Đây là một câu hỏi khá tế nhị và câu trả lời cũng dễ dàng bị hiểu sai. Nếu trả lời tiếng lương tâm là tiếng Chúa như ta vẫn thường được nghe nói thì làm thế nào có thể hiểu được trường hợp của những người làm những điều sai trái mà họ xác tín là làm theo lương tâm. Phải chăng tiếng Chúa sai lầm ?
Lương tâm là gì ? Sách Giáo lý Công Giáo số 1795 nhắc lại giáo huấn Công Đồng Vaticanô II của Hiến Chế Vui Mừng và Hi Vọng dậy rằng :
"Lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người; nơi đây con người hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Người vang dội trong thâm tâm họ" (GS 16).
Như vậy từ trong cõi sâu kín của tâm hồn tiếng của Thiên Chúa vang lên và con người với tất cả những yếu tố bản thân gồm cả lý trí, tình cảm, tâm tư, ước muốn đón nhận tiếng nói ấy để thành
“ một lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng vẫn phải tuân theo. Tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người… Quả thật, con người có một lề luật được Thiên Chúa khắc ghi trong tâm hồn.” (GLCG. 1776).
Nhưng con người trong những hoàn cảnh cụ thể và môi trường xã hội còn chịu nhiều ảnh hưởng làm có thể làm cho lương tâm phán đoán sai lầm. Sự sai lầm ấy có thể xẩy ra vì thiếu hiểu biết hoặc vì không mấy lo lắng tìm kiếm chân lý và điều thiện hay vì thói quen phạm tội mà lương tâm dần dần trở nên mù quáng (x. GLCG 1791).
Ngoài ra những lệch lạc còn xẩy ra vì những lý do khác mà số 1792 sách Giáo Lý Công Giáo đã vạch ra :
Những lệch lạc trong phán đoán luân lý có thể xuất phát từ thiếu hiểu biết về Đức Ki-tô và Tin Mừng; gương xấu của người khác; nô lệ các đam mê; nghĩ sai lạc về tự do lương tâm; khước từ quyền bính và giáo huấn của Hội Thánh; thiếu hoán cải và bác ái.
Vì thế mà luơng tâm cần phải được rèn luyện để có được những phán đoán luân lý ngay thẳng và chân thật. Việc giáo dục lương tâm là một nhiệm vụ rất quan trọng phải theo đuổi suốt đời.
Ngay từ thời thơ ấu, trẻ con phải được hướng dẫn để nhận biết và thực hành luật nội tâm đã được lương tâm công nhận. Một nền giáo dục tốt dạy con người sống đức hạnh, bảo vệ và giải thoát con người khỏi sợ hãi, ích kỷ và kiêu căng, những mặc cảm tội lỗi và thái độ tự mãn, những thứ phát xuất từ sự yếu đuối và dễ sai lầm của con người. Giáo dục lương tâm bảo đảm tự do và tạo bình an trong tâm hồn. (GLCG. 1784).
Như vậy ta có thể lấy lại điều Đức Hồng Y Newman trình bầy và được trích dẫn trong sách Giáo Lý Công Giáo nói về lương tâm.
Lương tâm là sứ giả của Đấng nói với chúng ta sau một bức màn, dạy dỗ và hướng dẫn chúng ta, trong thế giới tự nhiên cũng như trong thế giới ân sủng. Lương tâm là vị đại diện thứ nhất trong các đại diện của Đức Ki-tô" ( Newman, thư gởi quận công Norfolk )
Lương tâm là nơi tiếng Chúa vang dội trong thâm tâm con người và mỗi người với những yếu tố nội tại đón nhận tiếng nói ấy để làm thành lề luật của tinh thần.
Khi nghe theo tiếng lương tâm, người khôn ngoan có thể cảm nhận được Thiên Chúa đang nói với mình.(GLCG 1777)