Video: Giáo Hội Năm Châu 20 – 26/19/2015

Video: Giáo Hội Năm Châu 20 – 26/19/2015

Tin Giáo Hội Hoàn Vũ - Oct 26/10/2015

 Giáo Hội Năm Châu 20 – 26/19/2015: Chuyến tông du 3 nước Phi Châu của Đức Thánh Cha Phanxicô

1. Chương trình tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Kenya

Hôm 17 tháng 10, Tòa Thánh đã cho biết chi tiết chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại 3 nước Phi Châu là Kenya, Uganda, và Cộng hòa Trung Phi trong năm ngày bắt đầu từ 25 tháng Mười Một.

Cùng ngày, Đức Tổng Giám Mục Charles Daniel Balvo, sứ thần tại Kenya cũng cho biết chương trình chi tiết chuyến thăm của Đức Thánh Cha tại Nairobi, thủ đô của Kenya.

Lúc 07:45 sáng thứ Tư 25 tháng 11, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành từ phi trường Fiumicino của Rôma để bay đến Nairobi, Kenya

Lúc 17:00 cùng ngày, Đức Thánh Cha đến sân bay quốc tế Jomo Kenyatta ở Nairobi. Một giờ sau đó nghi thức đón tiếp sẽ diễn ra tại dinh tổng thống. Đức Thánh Cha cũng sẽ có buổi nói chuyện với đại diện chính quyền dân sự của Kenya và ngoại giao đoàn

Thứ Năm ngày 26 tháng 11, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ đại diện các tôn giáo bạn vào lúc 8:15 sáng tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Nairobi.

Vào lúc 10:00 ngài sẽ dâng Thánh Lễ trong khuôn viên của trường Đại học Nairobi.

Lúc 15:45, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với hàng giáo sĩ, tu sĩ nam nữ, và các chủng sinh, tại các sân thể thao của trường St. Mary.

Sau đó, lúc 17:30, ngài đến thăm trụ sở Liên Hợp Quốc tại Nairobi.

Thứ Sáu ngày 27 tháng 11, Đức Thánh Cha sẽ thăm khu phố nghèo Kangemi ở Nairobi lúc 8:30 sáng trước khi có cuộc gặp gỡ với giới trẻ tại sân vận động Kasarani lúc 10 giờ.

Sau thánh lễ, ngài sẽ gặp gỡ các Giám Mục Kenya trong phòng khánh tiết của sân vận động lúc 11:15.

Lúc 15:10, tổng thống Kenya sẽ tiễn Đức Thánh Cha bay sang Uganda tại sân bay quốc tế Jomo Kenyatta ở Nairobi.

82.5% trong tổng số 45 triệu dân Kenya theo Kitô Giáo trong đó người Công Giáo chiếm 24% dân số. Người Hồi Giáo chỉ chiếm 11% tại quốc gia. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều nhóm cực đoan Hồi Giáo đã muốn biến Kenya thành một quốc gia Hồi Giáo. Lúc 5:30 sáng ngày thứ Năm 2 tháng 4, tức là thứ Năm Tuần Thánh vừa qua, bọn khủng bố Al-Shabaab với chủ trương nhằm thiết lập một nhà nước Hồi Giáo theo luật Sharia tại Kenya đã gây ra cuộc thảm sát tại Đại Học Garissa, cách thủ đô Nairobi của Kenya 350km về hướng Đông Bắc và cách biên giới với Somali 150km. 148 sinh viên bị giết chết và 79 sinh viên khác bị thương nặng.

Mohamed Mohamud, một thầy giáo người Kenya đã dạy học nhiều năm tại nước này cùng với Abdirahim Abdullahi, đã từng tốt nghiệp Luật Khoa tại đại học Nairobi vào năm 2013 và là con trai của tỉnh trưởng tỉnh Mandera, ở phía Bắc Kenya, giáp biên giới với Kenya đã dẫn đường cho bọn khủng bố Al-Shabaab từ Somali đột nhập vào Kenya gây ra cuộc thảm sát này. Abdirahim Abdullahi bị bắn chết cùng với 3 tên khủng bố khác trong khi Mohamed Mohamud nhanh chân tẩu thoát. Chính phủ trao giải thưởng lên đến 215,000 Mỹ Kim cho ai chỉ điểm dẫn đến việc bắt sống hay giết chết y nhưng đến nay vẫn chưa biết tông tích tên khủng bố này.

