Tuần 92: Tin Mừng theo Thánh Matthêu (Chương 13-19)

Tuần 92: Tin Mừng theo Thánh Matthêu (Chương 13-19)

Thánh Kinh 100 Tuần - Mar 24/03/2014

CÁC DỤ NGÔN VỀ NƯỚC TRỜI (13,1-53)


TUẦN 92

 

TIN MỪNG MATTHÊU
(Chương 13-19)

CÁC DỤ NGÔN VỀ NƯỚC TRỜI (13,1-53)

 

Bài giảng lớn thứ ba của Chúa Giêsu là những dụ ngôn về Nước Trời. Dụ ngôn là một hình ảnh mang tính ẩn dụ được rút ra từ thiên nhiên hoặc từ cuộc sống hằng ngày. Hình ảnh sống động ấy thu hút sự quan tâm của người nghe, đồng thời mời gọi họ tìm kiếm ý nghĩa chính xác của dụ ngôn. Chúa Giêsu đã vận dụng nhiều hình ảnh để rao giảng về Nước Trời, những hình ảnh đơn sơ cụ thể nhưng hàm chứa nội dung sâu sắc đến nỗi qua nhiều thế kỷ, người ta vẫn tiếp tục suy tư tìm kiếm và ngỡ ngàng trước sự phong phú ấy.

Chương 13 trong Tin Mừng Matthêu ghi lại nhiều dụ ngôn: Người gieo giống (13,3-9); Cỏ lùng (13,24-30); Hạt cải (13,31-32); Men trong bột (13,34-35); Kho báu và ngọc quý (13,44-46); Chiếc lưới (13,47-50).

Để giúp cho việc tìm hiểu các dụ ngôn, xin ghi lại đây những chỉ dẫn của Giáo Hội: “Chúa Giêsu kêu gọi người ta vào Nước Trời bằng cách dùng các dụ ngôn, là nét đặc trưng trong cách giảng dạy của Người. Qua các dụ ngôn, Người mời mọi người vào dự tiệc Nước Trời, nhưng Người cũng đòi phải có một lựa chọn triệt để: để đạt tới Nước Trời, phải cho đi mọi sự; lời nói suông không đủ, cần phải có việc làm. Các dụ ngôn như những tấm gương đối với con người: họ đón nhận Lời Chúa chỉ như mảnh đất khô khan hay mảnh đất màu mỡ? Họ làm gì với những nén bạc đã nhận? Chúa Giêsu và sự hiện diện của Nước Trời trong trần gian, một cách kín đáo, nằm ở trung tâm của các dụ ngôn. Cần phải tiến vào Nước Trời, nghĩa là phải trở nên môn đệ Đức Kitô, mới “hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời” (Mt 13,11). Còn đối với những kẻ “ở ngoài” (Mc 4,11), mọi sự đều bí ẩn” (GLHTCG, số 546).

Để trả lời cho câu hỏi của các môn đệ: “Tại sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?” Chúa Giêsu trả lời: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không” (13,10-11). Câu trả lời hàm nghĩa rằng để hiểu được ý nghĩa các dụ ngôn về Nước Trời, người ta cần có dự trạng thiêng liêng, thái độ tinh thần thích hợp; nếu không, chỉ thấy được bề mặt mà không hiểu nội dung, nhất là dấn thân theo tiếng gọi của Nước Trời.

 

ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN (18,1-35)

 

Trong năm bài giảng lớn của Chúa Giêsu, bài thứ tư là những chỉ dẫn về đời sống cộng đoàn. Thánh Matthêu nhìn thấy những vấn đề trong cộng đoàn như khuynh hướng kiếm tìm địa vị, gương xấu, lối sống buông thả. Ngài vận dụng những lời nói của Chúa Giêsu từ nhiều nguồn khác nhau, rồi tập trung và sắp xếp lại thành bài giảng.

Ai là người lớn nhất trong Nước Trời (18,1-4). Các môn đệ đặt câu hỏi: “Ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Câu hỏi này xuất hiện trong bối cảnh xã hội Do thái lúc bấy giờ, vì người ta quan tâm đến vị trí của mỗi người trong Nước Thiên Chúa. Những thủ bản tìm được ở Biển Chết còn cho biết có sự sắp xếp vị trí trong những bữa ăn của cộng đoàn, và sự sắp xếp này được hiểu như phản ánh điều sẽ xảy đến trong Nước Thiên Chúa.

