1. Não trạng bài Công Giáo và các cáo buộc vu vơ chống lại Đức Hồng Y George Pell
Các nhà chức trách Úc truy tố những tội “tấn công tình dục trong quá khứ” đối với Đức Hồng Y Pell. Đó là cho tiêu đề lớn của báo chí quốc tế. Bất kỳ cáo buộc về lạm dụng tình dục, bất cứ loại nào, liên quan đến Giáo Hội Công Giáo đều lôi kéo những phản ứng rất đáng kể của phương tiện truyền thông; đặc biệt khi nó liên quan đến một thành viên cao cấp của giáo triều Rôma.
Cảnh sát Victoria, những người đưa ra việc truy tố này, chưa xác định số lượng hoặc bản chất của những lời buộc tội. Người ta không biết những người tố cáo là ai, hoặc khi nào sự việc bị cáo buộc đã xảy ra. Cảnh sát Victoria khi đưa ra thông báo cũng lưu ý rằng họ vẫn hoàn toàn chưa kiểm tra lại tính xác thực.
Trong hoàn cảnh vu vơ như vậy, những lời buộc tội, những chế giễu cá nhân và thậm chí những lời lăng mạ nhắm vào cả Giáo Hội Công Giáo phản ánh rõ ràng một não trạng bài Công Giáo không kiềm chế của một vài phương tiện truyền thông.
Trong tuyên bố tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh hôm 29 tháng Sáu, Đức Hồng Y cho biết như sau:
“Những vấn đề này đã được điều tra trong hai năm qua,
Có những rò rỉ được đưa ra cho giới truyền thông.
Đã có không ngừng có những trò mưu sát tính cách của tôi, và trong hơn một tháng qua đã có những tuyên bố cho rằng một quyết định truy tố sắp xảy ra.
Tôi đang mong chờ để cuối cùng có mặt tại tòa án.
Tôi vô tội đối với những cáo buộc này, chúng đều là sai trái.
Toàn bộ ý tưởng của lạm dụng tình dục là khủng khiếp đối với tôi.
Suốt dọc dài những năm tháng qua, tôi đã hoàn toàn nhất quán và rõ ràng trong việc phản đối toàn bộ những cáo buộc này.
Tin tức về những cáo buộc ấy còn làm gia tăng mạnh mẽ quyết tâm của tôi và các thủ tục tố tụng tại tòa án hiện nay mang đến cho tôi một cơ hội để minh oan tên tuổi của mình và sau đó trở lại Roma này để làm việc.”
Cách thức một nhân vật của công chúng bị buộc phải tự vệ chống lại một làn sóng công khai lăng mạ, phải tới phòng xử án mà không biết gì về các chi tiết cụ thể liên quan đến những cáo buộc, có nên làm cho chúng ta cho tạm dừng để suy nghĩ một cách nghiêm chỉnh đối với một nền tư pháp dân chủ trong đó phải giả định người bị cáo buộc là vô tội cho đến khi tòa án chứng minh được bị can là có tội.
2. Đức Hồng Y Dolan nói phản ứng của Đức Hồng Y Pell cho thấy “dũng khí của một người vĩ đại”
Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York cho biết ngài muốn “gắn bó với” người bạn cũ của mình là Đức Hồng Y George Pell của Úc, là người đang phải đối mặt với những cáo buộc hình sự về lạm dụng tình dục. Bên cạnh đó, Đức Hồng Y nói Giáo Hội Công Giáo cần phải mạnh mẽ hơn trong việc phê phán não trạng bài Công Giáo.
Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York, đang tham dự một hội nghị tại Orlando, Florida. Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Công Giáo này quy tụ hơn 3,000 giám mục, linh mục và tu sĩ, và giáo dân để thảo luận về tương lai của nỗ lực truyền giáo Công Giáo Mỹ.
Ngài nói với tờ Crux. “Tôi không tin những cáo buộc chống lại ngài và việc Đức Hồng Y Pell hợp tác với ngành tư pháp xác nhận ngài không phải là người ngồi trên pháp luật, và điều đó thể hiện dũng khí của một người vĩ đại.”
“Tôi cảm thấy cực kỳ buồn cho người bạn tốt của tôi là Đức Hồng Y George Pell, buồn cho ngài và buồn với ngài. Tôi muốn trở thành một ủng hộ viên đắc lực của ngài, bởi vì tôi rất ngưỡng mộ ngài. Tôi khâm phục ngài, và tôi muốn gắn bó với ngài trong lúc thử thách này.”
“Tôi cầu nguyện, và tôi thực sự tin rằng, sự thật sẽ minh oan cho Đức Hồng Y Pell”.