Kenya có 4 tổng giáo phận, 21 giáo phận và một miền Giám Quản Tông Tòa.

2. Chương trình tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Uganda

Chặng thứ hai trong chuyến viếng thăm 3 nước Phi Châu của Đức Thánh Cha Phanxicô là nước Uganda. Từ phi trường quốc tế Jomo Kenyatta ở Nairobi sang phi trường quốc tế Entebbe của Uganda mất khoảng 1 giờ bay. Do đó, Đức Thánh Cha sẽ đến thủ đô Uganda vào lúc 16:50 thứ Sáu 27 tháng 11. Sau nghi lễ đón tiếp tại phi trường Entebbe, Đức Thánh Cha sẽ về nghỉ tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở thủ đô Kampala.

Sáng thứ Bảy 28 tháng 11, lúc 08:30, ngài sẽ đến thăm Đền Thánh các vị Tử Đạo của Anh Giáo tại Namugongo trước khi thăm Đền Thánh các vị Tử Đạo của Công Giáo cũng gần đó, là nơi ngài sẽ cử hành Thánh Lễ kính các Thánh Tử Đạo Uganda vào lúc 9:30.

Lúc 15:15, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với giới trẻ tại phi trường Kololo của thủ đô Kampala.

Lúc 17 giờ, Đức Thánh Cha sẽ đến thăm trung tâm bác ái Nalukolongo, trước khi có cuộc gặp gỡ với các Giám Mục Uganda tại Tòa Tổng Giám Mục thủ đô Kampala.

Lúc 19 giờ, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với các linh mục, các tu sĩ nam nữ, và chủng sinh bên trong nhà thờ chính tòa thủ đô Kampala.

Lúc 9 giờ sáng Chúa Nhật 29 tháng 11, ngài sẽ ra sân bay Entebbe để lên đường sang Bangui, thủ đô Cộng Hòa Trung Phi là chặng cuối trong chuyến tông du 3 nước Phi Châu.

Uganda có 31,100,000 dân trong đó 42% là người Công Giáo thuộc 4 tổng giáo phận và 16 giáo phận.

Người dân Uganda thuộc 50 nhóm chủng tộc khác nhau, trong đó đông nhất là bộ tộc Baganda, Bakiga và Banyankore. Cùng vì nhiều sắc tộc như thế, nên ngôn ngữ chính thức tại Uganda là tiếng Anh, ngôn ngữ bán chính thức là Kishwahili, trong khi tiếng Lugana chỉ được dùng trong việc giao dịch buôn bán.

Uganda có đa số dân theo Kitô giáo, trong số này đông nhất 42% theo Công Giáo, tức là gần 12 triệu 700 ngàn tín hữu, tiếp đến là 40% theo Anh giáo, phần còn lại là các giáo phái khác, đặc biệt là các nhóm Pentecostal, 5% theo đạo cổ truyền của Phi châu và sau cùng là 12% theo Hồi giáo.

Ơn gọi linh mục tại Uganda rất đông nhưng thiếu các chủng viện và những phương tiện cần thiết để đào tạo linh mục nên Giáo Hội tại đây vẫn trong tình trạng thiếu linh mục trầm trọng. Theo tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, mỗi một linh mục ở Uganda phải phục vụ số giáo dân nhiều gấp 10 hay 20 lần tại Âu Châu.

Do nhiều nơi không có linh mục coi sóc, năm 2010, một nhóm khoảng 20 người tự xưng là linh mục Công Giáo đã thành lập ra cái gọi là Giáo Hội Công Giáo Tông Truyền Uganda với chủ trương chống lại luật độc thân linh mục, lôi kéo được trên 10,000 người. Leonard Lubega, người lãnh đạo giáo phái này, tự gọi mình là linh mục dù ông ta chưa từng được truyền chức linh mục. Một nhân vật lãnh đạo khác của giáo phái này từng là một linh mục Chính thống giáo, chứ không phải linh mục Công Giáo.

3. Chương trình tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Cộng hòa Trung Phi

Chặng cuối cùng trong chuyến viếng thăm 3 nước Phi Châu của Đức Thánh Cha Phanxicô là tại Cộng hòa Trung Phi. Đây được kể là chuyến tông du nguy hiểm nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô từ trước cho đến nay.

