Tìm Hiểu Về Phụng Vụ_Bài 2

Tìm Hiểu Về Phụng Vụ_Bài 2

Tài liệu tham khảo - Mar 24/03/2014

“Các tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42).

 

Bài 2 : LỊCH SỬ PHỤNG VỤ

 

 

 "Các tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng" (Cv 2,42).

 

 

Phụng vụ của Hội Thánh như chúng ta thấy hiện nay đã không hình thành một sớm một chiều, nhưng đã tiến triển từng bước theo thời gian. Một mặt vì phụng vụ là tác động thần linh nên có những yếu tố nền tảng không thể thay đổi; mặt khác vì tính nhân trần nên phụng vụ không phải là một thực tại bất động, khô cứng, nhưng cần phải thích nghi theo từng môi trường và văn hóa địa phương. Đó chính là lý do tạo nên những truyền thống phụng vụ, hay còn gọi là gia đình phụng vụ trong dòng lịch sử.

 

 

I. PHỤNG VỤ VÀ TRUYỀN THỐNG

 

 

Truyền thống là cách thức bảo tồn và chuyển tải di sản tinh thần của thế hệ đi truớc sang cho các thế hệ sau. Hiểu như vậy, Truyền thống Kitô giáo vừa bảo đảm nội dung đức tin, vừa là cách thức truyền tải đức tin một cách chắc chắn từ các tông đồ đến chúng ta ngày nay. Chính đức tin chi phối việc cử hành phụng vụ, như câu châm ngôn ngàn đời của Giáo Hội: "Luật cầu nguyện là luật đức tin" (Lex orandi lex credendi). Ngay từ đầu, Giáo Hội đã cử hành phụng vụ đồng thời với việc rao giảng Tin Mừng về mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô (Cv 2,1-47) . Tuy nhiên, việc cử hành phụng vụ có trước và tạo nên Truyền Thống, còn bản văn phụng vụ đến sau dựa vào Ký Ức cộng đòan.

 

 

Bận tâm của Hội Thánh ban đầu không phải là những bản văn thần học hay phụng vụ, nhưng là công cuộc rao giảng Tin Mừng dựa vào uy thế của các tông đồ và những người kế vị. Vì thế không thể quan niệm một cử hành phụng vụ không có Hội Thánh hay tách rời khỏi các tông đồ và những người kế vị. Chính trong sự liên tục của Truyền thống này mà đức tin Kitô giáo được gìn giữ vẹn tuyền và trở nên sống động qua mọi thời nhờ các cử hành Phụng vụ.

 

 

II. BẢN VĂN PHỤNG VỤ

 

 

Ngoài những dấu tích khảo cổ về các bức bích họa trên tường, các di tích thánh còn để lại những dấu vết sinh hoạt phụng vụ của Hội Thánh thời tiên khởi, chúng ta còn thấy xuất hiện các nguồn tài liệu viết.

 

 

Trước hết phải kể đến cuốn sách Kinh Thánh.Hội Thánh kế thừa nhiều dấu chỉ và nghi lễ mà sách Cựu Ước còn ghi lại; và sách Tân Ước là những bản tường trình chính xác và trung thực về đời sống phụng vụ của Hội Thánh ban đầu. Thứ đến là các nguồn tài liệu khác mang giá trị lịch sử phụng vụ, quy định các thể thức phải giữ khi cử hành phụng vụ như sách Didaché, sách hộ giáo của thánh Justinô, sách truyền thống tông đồ của thánh Hypôlytô; hoặc trình bày và giải thích các cử hành phụng vụ như các bài giảng và giáo lý của Tertulianô, Xyrilô thành Giêrusalem, Ambrôsiô, Augustinô

 

 

III. BƯỚC KHỞI ĐẦU CỦA PHỤNG VỤ KITÔ GIÁO

 

 

Các Kitô hữu tiên khởi thường xuyên lui tới đền thờ cầu nguyện và chu toàn các việc phượng tự như những người Do Thái khác, và chỉ ngừng lên đền thờ khi bị người Do Thái loại trừ ra khỏi đời sống phượng tự của họ. Ngòai ra các Kitô hữu còn hội họp riêng tại tư gia để cầu nguyện, lắng nghe các tông đồ giảng dạy và cử hành nghi lễ bẻ bánh; đặc biệt vào ngày thứ nhất trong tuần, ngày Đức Kitô phục sinh và gọi là ‘ngày của Chúa’ (Chủ Nhật).