Đức Hồng Y Dolan nhấn mạnh rằng chúng ta phải lưu ý đến những gì George Pell đã nói khi xảy ra những cáo buộc. Ngay lập tức, ngài nói là ngài tôn trọng và hợp tác với các thủ tục pháp lý, một cách mạnh mẽ và tự tin rằng quá trình tư pháp là cơ hội mà ngài cần hợp tác sẽ minh oan cho ngài.
Đức Hồng Y Dolan cũng nhắc lại rằng có lần Đức Hồng Y Pell đã nói “Tôi yêu Giáo Hội rất nhiều đến mức không thể cho Giáo Hội bị sỉ nhục, và tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng danh dự và sự liêm chính của tôi đó tôi sẽ được minh oan”
“Một người đã làm điều đó ở đây là Đức Hồng Y Joe Bernardin của Chicago vào giữa những năm 1990. Khi phải đối mặt với những cáo buộc loại này, ngài nói: ‘Tôi phủ nhận điều này, và tôi cầu nguyện cho những người đưa ra những cáo buộc như thế, nhưng tôi không đứng trên luật pháp. Tôi phải để cho cảnh sát điều tra việc này, và tôi cần phải bước sang một bên trong khi đó điều đó đang xảy ra.'”
3. Đức Tân Hồng Y Lào nói “Tôi đã từng bị cộng sản giam cầm trong 3 năm”
Một trong những vị được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong Hồng Y hôm 28 Tháng Sáu nói ngài đã bị giam cầm bởi chế độ cộng sản trong ba năm.
Đức Hồng Y Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun, đại diện tông tòa của Pakse, Lào, cho tờ La Repubblica: “Tôi đã từng bị cộng sản giam cầm trong 3 năm” vì rao giảng Tin Mừng trong những ngôi làng nhỏ và trong các nhà tù mà không được phép của nhà cầm quyền.
Ngài bị bắt vào năm 1984 vì tội “làm công tác tuyên truyền cho Chúa Giêsu”. Đức Hồng Y Ling, lúc đó 40, đã bị giam cầm “với xiềng xích trên tay và chân.” Ngài tin rằng việc tù tội của ngài “là cần thiết để hoán cải và thanh lọc” ngài cũng như những người khác.
Đức Hồng Y Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun sinh ngày 8 tháng 4 năm 1944 tại Lào, thuộc tu hội Thánh Ý Thiên Chúa (Voluntas Dei). Ngài hoàn thành các chương trình triết học và thần học tại Lào và Canada; và được thụ phong linh mục vào ngày 5 tháng 11 năm 1972 tại miền Giám Quản Tông Tòa Viêng Chăn.
Bên cạnh tiếng Lào, là tiếng mẹ đẻ, ngài còn thông thạo tiếng Khmer, Pháp và Anh.
Sau khi được thụ phong linh mục, ngài chịu trách nhiệm về việc huấn luyện các giáo lý viên và phụ trách việc truyền giáo trên các vùng sơn cước của Lào; là hai nhiệm vụ cam go và đầy thử thách dưới thời cai trị của Pathet Lào.
Năm 1975, ngài được bổ nhiệm làm linh mục chính xứ và sau đó là tổng đại diện miền Giám Quản Tông Tòa Viêng Chăn.
Ngày 30 tháng 10 năm 2000, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Đại diện Tông Tòa của Pakse và ngài được tấn phong Giám Mục ngày 22 tháng 4 năm 2001. Sau gần 17 năm cai quản Pakse, miền đất này đã có gần 13 ngàn tín hữu Công Giáo, với 6 linh mục giáo phận, 1 linh mục dòng, 12 chủng sinh, 9 tu huynh và 18 nữ tu.
Ngày 2 tháng 2 năm 2017, Đức Thánh Cha bổ nhiệm ngài kiêm nhiệm Giám quản Tông tòa Viên Chăn.
4. Giáo dân Nigeria biểu tình chống lại tối hậu thư của Đức Giáo Hoàng
Ngày 12 tháng 7 tới đây là hạn chót Đức Thánh Cha truyền cho các linh mục giáo phận Ahiara của Nigeria phải viết thư cho ngài cầu xin sự tha thứ và bày tỏ sự tuân phục đối với quyết định bổ nhiệm Đức Cha Peter Ebere Okpaleke làm Giám Mục giáo phận này. Tuy nhiên, tình hình vẫn còn rất căng thẳng.
Từ đầu tháng Bẩy biểu tình đã ra nổ liên tiếp chống lại tối hậu thư của Đức Giáo Hoàng. Hôm 01 tháng Bẩy hàng trăm tín hữu Công Giáo từ 163 giáo xứ trong giáo phận đã biểu tình tại nhà thờ chính tòa Ahiara và Tòa Giám Mục. Họ thề là Đức Cha Peter Ebere Okpaleke sẽ không bao giờ được chào đón tại giáo phận của họ.
