng tra tấn nhiều lần như vậy thì Thầy Hoà sẽ cung khai danh tính các vị Thừa Sai. Nhưng vô ích, Thầy đã cương quyết không khai báo điều gì mà còn nhân cơ hội này để giảng giải về chân lý của đạo. Bị Thầy giảng giải về Đạo, các quan nổi giận, ra lệnh đánh đập, kìm kẹp đau đớn cho tới khi Thầy không thể gượng dậy nổi được nữa. Tuy thân xác hoàn toàn bị rũ liệt, nhưng đức tin sắt đá của thầy lương y Simon Phan Đắc Hoà không hề lung lay, hay bị ngã gục.

Có lần các con đến thăm nuôi. Thầy lương y Hoà khuyên:

– Cha luôn yêu thương và chăm sóc các con. Nhưng Cha phải yêu mến Chúa nhiều hơn. Các con hãy vui lòng theo ý Chúa, đừng buồn. Các con ở với mẹ, yêu thương nhau và chăm sóc việc nhà. Từ đây cha không thể lo gì cho các con được nữa, nhưng mọi sự cha phó dâng cho Chúa. Chúa sẽ lo cho mẹ và các con. Cha vui lòng chịu mọi hình khổ vì yêu mến Chúa. Cha xin vâng trọn thánh ý Chúa định.

Lần khác, có một người học trò cũ tới thăm Thầy, Thầy ân cần khuyên nhủ người học trò cũ:

–  Con đến thăm Thầy lần này là đủ, đừng đến nữa kẻo lính biết, họ sẽ bắt. Các con không chịu được các hình khổ ghê sợ này đâu. Sáng tối con hãy nhờ đọc kinh xin Chúa cho Thầy được trung thành với Chúa, được chịu chết vì Đạo. Khi đầu Thầy rơi xuống rồi thì các con hãy tới an ủi bà và các con cháu của Thầy. Thầy coi các trò như con của Thầy. Khi lên trời, thầy sẽ phù hộ cho các con còn ở trần gian này.

Chờ đợi mãi tới năm 1840 vua Minh Mạng châu phê án xử trảm quyết, bêu đầu 3 ngày. Khi áp giải thầy lương y Simon Phan Đắc Hoà đi xử, các quan còn cố tình bắt ép Thầy phải bước lên Thánh Giá, dụ dỗ bỏ đạo để khỏi phải chết. Nhưng cho tới giờ chót, Thầy lương y Simon Phan Đắc Hoà vẫn giữ một lòng hiếu trung sẵn lòng chịu mọi hình khổ, kể cả cái chết ghê sợ nữa để trọn niềm tôn vinh và yêu mến Chúa. Giờ phút cuối cùng, Thầy lương y danh tiếng kiêm trùm chánh xứ đạo Nhu Lý đã toàn thắng, hiên ngang cầm cành lá vạn tuế tiến vào quê hương đích thực là Nước Hằng Sống.

Tới pháp trường, nơi xử án là Cổng Chém, gần chợ An Hoà, đội lý hình trói hai tay Thầy lương y Simon Phan Đắc Hoà. Quan Giám sát tuyên đọc lại bản án viết trên thẻ gỗ và ra lệnh sau tiếng trống thứ 3 thì chém đầu. Nhưng khi chiêng trống vừa nổi lên 3 hồi 9 tiếng thì vừa tới tiếng chiêng trống thứ nhất, lý hình đã vội chém đầu Thầy gần rơi khỏi cổ. Đội lý hình lấy gươm cắt đứt đầu khỏi cổ rồi tung lên cao cho mọi người xem thấy. Đầu rơi xuống đất ngay chỗ xác Thầy. Sau đó các quan  và lính rút lui, còn lại một đội lính canh cái đầu. Quan ra lệnh trao thủ cấp Thầy cho dân làng Đức Sơ ngoại giáo để treo đủ 3 ngày cho mọi người chứng kiến. Gia đình Thầy và giáo dân Nhu Lý lấy vải cuốn xác Thầy, chờ đợi sau 3 ngày xin luôn thủ cấp rồi rước về an táng ở làng Nhu Lý. Hôm đó là ngày 10 tháng 12 năm 1840.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã suy tôn Thầy lương y Simon Phan Đắc Hoà của làng Nhu Lý lên bậc Chân Phước ngày 27 tháng 5 năm 1900. Và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên bậc Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988.

 

Lm. Nguyễn Đức Việt Châu SSS