Sáng Chúa Nhật 29 tháng 11, lúc 09:15, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành bằng máy bay từ phi trường Entebbe của Uganda. Ngài sẽ đến sân bay quốc tế M’poko của Bangui lúc 10 giờ sáng và được tổng thống Catherine Samba-Panza, là tổng thống lâm thời của Cộng hòa Trung Phi đón tiếp tại phi trường. Tuy nhiên, nghi lễ đón tiếp chính thức sẽ diễn ra lúc 11 giờ tại dinh tổng thống, là nơi ngài sẽ có bài nói chuyện với các nhà lãnh đạo dân sự và ngoại giao đoàn.

Theo dự trù, lúc 12:15, Đức Thánh Cha sẽ thăm một trại tị nạn của thủ đô Bangui trước khi gặp gỡ với các Giám Mục của Cộng hòa Trung Phi.

Buổi chiều, lúc 16 giờ, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với cộng đồng Tin Lành tại trụ sở của Khoa Thần học Tin Lành Bangui.

Lúc 17 giờ, Đức Thánh Cha sẽ dâng Thánh Lễ với các linh mục, các tu sĩ nam nữ, giáo lý viên, và giới trẻ tại nhà thờ chính tòa thủ đô.

Lúc 19 giờ, Đức Thánh Cha sẽ ngồi tòa giải tội cho một số người trẻ, trước khi chủ sự buổi canh thức cầu nguyện cho hòa bình ở phía trước nhà thờ.

Sáng thứ Hai, 30 tháng 11, lúc 08:15, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với cộng đồng Hồi giáo tại nhà thờ Hồi giáo Trung ương Koudougou ở Bangui

Lúc 09:30, ngài dâng Thánh Lễ tại sân vận động Barthélémy Boganda.

Lúc 12:15, ngài sẽ khởi hành về Rôma tại sân bay quốc tế M’poko của thủ đô Bangui.

Dự kiến lúc 18:45 chiều cùng ngày, Đức Thánh Cha sẽ về đến phi trường Ciampino của Rôma.

Cộng hòa Trung Phi có 5,390,000 dân trong đó 25% là người Công Giáo sinh hoạt trong một tổng giáo phận là tổng giáo phận thủ đô Bangui và 8 giáo phận. Tình hình an ninh tại Cộng hòa Trung Phi là rất đáng lo ngại. Thật vậy, các diễn biến gần đây cho thấy quân Hồi Giáo Seleka đã được tăng viện bởi các nhóm khủng bố quốc tế đặc biệt là từ Cộng Hòa Chad, nơi dung thân của quân Seleka.

Cuộc xung đột tại Cộng Hòa Trung Phi đã bùng lên từ ngày 10 tháng 12 năm 2012 giữa quân đội nước này và phiến quân Hồi Giáo Séléka. Do các yếu tố bất ngờ, đến cuối tháng 12 năm 2012, quân Hồi Giáo đã chiếm được nhiều thành phố và ngày 24 tháng Ba năm 2013 chiếm được thủ đô Bangui. Lãnh đạo phiến quân là Michel Djotodia được đưa lên làm tổng thống.

Quân Hồi Giáo Séléka bắt tay ngay vào việc cướp bóc, hãm hiếp, và thủ tiêu các tín hữu Kitô. Nhóm Hồi Giáo cực đoan này thực hiện âm mưu Hồi Giáo hóa đất nước bằng một cuộc diệt chủng người Kitô Giáo trên một quy mô lớn đến mức chính Michel Djotodia đã bất ngờ tuyên bố từ chức và đào vong ở nước ngoài hôm 10 tháng Giêng năm 2014 để tránh bị bắt đưa ra trước tòa án quốc tế về tội ác chống nhân loại.

Từ tháng Hai năm 2014, quân Séléka như rắn mất đầu đã mất quyền kiểm soát trên hầu hết các thành phố lớn tại Cộng Hòa Trung Phi và phải rút chạy sang Chad. Tuy nhiên, nhóm Hồi Giáo cực đoan này nhận được tăng viện cả về khí tài chiến tranh lẫn nhân sự và đã có khả năng trở lại gây chiến ngay tại thủ đô Cộng Hòa Trung Phi.

4. Ðức Thánh Cha và các Nghị Phụ kỷ niệm 50 năm lập Thượng Hội Ðồng Giám Mục (1965 -2015).