 

 

IV. PHỤNG VỤ CỦA HỘI THÁNH TRONG BỐN THẾ KỶ ĐẦU

 

 

Phụng vụ của Hội Thánh trong những thế kỷ đầu chưa có những quy định bắt buộc vì mỗi Hội Thánh địa phương còn gắn bó với truyền thống các tông đồ theo những nét độc đáo riêng. Phụng vụ thời này được coi là giai đoạn ứng khẩu, nghĩa là các giám mục chủ tọa các buổi cử hành phụng vụ có quyền sáng tác các bản văn và lời kinh phụng vụ, vì vào thời điểm này chưa có các bản văn chung. Dù là ứng khẩu nhưng các giám mục vẫn theo những truyền thống phụng vụ sẵn có trong Hội Thánh.Chúng ta có thể đọc thấy những điều đó trong các nguồn tài liệu sau đây :

 

 

-Sách Didaché (cuối thế kỷ I)

 

 

"Lạy Cha, chúng con tạ ơn Cha vì cội nho thánh thiện của Đavít, tôi tớ Cha, mà Cha đã mặc khải cho chúng con qua Đức Giêsu, Tôi Tớ Cha, được vinh hiển đến muôn đời. Amen. (Didaché 9 : lời tạ ơn trên chén)

 

 

-Sách Hộ giáo của thánh Justinô (khỏang năm 150).

 

 

-Sách Truyền thống các tông đồ của thánh Hypôlytô (vào đầu thế kỷ III).

 

 

-Sách Giáo lý của thánh Ambrôsiô (thế kỷ IV)…

 

 

Nói chung các cử hành phụng vụ trong bốn thế kỷ đầu của Hội Thánh không đồng nhất trong chi tiết nhưng luôn bảo đảm tính tông truyền và sự trong sáng của đức tin Kitô giáo. Sau khi Hội Thánh Công Giáo được hợp thức hóa trong toàn đế quốc Rôma, và có các Công đồng chung để minh định đức tin Kitô giáo đã tạo nên các gia đình phụng vụ.

 

 

V. CÁC GIA ĐÌNH PHỤNG VỤ

 

 

Vào thế kỷ V, Hội Thánh có 5 tòa giám mục quan trọng (Tòa Thượng Phụ) là Rôma, Constantinople, Alexandrie, Antiokia, và Giêrusalem. Chính những dẫn giải thần học, cộng thêm những ảnh hưởng văn hóa chính trị đã tạo nên sự độc lập cho các Tòa thượng phụ với những nghi lễ riêng, gọi là gia đình phụng vụ.

 

 

Các gia đình phụng vụ không phải một sớm một chiều hình thành, song là một quá trình lâu dài, hoặc là kết quả của sự hội tụ nhiều gia đình phụng vụ khác nhau. Ngày nay,có những Giáo Hội Đông Phương hiệp thông hoàn toàn với Hội Thánh Công Giáo, song lại theo một gia đình phụng vụ có nguồn gốc Chính Thống giáo.

 

 

1) Nhóm Alexandria :

 

 

Có hai nghi lễ chịu ảnh hưởng của gia đình phụng vụ Alexandria : nghi lễ Cốp (Copte) và nghi lễ Êtiôpi. Đặc tính của hai nghi lễ này là dùng ngôn ngữ Hy Lạp và Copte (Ai Cập cổ), và chủ trương thần học độc tính thuyết, nghĩa là Chúa Giêsu chỉ có một bản tính duy nhất. Ngày nay, những Kitô hữu hiệp thông với Hội Thánh Rôma vẫn cử hành theo nghi lễ Copte hay Ethiopie bằng tiếng Ả Rập.

 

 

2) Nhóm Antiôkia (Syrie):

 

 

Antiôkia là một tỉnh lớn của đế quốc Rôma, và một trong những nơi đầu tiên đón nhận Tin Mừng (Cv 11,26) nên Hội Thánh tại đây cũng đã có những cử hành phụng vụ riêng biệt, rồi chia thành nhiều nghi lễ khác nhau: nghi lễ Antiôkia, Cađêen, Byzantin, Armêni …

 

 

VI. NGHI LỄ TÂY PHƯƠNG

 

 

Phụng vụ Tây Phương từ thế kỷ IV đã chuyển dần từ tiếng Hy Lạp sang tiếng La Tinh, để rồi trở thành ngôn ngữ chính thức của Hội Thánh trong phụng vụ và các văn kiện Tòa Thánh.

 

 

Nghi lễ Rôma mang giá trị truyền thống tông đồ và lan rộng sang nhiều địa phương. Đặc điểm của nghi lễ Rôma là chỉ có một Kinh nguyện Thánh Thể cho mọi thánh lễ, dù rằng có nhiều lời tiền tụng thay đổi.

 

 

Nghi lễ Ambrôsiô do thánh Ambrôsiô áp dụng nghi lễ Rôma với ít nhiều thích nghi cho vùng Milan, và nó đã tác động ngược lại trên phụng vụ Rôma (KNTT I, và kinh Te Deum của Giáo Hội Tây Phương được gán cho thánh Ambrôsiô).