Những người biểu tình, đa số mặc toàn màu đen đã kéo đến nhà thờ chính tòa từ sáng sớm nhưng một lực lượng cảnh sát vũ trang đã ngăn cản họ không cho vào trong nhà thờ chính tòa.
Thống đốc Rochas Okorocha của bang Imo đã đến tận nơi. Sau một cuộc họp kín với các linh mục trong giáo phận kéo dài hơn hai giờ, viên thống đốc đã lên tiếng kêu gọi các linh mục và giáo dân tuân theo các chỉ thị của Đức Giáo Hoàng.
Ông nói: “Tôi đã nghe những đau buồn và khiếu nại của đồng bào, nhưng không có giải pháp nào khác mang lại hòa bình. Vấn đề của đồng bào đã thu hút sự chú ý của Đức Giáo Hoàng và anh chị em biết rõ hơn tôi ý kiến của Đức Giáo Hoàng là chung cuộc.”
“Tôi cầu nguyện và tôi năn nỉ anh chị em hãy để cho các chỉ thị của Đức Giáo Hoàng được thi hành ít nhất là vì của hình ảnh của giáo phận và của quốc gia này. Thế giới biết đến chúng ta như những người chống lại Đức Giáo Hoàng thì không hay đâu.”
Trước lời kêu gọi của viên thống đốc, thay mặt cho các linh mục, linh mục Joseph Ezeji vẫn khăng khăng cho rằng hàng giáo phảm ở Nigeria đã lừa dối Đức Giáo Hoàng. Ông cho rằng cuộc khủng hoảng tại giáo phận Ahiara không bắt nguồn từ tình cảm sắc tộc.
Ông nói: “Hàng giáo phẩm Giáo Hội tại Nigeria đã nói dối với Đức Thánh Cha rằng chúng ta từ chối Okpalaeke vì tình cảm sắc tộc. Nhưng sự thật là quá trình lựa chọn của ông ta là không minh bạch.”
Thống đốc Rochas Okorocha đã truyền cho cảnh sát mở cửa cho anh chị em giáo dân vào trong nhà thờ chính tòa. Những lời của ông đã mang lại một bầu khí hòa bình.
5. Hầu hết các linh mục tại Ahiara đã bày tỏ sự tuân phục đối với Đức Giáo Hoàng
Gần đến hạn chót 12 tháng 7, là ngày cuối cùng Đức Thánh Cha truyền cho các linh mục giáo phận Ahiara của Nigeria phải viết thư cho ngài cầu xin sự tha thứ và bày tỏ sự tuân phục Đức Cha Peter Ebere Okpaleke làm Giám Mục giáo phận này, đa số các linh mục đã tuân theo chỉ thị của Đức Thánh Cha. Tuy nhiên, theo các quan sát viên địa phương, tình hình có lẽ vẫn chưa đi đến đâu.
Nha sĩ Mark Nwoga, và cũng là một giáo sư Nha Khoa tại đại học Mbaise nói với tờ Crux rằng, căng thẳng tại giáo phận Ahiara xuất phát từ lâu và căn cội của vấn đề là có những người “không nên được truyền chức” nhưng đáng tiếc là họ đã trở thành linh mục.
“Tình hình tại Ahiara không phải chỉ có tại Ahiara. Đó là một tình huống mà bạn có thể tìm thấy trong bất kỳ giáo phận nào, nơi một vài linh mục, là những người không nên được phong chức, đã trở thành linh mục.”
“Sau khi trở thành linh mục, những người này không vâng lời các giám mục của họ, chạy theo vật chất và bạo lực.”
Trong trường hợp của giáo phận Ahiara, ông nói, việc bác bỏ Đức Cha Okpaleke xuất phát từ ba linh mục “chính trị gia” là những người “làm ô nhiễm trái tim và khối óc của các linh mục và giáo dân khác.”
Các linh mục này cáo buộc Vatican phân biệt đối xử đối với giáo phận Ahiara, không bao giờ truyền chức giám mục cho bất cứ linh mục nào trong giáo phận này mặc dù giáo phận có nhiều ơn gọi linh mục hơn các giáo phận khác.
Khi Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố rằng các linh mục thuộc giáo phận này phải viết một lá thư xin lỗi về hành vi của họ và hứa trung thành với Đức Giáo Hoàng, kể cả trong vấn đề bổ nhiệm giám mục; ban đầu họ cho rằng đó là chuyện không có thật.
Khi Vatican đăng thông điệp của Đức Thánh Cha trên website của Tòa Thánh, họ không có lựa chọn nào khác là phải chấp nhận rằng chỉ thị này đến từ Đức Giáo Hoàng. Nhưng từ đó, họ đã phản hồi theo những cách khác nhau: có những người sẽ tuân thủ, những người viết thư hứa vâng phục nhưng từ chối Đức Cha Okpaleke, và những người đang kêu gọi Đức Thánh Cha Phanxicô từ chức.
