Lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương
St 1:1-5,11-12; Tv 96:1-2,2-3,4-5; Mt 23:13-22
XIN VÂNG
Chúng ta hãy liên kết ngày lễ hôm nay với ngày lễ Đức Maria hồn xác lên trời, mà chúng ta đã mừng hôm 15 tháng Tám. Hôm nay, chúng ta hãy suy niệm về mầu nhiệm Đức Maria được hiệp nhất với Chúa Giêsu, Con yêu dấu của Mẹ trên thiên đàng. Mẹ đang ở đó, với cả linh hồn và trọn thân xác của Mẹ.
Chữ 楨 (trinh) trong bộ mộc (木 – cây). Có nghĩa là: Cội; gốc; cái cột góc tường; hay cọc (đóng để xây tường thời xưa). Đi liền với chữ bối (貞) là danh từ chỉ trong trắng, tiết hạnh, trung thành. Và là tính từ chỉ sự chắn chắn, cứng cáp, tốt đẹp.
Còn chữ 禎 (trinh) trong bộ kỳ (礻). Là danh từ chỉ nét đẹp, điềm lành, cát tường, tốt lành.
…Tiếng Hán thuần Việt – Trinh Nữ Vương – chính là tước hiệu cao quý mà Giáo hội dành riêng cho Mẹ Ma-ri-a. Mẹ xứng đáng với danh hiệu này cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng:
Mẹ là sự cát tường, là diễm phúc hơn mọi người nữ, là điềm lành cho nhân loại được lãnh nhận ơn cứu rỗi của Thiên Chúa (Lc 1,26-38);
Mẹ là ánh bình minh của buổi rạng đông, là vầng Đông của Mặt Trời Công Chính (Ml. 4,2);
Mẹ chính là cội, là gốc đâm chồi ơn cứu chuộc của Ngôi Hai Thiên Chúa làm người (Is.1, 7; 11,1; Lc. 1, 32-33).
Cuộc sống của Mẹ thoạt nhìn cũng như bao phụ nữ khác đương thời bấy giờ. Nhưng Mẹ lại là một thụ tạo đầy ân sủng của Thiên Chúa, hằng có Thiên Chúa ở cùng và rất đẹp lòng Chúa (Lc 1, 28-30). Mẹ được Thiên Chúa tuyển chọn và mời gọi làm mẹ của Ngôi Lời Nhập thể. Để đáp lại thánh ý của Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ của Mẹ. Đấng ấy – đối với Mẹ – thì Toàn Năng, Giàu Lòng Thương Xót; và Danh của Người thì thật Chí Thánh Chí Tôn (Lc 1, 49 – 50), Mẹ đã thưa với sứ thần Chúa rằng: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38).
Dù cho các chính phủ ngày nay thường là những chính phủ cai trị theo nguyên tắc của chế độ dân chủ, chúng ta cũng vẫn có thể hiểu được tầm quan trọng của các vua chúa cũng như các bà hoàng trong lịch sử của nhiều quốc gia. Một bà hoàng tốt thì luôn được thần dân hết lòng phục vụ và yêu mến. Đó là hình ảnh bà hoàng mà chúng ta gặp thấy nơi Đức Maria. Mẹ thật là một Bà Hoàng dễ thương và nhân hậu. Mẹ cũng là Mẹ và là Thầy của mỗi người chúng ta.
Với tư cách là Mẹ, Mẹ Maria luôn quan tâm săn sóc chúng ta. Đừng bao giờ xấu hổ khi phải cầu xin Đức Mẹ bất cứ điều gì. Đức Mẹ sẽ ban cho ta được những ơn phần hồn. Mẹ sẽ trợ giúp ta cả những ơn phần xác. Đức Mẹ cũng là người Thầy của chúng ta, vì Mẹ để lại cho chúng ta một mẫu gương, dạy ta biết cách trở nên những môn đệ đích thực của Đức Chúa Giêsu Con Mẹ. Nếu ta đón nhận Mẹ làm Nữ Vương của mình, ta sẽ được Mẹ dạy cho biết nhiều điều kỳ diệu về sự sống của Đức Chúa Giêsu trong ta. Mẹ sẽ dẫn ta đến với Con của Mẹ.
