Tuần 56: Sách Isaia III, chương 56-66

Tuần 56: Sách Isaia III, chương 56-66

Thánh Kinh 100 Tuần - Mar 24/03/2014

Tuần 56: Sách Isaia III
(chương 56-66)

TỔNG QUÁT

Chương 40-55 được viết tại Babylon khi dân Do thái sắp được hồi hương, còn các chương 56-66 được viết sau đó, phản ánh những vấn đề của cộng đồng Do thái thời hậu lưu đày. Vào thời kỳ này, cộng đồng Do thái bao gồm những người từ nơi lưu đày trở về, lại có những người không bị lưu đày và vẫn ở lại quê hương, và cả những người ở lại Babylon chứ không trở về quê nhà. Tình hình xã hội bất ổn và phức tạp, đời sống khó khăn… tất cả đều ảnh hưởng đến đời sống đức tin của dân, nhiều người không còn trung thành với niềm tin truyền thống của cha ông, và việc thờ cúng ngẫu tượng có cơ hội phát triển mạnh.

Có lẽ tác giả của những chương này là các môn đệ của Isaia đệ nhị. Các môn đệ này tạo thành một nhóm đặc biệt trong cộng đoàn thời hậu lưu đày, và họ cho rằng mình có trách nhiệm thực hiện sứ mạng của Người Tôi tớ được nhấn mạnh nhiều trong Isaia đệ nhị.

TIN MỪNG CHO NGƯỜI NGHÈO (61,1-11)

Chương 61 được coi là chương trọng tâm trong Isaia đệ tam. Những câu mở đầu rất giống những bài ca về Người Tôi tớ trong Isaia chương 42 và 49: “Thần Khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi…” Nhà tiên tri xem mình là người thi hành sứ mạng của Người Tôi tớ. Các tù nhân ở đây là những người bị lưu đày bên Babylon. Năm hồng ân là năm sabát, theo truyền thống là năm tha nợ và giải thoát nô lệ (x. Đnl 15, so sánh với Lêvi 25). Việc xức dầu ở đây có lẽ mang tính hình tượng, vì thông thường các tiên tri không được xức dầu, dù 1V 19,16 kể rằng Elia đã xức dầu cho Elisê.

Trong văn mạch của Isaia đệ tam, bản văn này làm nổi bật mối quan tâm đối với người nghèo, mối quan tâm đã được nhấn mạnh trong chương 58 và 59. Tuy nhiên tầm quan trọng của bản văn này vượt qua khung cảnh lịch sử, và được coi như bản tóm tắt về sứ mạng của mọi môn đệ trong mọi thời đại. Trong Phụng vụ Lễ Dầu vào Thứ Năm Tuần Thánh, cùng với bản văn này, Hội Thánh công bố Tin Mừng Luca 4,17-19, kể lại việc Chúa Giêsu vào hội đường Nadarét, đọc bản văn này trước cộng đoàn và công bố, “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh anh chị em vừa nghe.”

Mỗi người Kitô hữu cũng có thể đọc và suy niệm bản văn này từ hai góc độ: góc độ của người nghèo đón nhận Tin Mừng, và góc độ của sứ giả loan báo Tin Mừng. Từ góc độ của người nghèo, chỉ khi nào ta đủ khiêm tốn để nhận ra tình trạng nghèo nàn của mình trong đời sống tâm linh, bị giam cầm trong ngục tù tội lỗi, và tâm hồn tan nát vì khổ đau… lúc ấy ta mới khám phá Lời Chúa thực sự là Tin Mừng cho chính mình. Từ góc độ sứ giả loan báo Tin Mừng, bản văn này giúp ta ý thức lại sứ mạng của người Kitô hữu, sứ mạng tiên tri, sứ mạng công bố ơn tha thứ và ơn hoà giải của Thiên Chúa cho mọi người chúng ta gặp gỡ.

TỐ CÁO HÀNG NGŨ LÃNH ĐẠO
(56,9 – 57,21)

Các nhà chú giải không hoàn toàn nhất trí về nguồn gốc và ý nghĩa của bản văn này. Một số học giả cho rằng bản văn này đã có từ trước lưu đày vì giống những lời sấm trước lưu đày chống lại việc thờ ngẫu tượng. Nhưng những học giả khác lại cho rằng bản văn nhắm đến hàng ngũ lãnh đạo thời sau lưu đày.

Rõ ràng bản văn lên án những người lãnh đạo lúc đó bằng những từ hết sức mạnh mẽ như “đui mù,” “chó câm,” “chó đói”: “Những người canh gác Israel đui mù hết, chẳng hiểu biết gì; cả bọn chúng là lũ chó câm, không biết sủa… lũ chó đói, ăn chẳng biết no… Thế mà chúng lại là mục tử, mục tử chẳng biết phân biệt gì.” Những từ ngữ trên mang tính cực đoan nhằm diễn tả tình trạng tồi tệ lúc đó. Những hình ảnh mà bản văn sử dụng để nói về các nhà lãnh đạo như “người canh gác” (Ez 3,17; 33,1-9), “mục tử” (Ez 34), giúp người đọc đối chiếu trách nhiệm của người lãnh đạo tôn giáo và thực trạng đang diễn ra.

Bản văn này không chỉ là lời tố cáo hàng ngũ lãnh đạo đương thời nhưng còn là lời cảnh giác đối với tất cả những ai có trách nhiệm lãnh đạo trong Giáo Hội. Nhà lãnh đạo phải là người canh gác cho dân để phát hiện những mối nguy hiểm đang rình rập và gây nguy hại cho đời sống tinh thần của dân. Nhà lãnh đạo phải là người dám nói lên tiếng nói của sự thật và lên án những gian dối; nếu không, họ sẽ bị kết án là “chó câm”! Nhà lãnh đạo phải là người biết quên mình để phục vụ hạnh phúc của dân chứ không thể lợi dụng dân mà thoả mãn bản thân; bằng không họ chỉ là “chó đói.”