Ðức Thánh Cha Phanxicô cổ võ tinh thần đồng hành của mọi thành phần Dân Chúa, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ðức Chân Phước Phaolô 6 thiết lập Thượng Hội Ðồng Giám Mục.

Ðức Thánh Cha cùng với các nghị phụ đã dành phiên họp toàn thể sáng 17 tháng 10 năm 2015, để tiến hành việc kỷ niệm này, tại đại thánh đường Phaolô 6 ở nội thành Vatican. Hiện diện trong dịp này còn có ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, và nhiều đại diện của thành phần dân Chúa. Một ca đoàn trẻ em trình diễn các bài ca trong buổi lễ.

Lên tiếng trong buổi kỷ niệm, Ðức Thánh Cha Phanxicô nhắc đến sự kiện các vị tiền nhiệm của ngài đều nói đến khả thể cải tiến cơ cấu và tổ chức Thượng Hội Ðồng Giám Mục. Ngài cũng theo chiều hướng đó và muốn đẩy mạnh sự tham dự của Dân Chúa, các giáo dân, tu sĩ và Linh Mục, cũng như các Giám Mục vào tiến trình Thượng Hội Ðồng Giám Mục qua các cuộc tham khảo ý kiến để chuẩn bị cho công nghị Giám Mục thế giới. Giáo Hội đồng nghĩa với “Sinodo” nghĩa là “Ðồng Hành” như thánh Gioan Kim Khẩu đã quả quyết.

Tiến trình đồng hành ấy cũng được biểu lộ qua sự lắng nghe, lắng nghe Dân Chúa, và đi tới cao điểm là lắng nghe Giám Mục Roma, không phải từ xác tín cá nhân của Người, nhưng trong tư cách là chứng nhân tối cao về đức tin của toàn thể Giáo Hội, người bảo đảm sự tuân phục và phù hợp của toàn thể Giáo Hội đối với thánh ý Chúa, với Tin Mừng của Chúa Kitô và Truyền Thống của Giáo Hội”.

Ngoài ra, Ðức Thánh Cha thông báo ngài ghi nhận đề nghị tản quyền “lành mạnh” về địa phương, để các Giáo Hội địa phương cứu xét và giải quyết nhiều vấn đề hơn.

Ðức Thánh Cha cũng nhắc đến đặc tính đại kết của Giáo Hội đồng hành, và ngài nói: “Tôi xác tín rằng, trong Giáo Hội đồng hành, cả việc thực thi quyền tối thượng của Phêrô cũng có thể nhận được ánh sáng rạng ngời hơn. Giáo Hoàng một mình không ở trên Giáo Hội, nhưng ở trong Giáo Hội như một người đã chịu phép rửa giữa những tín hữu đã chịu phép rửa, và trong Giám Mục đoàn như Giám Mục giữa các Giám Mục, đồng thời, trong tư cách là Ngừơi kế vị Tông Ðồ Phêrô, Giáo Hoàng được kêu gọi hướng dẫn Giáo Hội Roma là Giáo Hội chủ trì toàn thể các Giáo Hội trong đức mến”.

Ðức Thánh Cha nhắc lại lời Thánh Gioan Phaolô 2 Giáo Hoàng mong muốn cùng với các Giáo Hội Kitô khác tìm ra một hình thức thực thi quyền tối thượng, tuy không hề từ bỏ điều thiết yếu trong sứ mạng của mình, để mở ra một tình trạng mới”.

5. Tình hình bách hại các Kitô hữu trên thế giới

Tổ Chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ đã công bố một báo cáo về cuộc bách hại các Kitô hữu đang diễn ra ở 22 quốc gia. Báo cáo cho thấy mức độ bách hại là rất cao tại 18 quốc gia.

Báo cáo có đoạn viết:

“Sự sống còn của Giáo Hội tại Phi Châu và Trung Đông bị đe dọa bởi các chính sách thanh lọc sắc tộc có động cơ tôn giáo của các nhóm cực đoan Hồi giáo. Giáo Hội đang bị đẩy ra khỏi khu trung tâm kinh thánh cổ kính của mình thông qua một cuộc di cư khổng lồ – Thiên Chúa giáo đang trong tiến trình biến mất khỏi Iraq có lẽ chỉ trong vòng năm năm nữa thôi.”

