Đức Hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, đã công bố một thư ngỏ hôm 9/2/2021 vừa qua, trả lời cho những lời phê bình của phía Tin lành Đức về lập trường của Tòa Thánh không chấp nhận việc các tín hữu Công giáo và Tin lành rước lễ chung bao lâu hai bên chưa có sự hiệp nhất trong cùng một đức tin.
Hồi tháng Chín năm 2019, Nhóm làm việc chung giữa Công giáo và Tin lành Đức (OAK) đã công bố một văn kiện dài 26 trang tựa đề “Cùng nhau tại bàn tiệc của Chúa”, khuyến khích các tín hữu Công giáo và Tin lành rước lễ chung, trong sự tôn trọng các truyền thống phụng vụ của nhau. Đức cha Georg Bätzing, Giám mục giáo phận Limburg, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, và cũng là đồng chủ tịch Nhóm làm việc chung soạn văn kiện này, đã tuyên bố hồi năm ngoái rằng trong Đại hội Công giáo và Tin lành vào năm tới, các tín hữu Công giáo và Tin lành sẽ rước lễ chung trong các thánh lễ Công giáo và Tiệc ly Tin lành. Bộ giáo lý đức tin đã gửi thư bác bỏ lập trường này.
Gần đây, Đức Hồng y Kurt Koch, người Thụy Sĩ, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, đã phê bình nhiều điểm trong tài liệu “Cùng nhau tại bàn tiệc của Chúa”. Phản ứng lại, giáo sư Volker Leppin thuộc Tin lành, và giảng dạy tại đại học Tuebingen, đã phê bình lập trường của Đức Hồng y Koch và cho rằng Đức Hồng y thiếu đối thoại.
Trong thư ngỏ, được hãng tin Công giáo Đức phổ biến hôm 9/2 vừa qua, Đức Hồng y Koch bác bỏ lời phê bình là ngài thiếu đối thoại, đồng thời Đức Hồng y cám ơn những cố gắng của nhóm làm việc chung nhắm vượt qua những vấn đề gây còn chia rẽ giữa Công giáo và Tin lành. Đức Hồng y Koch khẳng định rằng “sự vượt thắng các vấn đề ấy chỉ có thể diễn ra trong tinh thần thực tiễn và trách nhiệm, đối chiếu với thực tại cụ thể của các Giáo hội”.
Đức Hồng y Koch nêu rõ sự cách biệt lớn giữa lập trường của nhóm làm việc chung cho rằng hiện nay có sự cùng đồng thuận giữa các Giáo hội về việc cùng rước lễ chung và thực tại cụ thể trong các Giáo hội Tin lành. Đức Hồng y nêu ví dụ: Giáo hội Tin lành ở bang Hessen-Nasau vốn chủ trương: “tất cả những ai đến dự lễ đều được mời lên rước lễ, cả những người không rửa tội cũng được rước lễ.” Đức Hồng y đặt câu hỏi: “Như vậy làm sao nhóm làm việc chung có thể quả quyết có sự liên hệ giữa phép rửa tội và việc rước lễ Công giáo hoặc bữa Tiệc ly theo Tin lành, khi mà những người chưa rửa tội cũng được rước lễ?”
Đức Hồng y Koch nhấn mạnh rằng: “Nếu nhóm làm việc chung quả quyết việc nhìn nhận phép rửa tội của nhau, Công giáo và Tin lành, là nền tảng của đại kết, và việc rước lễ chung, vậy thì tại sao lại cho cả những người không rửa tội được rước lễ?
Và Đức Hồng y Koch nhắc lại lập trường của Công giáo là chỉ có thể rước lễ chung nếu có sự hiệp nhất trong cùng một đức tin.
G. Trần Đức Anh, O.P.
Nguồn: Radio Veritas