Mặc dù biết rõ thân phận mình chỉ là phận nữ tỳ hèn mọn, nhưng Mẹ hoàn toàn ưng thuận uốn đời mình theo thánh ý Đấng Tối Cao đã đoái thương, nhìn tới, rồi tuyển chọn và trao phó sứ mạng lớn lao, là trở nên “Mẹ Thiên Chúa”. Và Mẹ cũng chính là Nữ Vương, là trạng sư, là Mẹ Giáo hội, Mẹ của chúng con.
Khi truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria, sứ thần của Chúa đã ngỏ lời cùng Mẹ: “Này bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao” (Lc 1, 31-32). Qua lời của sứ thần, Thiên Chúa muốn Đức Maria cộng tác vào công trình cứu chuộc của Người. Đây là một diễm phúc cho Mẹ nhưng cũng là một trọng trách thật lớn lao bởi vì Mẹ sẽ cưu mang Con Thiên Chúa.
Hơn ai hết, Đức Maria cảm nhận được sự bé nhỏ của mình trước tình yêu nhiệm mầu của Thiên Chúa nên đã thốt lên: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay hết mọi đời, sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1, 48). Ngày hôm nay, Chúa cũng đang mời gọi mỗi người chúng ta trở nên những ‘người của Chúa’, thực thi sứ vụ đem bình an cũng như loan truyền Tin Mừng yêu thương của Người đến với mọi người. Dẫu rằng chúng ta tự thấy mình bé nhỏ, giới hạn và tội lỗi, nhưng xin cho mỗi người ý thức được sứ mạng của mình và noi gương Mẹ Maria khiêm nhường, tin tưởng phó thác cho tình yêu của Chúa bởi “vì đối với Thiên Chúa, không gì là không thể làm được” (Lc 1, 37).
Khi nghe được lời truyền tin của sứ thần, Đức Maria đã thưa lại: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38). Hai tiếng ‘xin vâng’ của Mẹ Maria thật đơn sơ, nhưng là cả một sự dấn thân, từ bỏ, hy sinh để vâng theo thánh ý Chúa. Với hai tiếng ‘xin vâng’, Mẹ đã suy gẫm, thi hành thánh ý của Chúa trong suốt cuộc đời, vâng phục hoàn toàn trong đức tin. Còn đối với mỗi Kitô hữu, chúng ta đã thực sự nói lời ‘xin vâng’ trước lời mời gọi của Chúa chưa?
Lời ‘xin vâng’ của chúng ta đã được thể hiện như thế nào? Nhiều khi đứng trước những khó khăn trong cuộc sống, hầu như chúng ta chỉ biết than vãn, kêu trách Chúa mà không tìm xem Chúa muốn nói gì với mình qua những biến cố ấy. Một điều chắc chắn rằng Thiên Chúa không ngừng nói với chúng ta qua những dấu chỉ của cuộc sống hôm nay. Nếu biết lắng nghe, mở cửa tâm hồn thì chúng ta sẽ nhận ra thánh ý Thiên Chúa cũng như sẵn sàng khiêm nhường đón nhận và thi hành những điều Chúa muốn nơi cuộc đời mình.
Chúng ta có thể tôn kính Mẹ Maria mỗi ngày bằng nhiều cách. Chúng ta có thể đọc kinh Kính Mừng trong ngày. Chúng ta có thể dùng một quãng thời gian thanh vắng nào đó để cầu nguyện và đọc kinh Mân Côi. Chúng ta có thể mang trong mình một mẫu ảnh hay một bức tượng nhỏ của Mẹ để nhắc nhớ ta tôn kính Mẹ bằng những lời kinh. Đó là phương thế chúng ta đặt Mẹ làm trung tâm và là Nữ Vương của lòng mình.
Lm Antôn Tuệ Mẫn