Báo cáo cho biết thêm:

“Các chế độ toàn trị như chế độ tại Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đã áp bức giáo dân vì nhận thức cho rằng Kitô giáo được liên kết với phương Tây. Họ là đối tượng cho bọn cầm quyền làm tiền và bóc lột”.

6. Thống kê dân số Công Giáo trên toàn thế giới

Như mọi năm, nhân Khánh Nhật Truyền Giáo, năm nay được tổ chức vào Chúa Nhật 18 tháng 10, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã đưa ra một bức tranh toàn cảnh về tình hình của Giáo Hội khắp nơi trên thế giới. Các con số thống kê được trích từ bản mới nhất của “Niên Giám Tòa Thánh”.

Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2013, dân số thế giới là 7,093,798,000, tăng 70,421,000 người so với cùng thời gian một năm trước. Mức tăng dân số xảy ra trên mọi lục địa, nhiều nhất là châu Á và châu Phi; tiếp theo là Mỹ; châu Âu và châu Đại Dương.

Trong cùng thời gian này người Công Giáo trên toàn thế giới là 1,253,926,000, tăng 25,305,000 người so với năm trước. Mức tăng mạnh nhất là tại châu Mỹ và châu Phi; tiếp theo là châu Á; châu Âu và châu Đại Dương.

Tính đến cuối năm 2012, tỷ lệ người Công Giáo so với dân số thế giới là 17.59%. Con số này là 17.68% vào cuối năm 2013, nghĩa là tăng 0.09 %. Tỷ lệ tăng nhanh nhất là ở châu Phi, châu Mỹ, châu Á, châu Âu trong khi có sự giảm nhẹ tại châu Đại Dương.

Toàn thể Giáo Hội có 2,989 giáo phận, nghĩa là có thêm 8 giáo phận mới tại châu Phi, châu Mỹ, châu Á, châu Âu và châu Đại Dương.

Có 1,871 cứ điểm truyền giáo có các linh mục thường trú, tăng 24 so với năm 2012. Con số gia tăng nhanh nhất là tại châu Phi, châu Á và châu Đại Dương, nhưng giảm tại châu Mỹ và châu Âu.

Giáo Hội có đến 133,869 cứ điểm truyền giáo không có các linh mục thường trú, tăng 3,074 chủ yếu tại châu Phi, châu Mỹ, châu Á và châu Đại Dương; và giảm mất 2 cứ điểm ở châu Âu.

Tính đến ngày 13 tháng 10 năm 2015, có 1,111 miền truyền giáo trực thuộc Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc. Hầu hết là ở châu Phi và châu Á. Tiếp theo là châu Mỹ và châu Đại Dương.

7. Thống kê về hàng giáo sĩ Công Giáo trên toàn thế giới

Tính đến ngày 11 tháng 9 năm 2015, Giáo Hội có 219 Hồng Y trong đó có 118 vị có quyền bầu Giáo Hoàng. Châu Âu có 114 vị trong đó có 54 vị Hồng Y cử tri. Bắc Mỹ có 23 vị trong đó có 15 vị Hồng Y cử tri. Trung Mỹ có 8 vị trong đó có 6 vị Hồng Y cử tri. Nam Mỹ có 26 vị trong đó có 12 vị Hồng Y cử tri. Châu Á có 22 vị trong đó có 14 vị Hồng Y cử tri. Châu Phi có 21 vị trong đó có 14 vị Hồng Y cử tri. Châu Đại Dương có 5 vị trong đó có 3 vị Hồng Y cử tri.

Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2013, Giáo Hội có 5,173 Giám Mục, nghĩa là tăng 40 vị so với năm 2012. Những năm trước, số các Giám Mục triều gia tăng trong khi số các Giám Mục dòng giảm sút. Trong năm 2013, cả hai con số đều tăng lên.

Tổng số Giám Mục triều là 3,945, trong khi số Giám Mục dòng là 1,228. Con số các Giám Mục triều tăng tại tất cả các châu lục, và giảm tại châu Đại Dương. Số lượng các Giám Mục dòng gia tăng tại trên mọi châu lục, và không thay đổi tại châu Đại Dương.

Tổng số linh mục trên thế giới lên đến 415,348 nghĩa là tăng 1,035 vị so với năm 2012. Con số tăng trưởng nhanh nhất là ở châu Phi, châu Mỹ và châu Á; trong khi giảm mạnh ở châu Âu và giảm nhẹ ở châu Đại Dương.