Hôm 9 tháng 6, Đức Thánh Cha truyền rằng:
“Mỗi một linh mục hay giáo sĩ trong giáo phận Ahiara, cho dù đang cư trú ở đó hay đang làm việc ở nơi khác, thậm chí là đang ở nước ngoài đi nữa, đều phải viết một bức thư gửi cho tôi trong đó cầu xin sự tha thứ. Tất cả đều phải viết riêng từng cá nhân một.”
Nhiều linh mục đã thực hiện đúng tinh thần này; nhưng cũng có một số vị viết vào một lá thư được soạn thảo sẵn theo lối “điền vào chỗ trống”. Những người chọn sử dụng lá thư làm sẵn này thể hiện sự trung thành của họ đối với Đức Thánh Cha và Giáo Hội, xin lỗi vì từ chối việc bổ nhiệm giám mục, và hứa hẹn sẽ chấp nhận bất cứ ai mà Đức Giáo Hoàng quyết định là giám mục của Ahiara.
Tuy nhiên, lá thư làm sẵn này cũng gửi một lời cảnh báo cho Đức Thánh Cha Phanxicô: “Với lòng hiếu thảo và với một lương tâm ngay thẳng, con phải nói trước rằng có thể con không thể làm việc tốt với ngài [tức là Đức Cha Peter Ebere Okpaleke] như giám mục giáo phận của con. Dẫu sao, trong giáo phận này an toàn cá nhân của ngài có thể bị đe dọa.”
6. Quốc hội Đức hợp pháp hóa “hôn nhân đồng tính”
Trong một cuộc bỏ phiếu tại quốc hội với tỷ số 393-226, Đức đã hợp pháp hóa cái gọi là “hôn nhân đồng tính.”
Đức Tổng Giám Mục Heiner Koch của Berlin, thay mặt cho Hội Đồng Giám Mục Đức, đã tỏ ra đau buồn trước việc thông qua này và sự trớ trêu của khẩu hiệu “hôn nhân cho tất cả” mà báo chí Đức tán tụng sau cuộc bỏ phiếu này.
Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng:
“Sự hiểu biết về bí tích hôn nhân của chúng ta không thể bị ảnh hưởng bởi quyết định hiện nay của Quốc Hội Đức”.
7. Đức Giáo Hoàng trợ giúp anh chị em Chính Thống Giáo bị động đất tại Hy Lạp
Đức Thánh Cha Phanxicô đã góp € 50,000 (57,000 Mỹ Kim) vào quỹ dành cho các nạn nhân một trận động đất trên đảo Lesbos của Hy Lạp.
Một phát ngôn viên của Sứ Thần Tòa Thánh tại Hy Lạp nói rằng “quà tặng bất ngờ” này xảy ra sau khi các nhà lãnh đạo Chính Thống tại Lesbos xin các nhà lãnh đạo Công Giáo địa phương thông báo cho Đức Giáo Hoàng biết về sự tàn phá trên đảo này sau trận động đất ngày 12 tháng 6. Món quà của Đức Thánh Cha sẽ giúp xây dựng lại ngôi làng bị tàn phá của Vrisa.
Món quà của Đức Giáo Hoàng được coi là một cử chỉ đại kết, vì dân số của Lesbos tuyệt đại đa số là các tín hữu Chính Thống Giáo.
8. Giáo Hội Tin Lành Đức lên án chủ trương bài Do Thái của Martin Luther
Tại một cuộc họp của Hội đồng Quốc tế về các Kitô hữu và người Do Thái ở Bonn, Đức Hồng Y Reinhard Marx của tổng giáo phận Munich đã lên tiếng ca ngợi Giáo Hội Tin Lành ở Đức, một cơ cấu bao gồm 20 tổ chức Tin Lành Lutheran và các giáo phái Tin Lành khác, đã mạnh mẽ lên án chủ trương bài Do Thái của Martin Luther.
Đức Hồng Y nói:
“Điều này khuyến khích chúng ta tiếp tục con đường đối thoại này với sự kiên nhẫn và bền đỗ”.
Trong cuốn “Về người Do Thái và sự dối trá của họ” xuất bản năm 1543, Luther kêu gọi các tín hữu Tin Lành đốt phá “các hội đường Do Thái, và các trường học; sau đó chôn vùi hay che phủ với cát bụi bất cứ điều gì chưa bị đốt cháy, để không người nào có thể nhìn thấy một lần nữa một hòn đá hoặc cục than nào còn sót lại.”
Trong cơn điên cuồng chống người Do Thái, Luther còn viết:
“Tôi cũng đề nghị rằng ngoài ra nhà cửa của họ cũng phải bị san bằng và phá hủy. Tôi cũng đề nghị rằng người Do Thái không được dùng những chỗ trú ngụ dọc theo các con đường.”
Theo: Vietcatholic.org