Để trả lời cho câu hỏi của các môn đệ, Chúa Giêsu gọi một em nhỏ đến và nói với các ông hãy nên như trẻ nhỏ (18,3). Trong xã hội Do thái ngày xưa, trẻ nhỏ không có quyền về mặt pháp lý và hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ. Đứa trẻ đón nhận mọi sự như quà tặng. Cũng vậy, không ai trong cộng đoàn, dù có địa vị cao thấp ra sao, có quyền đòi hỏi gì trong Nước Trời. Chỉ những ai biết đón nhận Nước Trời như một quà tặng thì mới được vào. Trẻ nhỏ được trình bày ở đây không phải để làm mẫu mực cho sự khiêm tốn hay ngây thơ, nhưng để nhấn mạnh rằng chúng ta không có quyền đòi hỏi vị trí trong Nước Trời, nhưng phải biết đón nhận như một quà tặng.

Đừng làm cớ cho người ta sa ngã (18,5-11). Trong đoạn văn này, “trẻ nhỏ” là hình ảnh của những thành viên đơn sơ mộc mạc trong cộng đoàn, họ có thể lạc xa Chúa vì gương xấu của người khác. Chúa Giêsu cảnh báo những người làm gương xấu :

– Thà chết còn tốt hơn là gây gương xấu cho người bé mọn;

– Trách nhiệm cá nhân của người gây gương xấu;

– Không có gì, dù phải chặt tay chặt chân, tồi tệ hơn là gây gương xấu.

Chiên lạc đàn (18,12-14). Điều gì xảy ra nếu một trong những người bé mọn này bị lạc lối? Chúa Giêsu mô tả Thiên Chúa như người chăn chiên “để 99 con trên núi mà đi tìm con chiên lạc”. Không nhất thiết sự tìm kiếm sẽ thành công: “Nếu may mà tìm được…”. Thiên Chúa không muốn cho kẻ bé mọn nào phải hư mất. Nên ghi nhận sự khác biệt giữa “lạc đường” và “hư mất”.

Hòa giải và tha thứ (18,15-35). Chúa Giêsu chỉ dẫn từng bước phải thực hiện để đưa một người anh em lỗi lầm: gặp gỡ cá nhân, với sự hiện diện của người làm chứng, đưa ra cộng đoàn. Ở cả ba bước, mục đích lớn nhất vẫn là đưa người anh em về với cộng đoàn. Kể cả trong trường hợp phải áp dụng “sự tuyệt thông” thì cũng vẫn là một biện pháp “trị liệu mạnh” (gây sốc!) nhằm giúp người anh em tỉnh ngộ.

Sau khi nói đến trường hợp không thể sửa chữa và hình phạt cuối cùng là tuyệt thông, bài giảng nhấn mạnh sự tha thứ trong đời sống cộng đoàn. Một lần nữa, Phêrô xuất hiện như phát ngôn viên của nhóm khi đặt câu hỏi: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần?” (18,21). Và ông hình dung ‘bảy lần’ là nhiều lắm! Nhưng Chúa Giêsu trả lời: “bảy mươi lần bảy”. Vấn đề không phải ở con số nhưng là vô giới hạn. Lý do và động lực của sự tha thứ vô giới hạn được trình bày trong dụ ngôn kế tiếp (18,23-25). Ong vua trong dụ ngôn là hình ảnh của Thiên Chúa: Ngài đòi thanh toán sổ sách (câu 23), đầy tớ phải sấp mình mà thưa: “Thưa Ngài” (câu 26), và Ngài hết sức độ lượng (câu 27). Thế nhưng tên đầy tớ lại không học được bài học quảng đại của ông vua. Anh ta cư xử quá độc ác với người khác. Vì thế, ông vua rút lại ơn tha thứ đã ban cho anh ta (câu 28-34). Dụ ngôn cảnh cáo người Kitô hữu rằng Thiên Chúa không tha thứ cho họ nếu họ không biết tha thứ cho anh chị em mình. Như thế ở đây, Matthêu trình bày lại lời cầu trong kinh Lạy Cha dưới hình thức một dụ ngôn: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6,12).