Tổng số linh mục triều là 280,532 vị, nghĩa là tăng 917 vị. Con số tăng trưởng nhanh nhất là ở châu Phi, châu Mỹ và châu Á; trong khi giảm mạnh ở châu Âu và giảm nhẹ ở châu Đại Dương.

Tổng số linh mục dòng là 134,816 vị, nghĩa là tăng 64 vị. Con số tăng trưởng nhanh nhất là ở châu Phi và châu Á; trong khi giảm mạnh ở châu Âu, châu Mỹ và giảm nhẹ ở châu Đại Dương.

Tổng số Phó tế vĩnh viễn trên thế giới là 43,195 vị, tăng 1,091 vị. Con số tăng trưởng nhanh nhất là ở châu Mỹ và châu Âu, trong khi tăng nhẹ ở châu Phi, châu Á và châu Đại Dương

Tổng số nam tu sĩ không có chức linh mục là 55,253 vị giảm 61 vị. Châu Phi giảm 218 vị, châu Âu giảm 133 vị. Nhưng bù lại, châu Mỹ tăng 45 vị, châu Á tăng 167 vị và châu Đại Dương tăng 78 vị.

Tổng số nữ tu trên toàn thế giới là 693,575 chị tăng 8,954 chị. Số nữ tu tăng nhanh nhất là tại châu Phi và châu Á, trong khi giảm ở Mỹ, châu Âu và châu Đại Dương.

8. Thống kê về tình trạng giáo dục Công Giáo trên toàn thế giới

Trong lĩnh vực giáo dục, tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2013, Giáo Hội Công Giáo điều hành 73,263 trường mẫu giáo với 6,963,669 học sinh; 96,822 trường tiểu học với 32,254,204 học sinh; 45,699 trường trung học với 19,407,417 học sinh. Các cơ sở khác của Giáo Hội như Đại Học và Cao Đẳng cung cấp các hình thức giáo dục đa dạng cho 2,309,797 học sinh trung học, và 2,727,940 sinh viên đại học.

Bên cạnh đó, còn có 367,679 giáo dân tham gia vào các hoạt động truyền giáo, tăng 5,191 anh chị em so với năm 2012. Số tăng cao nhất là tại châu Phi, châu Mỹ, châu Á và châu Âu; và giảm nhẹ tại châu Đại Dương.

Giáo Hội còn có một mạng lưới 3,157,568 giáo lý viên. Giảm 13,075 giáo lý viên so với năm 2012. Số giáo lý viên tăng đáng kể ở châu Phi và châu Á, nhưng giảm mạnh ở Mỹ, châu Âu và châu Đại Dương.

Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2013, Giáo Hội có 118,251 đại chủng sinh, giảm mất 1,800 người. Con số gia tăng chỉ xảy ra ở châu Phi, trong khi giảm tại tất cả các châu khác.

Con số đại chủng sinh của các giáo phận lớn là 71,537, của các dòng là 46,714. Chủng sinh của giáo phận tăng tại châu Phi và châu Á, trong khi giảm ở châu Mỹ, châu Âu và châu Đại Dương. Chủng sinh các dòng giảm tại tất cả các lục địa.

Có tổng cộng 101, 928 tiểu chủng sinh, giảm 775 người so với năm 2012.

9. Thống kê về các hoạt động bác ái Công Giáo trên toàn thế giới

Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2013, Giáo Hội điều hành 5,034 bệnh viện, hầu hết là ở châu Mỹ và châu Phi.

Bên cạnh đó còn có 16,627 trạm xá, chủ yếu là ở châu Phi; châu Mỹ và châu Á; 611 trung tâm chăm sóc người bệnh phong, chủ yếu là ở châu Á và châu Phi; 15,518 viện người già, hay những bị bệnh kinh niên hoặc những người khuyết tật, chủ yếu ở châu Âu và Mỹ.

Giáo Hội cũng điều hành 9,770 trung tâm trẻ mồ côi, chủ yếu là ở châu Á; 12,082 nhà trẻ, chủ yếu là ở châu Á và châu Mỹ;

Ngoài ra còn có 14,391 trung tâm tư vấn hôn nhân, chủ yếu là ở châu Mỹ và châu Âu; 3,896 trung tâm phục hồi chức năng xã hội và 38,256 các cơ sở bác ái xã hội khác.

Theo: Vietcatholic.org