 

 

Nghi lễ xứ Gaule (Bắc Âu) và Mozarabe (Tây Ban Nha) mượn lại nghi lễ Rôma song có nhiều Kinh Nguyện Thánh Thể, nhiều màu sắc rực rỡ và hoành tráng.

 

 

VII. GIAI ĐOẠN CANH TÂN

 

 

Từ thế kỷ IX đến trước Công đồng Trentô (thế kỷ XVI), phụng vụ bị pha tạp nhiều yếu tố phụ làm lu mờ các cử hành chính, xảy ra nhiều lạm dụng, dị đoan, dẫn đến các phong trào cải cách và phe phái trong Hội Thánh.Công đồng Trentô (1562) đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử phụng vụ của Hội Thánh.Công đồng Trentô tái khẳng định các nghi thức thánh lễ là hợp pháp với hai phần: bàn tiệc Lời Chúa  bàn tiệc Thánh Thể, chỉ dùng ngôn ngữ La Tinh trong phụng vụ, và cũng trong thời kỳ này,Hội Thánh có một cuốn sách Giáo lý chung làm nền tảng cho việc huấn giáo và canh tân phụng vụ. Việc canh tân của Công đồng Trentô đã có ảnh hưởng trong phụng vụ Rôma và kéo dài trong nhiều thế kỷ. Công đồng Vatican II đã kế thừa di sản ấy và tiếp tục đường lối canh tân của Công đồng Trentô.

 

 

Hiến chế về Phụng vụ thánh là văn kiện đầu tiên của công đồng Vatican II (1963) đã mở ra những hướng đi tích cực, vừa trở về nguồn Thánh Kinh và Truyền Thống, vừa hội nhập văn hóa để cộng đồng Dân Chúa tham dự một cách chủ động và tích cực như chúng ta thấy hiện nay.

 

 

"Giáo Hội Mẹ Thánh coi tất cả những nghi lễ đã được chính thức công nhận đều bình đẳng trên pháp lý và được tôn trọng như nhau, lại muốn các Nghi Lễ ấy được duy trì trong tương lai và được cổ võ bằng mọi cách. Thánh Công Đồng cũng ước mong, nơi nào cần, các Nghi lễ ấy phải được cẩn thận tu chỉnh cho toàn vẹn theo tinh thần truyền thống lành mạnh và được bổ sung một sinh khí mới mẻ hầu phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu hiện tại."(PV 3).

 

 

 TÓM LƯỢC :

 

 

1* H. Tại sao Truyền Thống lại giữ một vai trò quan trọng trong lịch sử phụng vụ ?

 

 

-T. Truyền Thống của Hội Thánh có vai trò quan trọng trong lịch sử phụng vụ vì nó góp phần bảo tồn và chuyển tải di sản tinh thần và đức tin của Hội Thánh, và hình thành các bản văn phụng vụ và tuyên tín vì "luật cầu nguyện là luật đức tin".

 

 

2* H. Người Kitô hữu có quyền sáng tác phụng vụ theo sở thích riêng không ?

 

 

-T. Không ai có quyền sáng tác phụng vụ theo ý riêng mình, kể cả giám mục, bởi vì phụng vụ không phải là những họat động riêng tư mà là những cử hành của Hội Thánh; và vì là họat động chung nên phụng vụ phải được quy định rõ ràng bởi những thẩm quyền chính thức trong Hội Thánh, như Hội Thánh đã từng làm trong các giai đoạn lich sử của phụng vụ. Ngoài ra,người ta chỉ được phép thích nghi những chỗ mà chính nghi thức phụng vụ đã nói rõ và cho phép (GL 837; 838/1).

 

 

3* H. Ngày nay người tín hữu Công Giáo theo nghi lễ nào của Hội Thánh ?

 

 

-T. Người tín hữu Công Giáo chúng ta ngày nay theo nghi lễ Rôma được điều hành bởi Bộ Phượng Tự và Kỷ Luật Bí Tích. Ngoài ra có một số Giáo Hội vẫn hiệp thông hoàn toàn với Hội Thánh Rôma nhưng lại được phép sử dụng nghi lễ riêng của địa phương.

 

 

CẦU NGUYỆN :

 

 

Lạy Chúa, xin dạy con vững bước

 

 

trong đêm trăng mờ ảo

 

 

hay ngày sáng rạng ngời.

 

 

Xin dạy con nhìn lên phía trước,

 

 

đừng lầm lẫn những gì

 

 

của ngày mai với hôm qua.

 

 

Xin dạy con cùng Ngài làm nên ngày mới,

 

 

đừng tích tụ hoa tàn nhụy rữa

 

 

bên lối cũ đường xưa.

 

 

Xin dạy con mở toang những vách ngăn

 

 

thành cánh cổng của một lộ trình mới.

 

(ĐHY Roger Etchegaray)